Vì thế chuẩn bị cho mình những kĩ năng cần thiết để ứng phó với những thách thức khó khăn trong cuộc sống là điều vô cùng cấp thiết mà không phải ai cũng có thể làm được.
Nóng giận là bản năng, tĩnh lặng là bản lĩnh sẽ giới thiệu cho chúng ta những kĩ năng cần thiết: kiềm chế cơn nóng giận, kìm hãm phần bản năng trong con người mình để có thể chạm tay đến những thành công trong cuộc sống.
Cuốn sách được chia thành 9 phần mỗi phần là những câu chuyện nhỏ, những bài phân tích đắt giá dành cho mọi người, đồng thời trang bị thêm cho mỗi chúng ta những kiến thức cần thiết để có thể làm chủ bản thân mình trong những tình huống khó khăn trong cuộc sống để đưa ra quyết định sáng suốt.
Phần 1: Từ bỏ ham muốn, tu một trái tim thanh tịnh. Tác giả chỉ ra cách để từ bỏ ham muốn và tu dưỡng chính bản thân mình. Điều đầu tiên cần có đối với mỗi người đó là điềm đạm. Điềm đạm là sự điềm tĩnh xuất phát từ nội tâm. Khi điềm đạm bản thân chúng ta sẽ có cái nhìn sáng suốt về cuộc đời và con người. Người có nội tâm điềm đạm là người ngay cả khi mặc một chiếc áo vải, ăn một bữa cơm đậm bạc vẫn có thể an nhàn, thoải mái, không có chút cảm giác khó chịu hay không vui nào.
Sự điềm đạm giúp chúng ta có thể đứng vững vàng trong nghịch cảnh, bằng lòng với hiện tại và cố gắng, nỗ lực cho tương lai. Bên cạnh đó, tác giả cuốn sách còn chỉ ra cho chúng ta hãy bớt ham muốn bởi chính ham muốn là gốc rễ của mọi sự đau khổ, khi chúng ta ham muốn những thứ không phải của chúng ta thì bản thân chúng ta sẽ bị dằn vặt, đau đớn, chính vì vậy :Bớt ham muốn thì tâm trí tĩnh lặng, có chủ kiến nhưng vẫn phải khiêm tốn.
Khi chúng ta gặp phải những khó khăn thường trực trong cuộc sống, điều đầu tiên chúng ta làm là trách móc, đổ lỗi cho hoàn cảnh và vô cùng nóng nảy. Chính sự nóng nảy đó khiến cho chúng ta mất bình tĩnh và để vuột những cơ hội để sửa chữa lại lỗi lầm của mình. Vì thế Đại sư Hoằng Nhất đã chỉ ra rằng: Làm việc kị nhất là nóng vội, nóng vội thì không kịp bố trí công việc của mình, sao có thể ung dung làm việc được?
Phần 2: Tiết kiệm thực phẩm, y phục là vì trân trọng, không phải vì tiếc của. Con người ngày nay luôn lãng phí vật chất một cách vô bổ bởi vì họ sống quá thoải mái và vô tư chính vì thế mà sinh ra thói ích kỉ, chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ đến người khác. Họ có thể vung tay quá trán những đồ vật, những vật dụng mà mình sắm sửa nhưng không bao giờ chịu cho người khác những thứ bỏ đi, chính vì vậy lòng tham của con người lại càng trở nên mạnh mẽ.
Vì thế trong chương này, tác giả chỉ cho chúng ta biết một điều: Sống mà biết đủ là sung túc nhất bởi khi biết đủ chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc và hài lòng với những gì mình đang có, cũng khi biết đủ chúng ta sẽ nghĩ về người khác một cách chân thành và tích cực nhất, khi biết đủ chúng ta sẽ cố gắng tu dưỡng trau dồi nhân phẩm của mình để có thể trở thành một con người tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Đức Phật dạy rằng: Ham muốn của con người không bao có điểm dừng, có được thứ mình muốn rồi lại muốn nhiều hơn nữa, vì vậy con người sinh ra tính ích kỷ chỉ nghĩ cho bản thân mình, thường hẹp hòi với người khác. Với những người biết đủ họ biết đâu là điểm dừng trên đường đời của họ, họ ung dung tự tại, sống thanh thản, không oán trách hay hờn giận. Biết đủ là một trong những biểu hiện của bậc đại trí.
“Được mất do số, lòng không thay đổi” người biết đủ, biết buông bỏ, thì dù cuộc sống không hoàn hảo , không đạt được mục tiêu trọn vẹn thì vẫn cảm thấy cuộc sống này tốt đẹp thậm chí còn biết ơn cuộc đời này đã cho mình những nhận thức mà không phải cứ sống trong đủ đầy mới có.Trong cuộc đời này, mỗi con người được trao phúc khí, nhưng con người hãy khoan hưởng hết những phúc khí mà mình có chỉ nên hưởng ba phần còn lại 7 phần giữ lại cho thế hệ mai sau. Bởi phúc khí phải trau dồi phải tích lũy cho con cháu sau này thì mới mong cho thế hệ sau có được cuộc sống sung túc đủ đầy.
Phần 2 tác giả còn đề cao lợi ích của lao động. Bác Hồ của chúng ta thường nói: Lao động là vinh quang phải chăng người đã từng tìm hiểu Phật pháp và có đồng quan điểm với nhà Phật là lao động giúp con người tĩnh tâm, lao động giúp con người biết được giá trị của công sức và thời gia bỏ ra. Cũng nhờ lao động mà con người mới biết được giá trị thực sự của mình và trân trọng nó tích lũy kinh nghiệm để có thể sáng tạo, phát minh ra những điều mới mẻ phục vụ cộng đồng và cuộc đời.
Phần 3: Bình tĩnh ôn hòa, mới có được nội tâm mạnh mẽ. Trong chương này tác giả bàn về sự nhẫn nhịn- một trong những phần khá thú vị. Con người có được thành công trên đường đời này là nhờ có sự nhẫn nhịn, khi chúng ta nhẫn nhịn chúng ta sẽ có được một cách nhìn thấu đáo, có được một cái nhìn sáng suốt với mọi thứ xung quanh biết lựa chọn thế nào là đúng là sai, là có ích hay vô ích.
Không phải bất cứ người nào cũng có thể nhẫn nhịn được. Bởi nhẫn nhịn là một loại tu hành thâm sâu, cần bỏ chút công sức mới được. Tiếp đến tác giả bàn đến lòng khoan dung, và chúng ta biết trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, ai cũng muốn có cho mình một chỗ đứng tốt trong xã hội, thì họ phải giành giật, bon chen đấu đá, và từ khoan dung không có trong từ điển sống của họ. Càng như vậy mỗi chúng ta khi đọc được cuốn sách này càng phải biết khoan dung và cảm thông cho người khác bởi: Khoan dung không chỉ là một cách thông cảm với người khác, cũng là một cách giải thoát cho bản thân khỏi những buồn phiền, giận hờn vô cớ.
Phần 4: Buông bỏ, buông bỏ, càng buông bỏ càng vui vẻ. Con người hiện đại ngày nay quá mệt mỏi khi phải chạy theo những hào nhoáng, những cám dỗ bên ngoài của cuộc sống. Cuộc chạy đua với mọi người, với thời cuộc như vậy khiến cho họ mệt mỏi, thậm chí kiệt sức và không thể tận hưởng những giá trị của cuộc sống. Sống như vậy chỉ tự gây họa cho chính mình. Vì vậy Đức Phật dạy rằng mỗi chúng ta cần phải biết buông bỏ những thứ không cần thiết chỉ giữ lại những thứ cốt yếu nhất, liên quan mật thiết đến quyền lợi của chúng ta mà thôi.
Chúng ta càng buông bỏ danh vị, tiền tài chúng ta càng cảm thấy nhẹ nhõm và hạnh phúc. Bởi hiện nay có quá nhiều người chạy theo cám dỗ của đồng tiền mà đánh mất chính bản thân mình vì thế nên nhớ rằng: Tiền thực sự quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta, mục đích của việc kiếm tiền là làm cho cuộc sống của chúng ta tốt hơn. Tiền chỉ là phương tiện và công cụ để làm cho cuộc sống của chúng ta thêm phần phong phú, chứ chúng không thể nào đóng vai trò độc tôn, ngự trị chi phối hành động và suy nghĩ của chúng ta. Vì thế mỗi chúng ta: hãy sống trọn những thời khắc quan trọng của cuộc đời, đừng bỏ lỡ cảnh đẹp trước mắt.
Chương 5, chương 6 khuyên mỗi chúng ta hãy tu tâm cho tốt thì đời thong dong đồng thời mỗi chúng ta hãy coi nhẹ phiền nhiễu hồng trần để trong lòng tự tại thanh thản. Muốn tâm hồn thanh thản, trong sáng hãy cố gắng dọn những đống rác trong lòng mình, hãy thực hành việc quét rác mỗi ngày không nghĩ suy mình đang làm việc thấp kém mà hãy nghĩ đơn giản rằng mìn đang dọn những thứ không cần thiết trong cuộc sống của mình. Phật nói những người khất thực, cho dù là người quét rác cũng có năm lợi ích: Một là nội tâm thanh tịnh, hai là khiến tâm của người khác thanh tịnh, ba là ngày ngày hân hoan, bốn là nghề nghiệp chính đáng, năm là khi chết đi rồi được về với trời.
Mỗi chúng ta thường bị những cám dỗ bên ngoài chi phối khiến bản thân cảm thấy mệt mỏi và đau khổ. Vì thế muốn trong lòng ung dung tự tại, thanh thản thì bản thân chúng ta phải cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc mỗi ngày, chính vì thế mà mỗi người hãy cố gắng làm cho tâm hồn trở nên tươi mát trong mỗi khoảnh khắc thời gian để có thể sống vui vẻ và trọn vẹn từng sát na của cuộc đời này. Chúng ta hãy trân trọng cuộc đời và sống nghiêm túc mỗi ngày. Khi chúng ta sống nghiêm túc tức là chúng ta có trách nhiệm với bản thân mình, chúng ta sẽ khiến cho cuộc đời trở nên tươi sáng và đẹp đẽ hơn. Không những vậy nghiêm túc trong những việc chúng ta làm sẽ khiến cho cuộc đời của chúng ta có ích và có giá trị hơn.
Chương 7, 8, 9 những chương cuối cùng của cuốn sách khuyên mỗi chúng ta hãy từ bỏ sự cố chấp thì mới có thể chờ hạnh phúc đến gõ cửa. Bởi: Đời người chỉ là quãng ngày gửi tạm chốn hồng trần, không có gì là không buông bỏ được. Bởi vậy mỗi chúng ta phải học cách buông đi những thứ không cần thiết thì mới có thể sống thanh thản, hạnh phúc trong mỗi ngày.
Chúng ta hãy đề cao lòng nhân đạo, yêu thương con người như yêu thương chính mình, bởi vì khi chúng ta tốt với người khác thì tâm hồn mới thật sự an yên. Hãy luôn mang lòng biết ơn đối với những người giúp đỡ ta và đối với vạn vật, vì chỉ khi làm như vậy chúng ta mới có thêm nguồn năng lượng tích cực lan tỏa với mọi người xung quanh, và nguồn năng lượng này cũng giúp cho chúng ta có được những ngày sống trọn vẹn với niềm vui của chính mình.
Điều cuối cũng cuốn sách muốn nhắn gửi là bản thân chúng ta phải biết khiêm tốn, khi chúng ta khiêm tốn, tự thấy mình là nhỏ bé, cần phải học hỏi thêm nhiều điều từ những người khác thì cũng chính lúc chúng ta đang không ngừng trưởng thành, lớn khôn trên hành trình sống của chính mình. Chúng ta sẽ biết được cách nào để có thể có được hạnh phúc và chúng ta hiểu rõ một chân lý rằng chạy theo hạnh phúc của người khác thì sẽ không bao giờ hạnh phúc.
Nóng giận là bản năng, tĩnh lặng là bản lĩnh giúp chúng ta có những bài học quý giá về cách sống ở đời. Chúng ta như được giác ngộ và học tập thêm từ những vị thiền sư nổi tiếng. Cách sống ở cuộc đời này là vô cũng quân trọng vì thế nếu chúng ta biết sống đúng cách, sống thanh thản thì chúng ta nắm giữ được chiếc chìa khóa vàng để có thể đạt được những đỉnh cao của cuộc sống. Mong rằng bài Review sách sẽ giúp mỗi người đọc có thêm nhiều trải nghiệm và chiêm nghiệm để có thể thành công trong cuộc sống.