Chất huyền thoại dân gian quyện hòa trong câu chuyện tuổi thơ hiện đại.
Là một tác phẩm được viết bởi Kenji Miyazawa, một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng chuyên viết truyện thiếu nhi trong lịch sử văn học Nhật Bản, có thể nói tiểu thuyết Matasaburo – từ phương của gió vừa giữ trọn vẹn chất đồng dao, huyền thoại của văn học dân gian cổ nước Nhật, vừa chứa đựng những chi tiết, triết lý nhân sinh giản dị, nhẹ nhàng mà hết sức hiện đại.
Thật vậy, ngay tựa truyện Kenji Miyazawa đặt cho tác phẩm của mình: Matasaburo – từ phương của gió, ông đã gợi tới một trong những tích truyện cổ xưa của Nhật Bản: Matasaburo là hiện thân của gió, tới từ phương của gió. Gió đi đến đâu làm lay động cây cối, lá cành, nhà cửa,… Gió đi tới đâu sẽ cuốn theo lá khô, quả chín, những giọt nước đọng lại trên tàn cây… và lưu lại nơi gió đến những món quà như kỉ niệm cho lần gặp gỡ. Và xuyên suốt tác phẩm, có bài thơ đồng dao cứ trở đi trở lại trên trang sách như một sợi chỉ đỏ trong kí ức con người về âm thanh, hành động của gió, cũng như hiện thân của gió:
Vi vu vi vu vi vu vù vù
Hãy thổi bay những trái óc chó xanh xanh
Hãy thổi bay những quả mộc qua chua chua
Vi vu vi vu vi vu vù vù.
Cùng yếu tố truyền thống, yếu tố hiện đại đã len lỏi vào trang văn, vào cuộc sống của những con người tại ngôi làng nhỏ này: sự quan tâm cùng ý định khai thác các mỏ molypden trong vùng của những công ty bên ngoài, hoạt động xây dựng cục thầu độc quyền và sản xuất thuốc lá như một hoạt động chuyên canh công nghiệp, việc đánh bắt cá bằng thuốc nổ… Tất cả, làm nên bộ mặt nước Nhật thu nhỏ tại một ngôi làng ven sông vào những năm đầu thế kỷ XX qua các trang viết chưa đầy 100 trang.
Và trên nền chất liệu huyền thoại cùng đời sống đương đại ấy là bóng hình cậu bé Takada Saburo, một hiện thân của quyện hòa giữa một bên là dòng chảy dân gian, huyễn ảo cổ xưa của nước Nhật với một bên là yếu tố hiện đại đang dần du nhập vào đời sống con người nơi đây. Cậu bé, con trai của một nhà khoa học tới từ mảnh đất Hokkaido xa xôi được ví như Matasaburo, hóa thân của gió, đến từ phương của gió vậy.
Takada Saburo là học sinh mới chuyển tới ngôi trường cấp I của một ngôi làng nhỏ ven sông. Saburo đến như mang làn gió mới tươi mát, theo cả hai nghĩa cho cuộc sống vốn bình lặng của những đứa trẻ nơi đây. Ngay ngày đầu nhập học, sự xuất hiện của Saburo đã kéo theo những cơn gió mạnh làm rung cánh cửa sổ của ngôi trường cổ, lưu lại trên bàn người bạn học những viên sỏi xinh đẹp. Ngoại hình của cậu lại quá khác biệt với những người xung quanh: mái tóc đỏ rực, áo khoác kiểu Âu. Và nơi cậu bé tới thì hết sức mơ hồ, vùng nào đó của Hokkaido nhưng là vùng nào của mảnh đất biển gió lộng thổi ấy?
Bởi thế, ngoại hình và xuất thân của Saburo gợi đến nét hiện đại của những đứa trẻ nước Nhật những năm 20, 30 của thế kỷ XX. Nhưng sự bí ẩn trong gốc tích cùng những hiện tượng trùng hợp đến kỳ lạ xung quanh cậu bé lại gợi tới huyền thoại về cậu bé gió, đến bất giờ, đi đột ngột. Chẳng ai biết gió đến từ đâu, cũng chẳng ai rõ gió sẽ tới phương trời nào kế tiếp. Chỉ biết rằng, gió cứ thế luân chuyển mãi chẳng ngừng, như câu chuyện về Matasaburo – từ phương của gió cứ trở đi trở lại như một ký ức tươi đẹp đọng lại mãi trong lòng những đứa trẻ ở ngôi làng nhỏ.
Matasaburo, hiện thân của gió hay chính ngọn gió trong trẻo của tuổi thơ.
Dẫu nói đến yếu tố truyền thống và hiện đại quyện hòa trong cuốn tiểu thuyết Matasaburo – từ phương của gió, dẫu nói rằng đây là câu chuyện gợi lên xã hội Nhật Bản những năm đầu thế kỷ XX thì tới cuối cùng, tác phẩm này của cố nhà văn Kenji Miyazawa vẫn là một sáng tác dành cho trẻ thơ, được viết bởi một nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi.
Vì vậy, không bàn tới những gì quá sâu xa như yếu tố hiện thực của xã hội Nhật Bản ở cấp độ nhỏ như một ngôi làng ven sông thì Matasaburo – từ phương của gió thật sự là những trang văn hết sức trong trẻo của các đứa trẻ tuổi ăn, tuổi lớn, vô âu, vô lo, vô tư, hiếu kỳ, dễ làm quen, dễ kết bạn, dễ nhớ, dễ quên nhưng những gì đã đọng thành ký ức, kỉ niệm thì mãi là hồi ức đẹp trong trái tim và có lẽ là bước đường trưởng thành của chúng sau này.
Trước hết, sự trong trẻo ấy được thể hiện ở ngay cách tác giả xây dựng lên hệ thống nhân vật thực sự trẻ thơ. Trẻ thơ trong lời nói, trẻ thơ trong hành động và trẻ thơ trong chính suy nghĩ nội tâm của những cậu nhóc chỉ trên dưới 10 tuổi. Nếu không phải tuổi trẻ bộc trực, thẳng thắn, nghĩ gì nói đấy không suy nghĩ trước sau, Kasuke đã chẳng có cử chỉ lẫn lời nói đầy phấn khích khi biết tên cậu bé mới chuyển tới lớp học: “Chà chà. Chuẩn không cần chỉnh. Quả nhiên là Matasaburo. – Kasuke vỗ tay, điệu bộ như đang múa may quanh bàn.” Nếu không phải thơ dại thì những cậu nhóc đó đã chẳng vì một chiếc lá thuốc lá hái trộm của cục thầu độc quyền mà cứ nhắc đi nhắc lại câu chuyện đấy với một giọng điệu đầy sợ hãi. Nếu không phải trẻ nhỏ thì chúng đã chẳng thể dễ giận song cũng dễ làm hòa với nhau đến vậy mà chẳng thù ghét hay để bụng điều gì như cuộc tranh luận về tác hại của gió giữa Kosuke với Saburo.
Và cùng với đó, Matasaburo – từ phương của gió còn khắc họa lên những chuyến đi tới thăm nhà bạn bè, những trò chơi có lẽ con người ta chỉ chơi khi tuổi nhỏ: cùng nhau đi hái nho rừng, tặng nhau những trái dẻ tươi, tắm sông, mò sỏi, quỷ bắt… Quả thực, với Matasaburo – từ phương của gió, tác giả Kenji Miyazawa không chỉ cho độc giả thấy ông đã thấu hiểu tuổi thơ cùng tâm lý những đứa trẻ thế nào, mà trang văn ông viết còn là một thế giới được tạo tác lên từ hoài niệm để những ai trưởng thành tìm lại một khoảng trời tuổi thơ đã đánh mất. Về quãng thời gian trong sáng vô ngần ta đã từng quây quần cùng bạn bè vô lo, vô nghĩ chơi đủ những trò mà giờ đây nhìn lại chỉ còn là kỉ niệm một thời quá vãng xa ngái khiến người ta chỉ có thể tiếc nuối, hoài vọng mà thôi.
Bởi vậy, sự trong trẻo trong trước tác Matasaburo – từ phương của gió còn tới từ chính tình cảm những đứa trẻ dành cho nhau: một thứ tình bạn sáng trong tựa giọt sương đọng trên lá biếc, mang theo ở đó tất cả thuần khiết, ngây thơ chẳng vụ lợi. Những đứa trẻ ở ngôi làng nhỏ rất nhanh làm thân với cậu bạn kỳ lạ mới đến, chúng quan tâm tới nhau qua từng suy nghĩ, cử chỉ nhỏ nhặt nhất, chia cho nhau những món quà tuổi thơ, chơi với nhau bằng trọn vẹn thành ý. Và nụ cười trẻ thơ khi những cậu nhóc ấy bên nhau, chính là điều trong trẻo nhất tượng trưng cho tình bạn trên trang văn của Kenji Miyazawa: “Đến nước này thì Saburo nhảy cồ cồ và cười ngất. Cả lũ cùng cười. Cười suốt, không dứt.” “Do bị dồn ép cuống cuồng từ nãy tới giờ nên Kosuke cũng dần dần quên béng cơn tức giận. Và bất giác cậu cũng phá lên cười cùng với Saburo.”
Có thể nói chăng, nếu Saburo chính là Matatasaburo – hiện thân của cơn gió thổi mát lành tới cuộc đời vốn bình lặng nơi những đứa trẻ ở ngôi làng nhỏ ven sông thì chính những đứa trẻ ấy cũng là những cơn gió ấm áp thổi đến cuộc đời Saburo, một đứa trẻ sớm phải sống đời phiêu bạt. Và những cơn gió chứa sự trong ngần thuần khiết ấy cũng thổi tới tâm hồn độc giả, để người ta bồi hồi nhớ về tuổi thơ đã qua, về những người bạn như cơn gió, chợt đến chợt đi trong cuộc đời mà rồi làm ta nhớ mãi.
Nguyen Manh Hung – TOC