[Đọc sách phong cách VNA] Franz Kafka – Nhà văn của những kiếp đời bé mọn

Được coi là một trong những nhà văn tiên phong cho sự cách tân của văn học thời hiện đại và hậu hiện đại, văn chương Franz Kafka bên cạnh những đột phá mạnh mẽ về mặt thi pháp, nghệ thuật; các tác phẩm của ông còn đặc biệt gần gũi mà hướng tới những vấn đề mang tính nhân sinh, phổ quát. Có thể nói chăng, Kafka là một nhà văn hiện đại của những kiếp đời bé mọn.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Franz Kafka – cuộc đời và tiểu sử

Franz Kafka sinh năm 1883 trong gia đình một người Do Thái tại Praha, khi ấy là một phần của đế quốc Áo – Hung. Từ lúc nhỏ, Kafka là một cậu bé rụt rè và nhút nhát. Theo nguyện vọng của người cha – Hermann Kafka cùng gia đình, ông đã thi và đi học chuyên ngành Luật tại Đại học Karl ở Praha, hứa hẹn tương lai sẽ trở thành một luật sư danh tiếng. Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ vào năm 1906, cậu bé Kafka – khi này đã trở thành chàng thanh niên Franz Kafka vào làm việc trong ngành bảo hiểm hơn 10 năm.

Mặc dù đi theo nguyện vọng gia đình trong việc chọn nghề và suốt quá trình làm việc, Kafka luôn tận tâm với công việc nhưng niềm đam mê văn chương luôn thôi thúc ông viết. Kafka bắt đầu dành quỹ thời gian rảnh rỗi ít ỏi của mình cho việc viết văn và ông luôn cảm thấy hối tiếc vì đã dành nhiều thời gian cho “công việc hàng ngày”.

Ông bắt đầu có những truyện ngắn được đăng báo nhưng khi còn đương thời, văn chương của Kafka không được đông đảo công chúng bạn đọc công nhận và ông không thể xuất bản được một cuốn tiểu thuyết vào thời điểm đó.

Kafka mất năm 1924, sau bảy năm ông phát hiện mình mắc bệnh lao – một trong tứ chứng nan y bấy giờ – vào năm 1917. Trước khi qua đời, ông đã giao toàn bộ bản thảo của mình cho người bạn thân là Max Brod và dặn Max Brod hãy tiêu hủy chúng. Nhưng Max Brod đã không làm vậy. Một thời gian sau khi Kafka mất, chính Max Brod là người đã giúp ông đưa những tác phẩm này đến với công chúng. Vụ án, Lâu đài, Kẻ mất tích,… cùng các tác phẩm nổi tiếng khác của Kafka lần lượt được xuất bản.

alt text
Franz Kafka – Nhà văn của những kiếp đời bé mọn (Ảnh: blue_dragonfly611)

Franz Kafka – Ám ảnh về mặc cảm nỗi đau

Theo dịch giả Đinh Bá Anh, người đã dịch cuốn sách: Thư gửi bố của Kafka đã nói trong sự kiện mở đầu Festival Kafka ở Hà Nội, Kafka là một người luôn mang một mặc cảm tội lỗi rất lớn với gia đình. Trong tương quan với người cha, người đàn ông trụ cột trong gia đình, thì ông luôn cảm thấy mình không làm được như vậy. Cảm giác thua thiệt tạo nên mặc cảm tội lỗi và với Kafka, “viết văn là viết văn trong ý thức về tội lỗi”.

Bởi thế, kiểu nhân vật mang mặc cảm tội lỗi thường xuyên trở đi trở lại trong văn chương của Kafka. Từ những lá Thư gửi bố tới những cuốn tiểu thuyết như Vụ án, Lâu đài; từ truyện vừa Hóa thân đến những truyện cực ngắn như Trước cổng pháp luật, Người canh gác; độc giả đều sẽ dễ dàng bắt gặp những nhân vật luôn lo âu rằng bản thân mắc lỗi, bản thân phạm phải tội lỗi nào đó.

Gregor Samsa (nhân vật chính trong truyện vừa Hóa thân) khi thức dậy và thấy mình biến thành con bọ, điều đầu tiên anh ta ý thức không phải việc tại sao bản thân lại biến thành bọ mà ý thức đầu tiên của anh ta là ý thức tội lỗi của một nhân viên không thể đi làm. Hay nhân vật tôi trong Người canh gác: “Tôi chạy qua người canh gác thứ nhất. Thế rồi sợ hãi, tôi chạy ngược trở lại và nói với người canh gác: “Tôi đã chạy qua đây lúc ông đang nhìn đi chỗ khác”. Người canh gác nhìn chằm chằm về phía trước chẳng nói năng gì. “Tôi nghĩ đúng ra mình không nên làm như vậy”. Tôi thưa. Người canh gác vẫn không nói gì hết. “Ông im lặng nghĩa là tôi được phép đi qua phải vậy không?”

Cùng mặc cảm tội lỗi, những mặc cảm về nỗi đau cũng là tầng sâu ẩn ức trong văn chương của Kafka. Bản thân Kafka đã mang quá nhiều đau thương: nỗi đau bệnh tật, mối quan hệ với người cha có phần nghiêm khắc và tàn nhẫn, thân phận người Do Thái,… Mặc cảm tội lỗi kéo dài dẫn đến những nỗi đau về mặt tinh thần tạo nên cảm giác hổ thẹn rợn ngợp.

Không chỉ vậy, thời đại Kafka sống là một thời đại đầy biến động; bản thân ông đã làm việc trong ngành luật, bảo hiểm hơn 10 năm, tiếp xúc với đủ mọi tầng lớp nên càng thêm hiểu thấu nỗi đau xã hội. Những trang nhật kí của Kafka tràn ngập những dòng viết về thân thể và bệnh tật. Những tác phẩm của ông tràn ngập hình ảnh kiếp người bé mọn, cô đơn, lạc lõng trong chuyến hành trình bất định của cuộc đời: một anh chàng tên K tìm đường vào “lâu đài” trong vô vọng; bác nông dân đến trước cửa pháp luật và đã chết ngay trước cửa pháp luật.

Trang văn của Kafka không cốt dùng sự trúc trắc trong ngôn ngữ để thu hút độc giả mà ông đã dùng chính những trải nghiệm về tâm hồn, thể xác của ông trong những mối tương quan đa chiều khác nhau của cuộc sống đương thời để tái hiện lên bức tranh một xã hội với tất cả bất ổn và sự bất công đè nén lên các kiếp người bé mọn.

Nguyen Mai Anh – NCS

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.