Biển của mỗi người – Biển của những chữ thật đẹp ùa vào lòng những con sóng nhẹ nhõm, thênh thang.
Nhiều người biết đến Nguyễn Ngọc Tư qua Cánh đồng bất tận. Nhưng bên cạnh tác phẩm đầy ám ảnh đến thế, chị Tư còn cả kho tàng truyện ngắn, tản văn đẹp vô ngần. Có thể kể đến như Ngọn đèn không tắt (2000); Biển người mênh mông (2003), Yêu người ngóng núi (2009), Khói trời lộng lẫy (2010), Gáy người thì lạnh (2012)… Biển của mỗi người cũng là một trong số đó.
Tập tản văn được xuất bản năm 2015, đẹp từ câu chữ, đẹp từ ý nhìn, đẹp những tâm tư gửi gắm trong trang viết, đẹp trong cả những nỗi buồn lay lắt về kiếp nhân sinh con người cứ đeo bám dai dẳng chữ nghĩa Nguyễn Ngọc Tư suốt bao năm.
Chỉ độ 2 chục tản văn và truyện ngắn đan xen, ta thấy qua Biển của mỗi người những mảnh đời hiện ra khi sáng khi tối, những niềm vui khi nở khi tàn, nụ cười khi tròn khi méo. Người đọc khi thảng thốt nhận ra mình vừa đánh rơi cái gì quý giá, khi lại bồi hồi nức nở trôi lại tuổi thơ, lúc lại bâng khuâng trước một sự đối đãi ấm áp chân tình của một người dưng nước lã. Càng đọc, lại càng thấy chứa chan, da diết.
Biển của mỗi người – Nguyễn Ngọc Tú
Những cái mầm xanh gieo vào đời sống vội
Xã hội càng hiện đại, Biển của mỗi người lại càng là viên ngọc quý, là mảnh vườn đầy những trái ngọt đầu mùa, để ta sà vào mà hái, mà nằm, mà ngả ngớn tận hưởng mùi cỏ thơm an lành, ngửa mặt cho trời xanh thanh thản chảy vào lòng, để mà từ đó biết tiếc, biết buồn thay cho cả một thế hệ đã lỡ mất những cái đẹp tinh khôi này.
Đó là cả một triền tuổi thơ ủ thơm trong mùi rơm rạ mới. Thấy ta đang nô đùa với trong cái xóm nhỏ ngó ra con kinh nghiêng chắt nước lên đồng, thấy đứa nhóc đen thui với cái xương vai nhô lên bén ngót lấp ló qua cái bờ tre cong muốn vẹo lòng. “Để rồi mỗi lần cây so đũa rụng bông trắng xoá một góc đường báo tin mùa rơm mới, lại buồn bã không một sân ga, một bến tàu nào đưa con mình về thẳng cánh đồng tháng 9 xôn xao rơm rạ cùng mình. Con chỉ có thể loanh quanh trong căn phòng chật, mòn quẩn với đồng đồ chơi nhựa và những cổ tích kể lại. Ý nghĩ đó làm tôi muốn khóc!”
Người đau đáu trước những phận người
Đi suốt bao nhiêu năm cầm bút, mỗi tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư vẫn đều dấm dứt mỗi nỗi xót thương. Trong Biển của mỗi người, hiện lên bao chân dung: Người phụ nữ có chồng lấy tiền đi nuôi gái vẫn kiên trì chạy xe ôm khắp các ngõ hẻm Sài Gòn nuôi gia đình; những anh hiệp sĩ được báo chí ngợi ca, nhưng ai thấy cái ám ảnh về đau đớn của da thịt bị xé rách, còn cái ám ảnh là sự thất vọng, tuyệt vọng khi nhận ra cái tốt sao mà nhỏ nhoi, lẻ loi, yếu đuối, cô đơn phía sau máy quay… Nhưng con người ấy, là hàng xóm của ta, là anh em hoặc người ta quen biết, nhưng đã bao giờ ta nhìn đủ sâu để đủ hiểu những cuộc đời ấy hay chưa.
Những con chữ chẳng kỳ vọng sẽ đem lại phép màu nào cho những xót thương ấy, nhưng nó là ánh sáng chiếu rọi vào để ta nhìn thấy và ít nhất biết rằng nó tồn tại, ít nhất không thờ ơ, ít nhất nhen nhóm một sự thay đổi nào đó trong chính mình, để mà đời mình tốt đẹp hơn.
Thực sự, đã lâu rồi, không tìm lại được những trang viết đẹp đến vậy. Từng chữ như trái chuối hương, trái na dai đầu mùa được trông chờ, được vun xới bằng thời gian, lại được hái, được dấm chín rồi mới hái xuống và cho đem cho người.
Phong Châu – VIAGS