Kỷ vật vô giá của Đoàn bay 919 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Hai chiếc máy bay IL14 và AN-26 trong trong hàng chục loại máy bay thuộc về đội hình máy bay di sản đã hoàn thành sứ mệnh chiến đấu, phục vụ chiến đấu và vận tải của Trung đoàn không quân 919 năm xưa – Đoàn bay 919, Vietnam Airlines ngày hôm nay được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Ngày 01/11 vừa qua, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam bắt đầu mở cửa đón khách tham quan. Bảo tàng là một trong 6 bảo tàng quốc gia và là bảo tàng đứng đầu hệ thống các bảo tàng trong quân đội với nhiều bảo vật quốc gia. Bảo tàng là một công trình lớn có diện tích 38,6ha và là nơi lưu giữ, trưng bày hơn 150.000 hiện vật, chia thành các khu vực trưng bày tương ứng với từng thời kỳ lịch sử của dân tộc.

Thu hút sự quan tâm của khách ngay khi bước vào Bảo tàng là khu trưng bày hiện vật trên quảng trường với rất nhiều xe tăng và máy bay. Đặc biệt, các cựu chiến binh, phi công, CBNV Đoàn bay 919 khi tới thăm nơi đây sẽ vô cùng tự hào và xúc động khi được chiêm ngưỡng 2 chiếc máy bay IL14 và AN-26, hai trong trong hàng chục loại máy bay thuộc về đội hình máy bay di sản đã hoàn thành sứ mệnh chiến đấu, phục vụ chiến đấu và vận tải của Trung đoàn không quân 919 năm xưa – Đoàn bay 919, Vietnam Airlines ngày hôm nay.

Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam bắt đầu mở cửa đón người dân vào tham quan từ ngày 01/11/2024 (Ảnh Báo QĐND).

Ngày 01/5/1959, tại sân bay Gia Lâm, Trung đoàn Không quân vận tải 919 được thành lập. Đây là Trung đoàn Không quân đầu tiên, và là đơn vị bay đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đại đội bay đầu tiên của Trung đoàn 919 có 3 trung đội có mặt ngay từ những ngày đầu mới thành lập, gồm: IL14, Li2 và AN2… Trung đội bay IL-14 thời điểm năm 1959 có 4 chiếc máy bay IL-14. Phát triển nhanh chóng, đáp ứng kịp thời yêu cầu của Quân đội, cho đến năm 1965, đội bay IL-14 được nâng cấp thành Tiểu đoàn IL-14 và quản lý đội máy bay lên tới 13 chiếc IL-14.

Thu hút sự quan tâm của khách ngay khi bước vào Bảo tàng là khu trưng bày hiện vật trên quảng trường với rất nhiều xe tăng và máy bay (Ảnh Báo QĐND).

Chiếc máy bay IL-14 số hiệu VN482 là chiếc máy bay IL-14 đầu tiên của Trung đoàn Không quân vận tải 919, do Chính phủ Liên Xô tặng Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Đây là một trong số 5 máy bay Liên Xô viện trợ cho Việt Nam đầu năm 1957 (gồm 1 chiếc IL-14, 1 chiếc Mi-4, 1 chiếc AN-2, 2 chiếc Li-2). Đặt kế bên vị trí chiếc máy bay IL-14, là máy bay An-26 của Trung đoàn Không quân 918. Đây cũng là loại máy bay mà Đoàn bay 919 đã khai thác vận chuyển hành khách, hàng hóa, và phục vụ an ninh quốc phòng từ những năm 1980. Sau năm 1986, Đoàn bay 919 đã bàn giao lại toàn bộ đội tàu bay An-26 cho Quân đội quản lý, sử dụng. 

Mỗi phi công, CBNV Đoàn bay 919 khi tới thăm nơi đây sẽ vô cùng tự hào và xúc động khi được chiêm ngưỡng những chiếc máy bay di sản đã hoàn thành sứ mệnh chiến đấu, phục vụ chiến đấu và vận tải của Trung đoàn không quân 919 năm xưa – Đoàn bay 919 ngày hôm nay.

Máy bay IL-14 là máy bay vận tải hạng nhẹ, do Liên Xô sản xuất, sức chở từ 26 đến 36 người với vận tốc lớn nhất 415 km/h, độ cao lớn nhất 6.500m và tầm bay xa nhất 1.700 km. Máy bay IL-14 là máy bay buồng hở, có 2 động cơ tuốc bin cánh quạt, không có rada trên không, không có thiết bị hỗ trợ hạ cánh. Đặc biệt, điều khiển loại máy bay này rất khó, quá trình lái hoàn toàn bằng cơ năng. Việc điều khiển máy bay chủ yếu do trình độ người lái.

Máy bay IL-14 số hiệu VN 482 của Trung đoàn 919 được đặt trang trọng trước Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ mãi là kỷ vật – Dấu ấn vô giá minh chứng cho một thời kỳ lịch sử hào hùng của Không quân và Hàng không nước nhà.

Máy bay IL-14 só hiệu VN 482 là chiếc máy bay Trung đoàn Không quân vận tải 919 sử dụng bay chuyên cơ phục vụ Bác Hồ và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội… đi công tác trong và ngoài nước trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nội thất trong máy bay được trang bị hết sức đặc biệt, gồm: Một chiếc giường kích thước 1,2m, một bàn làm việc và 2 ghế ngồi, 4 chiếc ghế phụ hàng sau, phía đuôi máy bay là bồn rửa mặt và khu vệ sinh, sàn máy bay được trải thảm.

Bác Hồ chụp ảnh với tổ bay chuyên cơ IL-14 sau chuyến thăm Trung Quốc về sân bay Gia Lâm – năm 1962

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập và suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đội bay IL-14 thuộc Trung đoàn Không quân vận tải 919 đã thực hiện nhiều chuyến bay vận tải hành khách, hàng hóa góp phần khôi phục nền kinh tế miền Bắc; phục vụ bay huấn luyện, bay vận tải quân sự và tham gia chiến đấu lập được nhiều thành tích vẻ vang trong lịch sử Không quân vận tải – Hàng không dân dụng Việt Nam. 

Trong Chiến dịch Mậu Thân Mùa Xuân 1968, máy bay IL-14 được cải tiến vũ trang có mật danh T-14 được lắp lắp thêm giá treo bom và giàn phóng cối. Các phi công đội máy bay T-14 đã trực tiếp tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Mậu Thân Mùa Xuân 1968, mặt trận Trị Thiên – Huế, trận đánh căn cứ Mang Cá… với một khí phách anh hùng và quyết tâm “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Mặc dù bay chiến đấu trong điều kiện thời hết sức khó khăn, thời tiết quá xấu, đường xa, tốc độ máy bay chậm, hỏa lực phòng không, máy bay địch uy hiếp, nhưng vẫn kiên quyết chấp hành nhiệm vụ dù biết có thể hy sinh. Đi một lần không được, tiếp tục đi lần hai, lần ba…

Có những chiến dịch, ngay đêm đầu đã có tổ bay không về. Các tổ bay vẫn không hề nao núng tinh thần, không lùi bước, quyết tâm khắc phục khó khăn, gian khổ, hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó… Chỉ tính riêng năm 1968, 25 phi công đội bay IL-14 đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường. Các anh đã vĩnh viễn hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Tên, tuổi các anh hùng liệt sĩ phi công khắc sâu vào truyền thống lịch sử anh hùng của Không quân Nhân dân Việt Nam và của Đoàn bay 919.

Các tổ bay IL-14 (T14) trước khi bay tham gia chiến đấu trên chiến trường Trị Thiên Huế, Xuân Mậu Thân 1968

Năm 1989, ngành Hàng không dân dụng Việt Nam có sự chuyển đổi cơ chế quan trọng, tách hoàn toàn khỏi Quân đội. Năm 1990, các cán bộ, chiến sĩ, sĩ quan lái máy bay của Đoàn bay chuyển ngành tại chỗ, trở thành những cán bộ nhân viên và người lao động Đoàn bay 919 trực thuộc Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam và ngày nay là Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

Hiện nay, Đoàn bay 919 của Vietnam Airlines, đã có những bước phát triển vượt bậc, lực lượng người lái máy bay đã lớn mạnh với hơn 1.000 phi công. Các phi công Đoàn bay 919 đã làm chủ công nghệ điều khiển những đội máy bay tân tiến, hiện đại bậc nhất thế giới như Boeing 787, Airbus 350, Airbus 320/321… với mạng đường bay dày đặc trong nước, khu vực và vươn tầm các đường bay quốc tế đến Châu Á, Châu Âu, Châu Úc và Châu Mỹ…

Những kỷ vật vô giá ấy sẽ nhắc nhớ lớp lớp hậu duệ của Trung đoàn năm xưa về lịch sử anh hùng

Dấu ấn chiếc máy bay IL-14 số hiệu VN 482 của Trung đoàn 919 được đặt trang trọng trước Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ mãi là kỷ vật – Dấu ấn vô giá minh chứng cho một thời kỳ lịch sử hào hùng của Không quân và Hàng không nước nhà. Những kỷ vật vô giá ấy sẽ nhắc nhớ lớp lớp hậu duệ của Trung đoàn năm xưa về lịch sử Anh hùng được xây dựng và trưởng thành thành từ Quân đội với những chiến công vang dội, với những tấm gương anh hùng được Tổ quốc ghi công. Đoàn bay 919 sẽ luôn trở thành niềm tự hào Quân chủng Phòng không – Không quân trong những giai đoạn trước đây và của Vietnam Airlines hiện nay.

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.