Thủ đô Hà Nội – trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước có rất nhiều địa danh, di tích lịch sử, di tích văn hóa và cách mạng, trong đó phải nói đến Quảng trường Ba Đình lịch sử. Nơi đây, 79 năm trước Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cùng với việc gìn giữ và phát huy giá trị Khu di tích Phủ Chủ tịch, Đảng và Nhà nước Việt Nam quyết định xây dựng Lăng Bác ngay trên Quảng trường Ba Đình. Lăng Bác được khởi công xây dựng ngày 2/9/1973, khánh thành ngày 29/8/1975, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Khu Di tích Phủ Chủ tịch tại Hà Nội, là nơi sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (từ 19/12/1954 đến ngày 2/9/1969), được Bộ Văn hóa Thông tin ra quyết định xếp hạng là Khu Di tích ngày 15/5/1975. Công trình đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh sách xếp hạng là một trong 23 Di tích quốc gia đặc biệt.
Cách đây hơn 1 tháng, nhân kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9, 70 năm Giải phóng Thủ đô, Phủ Chủ tịch đã được trang trí bằng hệ thống ánh sáng mới, sử dụng đèn hắt sáng vàng giữ nguyên màu sắc nhưng vẫn làm nổi bật họa tiết, hoa văn, bố cục tòa nhà.
Cột cờ Hà Nội ở số 28A đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, nằm trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Công trình xây dựng trên nền đất cũ của thành Tam Môn thời Lê trong Hoàng thành Thăng Long.
Cột cờ được khởi công xây dựng từ năm 1805 dưới thời nhà Nguyễn và mất 7 năm để hoàn thành. Từ đó tới nay, trải qua hơn 200 năm lịch sử, Cột cờ Hà Nội đã gắn liền với bao thăng trầm của Thủ đô.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Cột cờ Hà Nội được sử dụng như một đài quan sát khu vực nội và ngoại thành. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, lần đầu tiên quốc kỳ Việt Nam – cờ đỏ sao vàng được tung bay trên đỉnh Kỳ đài này.
Năm 1954, lá cờ đỏ sao vàng lần nữa được cắm lên đỉnh cột cờ, cũng chính là lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp hoàn toàn thắng lợi. Năm 1989, Cột cờ Hà Nội được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia.
Một di tích đáng chú ý khác ở quận Ba Đình là Tháp nước Hàng Đậu. Công trình được người Pháp xây vào năm 1894, tọa lạc tại ngã 6 các tuyến phố Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Quán Thánh và Phan Đình Phùng. Tháp có hình trụ tròn cao khoảng 25m với phần mái chóp nhọn, dung tích 1.250m3, tiếp nhận nước từ nhà máy nước Yên Phụ rồi đưa lên két chứa trên tầng cao nhất để tạo thế năng đưa vào hệ thống ống dẫn tới khu trung tâm thành phố.
Năm 2023, tại khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội do UBND TP Hà Nội cùng Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức, lần đầu tiên Tháp nước Hàng Đậu được mở cửa miễn phí cho du khách vào bên trong tham quan.
Nói đến Hà Nội không thể không nhắc tới hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm) có diện tích khoảng 12ha, chu vi đường quanh hồ khoảng 1,7km. Trước đây, vào thời phong kiến, hồ được biết đến với tên gọi là hồ Lục Thủy do có màu nước xanh đặc trưng. Ngoài ra, nơi đây còn là địa điểm nhà vua dùng để duyệt binh thủy quân nên người xưa hay gọi là hồ Thủy Quân.
Với tuổi đời hơn 150 năm, tháp Rùa hồ Gươm không chỉ là biểu tượng du lịch mà còn khơi gợi về những nét đẹp văn hóa, lịch sử.
Thiết kế của tầng đỉnh tháp như một vọng lâu, có hình vuông, mỗi bề dài 2m. Ở mặt tường phía đông, bên trên cửa tròn có đường kính khoảng 0.68m. Bên ngoài tháp có chữ Quy Sơn Tháp. Tổng chiều dài từ gồ đất lên đến tầng đỉnh là 8.8m.
Trên hồ Hoàn Kiếm còn có ngôi đền Ngọc Sơn linh thiêng. Đền được xây dựng từ thế kỷ 19. Trong lần đại trùng tu vào năm 1865, nhiều công trình ý nghĩa được xây dựng thêm quanh đây gồm đình Trấn Ba, cầu Thê Húc, tháp Bút và Đài Nghiên. Vào các dịp lễ, Tết hoặc các ngày đặc biệt trong năm, du khách thường tới đền Ngọc Sơn để dâng lễ, xin lộc, cầu bình an và may mắn.
Cầu Thê Húc được xây dựng vào năm 1865 dưới triều Tự Đức. Tên của cây cầu có nghĩa là “giọt ánh sáng đậu lại”, “ngưng tụ hào quang”. Cầu hướng về phía đông (hướng mặt trời mọc) để đón được trọn vẹn ánh nắng sớm mai. Phía đông cũng tượng trưng cho phúc khí và điềm lành, hơn nữa màu đỏ trong dân gian tượng trưng cho sức sống, hỷ khí nên cây cầu được sơn màu đỏ.
Xung quanh hồ Gươm có một số công trình của các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước đã nhiều năm tuổi. Một trong những vị trí đẹp nhất tại đây là trụ sở UBND TP Hà Nội tại số 79 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm. Tòa nhà được xây dựng giai đoạn 1985-1987 với diện tích trên 5.500m2, tổng diện tích sàn hơn 16.000m2. Đây là nơi làm việc của bộ máy chính quyền địa phương, nơi diễn ra các cuộc họp HĐND Thành phố, thực hiện công việc và các nghi thức đối ngoại, đón tiếp và giải quyết yêu cầu của mọi tổ chức, cơ quan và nhân dân.
Cách trụ sở UBND TP Hà Nội chưa đầy 100m là Bưu điện Hà Nội. Công trình được người Pháp quy hoạch làm không gian trung tâm của Thủ đô từ cuối thế kỷ 19. Tòa nhà có thiết kế đơn giản với 4 dãy nhà 2 tầng, sử dụng cầu thang gỗ, gắn đồng hồ trên mái, mặt chính nhìn ra phố Đinh Tiên Hoàng và mặt còn lại hướng về phố Lê Thạch. Tháng 10/2015, dòng chữ “Bưu điện Hà Nội” đã được thay bằng “VNPT Hà Nội”.
Cột đồng hồ trên nóc Bưu điện Hà Nội được xây dựng cùng tòa nhà 75 Đinh Tiên Hoàng từ năm 1976, nhưng đến năm 1978 chính thức hoạt động. Đồng hồ có thiết kế 4 mặt, mỗi mặt rộng 4,5m2, kim giờ dài 1,35m, kim phút 1,65m.
12h trưa 2/9/1978, đồng hồ ngân lên âm điệu của bài “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”. Nó thường đánh nhạc vào 6h, 12h – 18h và chuông kêu từ 6h đến 22h hàng ngày. Hơn 45 năm qua, cột đồng hồ đặc biệt này đã trở thành một biểu tượng của Thủ đô.
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục là điểm giao thoa của 5 con phố nổi tiếng bao gồm Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Đào, Hàng Gai và Cầu Gỗ. Trước đây, khu vực này vốn là một bãi đất trồng dừa, được người Pháp trưng dụng để làm quảng trường trung tâm.
Năm 1907, các sĩ phu yêu nước đã xây dựng ngôi trường mang tên Đông Kinh Nghĩa Thục trên mảnh đất này để dạy chữ Quốc ngữ cho học trò. Năm 1954, người Pháp cho quy hoạch lại và xây dựng đài phun nước ở vị trí trung tâm quảng trường rồi trải qua nhiều sự thay đổi để có được diện mạo như ngày nay.
Bắc Bộ phủ, nay là Nhà khách Chính phủ (12 Ngô Quyền, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm), là một di tích lịch sử – văn hóa quan trọng của Hà Nội. Đây là nơi ghi dấu cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền (19/8/1945) của nhân dân Thủ đô, cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống, làm việc sau Cách mạng Tháng Tám cho đến ngày Toàn quốc kháng chiến.
Hơn một thế kỷ qua, Bắc Bộ phủ – Nhà khách Chính phủ đóng vai trò như một “chứng nhân” bao thăng trầm lịch sử của Hà Nội.
Quảng trường Cách mạng Tháng Tám (còn được gọi là Quảng trường 19-8) nằm ngay trước mặt Nhà hát Lớn Hà Nội, quận Hoàn Kiếm. Vào năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã nổi dậy với cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước.
Nhà thờ Lớn Hà Nội (nay là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Hà Nội) được xây dựng vào thời Đức cha Puginier (1835-1892). Nhà thờ được xây dựng mô phỏng theo nhà thờ Notre Dame de Paris trên một mặt bằng hình thập tự dài 55m, rộng 33m, có hai tháp chuông đồ sộ, đáy vuông cao 17m, có nhiều cửa uốn vòm lắp kính.
Đây là một trong những công trình đầu tiên do người Pháp xây dựng ở Hà Nội và là một trong số rất ít những công trình cổ nhất thời thuộc địa còn lại đến ngày nay.
Trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm tại ngã 4 Lê Thái Tổ – Bà Triệu – Hàng Khay – Tràng Thi được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 theo phong cách kiến trúc Pháp. Dòng chữ “Commissariat de Police” bằng tiếng Pháp (dịch nghĩa là Sở Cẩm) hiện vẫn được lưu giữ và nằm trên cổng trụ sở.
Cũng tại quận Hoàn Kiếm còn có một địa danh có nhiều giá trị văn hóa, lịch sử nhất đất Hà thành, đó là chợ Đồng Xuân. Sử sách ghi lại, vào năm 1804, triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng một khu chợ ở phía Nam sông Tô Lịch để tiện cho việc giao thương buôn bán của tàu thuyền. Đến năm 1889, sau khi sông Tô Lịch và hồ Thái Cực bị lấp, chính quyền Pháp đã quy hoạch và dồn hàng quán vào một khu đất trống ở phường Đồng Xuân. Năm 1890, người Pháp xây chợ với tổng diện tích 6.500m2 theo kiến trúc Pháp với 5 nhà cầu, 5 phần tam giác trổ lỗ tổ ong và 5 vòm cửa.
Với tuổi đời lên đến 1500 năm, Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, từng vinh dự lọt Top “10 ngôi chùa đẹp nhất thế giới”. Chùa Trấn Quốc theo hệ phái Bắc Tông. Bên trong điện chùa thờ Phật a di đà, Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật Bà Quan Âm. Chùa cũng có ban thờ Quan Bình, Quan Vũ, Chu Thương, Đức ông và các thị giả.
Năm 1962, chùa Trấn Quốc được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia. Đối với Phật giáo Việt Nam, công trình thực sự là một niềm tự hào, là di sản quý giá sở hữu nét đẹp về kiến trúc, lịch sử và văn hóa.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám là quần thể di tích bao gồm: hồ Văn, khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám và vườn Giám và kiến trúc chủ thể là Văn Miếu. Nằm ở phía Nam Kinh thành Thăng Long, Văn Miếu có các gian thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám. Nơi đây đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh sách xếp hạng 23 Di tích quốc gia đặc biệt.
Vào năm 1897 – 1902, khi Paul Doumer nhậm chức toàn quyền Đông Dương đã đồng ý vị trí xây dựng một nhà ga ở cuối đường Mandarine (đường Lê Duẩn ngày nay và phố Gambetta (hiện nay là phố Trần Hưng Đạo), trong đó có một phần là trường đua ngựa (hiện nay là Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô) và thôn Tứ Mỹ. Nhà ga được khởi công xây dựng vào năm 1899, khánh thành năm 1902, có tên gọi là ga Trung tâm Hà Nội. Tuy nhiên, vì tên gọi này quá dài và theo thói quen gọi tên theo địa danh, người dân thường gọi là ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội).