“ Hoan hô Anh giải phóng quân
Kính chào anh con người đẹp nhất
Lịch sử hôn anh chàng trai chân đất
Sống hiên ngang bất khuất trên đời
Như Thạch Sanh của thế kỷ 20….”
… Những câu thơ của bài Bài Ca Xuân 68 của nhà thơ Tố Hữu là một trong những vần thơ mà khi sinh thời, bố tôi, một người lính đã từng đi qua hầu hết các chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đọc cho chị em chúng tôi nghe khi chúng tôi còn bé. Mặc dù còn rất nhỏ, chúng tôi đã có cơ hội hiểu được rằng giá trị của hòa bình là một điều rất thiêng liêng. Mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ phải biết trân quý những giá trị mà thế hệ cha anh đã hy sinh vì sự nghiệp chiến đấu và bảo vệ tổ quốc.
Đầu những năm 2000, tròn 20 tuổi, tôi đã gia nhập quân đội và được biên chế vào trung đoàn 47 – kiểm soát quân sự-quân khu thủ đô Hà Nội. Sau hai tháng huấn luyện tân binh tại vùng đất Sơn Tây đầy nắng và gió với những bài học đầu tiên về chính trị, chiến thuật, “3 tiếng nổ” (thuật ngữ quân sự gồm ba kĩ năng là bắn súng, ném lựu đạn, đánh thuốc nổ ) và những buổi hành quân di chuyển, các phương thức truyền tin khi đi theo đội hình trung đội, đại đội, tiểu đoàn…, tôi được biên chế làm nhân viên tổ chức để làm việc với chuyên môn về công tác Đảng-công tác chính trị của trung đoàn. Cũng tại đây, tôi có thêm nhiều điều kiện để tìm hiểu về lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam. Ở đó, chuyên đề Nghệ Thuật Quân Sự Việt Nam là kết tinh của dân tộc ta qua hơn 4 nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Được thành lập ngày 22-12-1944, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân mang ý nghĩa chính trị đi trước quân sự, mang hàm ý tuyên truyền, đồng thời cũng là khởi điểm của quân giải phóng do chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập tại vùng rừng núi thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) với 34 chiến sỹ do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy.
Đây là đơn vị quân đội chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam và là tiền thân của QĐNDVN hiện nay. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), từ một đội quân nhỏ bé, quân đội của chúng ta ngày càng lớn mạnh, tham gia chiến đấu và tiến hành trên dưới 70 chiến dịch với quy mô lớn nhỏ mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu (Ảnh: Tư liệu)
Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa trắng, nên thiên sử vàng…
Khi cuộc chiến chưa kết thúc, Hiệp định Giơ-ne-vơ chưa ráo mực, quân đội và nhân dân ta lại bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ cứu nước vĩ đại của dân tộc (1954-1975), hàng triệu thanh niên lên đường ra mặt trận với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Đảng và nhân dân ta phải đấu trí và đấu sức chống đế quốc Mỹ có tiềm lực về khoa học-kinh tế-quân sự. Đây là cuộc chiến đấu mà nhân dân ta phải trải qua nhiều thăng trầm, phải đối phó lần lượt với các kế hoạch, chiến lược tinh vi của đế quốc Mỹ.
“…Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai…”
Chiến thắng B52 – trận Điện Biên Phủ trên không (1972) (Ảnh: Tư liệu)
Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” được ví như một mốc son của chàng tí hon đánh bại người khổng lồ. Mê-lê-la, nhà thơ Hy Lạp đã ca ngợi Việt Nam bằng những vần thơ chân thực và đầy hình ảnh sau đây:
“Ôi! Việt Nam, đất nước của những căn nhà nhỏ
Của những con người mà tầm vóc không cao
Nhưng chiến công của họ
Thật vô cùng hiển hách lớn lao”
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 bắt đầu từ ngày 4-3 bằng ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá đánh chiếm Buôn Mê Thuột, giải phóng Tây Nguyên; chiến dịch giải phóng Huế – Đà Nẵng; cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Qua 2 tháng chiến đấu với sức mạnh áp đảo về chính trị quân sự, chúng ta đã giành được chiến thắng kết thúc 21 năm kháng chiến, non sông thu về một mối.
Đất nước hòa bình chưa được lâu chúng ta lại bước vào cuộc chiến biên giới Tây Nam bảo vệ biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia 1975-1989.
Cuộc chiến biên giới Tây Nam bảo vệ biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia 1975-1989 (Ảnh: Tư liệu)
Ta chưa xong một câu thơ thì đã thu hồi hàng trăm dặm đất
Tin thắng mỗi ngày mọc trước vầng dương!
Gần nhất, cuộc chiến biên giới biên giới phía Bắc 1979-1989.
“ …Để đất nước này là đất nước của nhân dân
Đất nước của ca dao, huyền thoại…”
Trải qua 4 cuộc chiến tranh giành thắng lợi đã tạo dựng nên nền nghệ thuật quân sự Việt Nam với tầm cao chiến lược chính là tổ chức lực lượng toàn dân đánh giặc, kĩ năng tác chiến chiến lược để giành thắng lợi quyết định mà đỉnh cao là “Chiến Tranh Nhân dân”, điểm độc đáo đặc sắc nhất được sử dụng xuyên suốt thời kỳ cách mạng Việt Nam. Nghệ thuật đó rất khác với nghệ thuật quân sự của kẻ đi xâm lược chuyên sử dụng những cỗ máy chiến tranh khổng lồ, tối tân. Cấu trúc trong tổ chức lực lượng của chúng ta chính là lực lượng vũ trang 3 thứ quân kết hợp gồm bộ đội chủ lực, bộ đội tỉnh huyện và dân quân du kích.
Nghệ thuật tác chiến chiến lược của bộ đội ta, với sự tác chiến cài xen kẽ với địch không phân tuyến, làm cho địch bị phân tán, chia cắt, bị động, còn ta thì tập trung lưc lượng. Sự kết hợp chặt chẽ cơ động linh hoạt giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, giữa quân sự với chính trị tiến hành tác chiến trên toàn bộ chiến trường đánh cả phía trước mặt địch,đằng sau địch và cả 3 vùng chiến lược trên bộ, trên biển và trên không.
Nghệ thuật Quân Sự Việt Nam là sự kết tinh của trí tuệ Việt Nam qua các trận đánh lớn như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đông Quan, Đống Đa, Rạch Gầm – Xoài Mút, Ngọc Hồi… được cha ông ta tiến hành trong lịch sử dựng nước và giữ nước vẫn còn vang vọng mãi ngàn đời. Đó là những mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc ta đã tạo cho quân đội ta truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng”. Một quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ luôn đặt lợi ích của dân tộc, của đất nước lên trên lợi ích của mình. Một đội quân từ nhân dân mà ra, do dân và vì nhân dân chiến đấu hy sinh.
Trong không khí cả nước chào mừng 76 năm ngày thành lâp Quân Đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 – 22.12.2020), phát huy truyền thống của QĐNDVN, hãng Hàng không quốc gia Việt Nam, một thành viên của Skyteam, có rất nhiều những nhân viên từng trải qua quân đội là sỹ quan chỉ huy máy bay chiến đấu, chiến sỹ các quân binh chủng,công nhân viên quốc phòng… đang làm việc trong các vị trí như phi công, tiếp viên, nhân viên mặt đất đã và đang đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển của hãng.
Hiện tại, VNA với sứ mệnh của mình có nhiệm vụ chính trị đưa đón công dân trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Ở đó, mỗi nhân viên, phi công, tiếp viên là một “chiến binh Sen Vàng – Chiến binh của cảm xúc” , là những người trong tuyến đầu phòng chống dịch đã và đang cùng các thành phần khác trong cả hệ thống chính trị như bác sỹ, bộ đội, công an… phát huy hiệu quả nhiệm vụ của mình trong việc kiểm soát dịch bệnh, đem lại niềm vui sum họp cho hàng ngàn công dân của Việt nam được trở về quê nhà đoàn tụ gia đình.