Thiết kế bản vẽ livery ART72-500 Lanexang: Dấu mốc mới khẳng định năng định sơn tàu bay của VAECO

Đã có: 0 lượt bình chọn
Mới đây, đội ngũ kỹ thuật tại Đội Sửa chữa cấu trúc đã Thiết kế thành công bản vẽ sơn tàu livery ATR72-500 Lanexang, góp phần khẳng định năng định của VAECO và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Sơn máy bay là công việc vô cùng phức tạp bởi không chỉ tốn kém về mặt chi phí và công sức, quá trình sơn còn phải tuân thủ những yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt, đòi hỏi những bàn tay vững vàng, giàu kinh nghiệm và cẩn trọng đến từng chi tiết.

Và tự hào hơn, những kỹ sư, kỹ thuật viên tại Đội Sửa chữa cấu trúc, TTBD Nội trường HCM, Ban kỹ thuật, Công ty Kỹ thuật Máy Bay Việt Nam – VAECO tiếp tục thành công khi trực tiếp hoàn thiện tất cả các công đoạn từ thiết kế bản vẽ livery mới cho đến thi công sơn, đáp ứng nhu cầu của hãng hàng không Lanexang. Đây là thành công tiếp theo, khẳng định năng định của VAECO và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Nhân dịp này, VNA Spirit đã có cuộc trò chuyện cùng anh Vũ Thành Nhân – Kỹ sư Sửa chữa cấu trúc – Ban KT, tác giả của sáng kiến Thiết kế bản vẽ sơn tàu livery ATR72-500 Lanexang.

Thiết kế bản vẽ sơn tàu livery ATR72-500 Lanexang. (Ảnh: NVCC).

Xin chào anh Nhân! Được biết mới đây anh cùng các đồng nghiệp tại Ban KT gồm anh Tô Quang Minh – Phó TB Kỹ thuật, anh Nguyễn Hữu Chí – TP và anh Nguyễn Minh Tuấn – chuyên viên Ban KT đã thiết kế bản vẽ sơn tàu livery ART72-500 Lanexang thành công. Anh có thể mô tả chi tiết về sáng kiến này?

Như anh chị em cũng đã biết, sơn máy bay là công việc vô cùng phức tạp, nó không chỉ mang đến vẻ đẹp và sự độc đáo cho từng hãng bay mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bảo vệ và kéo dài tuổi thọ máy bay, hạn chế những tác nhân hay điều kiện khắc nghiệt trong quá trình khai thác.

Dựa trên yêu cầu từ khách hàng Lanexang, Ban Kỹ thuật VAECO đã xây dựng thiết kế Livery chi tiết, kèm theo các kích thước phù hợp với quá trình thi công. Ban Kỹ thuật cũng trực tiếp điều chỉnh để đáp ứng các yêu cầu trong giai đoạn sơn, hoàn thiện.

Ngày 29/7/2023 vừa qua, máy bay ART72-500, mang số hiệu RDPL-34159, khoác trên mình thiết kế thương hiệu mới của Lanexang đã hoàn thành và chính thức ra mắt.

Đây là lần thứ 3 VAECO thiết kế livery chi tiết dành cho khách hành sau khi đã thành công với thiết kế của VNA qua thay đổi nhận diện thương hiệu năm 2017 và tàu bay mang livery SkyTeam năm 2013.

Anh Vũ Thành Nhân (thứ 3 từ trái sang) cùng các tác giả vui mừng khi thiết kế bản vẽ sơn tàu livery ART72-500 Lanexang thành công. (Ảnh: NVCC).

Từ đâu anh và các đồng nghiệp đã tạo nên thành công này?

Đầu tiên, Ban Kỹ thuật cũng nhận được sự hỗ trợ lớn của các đơn vị, đặc biệt là Đội Sửa chữa cấu trúc, TTBD Nội trường HCM. Thực tế thì đây cũng là một trong những chức năng nhiệm vụ của Ban KT. Ngoài ra mình cũng có kinh nghiệm từ việc thiết kế livery trên một vài tàu trước đây. Ví dụ như tàu SkyTeam livery áp dụng cho tàu VN-A327 là sản phẩm từ ngày mình mới làm việc tại phòng KT, Ban KT, hiện tàu bay đã khoác livery này 10 năm và hình thức, chất lượng đều khá tốt. Đó là nền tảng để mình và các đồng nghiệp thành công đối với tàu Lanexang.

Theo anh trong thiết kế bản vẽ sơn tàu livery ART72-500 Lanexang điều gì là quan trọng nhất?

Có thể nói, quan trọng nhất là tính cân bằng giữa thiết kế và thi công.

Bản vẽ thiết kế có yêu cầu cao về mặt hình thức nhưng cũng liên tục phải điều chỉnh để phù hợp với đặc tính của máy bay và các thao tác trong quá trình thi công sơn. Đảm bảo tốt tính cân bằng sẽ giúp quá trình sơn được thuận lợi và đúng tiến độ đề ra.

Với bản vẽ chi tiết, Ban Kỹ thuật cũng trực tiếp điều chỉnh để đáp ứng các yêu cầu trong giai đoạn sơn, hoàn thiện livery Lanexang. (Ảnh: Nguyễn San).

Trong quá trình thiết kế bản vẽ, anh và các tác giả gặp những thách thức hay khó khăn gì?

Khó khăn đầu tiên là việc tiếp cận với tài liệu của nhà sản xuất máy bay do mình và anh em ít làm việc với dòng máybay ATR. Các tài liệu của ATR cũng không được chi tiết, rõ ràng về các kích thước tham chiếu. Tuy nhiên, có lẽ áp lực nhất là về thời gian hoàn thành, từ lúc có yêu cầu của khách hàng đến lúc hoàn thiện bản vẽ chỉ 5 ngày.

Vậy làm thế nào để các anh giải quyết những vấn đề trên?

Mình đã bay vào SGN ngay sau ngày nhận yêu cầu khách hàng, tiếp cận trực tiếp với tàu ATR72-500 cùng loại và đo đạc tính toán thực tế. Việc này rút ngắn được thời gian tra cứu tài liệu cũng đồng thời thực nghiệm được những sai lệch giữa bản vẽ nháp với các chi tiết lắp trên tàu.

Bên cạnh đó, trong quá trình sơn thì lãnh đạo TTBD Nội Trường HCM, cán bộ đội Sửa chữa cấu trúc và các anh giàu kinh nghiệm trong tổ sơn giúp đỡ rất nhiệt tình, chỉ ra những điểm cần điều chỉnh, hoàn thiện, nhờ đó mà thiết kế bản vẽ tàu đã được hoàn thiện kịp thời.

Cảm xúc của anh và các tác giả thế nào khi ngày 29/7/2023 vừa qua tàu đã hoàn thành sơn chuyển từ livery B237 sang Lanexang?

Thực sự là anh em rất vui vì đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ khó. Tuy còn một vài điểm chưa thực sự hoàn chỉnh nhưng nhìn chung cũng khá ưng ý với sản phẩm. Tiếc là chưa có ảnh nào chụp chung với tàu livery mới RDPL-34159.

Máy bay ART72-500, mang số hiệu RDPL-34159, khoác trên mình thiết kế thương hiệu mới của Lanexang. (Ảnh: Nguyễn San).

Thành công này mang đến cho tổ Sữa chữa khung sườn, Ban KT cũng như VAECO ý nghĩa thế nào?

Kết quả này là sự khẳng định của VAECO đối với khách hàng, bao gồm Lanexang và những khách hàng trong tương lai. Thành quả không chỉ của riêng Ban KT mà là toàn bộ các đơn vị trong cả quá trình từ khi bắt đầu đến khi hoàn thiện.

VAECO tự tin có thể đáp ứng tất cả các khâu trong việc sơn tàu, từ thiết kế, tính toán đặt hàng đến ra quy trình sơn và trực tiếp thi công. Ngoài các dòng máy bay nhỏ ATR72 hay A321, kỹ thuật  VAECO sẵn sàng mở rộng thiết kế, hoàn thiện với những dòng máy bay lớn hơn như A350, A330, B787…

Sau thành công này, anh và các đồng nghiệp có dự định gì trong thời gian tới?

Trước mắt là anh em kỹ thuật cùng nhìn lại quá trình sơn vừa qua để xem xét các điểm còn thiếu sót. Trong tương lai sẽ nâng cấp bản vẽ thiết kế ở mức độ chi tiết cao hơn, có thể khắc phục các vấn đề còn tồn tại.

Hiện Ban Kỹ Thuật cũng đang khảo sát thiết kế một số Local MOD (các cải tiến do VAECO tính toán thiết kế dựa trên yêu cầu từ VNA, thiết kế sau đó sẽ phải xin phê chuẩn Cục HK trước khi đưa vào triển khai lắp đặt) giúp tiết kiệm chi phí cho TCT, các thiết kế mất nhiều thời gian công sức và đòi hỏi tính sáng tạo, thực tiễn cao.

– – – – – – – – – – – – – – – – –

Cho đến nay, đã có hàng chục máy bay được sơn lại toàn bộ tại VAECO, trong số đó có không ít máy bay của các hãng hàng không quốc tế ngoài lãnh thổ Việt Nam như: Campodia Angkor Air (XU350), RedWing Airline, Ural Airline (VP-BVR, VP-BVF, VP-BVA), Novo Air… Riêng VNA đã có kế hoạch sơn lại toàn bộ dòng máy bay Airbus A321 tại VAECO với số lượng lên tới 21 chiếc. Từ bề dày kinh nghiệm của mình, Công ty VAECO ngày càng tự tin đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các khách hàng khó tính nhất trên toàn thế giới.

Theo dự báo, các hãng hàng không trên toàn thế giới đang đầu tư phần lớn vào việc mua sắm máy bay thế hệ mới, cùng với việc các công ty tăng chi tiêu vào việc sửa chữa và bảo dưỡng máy bay, điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng thị trường sơn máy bay.

Thị trường sơn máy bay được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 3,14% trong giai đoạn dự báo để đạt tổng quy mô thị trường là 5,393 tỷ USD vào năm 2026 từ mức 4,342 tỷ USD vào năm 2019. Đây chính là cơ hội để VAECO tiếp tục phát triển năng định sơn máy bay.

Le Thi Hang-COMM
Share bài viết:
Đã có: 0 lượt bình chọn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.