Thời gian qua, bên cạnh phát triển các năng định thiết yếu để nâng cao năng lực bảo dưỡng, giảm thiểu chi phí thuê ngoài như hàn, bảo dưỡng vỏ bọc, sửa chữa cấu trúc composite, kiểm tra không phá hủy… VAECO cũng phát triển năng lực kỹ thuật độc lập để có thể thiết kế, chế tạo, xin phép nhà chức trách hàng không phê chuẩn các cải tiến và thiết bị tự chế giúp chủ động hơn trong công tác bảo dưỡng… Đây chính là một trong những nội dung để VAECO làm chủ công nghệ, đặc biệt trong tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn.
Tháng 10 năm 2022, thị trường hàng không bắt đầu phục hồi sau giai đoạn khủng hoảng do Covid-19, chính vì vậy nhu cầu bảo dưỡng tại TTBD Ngoại trường và TTBD Nội trường tăng cao và cần số lượng dụng cụ bơm mở thổi ngược để phục vụ bảo dưỡng đội tàu bay Airbus A320 và A321. Đây là một loại dụng cụ cần thiết nhằm giúp các kỹ sư, thợ máy mở động cơ để vào bên trong bảo dưỡng.
Mỗi loại động cơ của đội tàu A321 cần 01 dụng cụ bơm mở thổi ngược khác nhau. Việc mua mới bổ sung dụng cụ từ nước ngoài gặp nhiều khó khăn do chi phí để mua dụng cụ mới rất cao, trong bối cảnh công ty mẹ VNA đang gặp khó khăn về tài chính bởi ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
Trước tình hình đó, với sự chủ động và sáng tạo, anh Dương Anh Tuấn – kỹ sư Trung tâm phục vụ Bảo dưỡng và nhóm thiết kế đã nghiên cứu và chế tạo thành công dụng cụ bơm thổi ngược phục vụ bảo dưỡng động cơ V2500, CFM56-5, PW1100G của đội tàu Airbus A320 và A321.
Một sản phẩm “made by VAECO” nữa ra đời. Dụng cụ mới, đủ chức năng mở được các loại động cơ đang lắp trên đội tàu A321 hiện có, với các nguyên vật liệu sẵn có trên thị trường với chi phí thấp hơn rất nhiều so với đầu tư mua dụng cụ mới.
Để chế tạo ra dụng với đầy đủ tính năng theo yêu cầu của nhà sản xuất và chi phí tối ưu, anh Dương Anh Tuấn và nhóm thiết kế đã làm việc với TTBD Ngoại trường và TTBD Nội trường về chi tiết của dụng cụ, các chức năng cần phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để phục vụ quá trình mở thổi ngược để bảo dưỡng động cơ của máy bay, cần phải tính đến tính thuận tiện khi sử dụng, độ an toàn, và khả năng sửa chữa dụng cụ khi có hỏng hóc xảy ra.
Từ những yêu cầu của đơn vị chuyên môn, tổ thiết kế lên bản vẽ thiết kế sơ bộ, bao gồm các tính toán về tính năng, vật liệu, các chi tiết có thể chế tạo tại VAECO, các chi tiết phải đặt mua trên thị trường… đồng thời dự toán chi phí và thời gian chế tạo.
Sau khi làm việc cùng phân xưởng cơ khí chế tạo – TT PVBD, nhóm thiết kế đã chế tạo xong chi tiết, tiến hành lắp ráp, hoàn thiện dụng cụ mới và tiến hành thử nghiệm với sự giám sát của các đơn vị liên quan (Ban đảm bảo chất lượng, TTBD Nội trường, P.KT-TT PVBD).
Sản phẩm sau khi thử nghiệm được chính sửa, hoàn thiện được và được ban Đảm bảo chất lượng đánh giá tương đương với dụng cụ tiêu chuẩn. Sau đó được bàn giao cho Kho dụng cụ dùng chung – TT PVBD để các đơn vị sử dụng từ đầu năm 2023.
“Dụng cụ bơm mở thổi ngược cho đội tàu A321 được chế tạo tại VAECO, đã đáp ứng đầy đủ tính năng kỹ thuật cần thiết để phục vụ quá trình bảo dưỡng. Dụng cụ vận hành đơn giản, nhỏ gọn, dễ di chuyển, hoạt động đơn giản thuận lợi cho nhân viên kỹ thuật trong Hangar và ngoài sân đỗ. Đồng thời, dụng cụ thuận lợi cho việc đặt trên các xe Tech service của các TTBD Ngoại trường phục vụ bảo dưỡng, AOG, giảm tối đa thời gian mượn bơm tại kho dụng cụ dùng chung và an toàn cho người lao động trong quá trình thực hiện công việc” – anh Dương Anh Tuấn vui mừng bày tỏ sau khi một sản phẩm nữa – made by VAECO đã chế tạo và áp dụng thực tế thành công.
Đặc biệt hơn, với thiết bị có chức năng tương đương trên thị trường, giá trị làm lợi của thiết bị tự chế tạo tại VAECO khoảng hơn 1,3 tỷ đồng. Điều này đã góp phần không nhỏ trong cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất và hiệu quả lao động của đơn vị.
Video các kỹ sư, thợ máy tại VAECO sử dụng dụng cụ bơm thổi ngược:
Không dừng lại ở một sáng kiến góp phần tiết kiệm chi phí lớn, anh Dương Anh Tuấn trước đó còn là đồng tác giả của sáng kiến dụng cụ bịt bọc máy bay từ các miếng xốp nhẹ chắc kết hợp với băng dính để bịt bọc động cơ, giúp tiết kiệm hàng tỷ đồng trong năm 2020-2021.
Trong bối cảnh ngành hàng không thế giới đang phải đối mặt với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt cung ứng vật tư, phụ tùng máy bay, đây là thành quả có ý nghĩa lớn của nhóm thiết kế cũng như Trung tâm phục vụ Bảo dưỡng nói riêng và VAECO nói chung.