[BTPL T5/2024] Thông tư mới ban hành của Bộ Kế hoạch đầu tư quy định về công tác đấu thầu

Bản tin Pháp luật tháng 05/2024 phần 2, tổng hợp từ Cổng thông tin của Chính phủ, các Bộ ngành nhằm giới thiệu Nghị định mới ban hành sửa đổi Nghị định 55/2011/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; Thông tư mới ban hành của Bộ Kế hoạch đầu tư quy định về công tác đấu thầu, như sau:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

I. Quy định về nhiệm vụ quyền hạn của tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước.

Nghị định 56/2024/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 18/5/2024 sửa đổi Nghị định 55/2011/NĐ-CP quy định quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, Nghị định 56 có hiệu lực từ 02/7/2024.

  1. Tóm tắt các nội dung sửa đổi

Nghị định 56/2024/NĐ- CP sửa đổi một số điều của Nghị định 55/2011 nhằm hoàn thiện về tổ chức pháp chế phù hợp với quy định của pháp luật, kiện toàn tổ chức pháp chế, tổ chức làm công tác pháp luật, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Trong đó,  nhiệm vụ của tổ chức pháp chế doanh nghiệp nhà nước được cấu trúc viết lại ngắn gọn, cụ thể hơn, phù hợp với thực tiễn tổ chức hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Các nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế cơ bản không thay đổi,  ví dụ như:

– Điều 7 Nghị định 55/2011 có 8 khoản, Nghị định 56/2024 viết lại thành 3 khoản và chia thành các tiểu mục nhỏ cụ thể hóa các nội dung của Điều 7.

– Nhiệm vụ tư vấn giúp HĐTV, HĐQT, TGĐ kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm ban hành hoặc sửa đổi văn bản QPPL liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nay qui định mở rộng hơn:  “kiến nghị sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động của doanh nghiệp”.

– Nhiệm vụ chủ trì, hoặc tham gia soạn thảo các loại mẫu của hợp đồng, nay viết lại là : Soạn thảo các loại mẫu của hợp đồng, như vậy nhiệm vụ soạn thảo được quy định cụ thể hơn trước đây.

– Nhiệm vụ chủ trì hoặc phối hợp với các bộ phận của doanh nghiệp phổ biến giáo dục pháp luật, điều lệ , nội quy của công ty…… Nay tách thành nhiệm vụ Phổ biến tuyên truyền pháp luật riêng.

  1. Nội dung chi tiết sửa đổi Điều 7 Nghị định 55/2011/NĐ-CP về Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước:

– Chủ trì, phối hợp với các bộ phận có liên quan tư vấn, giúp Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến nội bộ của doanh nghiệp:

+ Xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoặc góp ý điều lệ, nội quy, quy chế của doanh nghiệp;

+ Soạn thảo các loại mẫu hợp đồng; có ý kiến về mặt pháp lý đối với dự thảo các hợp đồng, dự thảo thỏa thuận do các bộ phận khác của doanh nghiệp soạn thảo trước khi trình Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp; tham gia đàm phán, ký kết hợp đồng, thỏa thuận của doanh nghiệp;

+ Phổ biến, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện điều lệ, nội quy, quy chế của doanh nghiệp;

+ Tư vấn, thuê tư vấn pháp luật đối với các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đánh giá rủi ro môi trường đầu tư, kinh doanh đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp ra nước ngoài; có ý kiến về mặt pháp lý đối với các quyết định về tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động của doanh nghiệp;

+ Tham gia giải quyết tranh chấp, yêu cầu về dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; tham gia tố tụng với tư cách người đại diện theo ủy quyền của Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp hoặc tham mưu thuê luật sư tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

– Chủ trì, phối hợp với các bộ phận có liên quan tư vấn, giúp Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp tổ chức thực hiện pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp:

+ Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động của doanh nghiệp;

+ Góp ý đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan, tổ chức gửi xin ý kiến; tổng kết, đánh giá pháp luật liên quan đến tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động của doanh nghiệp;

+ Phổ biến, giáo dục pháp luật;

+ Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện pháp luật; tổng kết, đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của người lao động trong doanh nghiệp.

– Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp giao hoặc theo quy định của pháp luật.”.

  1. Quy định về chế độ hỗ trợ người làm nghiệp vụ chuyên môn pháp chế (Điều 4 Nghị định 56/2024/NĐ-CP):

Căn cứ vào vị trí việc làm về nghiệp vụ chuyên môn pháp chế trong cơ quan, tổ chức hành chính, người làm công tác pháp chế ở bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được hưởng mức hỗ trợ là 60.000 đồng/ngày làm việc, ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được hưởng mức hỗ trợ là 40.000 đồng/ngày làm việc. Chế độ hỗ trợ này được áp dụng cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập vận dụng chế độ hỗ trợ nêu trên để quyết định các chế độ đối với người làm công tác pháp chế.

II. Điểm cần chú ý của Thông tư 07/2024/TT-BKHĐT

Thông tư 07/2024/TT-BKHĐT ngày 26/4/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết mẫu hồ sơ yêu cầu, báo cáo đánh giá, báo cáo thẩm định, kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu, Thông tư 07/2024/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 15/6/2024.

  1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Thông tư 07/2024/TT-BKHĐ quy định tạiĐiều 1 Thông tư 07/2024/TT-BKHĐT về phạm vi và đối tượng áp dụng như sau: 

“Thông tư 07/2024/TT-BKHĐT quy định chi tiết mẫu hồ sơ yêu cầu, báo cáo đánh giá, báo cáo thẩm định, kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu.

Thông tư 07/2024/TT-BKHĐT áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoặc có liên quan đến hoạt động quy định trên”.

  1. Các Mẫu hồ sơ yêu cầu áp dụng đối với quy trình chỉ định thầu thông thường bao gồm (Điều 2)
  • Mẫu số 1A để lập hồ sơ yêu cầu gói thầu xây lắp;
  • Mẫu số 1B để lập hồ sơ yêu cầu gói thầu mua sắm hàng hóa;
  • Mẫu số 1C để lập hồ sơ yêu cầu gói thầu dịch vụ phi tư vấn;
  • Mẫu số 1D để lập hồ sơ yêu cầu gói thầu dịch vụ tư vấn.
  • Mẫu báo cáo đánh giá:
  • Mẫu số 2A để lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế không qua mạng theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ;
  • Mẫu số 2B để lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế không qua mạng theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ;
  • Mẫu số 2C để lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu dịch vụ tư vấn áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế không qua mạng.
  • Mẫu báo cáo thẩm định được sử dụng cho đấu thầu qua mạng và đấu thầu không qua mạng, bao gồm:
  • Mẫu số 3A để lập báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu;
  • Mẫu số 3B để lập báo cáo thẩm định danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật cho gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, gói thầu áp dụng hình thức chào giá trực tuyến theo quy trình thông thường;
  • Mẫu số 3C để lập báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu.
  • Mẫu kiểm tra hoạt động đấu thầu:
  • Mẫu số 4.1A để lập Kế hoạch kiểm tra định kỳ hoạt động đấu thầu;
  • Mẫu số 4.1B để lập Kế hoạch kiểm tra chi tiết;
  • Mẫu số 4.2 để lập Đề cương báo cáo tình hình thực hiện hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;
  • Mẫu số 4.3 để lập Báo cáo kiểm tra hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;
  • Mẫu số 4.4 để lập Kết luận kiểm tra hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;
  • Mẫu số 4.5 để lập Báo cáo phản hồi về tình hình thực hiện Kết luận kiểm tra.
  • Mẫu số 5 để lập Báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu.
  • Các phụ lục:
  • Phụ lục số 1: Biên bản đóng thầu (nếu cần thiết);
  • Phụ lục số 2A: Biên bản mở thầu (đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ);a
  • Phụ lục số 2B: Biên bản mở hồ sơ đề xuất về kỹ thuật (đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ);
  • Phụ lục số 2C: Biên bản mở hồ sơ đề xuất về tài chính (đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ);
  • Phụ lục số 3: Quyết định kiểm tra;
  • Phụ lục số 4: Thông báo kiểm tra;
  • Phụ lục số 5: Biên bản công bố Quyết định kiểm tra;
  • Phụ lục số 6: Thông báo kết thúc kiểm tra trực tiếp.

3.Chế độ báo cáo

Chủ đầu tư, bên mời thầu báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu của các gói thầu, dự án của mình đến Sở Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý về hoạt động đấu thầu, theo định kỳ hằng năm theo yêu cầu về thời hạn báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (K3, Điều 3 và Điều 4).

Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, trường hợp gói thầu chưa phát hành hồ sơ yêu cầu trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì phải lập, sửa đổi, trình, thẩm định, phê duyệt hồ sơ yêu cầu theo quy định của Thông tư này (Điểm c Khoản 2 Điều 5).

Tran Quang Hung-Legal
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.