Phát huy vai trò thương hiệu quốc gia của VNA để nâng cao năng lực cạnh tranh, hình ảnh và vị thế của VN

VNA Spirit xin đăng tải bài tham luận của Ban Kế hoạch & Phát triển, TCTHKVN với chủ đề “Giải pháp phát huy vai trò thương hiệu quốc gia của Vietnam Airlines, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”. Bài tham luận nằm trong chương trình Hội thảo “Nâng cao vai trò của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam – Thực tiễn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines”, tổ chức ngày 10/11.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

I. Thương hiệu quốc gia trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu và các yêu cầu đối với một thương hiệu quốc gia

1. Tầm quan trọng của thương hiệu quốc gia

Thương hiệu quốc gia đóng vai trò rất quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thương hiệu quốc gia không chỉ là một yếu tố cạnh tranh mà còn là một công cụ quan trọng để nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế. Tầm quan trọng của thương hiệu quốc gia được thể hiện qua các vai trò cụ thể như sau:

– Thương hiệu quốc gia có thể tạo ra niềm tin và sự tín nhiệm từ người tiêu dùng toàn cầu. Khi một sản phẩm mang thương hiệu quốc gia được công nhận và ưa chuộng, nó sẽ giúp các sản phẩm khác mang cùng thương hiệu quốc gia đó dễ dàng thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, việc xây dựng thương hiệu quốc gia giúp các sản phẩm và dịch vụ của quốc gia nổi bật hơn trong mắt người tiêu dùng.

– Thương hiệu quốc gia mạnh mẽ giúp nâng cao giá trị và sức hấp dẫn của sản phẩm, dịch vụ từ quốc gia đó, nhờ đó, giúp thu hút đầu tư nước ngoài và khuyến khích du lịch quốc tế đến quốc gia đó;

– Thương hiệu quốc gia cũng ảnh hưởng đến khả năng thu hút nhân tài. Một quốc gia có thương hiệu mạnh thường thu hút nhiều người lao động tài năng từ khắp nơi trên thế giới. Đồng thời, một thương hiệu quốc gia mạnh có thể tạo ra cơ hội việc làm, thúc đẩy các ngành công nghiệp và hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững.

– Thương hiệu quốc gia không chỉ đại diện cho kinh tế mà còn phản ánh văn hóa, lịch sử và giá trị của một quốc gia; nó giúp nâng cao hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.

– Hỗ trợ thúc đẩy hợp tác quốc tế: Một thương hiệu quốc gia tốt có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập các mối quan hệ hợp tác kinh tế và chính trị với các quốc gia khác.

2. Đặc điểm của một thương hiệu quốc gia:

Một thương hiệu để trở thành thương hiệu quốc gia, theo tôi cần có những đặc điểm sau:

– Đây phải thương hiệu có danh tiếng và uy tín trong cộng đồng quốc tế về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, và độ tin cậy cao.

– Các sản phẩm, dịch vụ mà thương hiệu này cung cấp phải có đặc trưng văn hóa đậm nét, phản ánh bản sắc văn hóa, truyền thống, lịch sử và các giá trị xã hội của quốc gia đó. 

– Hệ thống mạng lưới phân phối và khả năng tiếp cận với người tiêu dùng cao, không chỉ trong nước mà còn quốc tế.

– Các sản phẩm, dịch vụ, thậm chí là hình thức tiếp thị cần có tính đổi mới và sáng tạo cao, phản ánh sự phát triển và tiềm năng tương lai của quốc gia.

– Sản phẩm, dịch vụ và các cách tổ chức vận hành của doanh nghiệp có thương hiệu quốc gia phải đảm bảo các yêu cầu về phát triển bền vững; chú trọng đến phát triển bền vững, bao gồm trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường.

II. Vietnam Airlines – một thương hiệu quốc gia, đại diện hình ảnh Việt Nam.

1. Vietnam Airlines đáp ứng rõ ràng và đầy đủ các yêu cầu đối với một thương hiệu quốc gia, đại diện cho hình ảnh của Việt Nam. Điều này được thể hiện thông qua:

– Về chất lượng dịch vụ: Vietnam Airlines đã được công nhận với nhiều giải thưởng quốc tế về chất lượng dịch vụ, được các tổ chức hàng đầu thế giới công nhận về chất lượng dịch vụ như “Hãng Hàng không 4 sao” của tổ chức Skytrax; “Hãng hàng không 5 sao” của tổ chức Apex, đứng thứ 11 trong top 20 hãng hàng không tốt nhất thế giới do tổ chức AirlineRating đánh giá, được trao tặng “Thương hiệu hàng không hàng đầu châu Á” của World Travel Awards. Sự chú trọng vào dịch vụ khách hàng giúp hãng khẳng định được vị thế của mình.

– Vietnam Airlines tích cực tham giá quảng bá văn hóa Việt Nam, đóng vai trò như đại sứ văn hoá của Việt Nam tại nước ngoài. Yếu tố văn hóa Việt luôn được VNA chú trọng hàng đầu, thể hiện qua những ấn phẩm truyền tải văn hóa Việt Nam trên tàu bay, những suất ăn đậm đà chất Việt hay tà áo dài tiếp viên. Nhờ những nỗ lực ấy mà VNA đã đưa hình ảnh con người, văn hóa và ẩm thực Việt Nam đến với bạn bè quốc tế khắp năm châu.

– Mạng lưới bay rộng rãi: Vietnam Airlines có mạng lưới đường bay quốc tế phong phú, kết nối các điểm đến quan trọng trên thế giới. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho du khách quốc tế đến Việt Nam mà còn thúc đẩy giao thương và đầu tư. Cụ thể, tính đến cuối năm 2024, VNA khai thác 91 đường bay (trong đó 57 đường bay quốc tế và 34 đường bay nội địa) tới 54 điểm đến (trong đó 32 điểm đến quốc tế và 22 điểm nội địa).

Ngoài ra, là thành viên trong liên minh hàng không Sky Team, VNA còn hợp tác với nhiều hãng hàng không khác để mở rộng mạng bay kết nối trên 1.000 điểm đến trên toàn cầu. VNA hiện cũng là hãng hàng không duy nhất của Việt Nam khai thác các đường bay tới châu Âu và duy nhất trên toàn cầu có đường bay thẳng tới châu Mỹ. 

– Hãng có đội bay hiện đại: Hãng liên tục nâng cấp đội bay với các máy bay hiện đại nhất thế giới, đảm bảo an toàn và tiện nghi cao như Boeing 787 và Airbus A350, thể hiện cam kết về chất lượng và an toàn.

– Có mạng bán rộng khắp, khả năng tiếp cận thị trường cao: với hệ thống chi nhánh rộng khắp cũng như việc tham gia các kênh phân phối toàn cầu (GDS) và hợp tác với các đại lý bán vé khắp toàn cầu và tham gia vào các hợp tác quốc tế, liên minh toàn cầu giúp sản phẩm của Vietnam Airlines được biết đến và đảm bảo khả năng tiếp cận cao của khách hàng toàn cầu;

– Tích cực tham gia hỗ trợ cộng đồng và trách nhiệm xã hội: Vietnam Airlines tham gia nhiều hoạt động từ thiện và hỗ trợ cộng đồng, giúp nâng cao hình ảnh thương hiệu trong mắt người dân và quốc tế. Góp phần vào việc quảng bá điểm đến Việt Nam, ngay sau đại dịch Vietnam Airlines đã phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; các bạn hàng, đối tác tổ chức liên tục nhiều sự kiện quảng bá, thúc đẩy du lịch quốc tế đến Việt Nam như: Hội thảo xúc tiến và quảng bá du lịch tại các thành phố lớn trong nước và quốc tế như “Tái khám phá Việt Nam” tại Thái Lan và Hàn Quốc năm 2022, Triển lãm du lịch quốc tế Bắc Kinh 2023, Chương trình quảng bá du lịch Việt Nam – TPHCM tại Úc năm 2024, Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Paris (Pháp), Milan (Ý) và Frankfurt (Đức) năm 2024, Hội chợ du lịch Tourism Expo Japan tại Nhật Bản năm 2024, …

Vietnam Airlines không chỉ là đại diện thương hiệu mà còn là nhân tố quan trọng trong việc nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế thông qua sự hội nhập và phát triển trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Toàn cảnh Hội thảo

2. Những thách thức mà Vietnam Airlines đang phải đối mặt: 

Về thách thức trong nội tại của Vietnam Airlines

Với qui mô lớn, được thành lập lâu đời và với các qui định, ràng buộc của của một doanh nghiệp nhà nước, hệ thống quản lý có thể gặp khó khăn trong việc thích nghi với những thay đổi nhanh chóng của thị trường, nhu cầu khách hàng cũng như của người lao động. Đồng thời, với các qui định, qui trình phát sinh đối với một doanh nghiệp nhà nước có thể dẫn tới sự chậm trễ trong việc ra các quyết định quan trọng, mang tính chiến lược có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động.

Về tài chính, hãng phải chịu áp lực tài chính do các khoản nợ và chi phí vận hành cao, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, điều này đe doạ đến khả năng đảm bảo dòng tiền cho việc tái đầu tư và duy trì hoạt động.

Thế giới đang trong giai đoạn đổi mới và phát triển công nghệ nhanh vũ bão với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vietnam Airlines cần phải đẩy nhanh hơn nữa việc áp dụng và đổi mới công nghệ để theo kịp xu hướng toàn cầu cũng như thay đổi nhanh chóng của nhu cầu khách hàng.

Các thách thức từ các yếu tố bên ngoài:

Vietnam Airlines phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng hàng không giá rẻ trong nước và quốc tế. Đối với các thị trường đường bay ngắn như Đông Bắc Á, Đông Nam Á và nội địa, Vietnam Airlines chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ của các hãng hàng không giá rẻ. Trong khi đó, trên các thị trường đường bay dài như Châu Âu và Mỹ, VNA phải cạnh tranh với các hãng bay vòng tầm cỡ thế giới như Emirates, Etihad, Qatar Airways, Turkish Airlines, Singapore Airlines, Korean Air. Điều này đòi hỏi hãng phải có những chiến lược cạnh tranh thông minh cũng như không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời với nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, giảm chi phí.

Giá nhiên liệu, tỉ giá thường xuyên biến động có thể làm tăng chi phí vận hành, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Đồng thời, nhu cầu di chuyển hàng không không ổn định do các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường cũng là một thách thức lớn.

Tình hình chính trị và quan hệ quốc tế phức tạp (như chiến sự tại Nga – Ukraine, chiến tranh Israel-Hamas,…), ảnh hưởng đến các tuyến bay quốc tế của Vietnam Airlines. Các thị trường lớn của Vietnam Airlines tại Đông Bắc Á những năm qua là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc những năm gần đây gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế các quốc gia này suy yếu khiến cho người dân thắt chặt chi tiêu và thị trường hàng không hồi phục chậm.

Trong bối cảnh còn nhiều các thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài, Vietnam Airlines cần phát triển chiến lược dài hạn nhằm đối phó với cả những thách thức nội bộ như quản lý và tài chính, cũng như những yếu tố bên ngoài như cạnh tranh và biến động kinh tế toàn cầu.

III. Các giải pháp để Vietnam Airlines tiếp tục củng cố vai trò là thương hiệu quốc gia, đại diện hình ảnh của Việt Nam 

1. Các giải pháp từ nội bộ doanh nghiệp

Nâng cao năng lực cạnh tranh 

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng căng thẳng cả từ trong nước lẫn quốc tế, Vietnam Airlines phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua các giải pháp.

– Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ: Vietnam Airlines cần phải tập trung vào chất lượng dịch vụ hành khách ở tất cả các khâu, các giai đoạn trong suốt hành trình của khách hàng (customer jouney); điều này sẽ góp phần lớn vào việc tạo dựng thương hiệu và lòng tin từ khách hàng quốc tế. Trong đó, cần tập trung vào cải thiện trải nghiệm khách hàng như:

(1) Tập trung vào dịch vụ khách hàng từ khâu bán vé, làm thủ tục, phục vụ trên chuyến bay, đến việc xử lý các vấn đề phát sinh. Cần triển khai hệ thống phản hồi và đánh giá khách hàng nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ. (2) Cải tiến dịch vụ ăn uống và giải trí trên máy bay, tập trung vào việc kết hợp các yếu tố văn hóa Việt Nam nhằm mang lại trải nghiệm khác biệt cho hành khách quốc tế. (3) Xây dựng các chính sách chăm sóc khách hàng đặc biệt cho những hành khách thường xuyên (Frequent Flyers), ưu tiên nâng hạng dịch vụ và chương trình tích điểm.

– VNA cũng cần tiếp tục đầu tư vào các dòng máy bay hiện đại, thân thiện với môi trường như Airbus A350, Boeing 787 Dreamliner, nhằm giảm tiêu thụ nhiên liệu, nâng cao hiệu suất bay và cung cấp không gian thoải mái hơn cho hành khách. Đồng thời, đảm bảo việc bảo trì và bảo dưỡng đội bay theo chuẩn quốc tế để nâng cao mức độ an toàn và tin cậy.

– Ứng dụng công nghệ tiên tiến. Việc áp dụng các giải pháp công nghệ là yếu tố quan trọng để tăng hiệu quả vận hành và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Thực hiện tối ưu hóa quy trình vận hành thông qua ứng dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và Internet vạn vật (IoT) để cải thiện khả năng dự báo, phân tích dữ liệu hành khách và tối ưu hóa lịch trình bay, điều phối nguồn lực hiệu quả hơn. Tăng cường ứng dụng AI trong dịch vụ khách hang như cải tiến hệ thống hỗ trợ khách hàng tự động (chatbots, trợ lý ảo) để giải đáp nhanh chóng các thắc mắc về thông tin chuyến bay, thay đổi lịch trình và hỗ trợ hành khách 24/7. Phát triển ứng dụng di động thông minh giúp khách hàng quản lý vé, kiểm tra thông tin chuyến bay, cập nhật trạng thái hành lý và tương tác với các dịch vụ khác một cách thuận tiện.

Trong thời gian vừa qua, hướng tới mục tiêu trở thành hãng hàng không số, VNA đã đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số, xây dựng văn hóa số, tăng cường ứng dụng công nghệ mới trên mọi mặt sản xuất kinh doanh, như triển khai hệ thống phục vụ hành khách, xây dựng các trang thương mại điện tử VNAMall, Lotus Mall, hay các ứng dụng quản trị doanh nghiệp như SkyHr, SkyOffice…

– Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Một trong những yếu tố quan trọng để tạo dựng thương hiệu quốc gia là việc sở hữu đội ngũ nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Để đảm bảo yêu cầu trên, Vietnam Airlines cần phải tổ chức:

(1) Triển khai các chương trình đào tạo cho phi công, tiếp viên, và nhân viên mặt đất nhằm nâng cao kỹ năng chuyên môn, thái độ phục vụ và khả năng xử lý tình huống; trong đó, chú trọng đến việc đào tạo ngoại ngữ cho nhân viên nhằm phục vụ tốt hơn khách hàng quốc tế. (2) Xây dựng các chính sách đãi ngộ hợp lý để thu hút và giữ chân các chuyên gia trong ngành hàng không. Điều này có thể giúp Vietnam Airlines học hỏi và áp dụng các kinh nghiệm tiên tiến trong quản lý và vận hành từ các hãng hàng không quốc tế lớn.

– Chiến lược giá linh hoạt và tối ưu hóa chi phí hoạt động để duy trì tính cạnh tranh trên các tuyến bay trong nước và quốc tế.

Xây dựng và quảng bá hình ảnh thương hiệu quốc gia

Vietnam Airlines cần tiếp tục duy trì tạo dựng hình ảnh thương hiệu gắn liền với giá trị và bản sắc dân tộc, đồng thời tăng cường quảng bá trên thị trường quốc tế. Để thực hiện giải pháp trên, Vietnam Airlines cần phải:

– Tiếp tục tập trung vào các giá trị văn hóa Việt Nam: Phát triển hình ảnh thương hiệu gắn liền với các biểu tượng văn hóa Việt Nam, chẳng hạn như các hoạt động tiếp thị liên quan đến các lễ hội lớn của Việt Nam, tiếp tục các chương trình quảng bá đặc sản Việt Nam trên các chuyến bay, giới thiệu văn hoá Việt Nam trên các ấn phẩm, phương tiện trình chiếu trên chuyến bay như Tạp chí Heritage, phim quảng bá điểm đến, phim giới thiệu an toàn bay,…

– Tham gia vào các chiến dịch tiếp thị toàn cầu: Đẩy mạnh các chiến dịch tiếp thị tại các thị trường trọng điểm như châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á. Tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, sự kiện hàng không lớn để giới thiệu thương hiệu và quảng bá sản phẩm.

– Hợp tác chiến lược: Kết hợp với các doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia khác trong ngành du lịch, thực phẩm và văn hóa để tạo sự liên kết và cùng phát triển hình ảnh quốc gia trên thị trường quốc tế.

TGĐ Vietnam Airlines phát biểu tại Hội thảo

Hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu

Một yếu tố quan trọng để tăng khả năng cạnh tranh của Vietnam Airlines là việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, không chỉ với vai trò là nhà vận chuyển hành khách mà còn là một mắt xích quan trọng trong vận tải hàng hóa. Các giải pháp mà Vietnam Airlines cần triển khai gồm có:

– Không ngừng mở rộng và khôi phục mạng đường bay quốc tế, đặc biệt là mở rộng đến các lục địa, quốc gia và thành phố mới. Sau khi đại dịch kết thúc, ngoài việc khôi phục mạng đường bay trước đây, VNA còn tích cực tìm kiếm cơ hội mở rộng mạng đường bay tại các thị trường mới.

Cụ thể, VNA đã mở đường bay đến San Francisco (Hoa Kỳ) năm 2021, Dehli và Bombay (Ấn Độ) năm 2022-2023, Perth (Úc) năm 2023, Manila (Philippines), Munich (Đức) năm 2024, Milan năm 2025. Trong những năm sắp tới, VNA tiếp tục nghiên cứu mở thêm các đường bay đến các điểm bay khác như Copenhagen (Đan Mạch), Los Angeles và Seattle (Mỹ), Vancouver (Canada), Darwin (Úc), Dubai (UAE), Bangalore (Ấn Độ), Dhaka (Bangladesh),…  

– Tăng cường năng lực vận tải hàng hóa (cargo): Đầu tư phát triển dịch vụ vận tải hàng hóa quốc tế, mở rộng mạng lưới logistics toàn cầu. Tận dụng lợi thế địa lý của Việt Nam để trở thành một trung tâm logistics khu vực, kết nối các điểm giao thương quốc tế. Vietnam Airlines cũng cần đẩy nhanh kế hoạch thành lập hãng hàng không chuyên chở hàng hoá để tận dụng các lợi thế của thị trường và quốc gia.

– Tham gia liên minh hàng không quốc tế: Vietnam Airlines cần tăng cường hợp tác với các hãng hàng không lớn thông qua liên minh hàng không như SkyTeam để mở rộng mạng lưới bay quốc tế, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và tăng cường hợp tác trong khai thác thị trường mới.

Phát triển bền vững và bảo vệ môi trường

Trong bối cảnh yêu cầu về phát triển bền vững ngày càng cao, việc Vietnam Airlines cam kết và thực hiện các giải pháp xanh sẽ giúp hãng xây dựng hình ảnh tích cực trong mắt cộng đồng quốc tế. Các giải pháp đề xuất gồm có:

– Giảm khí thải carbon: Triển khai các biện pháp giảm thiểu khí thải carbon thông qua việc sử dụng máy bay tiết kiệm nhiên liệu và tối ưu hóa hành trình bay nhằm giảm thời gian bay và tiêu thụ năng lượng.

– Sử dụng năng lượng sạch: chủ động làm việc với các nhà cung cấp, các đối tác hàng không lớn trong việc sản xuất, phân phối và sử dụng SAF (nhiên liệu hàng không bền vững – với mức giảm khí thải tới 80% so với nhiên liệu thông thường).

2. Các giải pháp đề xuất với Chính phủ và các bên liên quan

Mặc dù các giải pháp tự thân là quan trọng, là cốt lõi để phát huy hơn nữa vai trò thương hiệu quốc gia, song để xây dựng Vietnam Airlines thành thương hiệu mạnh trên thế giới với năng lực cạnh tranh quốc tế cao thì không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của một mình hãng hàng không quốc gia mà còn cần có sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng như sự nỗ lực của cả quốc gia. Cụ thể như sau:

– Để giải quyết các vấn đề thách thức đang đặt ra cho Vietnam Airlines sau đại dịch Covid, Vietnam Airlines đang trình lên Chính phủ “Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho TCT do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2035”. Tuy nhiên, đến nay do các vướng mắc liên quan đến thể chế, văn bản pháp luật và các qui định phức tạp khác, đề án vẫn chưa được phê duyệt. 

– Ngành hàng không góp phần thúc đẩy thương mại và du lịch nhưng ngược lại thương mại và du lịch cũng thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng không. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại và du lịch, quảng bá điểm đến quốc gia trên các kênh truyền thống và cả các phương thức truyền thông mới, tổ chức các sự kiện thể thao văn hóa nghệ thuật giải trí quốc tế, đăng cai các triển lãm hội nghị quốc tế,… Đồng thời, nhằm thu hút khách du lịch đến Việt Nam, các chính sách nới lỏng về nhập cảnh, mở rộng các quốc gia được miễn thị thực sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng.

– Việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng sân bay cũng là điều kiện rất quan trọng để phát triển ngành hàng không. Hiện nay, các dự án lớn như xây dựng CHK quốc tế Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đang được triển khai một cách khẩn trương. Tuy nhiên, các dự án kết nối sân bay Long Thành với trung tâm thành phố vẫn còn chậm triển khai và nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cả CHK này cũng như của cả ngành hàng không Việt Nam.

Do đó, để phát triển ngành hàng không và đưa Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển lớn của khu vực tương tự như Singapore, bên cạnh việc xây dựng các sân bay hiện đại thì cần phải đẩy nhanh các dự án kết nối sân bay với trung tâm thành phố và xây dựng các tuyến giao thông đường bộ và đường sắt. 

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Vietnam Airlines là một doanh nghiệp do Nhà nước nắm phần lớn cổ phần, đồng thời cũng là một thương hiệu quốc gia, đại diện cho hình ảnh, cho chất lượng sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam.

Các giải pháp nêu trên nếu được triển khai đồng bộ, có kế hoạch, lộ trình và các bước kiểm tra, giám sát chặt chẽ sẽ giúp Vietnam Airlines xây dựng hình ảnh mạnh mẽ, trở thành một thương hiệu quốc gia có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.