Là đơn vị bay vận tải quân sự-hàng không dân dụng đầu tiên của nước ta, Trung đoàn Không quân vận tải 919 ra đời khi cả nước đang dồn sức cho công cuộc giải phóng miền Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Giữa bộn bề gian khó, Trung đoàn kiên cường vượt qua khó khăn, hoàn thành những trọng trách được giao, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu vừa làm nhiệm vụ quốc tế, bay chuyên cơ, cứu trợ đồng bào gặp thiên tai, lũ lụt…
Vận tải quân sự kết hợp phục vụ dân dụng
Đúng Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1959, tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội, Trung đoàn Không quân vận tải 919, đơn vị bay vận tải quân sự-hàng không dân dụng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) được thành lập. Đây cũng là đơn vị tiền thân của Đoàn Bay 919. Để chuẩn bị cho việc thành lập Trung đoàn 919, từ năm 1956, Quân đội đã cử các lớp học viên sang học tập tại Liên Xô (cũ) và Trung Quốc, bao gồm các tổ bay vận tải và trực thăng. Bên cạnh đoàn cán bộ học lái máy bay, còn có các đoàn học về dẫn đường, thông tin liên lạc, thợ máy. Ông Phạm Công Kế, thành viên lớp kỹ thuật máy bay đầu tiên năm 1956 tại Trung Quốc từng chia sẻ, đoàn học sinh gồm 44 người, cùng 4 đồng chí phiên dịch, ăn vận quần áo xanh công nhân, đi xe lửa sang Trung Quốc học lái và kỹ thuật máy bay. Công việc này vào thời điểm đó rất bí mật, lãnh đạo gặp gỡ, giao nhiệm vụ cho đoàn, động viên anh em, dặn dò phải “tầm sư học đạo”, nhanh chóng nắm vững kỹ thuật máy bay để phục vụ cách mạng, xây dựng Quân đội. Sau đó là đoàn đi Liên Xô (cũ) học lái máy bay tại Trường Không quân Balashov. Các đoàn đi học khi trở về nước đã tham gia thành lập Trung đoàn 919.
Trong những năm đầu từ ngày thành lập, Trung đoàn 919 đã thực hiện nhiệm vụ vận tải quân sự kết hợp phục vụ dân dụng, đồng thời trực tiếp tham gia chiến đấu và lập nhiều chiến công vang dội, ghi dấu ấn trong lịch sử của đơn vị và của ngành hàng không Việt Nam. Trung đoàn 919 đã hoàn thành những trọng trách quan trọng và khó khăn như đánh chìm và bắn hỏng hai tàu địch trong trận Tết Mậu Thân lịch sử năm 1968; chở phái đoàn Việt Nam sang Pháp đàm phán và ký Hiệp định Paris lịch sử; cứu trợ đồng bào lũ lụt trong trận vỡ đê sông Hồng năm 1971… Nhiều gương mặt phi công, kỹ sư quả cảm của Trung đoàn 919 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là liệt sĩ Phan Như Cẩn-phi công chiến đấu AN-2, phi công Nguyễn Văn Ba, kỹ sư Nguyễn Tường Long-chuyên trách cải tiến, trang bị vũ khí cho máy bay.
Trải qua 30 năm do Quân đội trực tiếp quản lý, Trung đoàn Không quân vận tải 919 đã được đào tạo, rèn luyện, thử thách trong môi trường kỷ luật, nền nếp, tác phong Quân đội, những phẩm chất cần thiết đối với đội ngũ lái máy bay, lao động kỹ thuật đặc biệt, đòi hỏi tính kỷ luật cao, chu đáo, chặt chẽ trong từng chi tiết. Môi trường này đã tạo cho cán bộ, chiến sĩ Đoàn Bay 919 sau này tinh thần không ngại khó khăn, gian khổ. Trong chiến tranh, các phi công của Trung đoàn đã thực hiện nhiều chuyến bay vào sinh ra tử mà chưa một phi công nào từ chối nhiệm vụ.
Nền móng xây dựng ngành hàng không dân dụng
Năm 1989, ngành hàng không dân dụng Việt Nam có sự chuyển đổi cơ chế quan trọng, tách khỏi Quân đội, chuyển sang trực thuộc Chính phủ. Ngày 29-8-1989, Hội đồng Bộ trưởng có quyết định thành lập Tổng công ty Hàng không Việt Nam trên cơ sở Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam. Theo cơ chế mới, Đoàn Bay 919 trực thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Đây cũng là bước ngoặt chuyển đổi quan trọng của hoạt động kinh doanh vận tải hàng không phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Lúc này hàng không Việt Nam đang quản lý và khai thác 30 chiếc máy bay, đều thuộc thế hệ cũ, trong đó có 7 chiếc bay phục vụ kinh tế như chụp ảnh địa chất, địa hình.
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ để tiếp thu công nghệ mới từ quốc tế, những anh hùng chiến đấu năm nào tiếp tục cống hiến cho công cuộc xây dựng đất nước. Từ thời điểm này, các thế hệ phi công đầu tiên đã bắt đầu có những lứa kế thừa xứng đáng, được tạo điều kiện để tiếp thu bài bản mọi kiến thức, chủ động đẩy nhanh công tác đào tạo chuyển loại cho phi công cơ bản và huấn luyện nâng cấp chuyển loại, cân đối lực lượng giữa các đội bay, thuê thêm phi công nước ngoài để đáp ứng nhu cầu khai thác của Tổng công ty.
Công tác bảo đảm an toàn khai thác hàng không luôn là nhiệm vụ trọng tâm, được chú trọng với kết quả ngày càng cao. Với những cố gắng và nỗ lực tột bậc, đội ngũ phi công và cán bộ nhân viên Đoàn Bay 919 đã không ngừng học tập nâng cao trình độ để từng bước tiếp thu, thay thế các chuyên gia, giáo viên, phi công nước ngoài trong hoạt động chuyển giao công nghệ khai thác các loại máy bay mới, ngày càng hiện đại từ ATR-72, Airbus A320/A321, B767, F-70, Boeing 777, Airbus A330 đến các loại máy bay mới và hiện đại nhất hiện nay trên thị trường vận tải hàng không quốc tế là Boeing 787 và Airbus A350.
Các hoạt động huy động nguồn lực, tuyển dụng phi công chuyên nghiệp, phân bay ngày càng hiện đại và hiệu quả, kết hợp với công tác đào tạo, huấn luyện đội ngũ phi công ngày càng chủ động, độc lập, tự chủ đã và đang bảo đảm vững chắc cho Đoàn Bay 919 trong phát triển nguồn lực, chuyển giao công nghệ khai thác tất cả loại máy bay hiện có trên thị trường thế giới. Từ đó, bảo đảm tuyệt đối an toàn và hiệu quả cao cho hoạt động kinh doanh vận tải hàng không của Vietnam Airlines.
Ông Tô Ngọc Giang, Cơ trưởng A350, Đoàn trưởng Đoàn Bay 919, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, quá trình xây dựng tài liệu khai thác, huấn luyện đào tạo phi công rất vất vả. Đoàn Bay cử những phi công dày dạn sang trung tâm đào tạo của nhà máy, sau đó, trong quá trình khai thác, tích lũy kinh nghiệm, họ trở thành giáo viên đào tạo các lứa phi công tiếp theo. Hiện nay, đã có những phi công đầu tiên của Vietnam Airlines được đào tạo bởi chính người Vietnam Airlines. Đến năm 2025, Vietnam Airlines đặt mục tiêu đào tạo đủ 100% phi công Việt Nam thay thế phi công nước ngoài. Bởi ngoài mục đích tối giản chi phí, tỷ lệ 100% phi công Việt còn chứng minh Vietnam Airlines có thể làm chủ công nghệ hàng không hiện đại. Mỗi năm, trung bình có thêm 80-100 phi công Việt Nam được bổ sung, sẽ là cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu đề ra.