“Hầu như năm nào mình cũng bay Tết, đó là điều khó quên đối với mỗi phi công khi mình quên đi lợi ích bản thân để mang lại niềm vui cho mọi người. Bay Tết là đặc thù riêng trong nghề của mình rồi”.
![alt text](https://spirit.vietnamairlines.com/old/tintuc/NewsDK/140/637154556626285980.jpg)
Sau khi hoàn thành các khâu chuyên môn chuẩn bị cho chuyến bay, tổ bay sẽ xuống chúc Tết các hành khách. Mọi người cũng dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho nhau về một năm mới thành công và bình an. Cơ trưởng, Cơ phó sẽ lì xì những thành viên trong tổ bay.
Người phi công trẻ tuổi nhớ như in về những ngày Tết nơi xứ người khi anh và những đồng đội của mình hưởng không khí mùa xuân trên đất khách. Sau khi bay đến nơi, mọi người trong phi hành đoàn lại cùng nhau đón Tết. Các bạn tiếp viên chuẩn bị bánh chưng, giò,… để các thành viên có thể thưởng thức những món ăn, hương vị ngày Tết quen thuộc ở quê nhà. Mỗi người sẽ góp vào một chút để tạo thành bữa ăn ngày Tết.
“Đối với mình, những điều đơn giản như vậy thôi nhưng cũng đủ mang lại chút hơi ấm quê hương trong những ngày làm việc xa quê hương đất nước”, anh Huy mỉm cười khi chia sẻ về nỗi khổ của nghề phi công mỗi khi Tết đến xuân về.”
![alt text](https://spirit.vietnamairlines.com/old/tintuc/NewsDK/140/637154557856268847.jpg)
Sinh năm 1983, anh Đặng Ngọc Huy hiện đang là Cơ phó đội bay 787 cũng Vietnam Airlines. Nhớ lại về cơ duyên đến với nghề phi công, anh Huy cho rằng đó là một sự tình cờ, một ngã rẽ mà chính anh cũng không ngờ đến. Yêu thích máy tính, chàng trai trẻ quyết định theo học ngành Công nghệ thông tin của trường Genetic – Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhưng chính từ những câu chuyện, trải nghiệm với nghề phi công do một người họ hàng làm cơ trưởng 787 chia sẻ, Huy đã tìm thấy đam mê thực sự của đời mình.
Sau khi tìm hiểu sâu hơn về công việc, anh đã quyết định rẽ sang một con đường mới là theo đuổi công việc trở thành phi công Vietnam Airlines. Anh tâm sự, việc học ngành CNTT cũng giúp anh khá nhiều trong công việc mới khi làm quen với Tin học và Tiếng Anh. Đó là hai mảng kiến thức rất cần thiết, phục vụ cho công việc hiện tại khi điều khiển máy móc thiết bị.
“Sau khi học ở Trung tâm Huấn luyện bay thì mình có cơ duyên sang Mỹ học trau dồi kiến thức, trước khi trở về Việt Nam chính thức bước vào nghề vào năm 2012. Ấn tượng nhất của mình trong công việc là những chuyến bay vào dịp Tết, khi mọi người mọi nhà đang quây quần bên nhau đón giao thừa, xem pháo hoa – thời khắc thiêng liêng của năm cũ bước sang năm mới, thì mình và các đồng nghiệp lại xách va ly lên đường làm nhiệm vụ”, anh Đặng Ngọc Huy chia sẻ.
![alt text](https://spirit.vietnamairlines.com/old/tintuc/NewsDK/140/637154559617339639.jpg)
![alt text](https://spirit.vietnamairlines.com/old/tintuc/NewsDK/140/637154559603568934.jpg)
Không chỉ Tết, anh cũng thường xuyên làm nhiệm vụ vào Giáng sinh. (Ảnh: Ngọc Huy).
Các thành viên tổ bay đều xem nhau như những thành viên trong một gia đình và đón Tết xa quê đã là một phần không thể thiếu trong công việc. Tất cả thành viên không chỉ tự làm quen với điều đó mà còn động viên nhau cùng cố gắng để hoàn thành công việc, mang đến sự an toàn và hài lòng cho hành khách.
“Đối với nước mình ngày Tết là dịp lễ thiêng liêng, quan trọng trong một năm nhưng ở nước ngoài thì đó lại là một ngày bình thường nên không khí không có gì. Khi đi ra ngoài, mình không thấy được cảm giác ấm cúng của một ngày Tết. Nhiều lúc mình cũng cảm thấy tủi thân nhưng phải tự nhủ lòng tất cả vì công việc”, anh Huy nhớ lại.
Ngoài bay vào ngày Tết, anh còn thường xuyên bay vào ngày Giáng sinh, đặc biệt những chuyến bay đến Anh có thời gian lên đến 13 tiếng. Đối với các nước phương Tây, đây là dịp nghỉ lễ nên hầu như không có cửa hàng nào hoạt động, việc ăn uống cũng gặp rất nhiều khó khăn. Những lần đầu anh còn chưa quen nhưng sau này hiểu hơn về văn hóa phương Tây, tổ bay cũng chuẩn bị sẵn để không gặp bối rối.
![alt text](https://spirit.vietnamairlines.com/old/tintuc/NewsDK/140/637154558714378524.jpg)
Với chàng trai trẻ này, áp lực trong công việc không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo sự chính xác, an toàn, sức khỏe mà còn phải biết phân phối thời gian hợp lý. Phi công là nghề đòi hỏi sự tập trung cao độ, để chuẩn bị cho chuyến bay dài 12-13 tiếng, anh luôn phải đảm bảo ngủ đủ giấc và tập luyện thể thao. Anh thường dành thời gian rảnh để tham gia tập bơi và chạy bộ để nâng cao thể chất.
“Do đặc thù bay những chuyến bay đường dài sang nước ngoài nên mình chỉ bay vào lúc nửa đêm, mình dành thời gian cả ngày để nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe. Sau đó đến trước giờ bay khoảng 1 tiếng để trao đổi với tổ bay về thông tin liên quan đến chuyến bay. Mọi việc dù đã được lên sẵn và theo một quy trình nhất định nhưng mình luôn tự ý thức việc đảm bảo đúng quy định, nghiêm túc trong mọi việc. Tất cả đều hướng đến sự hài lòng của khách hàng”, anh Huy kể lại về kỷ luật trong nghề phi công.
Là một phi công của đội bay 787 – đội bay lớn ở trong hãng, anh Đặng Ngọc Huy luôn cảm thấy vô cùng tự hào. Anh quan niệm: “Phi công là nghề luôn luôn phải học hỏi, tự trau dồi, mình cũng tự ý thức việc chỉnh chu trong công việc để giữ hình ảnh của một phi công Vietnam Airlines. Dù là chuyến bay ngày thường hay là chuyến bay Tết thì an toàn hành khách luôn được đặt lên hàng đầu. Được phục vụ hành khách trên mỗi chuyến bay không chỉ là nghĩa vụ mà còn là niềm vui của tôi. Vì vậy dù khi mọi người đang đón giao thừa, những người phi công như mình vẫn sẵn sàng xách valy lên và đi”.
![alt text](https://spirit.vietnamairlines.com/old/tintuc/NewsDK/140/637154557410914142.jpg)
Nguyen Xuan Nghia – COMM