Chi bộ Ban TT: Phản đối luận điệu Việt Nam không thực thi và đảm bảo nhân quyền

Bài dự thi cuộc thi Chính luận về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 3, năm 2023 của Nhóm Đảng viên Phòng Sự kiện – Tài trợ – Chi bộ Ban Truyền thông – Đảng Bộ Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người là quan điểm nhất quán, xuyên suốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong bảo đảm quyền con người, tuy nhiên các thế lực phản động, thù địch cố tình xuyên tạc, vu cáo, kích động về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Về bản chất, mục tiêu của các thế lực thù địch, phản động, lưu vong là dùng chung chiêu trò thâm độc để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ, đòi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập….

Chúng tôi sẽ dẫn chứng một số nội dung về chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về đảm bảo quyền con người từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, phân tích nhằm nâng cao nhận thức, nhận diện và phản bác lại các luận điệu xuyên tạc vu cáo của các thế lực phản động, thù địch về nhân quyền ở Việt Nam thông qua việc Việt Nam bảo vệ thành công các khuyến nghị của Hội đồng nhân quyền thế giới, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

  1. Tóm lược về Nhân quyền tại Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng

Năm 2021 tại Việt Nam đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại mang tính định hướng chiến lược đối với sự phát triển của đất nước, nổi bật là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, bầu cử Quốc hội và kiện toàn bộ máy Chính phủ khóa XV. Việt Nam đã đề ra tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030, trong đó xác định mục tiêu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.

Từ năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội, tác động nhiều chiều đến các nỗ lực của Chính phủ trong việc bảo đảm quyền của người dân, đồng thời tạo áp lực lớn đến kinh tế – xã hội của Việt Nam. Tính đến tháng 10/2021, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,98%, tăng 1,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; hơn 70.000 doanh nghiệp trong khu vực dịch vụ đã phải rút khỏi thị trường. Việc thụ hưởng quyền của người dân trực tiếp bị ảnh hưởng, nhất là sinh hoạt, đi lại, học tập, sinh kế do phải giãn cách xã hội ở nhiều nơi để phòng chống dịch.

Bên cạnh những khó khăn, áp lực do tình hình dịch bệnh, những năm gần đây Việt Nam còn phải đối mặt với tác động gay gắt của thiên tai, biến đổi khí hậu. Riêng năm 2020 xảy ra trên 458 trận thiên tai làm 342 người chết, mất tích, ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 33.500 tỷ đồng (tương đương gần 1.5 tỷ USD); các hiện tượng thời tiết cực đoan, nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực bền vững của đất nước, tác động sâu rộng đến sinh kế, quyền lợi của người dân.

Việt Nam đặt ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân trong công tác phòng, chống dịch, hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19[1]. Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung tay của người dân, cũng như sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác quốc tế, Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, đến ngày 26/3/2022 đã tiêm được 204,73 triệu liều vắc-xin Covid-19, đạt độ bao phủ 97% người trên 18 tuổi, gần 90% trẻ em trên 12 tuổi. Những kết quả ấn tượng này đã giúp Việt Nam chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, khôi phục và phát triển kinh tế xã hội. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5-7% từ năm 2022 trở đi[2]. Việt Nam cũng nỗ lực tận dụng cơ hội của quá trình phục hồi vào thực hiện các cam kết về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu để tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội xanh và bao trùm.

  1. Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam về nhân quyền

Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, được thể hiện xuyên suốt trong Hiến pháp, pháp luật và các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Trên cơ sở chính sách nhất quán đó, Việt Nam đã nghiêm túc triển khai các nghĩa vụ và cam kết quốc tế trong lĩnh vực quyền con người, trong đó có các khuyến nghị theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) mà Việt Nam đã chấp thuận tại Chu kỳ III năm 2019 và từ đó đến nay đã tiến hành rà soát, tổng kết tình hình triển khai thực hiện để xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện này. Tại Phiên thông qua Báo cáo UPR Chu kỳ III[3] tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) (tháng 7/2019), Việt Nam đã thông báo chấp thuận 241/291 khuyến nghị (đạt 83%).

Công tác bảo đảm quyền con người trong hơn 35 năm đổi mới ở nước ta đã thu được nhiều thành tựu nổi bật, như: Đã phổ cập giáo dục tiểu học và tất cả các tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn giáo dục trung học cơ sở từ năm 2011. Trong năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi chỉ còn 2%; trong đó khu vực thành thị là 2,93%, khu vực nông thôn là 1,55%. Việt Nam được quốc tế thừa nhận đã thực hiện tốt các “mục tiêu thiên niên kỷ” của Liên hợp quốc (giai đoạn 2001-2015). Bất bình đẳng theo thước đo hệ số bất bình đẳng thu nhập (GINI) về tiêu dùng tăng, nhưng ở mức tương đối thấp trong khu vực ASEAN. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn khoảng 6,8%.[4] Chỉ số phát triển con người (HDI) trong năm 2019  đạt 0,704 và xếp thứ 117/ 189 quốc gia và vùng lãnh thổ, tức là thuộc nhóm nước trung bình cao.

Công tác bảo đảm quyền con người trong hơn 35 năm đổi mới ở nước ta đã thu được nhiều thành tựu nổi bật.

Trái với những luận điệu cáo buộc ngụy biện, trơ trẽn về nhân quyền, thực tế Việt Nam đã và đang chứng thực sinh động sự tôn trọng, bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy nhân quyền trong điều kiện tác động của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Trong năm 2020 – 2021, khi đại dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới và ở Việt Nam, hàng loạt chính sách an ninh con người, an sinh xã hội được Chính phủ ban hành nhằm bảo đảm an ninh lương thực và ổn định cuộc sống tối thiểu cho người dân, đặc biệt là người nghèo. Gói an sinh xã hội có quy mô 62.000 tỷ đồng (năm 2020), gói cứu trợ 26.000 tỷ đồng (năm 2021) là giải pháp cấp bách, kịp thời, không chỉ giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đối với quyền sống, quyền được chăm sóc y tế và mưu sinh của người dân, mà còn một lần nữa khẳng định mạnh mẽ quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam “đặt lợi ích của người dân lên trên” và “không để lại ai ở phía sau” trong đại dịch Covid-19.

Đồng thời, Việt Nam cũng chủ động, tích cực đóng góp vào việc tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trên thế giới và được cộng đồng thế giới ghi nhận. Với sự thông qua mức độ tín nhiệm với tỷ lệ phiếu đồng thuận rất cao trong những lần Việt Nam gia nhập Hội đồng nhân quyền và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tại khu vực, uy tín của Việt Nam được thể hiện qua vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR). Từ những nỗ lực chung trong thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trong phạm vi quốc gia và khu vực, các nước thành viên ASEAN chính thức đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện cho ASEAN làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là những đòn đả kích mạnh mẽ nhằm vào các đối tượng vu cáo Việt Nam về vi phạm nhân quyền.

Hai là, nỗ lực giải quyết hạn chế và thách thức

Ông Peterson, nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho rằng: “không thể đánh giá tình hình nhân quyền của một quốc gia trên chuẩn 100% hài lòng. Mỹ cũng như không một quốc gia nào khác có thể đáp ứng nhu cầu đó. Thang điểm 100% hài lòng về mặt nhân quyền là điều không thể đạt được tại một quốc gia”. Các báo cáo chính thức của Việt Nam tại các cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc cũng không lảng tránh, mà thừa nhận ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế, thách thức cần giải quyết. Trong đó, hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn, chưa theo kịp thực tiễn, dẫn đến khó khăn, thậm chí hiểu sai đã tác động đến việc bảo đảm tính hợp hiến, tính khả thi và minh bạch trong quá trình bảo đảm quyền con người.

Cựu Đại sứ Mỹ Pete Peterson.

Ba là, cộng đồng quốc tế công nhận   

Thực tế nhân quyền ở Việt Nam đã được nhiều nhà lãnh đạo, chính khách quốc tế, các nhà quan sát, du khách đến Việt Nam cảm nhận, đánh giá. Nhà báo chuyên về chính trị Đông Nam Á David Hutt phát biểu trên đài BBC News rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hành động trách nhiệm và đặt người dân lên làm mối quan tâm hàng đầu. Còn trang liberationnews.org (Mỹ) thì thừa nhận: Một chính phủ xã hội chủ nghĩa đặt người dân lên trên lợi ích kinh tế… Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh: Việt Nam ứng phó thành công đại dịch Covid-19 là một câu chuyện truyền cảm hứng, trong đó tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và gắn kết xã hội là chìa khóa thành công.

Trang Times of India thì cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã chủ động bảo vệ người dân trước dịch bệnh thông qua việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin về dịch bệnh và quyền được tiếp cận điều trị Covid-19 cho tất cả mọi người, nhờ thế đã tạo được sự đồng thuận trong xã hội, huy động được sức mạnh toàn dân trong cuộc chiến chống dịch. Coi trọng sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân ngay từ những ngày đầu chống dịch cũng chính là bảo đảm một trong những quyền con người cao nhất, cơ bản nhất là quyền được sống. Bên cạnh mục tiêu khẩn cấp bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, Chính phủ Việt Nam đặc biệt ưu tiên bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người và quyền của người dân được tiếp cận các dịch vụ cơ bản, nhất là khi đại dịch ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế, khiến thu nhập của nhiều người bị giảm sâu, mất việc làm, mất sinh kế….

Còn rất nhiều bình luận tương tự của giới chính khách, chuyên gia, truyền thông quốc tế đánh giá cao thành công của Việt Nam trong việc biến nguy thành cơ để thực hiện có kết quả mục tiêu kép: phòng, chống đại dịch Covid-19 đồng thời phát triển kinh tế – xã hội nhằm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chính thực tiễn là những minh chứng thuyết phục nhất, thể hiện những gì mà Đảng, Nhà nước Việt Nam đang tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền đã được người dân đặt trọn niềm tin và được dư luận tiến bộ trên thế giới ghi nhận.

  1. Bối cảnh về nhân quyền tại VN từ 2019- nay

Xây dựng nhà nước pháp quyền và hoàn thiện thể chế pháp luật: Việt Nam tiếp tục các nỗ lực cải cách, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Năm 2020, lần đầu tiên Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật. Với việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), quy trình xây dựng luật, pháp lệnh tiếp tục được hoàn thiện theo hướng quy định cụ thể hơn nhằm nâng cao trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; quy định hợp lý, sát thực tế hơn quy trình xây dựng chính sách.[5]

Từ năm 2019 đến tháng 1/2022, Quốc hội Việt Nam đã thông qua 39 luật, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân, cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Thanh niên năm 2020, Luật Giáo dục năm 2019, Luật Cư trú năm 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án năm 2020, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020,Thực hiện một số khuyến nghị, các đơn vị đầu mối của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cũng đang rà soát để sửa đổi, bổ sung một số Luật phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam như việc nghiên cứusửa đổi Luật Trẻ em, cụ thể là định nghĩa trẻ em là người dưới 18 tuổi, nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống mại dâm, nghiên cứu sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, nghiên cứu xây dựng Luật chuyển đổi giới tính

Quá trình xây dựng, soạn thảo, ban hành các VBQPPL được bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch và tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tham gia ý kiến một cách rộng rãi, thuận lợi và hiệu quả. Đặc biệt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL năm 2020 đã bổ sung các quy định rõ ràng, cụ thể hơn về trách nhiệm phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc cũng như trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc lấy ý kiến và nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý công khai trên các Cổng thông tin điện tử trong quá trình xây dựng VBQPPL.

Trong lĩnh vực cải cách hành chính, Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” do Thủ tướng Chính phủ đề ra, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử, tăng cường trách nhiệm và sự tham gia phản biện, đóng góp ý kiến của người dân, tổ chức trong quá trình xây dựng và tổ chức thực thi chính sách. Theo báo cáo của WB[6], Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF)[7] năm 2019, nhiều chỉ số thành phần của Việt Nam có giá trị tăng điểm số hoặc thăng hạng như Khởi nghiệp kinh doanh, Cấp phép xây dựng, Tiếp cận điện năng, Tiếp cận tín dụng, Nộp thuế, Chỉ số tuân thủ pháp luật.[8] Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng,[9] ban hành nhiều văn bản nhằm triển khai một cách toàn diện, đồng bộ Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018[10].

Việt Nam nỗ lực bảo đảm việc độc lập xét xử của Tòa án, quyền được xét xử công bằng và theo đúng trình tự, phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Từ năm 2019 đến nay, Tòa án Nhân dân tối cao đã có nhiều văn bản hướng dẫn về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ; xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi; tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tội phạm tham nhũng… Tháng 11/2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cho phép Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản, chứng cứ rõ ràng, tạo điều kiện cho công tác xét xử đúng tiến độ trong bối cảnh dịch Covid-19. Tòa án Nhân dân tối cao cũng đang nghiên cứu xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên.

  1. Nhân quyền ngày càng được đảm bảo dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN

Cho đến nay, Việt Nam đã thực hiện 82,6%[11] các khuyến nghị đã chấp thuận tại UPR chu kỳ III với một số kết quả nổi bật như sau:

Bảo đảm các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa[12]

 Nỗ lực phát triển kinh tế và bảo đảm sinh kế, tạo nền tảng cho việc thụ hưởng các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa: Việt Nam tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Quốc hội đã thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, Đề án Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, với nhiều chính sách, biện pháp toàn diện, cụ thể. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục được cải thiện, đạt mức 0,706 vào năm 2020, thuộc nhóm các nước có mức phát triển cao của thế giới.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, đồng thời tiến hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khó khăn như: cắt giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ 01/01/2021 tới năm 2025 (miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm, tương đương khoảng 332,5 triệu USD); giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng.

An sinh xã hội[13]: Việt Nam tiếp tục chú trọng bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện tốt chính sách đối với người có công; quan tâm chăm lo, trợ giúp các đối tượng yếu thế, nhất là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng lên, đời sống của hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội từng bước được cải thiện. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 81,7% năm 2016 lên 90,85% năm 2020. Các đối tượng chính sách như người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế-xã hội khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người trên 80 tuổi … được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua bảo hiểm y tế (năm 2020, 99% người cao tuổi được cấp thẻ Bảo hiểm y tế).

Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 như việc ban hành các gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng (năm 2020, tương đương khoảng 2,75 tỷ USD) và 26.000 tỷ đồng (năm 2021, tương đương khoảng 1,15 tỷ USD) dành cho người khó khăn vì dịch Covid-19 cùng nhiều gói hỗ trợ cho các đối tượng cụ thể khác. Các tổ chức, cá nhân trong xã hội cùng chung tay hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn.

Quyền sức khỏe, y tế[14]: Chất lượng dân số từng bước được cải thiện, tuổi thọ trung bình đến năm 2020 đạt 73,7 tuổi, tăng so với năm 2015 (73,3 tuổi).  Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được duy trì rộng khắp trong cả nước, trong đó có vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt, trong thời gian phòng chống dịch Covid-19, y tế cơ sở đã có vai trò quan trọng trong phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính tại cộng đồng. Việt Nam cũng tích cực triển khai Kế hoạchhành động quốc gia tiến tới loại trừ lây truyền HIV, giang mai và viêm gan B từ mẹ sang con giai đoạn 2018-2030 và mới đây đã phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Chính phủ Việt Nam bảo đảm tiêm vắc-xin phòng Covid-19 miễn phí cho người dân theo thứ tự ưu tiên theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do khan hiếm nguồn cung của thế giới và điều kiện kinh tế hạn chế, đến ngày 26/3/2022, Việt Nam đã tiêm hơn 204,73 triệu liều vắc-xin Covid-19 cho người dân; là một trong một trong sáu nước có tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao nhất thế giới (đạt khoảng 97% người trên 18 tuổi, gần 90% trẻ em trên 12 tuổi). Các biện pháp bảo đảm việc điều trị cho người mắc Covid-19 cũng đã được triển khai. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu khi đại dịch lan nhanh ở Việt Nam, người nhiễm Covid-19 đã được điều trị miễn phí, bảo đảm cách ly tại khu điều trị để tránh lây lan ra cộng đồng. Việt Nam cũng đang tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị cho việc tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi bảo đảm an toàn, trên cơ sở khoa học, phù hợp diễn biến dịch bệnh trong nước và thực tiễn các nước.

Quyền giáo dục[15]: Luật Giáo dục quy định Nhà nước bảo đảm ngân sách chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Nhà nước còn tạo điều kiện để người dân được học liên tục mọi nơi, học suốt đời dưới nhiều hình thức, như thực hiện các Đề án “Phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2015-2020”, Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”. Trong giai đoạn 2012-2020 đã xóa mù chữ cho 295.308 người trong độ tuổi 15-60, nâng tỷ lệ biết chữ độ tuổi từ 15-60 là 97,85% và độ tuổi từ 15-35 là 99,3%. Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho các nhóm yếu thế, trong đó tập trung hỗ trợ học sinh, sinh viên vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhất là trong dịch Covid-19. Trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế đứt gãy các hoạt động giáo dục và việc thụ hưởng giáo dục của học sinh, sinh viên, trẻ em như chuyển sang hình thức học trực tuyến để thích nghi với điều kiện mới, tạo thuận lợi cho việc học tập, bảo đảm tiến độ và chất lượng chương trình giáo dục, triển khai hỗ trợ máy tính và các thiết bị công nghệ cho các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng dân tộc thiểu số. Việt Nam đang tiếp tục triển khai các biện pháp để hướng tới đưa học sinh, sinh viên trở lại trường học tập trực tiếp an toàn trong thời gian tới.

Quyền nước sạch và vệ sinh[16]: Nước sạch và vệ sinh môi trường tại vùng nông thôn luôn được Chính phủ quan tâm và dành ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Các phong trào bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư có sự chuyển biến tích cực, hiệu quả. Năm 2020, tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh tại Việt Nam đã đạt từ 95-100%, đạt mục tiêu mà Lộ trình thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 đề ra. Các chính sách, dự án về nước sạch và vệ sinh môi trường tại vùng nông thôn đã góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo tại các địa phương. Công tác quản lý môi trường khu công nghiệp (KCN) đã có những bước tiến vượt bậc. Trên cả nước có 263/290 KCN đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung (tăng 13 KCN so với năm 2019), đạt tỷ lệ 90,69%.

Về quyền tiếp cận thông tin[17]: Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng ghi nhận trong tăng cường việc tiếp cận thông tin rộng khắp của người dân, đặc biệt là người dân tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.

Số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là gần 70 triệu người, tăng 0,8% trong giai đoạn 2020 – 2021 (chiếm hơn 70% dân số), cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Số lượng tài khoản mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay là gần 76 triệu người, tăng gần 10 triệu  trong vòng 1 năm (tương đương 73,7% dân số). Tỉ lệ người Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày lên tới 94%. Mạng lưới viễn thông tiếp tục được hiện đại hóa và phát triển rộng khắp với mức phủ sóng đạt 99,7% dân số, trong đó mạng 3G và 4G phục vụ 98% dân số.

Kể từ khi Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành từ năm 2019, các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng bị phát hiện, xử lý đã góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Theo báo cáo xếp hạng An toàn an ninh mạng toàn cầu (GCI) năm 2020 do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) công bố mới đây, Việt Nam đã tăng 25 bậc trong 2 năm, vươn lên vị trí thứ 25 trong tổng số 194 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 7 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thứ 4 trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Tháng 8/2020, Việt Nam đã khởi động Cổng dữ liệu quốc gia để làm điểm đầu mối trên mạng Internet phục vụ việc công bố dữ liệu mở, cung cấp thông tin, chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước; cung cấp các tài liệu, dịch vụ, công cụ, ứng dụng xử lý, khai thác dữ liệu được công bố bởi các cơ quan nhà nước. Hiện Cổng dữ liệu quốc gia Việt Nam đã công khai 10.595 bộ dữ liệu mở, tăng cường minh bạch dữ liệu và quyền của người dân, doanh nghiệp trong khai thác, sử dụng dữ liệu cơ quan nhà nước phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa.

Hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện và đưa vào vận hành thử nghiệm Cổng thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật quốc gia nhằm cung cấp thông tin pháp luật phục vụ nhu cầu tìm hiểu, tra cứu, phản hồi của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng áp dụng ứng dụng phổ biến, giáo dục pháp luật trên thiết bị di động nhằm cung cấp văn bản quy phạm pháp luật và các tình huống pháp lý thực tế xảy ra trong các lĩnh vực pháp luật liên quan đến đời sống người dân giúp người dân nắm được hướng xử lý cụ thể.

Về quyền tự do lập hội[18]: Dự án Luật về hội đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện. Tính đến tháng 12/2021, Việt Nam có 93.425 hội[19], trong đó có các tổ chức, hiệp hội của thanh niên, phụ nữ, công nhân, nông dân, người cao tuổi, người khuyết tật, các hội từ thiện, các tổ chức khoa học, nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ… Các hội tham gia tích cực vào đời sống xã hội, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật, thể chế, triển khai các chính sách phát triển kinh tế xã hội, hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm quyền con người.

Bộ luật Lao động năm 2019 đã cho phép tổ chức của người lao động bên cạnh công đoàn thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được thành lập và hoạt động. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư hướng dẫn về Hội đồng Thương lượng tập thể và chuẩn bị ban hành Nghị định quy định tổ chức đại diện người lao động và thương lượng tập thể.

Về quyền tự do báo chí, biểu đạt: Tính đến hết năm 2021, Việt Nam có 816 cơ quan báo chí, trong đó có 230 báo, tạp chí thực hiện hai loại hình in và điện tử, 557 cơ quan báo chí in, 29 cơ quan báo chí điện tử; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình; 79 kênh phát thanh và 198 kênh truyền hình trong nước, 54 kênh truyền hình nước ngoài được biên tập để cung cấp trên dịch vụ truyền hình của Việt Nam; 9.792 đài truyền thanh cơ sở.

Việt Nam đã ban hành nhiều quy định nhằm bảo vệ nhà báo và phóng viên trước mọi hình thức phân biệt đối xử và bạo lực như việc ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản năm 2020, trong đó quy định xử phạt đối với các hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thúc đẩy xây dựng hành lang pháp lý trong xử lý thông tin vi phạm pháp luật, bảo đảm nguồn thông tin lành mạnh trong xã hội, xác lập rõ minh bạch hơn các nghĩa vụ và quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, từ đó nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật của người dân và cán bộ, công chức, nhà báo, hạn chế các vi phạm.

Tự do tôn giáo, tín ngưỡng[20]: Việt Nam hiện có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và có hàng ngàn nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung độc lập được đăng ký sinh hoạt tôn giáo. Trong giai đoạn 2017-2020 có 03 tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo 01 tổ chức được công nhận pháp nhân tôn giáo[21]. Việt Nam hiện có 62 cơ sở đào tạo tôn giáo thuộc Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo. Hàng năm hơn 10.000 người tham dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng thần học, giáo lý do các tổ chức tôn giáo tổ chức. Năm 2020 có khoảng 230 cơ sở thờ tự được xây mới, 308 cơ sở thờ tự được nâng cấp, sửa chữa.

Trong những năm gần đây, đặc biệt sau khi triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức, cá nhân tôn giáo diễn ra hết sức sôi nổi, phong phú về cấp độ, số lượng và phạm vi hoạt động. Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn như Đại lễ Phật đản LHQ VESAK 2019, Tổng hội dòng Đa Minh thế giới… đã được đăng cai và tổ chức thành công tại Việt Nam. Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt độngđăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung[22], mời chức sắc nước ngoài hoặc chức sắc Việt Nam giảng đạo, cho phép nhập khẩu văn hóa phẩm tôn giáo từ nước ngoài vào Việt Nam… Những điểm mới trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của các tổ chức, cá nhân tôn giáo[23].

Về vấn đề thi hành án hình sự và tố tụng hình sự: Sau khi Luật Thi hành án hình sự năm 2019 được thông qua, nhiều VBQPPL liên quan đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng toàn diện, phù hợp với Luật, đặc biệt là Nghị định 133/2020/NĐ-CP ngày 09/11/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự và Nghị định 133/2021/NĐ-CP ngày 14/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/NĐ-CP ngày 06/11/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam với những điều chỉnh theo hướng tăng quyền lợi của người bị tạm giữ, tạm giam và người chấp hành án hình sự[24]. Việt Nam chỉ áp dụng án tử hình[25] với các tội phạm nghiêm trọng nhất trên cơ sở quy định của Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự và các văn bản liên quan. Nhiều biện pháp đang được Chính phủ triển khai để tăng cường việc tiếp cận pháp lý đối với người dân, bảo đảm thủ tục tố tụng hình sự, quyền tiếp cận luật sư. Các hoạt động hợp tác quốc tế để nghiên cứu về vấn đề án tử hình, khả năng xem xét gia nhập Nghị định thư không bắt buộc thứ hai của Công ước ICCPR về bãi bỏ án tử hình cũng được tiến hành hiệu quả với sự tham gia của giới học giả về pháp luật, các tổ chức phi chính phủ, các đối tác quốc tế và sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển LHQ(UNDP) và các đối tác khác.

Bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương[26] 

Việt Nam tăng cường và đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình, Chiến lược cấp quốc gia, trong đó lồng ghép các nội dung nhằm ưu tiên giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương và nhu cầu của phụ nữ, trẻ em và các nhóm dễ bị tổn thương[27]. Việt Nam là một trong 15 quốc gia đi đầu trong Liên minh toàn cầu 8.7 nhằm xóa bỏ lao động trẻ em phù hợp với Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) 8.7. Việt Nam cũng đang tiếp tục triển khai Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Luật người khuyết tật, Luật Thanh niên và tích cực nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về các vấn đề này.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời dự phòng và chăm sóc phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, giúp các cơ sở sản khoa, cơ sở cách ly thực hiện tốt việc chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh. Các tỉnh, thành phố sử dụng ngân sách, các nguồn vận động để kịp thời hỗ trợ dinh dưỡng, đồ dùng thiết yếu, thuốc và các vật phẩm y tế cho trẻ em gặp khó khăn; vận động các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ, chăm sóc và đỡ đầu trẻ em mồ côi cha mẹ do dịch bệnh.

Việt Nam cũng đã ban hành Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác, sáng tạo và lành mạnh trên môi trường mạng giai đoạn 2020-2025 nhằm bảo vệ thông tin cá nhân, đời sống riêng tư của trẻ em; ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi lạm dụng, xâm hại trẻ em.

Chương trình hỗ trợ hộ nghèo khu vực nông thôn tiếp tục được triển khai trên phạm vi toàn quốc. Tính đến tháng 5/2021, cả nước đã thực hiện hỗ trợ cho khoảng 117.624/236.477 hộ nghèo vay vốn làm nhà ở, với tổng số vốn cho vay khoảng 2.940,6 tỷ đồng (tương đương khoảng 130,3 triệu USD). Hiện Việt Nam đang nghiên cứu, xem xét tiếp tục ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo khu vực nông thôn theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2026. Việt Nam đã ban hành chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố ở miền Trung; đến tháng 5/2021, có 19.350/21.600 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở phòng tránh bão, lụt (đạt 89,6%) với tổng số vốn đã giải ngân là 664,4 tỷ đồng (tương đương khoảng 22,4 triệu USD).

Việt Nam đã triển khai các Đề án quan trọng nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.[28] Các đài phát thanh, truyền hình địa phương chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc miền núi, vùng cao thông qua việc tăng số lượng đài phát thanh và thời lượng phát sóng các chương trình nhiều thứ tiếng dân tộc; phản ánh các mặt hoạt động, nét văn hoá đặc trưng và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc thiểu số cũng như phong tục tập quán của các dân tộc Việt Nam. Đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn được cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, cấp phát miễn phí tờ rơi, tài liệu tuyên truyền kiến thức pháp luật.

Việc bảo đảm quyền tiếp cận phương tiện đi lại và xây dựng công trình thân thiện với người khuyết tật tiếp tục được chú trọng triển khai trên cơ sở các quy định tại Luật Xây dựng năm 2014, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kiến trúc năm 2019. Người khuyết tật được tạo điều kiện tiếp cận các chính sách chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề, việc làm; tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, đi lại. Hàng triệu người khuyết tật, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở bảo trợ xã hội và 100% người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng được cấp thẻ bảo hiểm y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh đều thực hiện ưu tiên đối với người khuyết tật.

Việt Nam đã tiếp tục các nỗ lực phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng. Theo thống kê từ năm 2015-2020, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 1.300 vụ việc với gần 1.700 đối tượng có hành vi lừa bán gần 3.000 nạn nhân. Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2016 – 2020 đã được thực hiện hiệu quả, giảm trên 40% số vụ mua bán người so với giai đoạn trước. Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch triển khai Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tiếp tục triển khai có hiệu quả các Bản ghi nhớ, Hiệp định, Kế hoạch hợp tác song phương đã ký về phòng chống mua bán người với các nước.

Các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương đã tích cực triển khai Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”; duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em; tổ chức xác minh, tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu và thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán.Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức tiếp nhận, tư vấn, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ dạy nghề cho hàng trăm phụ nữ tại mô hình “Ngôi nhà bình yên” và hàng nghìn nạn nhân khác đã được chính quyền, đoàn thể ở địa phương hỗ trợ dịch vụ liên quan như trợ cấp khó khăn, học nghề, tạo việc làm, khám chữa bệnh… Việt Nam đang tiếp tục triển khai công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021-2025 và định hướng 2030 theo Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 9/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện nghĩa vụ theo các Công ước và triển khai các cam kết, hợp tác quốc tế khác liên quan đến quyền con người[29]

Việt Nam hiện đã tham gia 7/9 Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Việc triển khai các Công ước đã đạt được những kết quả toàn diện, được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ bằng hành lang pháp lý và hệ thốngchính sách đồng bộ.

Với việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về việc áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể (năm 2019) và Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức (năm 2020), tính đến nay Việt Nam đã tham gia 25 Công ước quốc tế về quyền lao động của ILO, trong đó có 7/8 Công ước cơ bản. Năm 2019, Việt Nam cũng đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi với nhiều quy định mới bảo đảm tốt hơn quyền của người lao động, tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, bao gồm các Công ước của ILO và LHQ về quyền con người mà Việt Nam là thành viên cũng như các Hiệp định CPTPP và EVFTA. Việc nghiên cứu gia nhập Công ước số 87 của ILO về Tự do hiệp hội và bảo vệ quyền tổ chức theo lộ trình đề ra tại Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện CPTPP, với mục tiêu trình gia nhập vào năm 2023.

Việt Nam đang nghiên cứu, xem xét khả năng gia nhập một số công ước quốc tế về quyền con người như Công ước về bảo vệ quyền của tất cả những người lao động di cư và các thành viên gia đình họ (CRMW), Công ước về bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị mất tích cưỡng bức (CPED), Nghị định thư Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Công ước số 97 của ILO về Di cư vì việc làm và Công ước số 143 về Lao động di cư trong giai đoạn 2026-2030, Công ước 1954 về quy chế người không quốc tịch, Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường không, bổ sung Công ước của LHQ về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia

Việt Nam đã nộp Báo cáo quốc gia lần thứ năm về việc thực thi Công ước CERD (tháng 01/2021); đã nộp Báo cáo giữa kỳ về việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban CAT vào tháng 10/2020 và Ủy ban Nhân quyền vào tháng 3/2021; hiện đang xây dựng Báo cáo thực hiện Công ước CEDAW lần thứ 9.

Việt Nam luôn chủ trương coi trọng việc đối thoại, hợp tác với các nước, đối tác trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Tại các diễn đàn đa phương như Đại hội đồng LHQ, Hội đồng Nhân quyền LHQ, ASEAN, Việt Nam đã tích cực tham gia đóng góp vào quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, đề xuất các sáng kiến, hợp tác trao đổi với các nước, các cơ chế liên quan, được các nước ghi nhận, đánh giá cao. cấp độ song phương, Việt Nam tiếp tục tiến hành các cuộc Đối thoại nhân quyền và trao đổi định kỳ về vấn đề nhân quyền với các đối tác quan tâm.

Trong năm 2020, với 112 nước đồng bảo trợ, Việt Nam đã lần đầu tiên đề xuất và thúc đẩy thông qua bằng đồng thuận nghị quyết của Đại hội đồng LHQ lấy ngày 27/12 hàng năm là Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh, đóng góp thiết thực vào nỗ lực chung của thế giới nhằm nâng cao nhận thức về sự cần thiết sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ về bảo đảm quyền con người với tư cách là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam tiếp tục tăng cường trao đổi, hợp tác với LHQ và các Thủ tục đặc biệt trong các khóa họp thường kỳ của Hội đồng Nhân quyền cũng như thường xuyên có trả lời đối với các đề nghị cung cấp thông tin của các Thủ tục đặc biệt. Việt Nam đã mời Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển vào thăm Việt Nam từ năm 2019, tuy nhiên chuyến thăm chưa thực hiện được do điều kiện dịch bệnh.

Năm 2020, với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam đã đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) với ưu tiên thúc đẩy quyền của nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch. Cùng các nước ASEAN, Việt Nam đã dẫn dắt, triển khai Quỹ ASEAN để ứng phó dịch Covid-19; xây dựng Quy chế hoạt động của Kho dự trữ vật tư y tế khu vực; hình thành Khung chiến lược ASEAN trong tình huống khẩn cấp y tế công cộng… để bảo đảm quyền, sức khỏe cho hơn 650 triệu người dân trong khu vực.

Năm 2020, với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam đã đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR).

Việt Nam đã ban hành các biện pháp triển khai Luật Đặc xá năm 2018, có hiệu lực từ ngày 01/7/2019 trong đó có các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng, thực hiện quyền và lợi ích chính đáng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Dự kiến năm 2023, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị cán bộ quản lý trại giam khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 43, trong đó sẽ triển khai hoạt động chia sẻ kinh nghiệm về Luật Đặc xá và tái hòa nhập cộng đồng.

Các dự án, chương trình hợp tác nâng cao năng lực kỹ thuật trong lĩnh vực quyền con người tiếp tục được Việt Nam và một số nước, đối tác phát triển trao đổi, xây dựng và triển khai; trong quá trình đó, sự tham gia của các cơ quan, địa phương và các bên liên quan luôn được bảo đảm.

Tăng cường giáo dục về quyền con người[30]:

Việt Nam tích cực triển khai Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, xác định mục tiêu đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục, đào tạo các cấp tổ chức giáo dục quyền con người cho người học; triển khai các hoạt động nghiên cứu về quyền con người; xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm tuyên truyền và phổ biến pháp luật về quyền con người tại các trung tâm nghiên cứu và cơ sở đào tạo chuyên sâu.

Giáo dục về quyền con người và Công ước LHQ về Quyền trẻ em (CRC) đã được lồng ghép trong sách giáo khoa giáo dục tiểu học; đồng thời, môn Giáo dục công dân trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018cũng đã lồng ghép các nội dung, chủ đề về quyền con người và quyền trẻ em trong giáo dục đạo đức, lối sống,kỹ năng sống và pháp luật. Các kiến thức về quyền con người được gắn liền với bối cảnh sinh hoạt hàng ngày, phù hợp với nhận thức xã hội của học sinh qua từng độ tuổi.

Đối với cấp Đại học và sau Đại học, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo ngành Luật như Viện Nghiên cứu quyền con người (thuộc Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh), Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Luật Hà Nội (với tổng số gần 25.000 sinh viên), một số khóa đào tạo và các môn học cụ thể đã tích hợp, lồng ghép vấn đề quyền con người; khuyến khích học viên nghiên cứu, tìm hiểu và đào tạo chuyên sâu về vấn đề quyền con người. Hiện Việt Nam cũng đang xây dựng tài liệu giáo dục quyền con người cho sinh viên các cơ sở giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang tiếp tục đẩy mạnh đào tạo kiến thức về quyền con người cho các cán bộ công chức, viên chức Nhà nước và địa phương nhằm tăng cường nhận thức, năng lực và hiệu quả ở cơ sở thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng.

  1. Kết luận

Trên thực tế Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội, truyền thông, báo chí… đều vào cuộc, đều không ngừng nỗ lực để mỗi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ nhất và “tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”. Cho nên, cần phải nhận diện đúng và tiếp tục khẳng định rằng: Ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản nhân quyền/quyền con người, quyền công dân đã được thực thi, được bảo đảm bằng Hiến pháp và hệ thống pháp luật. Việc cần phải bác bỏ mọi luận điệu bôi đen, bịa đặt, xuyên tạc, thâm chí vu khống về tình hình thực thi nhân quyền ở Việt Nam của các thế lực thù địch là quan trọng và cần thiết. Do vậy, mỗi đảng viên cần nhận thức rõ và nhận diện các luận điểm sai trái của các thế lực thù địch về nhân quyền tại Việt Nam để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh phù hợp, hiệu quả, cụ thể:

– Các đối tượng thường xuyên tạc, phủ nhận thành quả về nhân quyền ở Việt Nam hiện nay về cơ bản là những lực lượng cực hữu ở một số nước phương Tây, chủ yếu tại Mỹ, lực lượng cực hữu người Việt ở nước ngoài và những cá nhân người Việt trong nước bị các thế lực cực hữu nước ngoài mua chuộc, lợi dụng để chống phá nền tảng tư tưởng và chế độ chính trị – xã hội tại Việt Nam. Bên cạnh đó, là những người nghiên cứu lý luận, hoạt động chính trị đảng phái tại một số nước phương Tây và cả những người cơ hội chủ nghĩa, suy thoái về tư tưởng, chính trị tại Việt Nam.

– Các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về nhân quyền ở Việt Nam hiện nay thường tập trung vào hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận các giá trị lý luận, thực tiễn về dân chủ, nhân quyền, như lợi dụng các hiệp định, dự án hợp tác với nước ngoài, nhằm phá hoại và làm chệch hướng XHCN của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam; kích động vấn đề dân tộc thiểu số và xuyên tạc Việt Nam có “hai chính sách tôn giáo”: Chính sách bảo đảm trên hình thức và “chính sách” không bảo vệ, không bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số trong thực tế thông qua  “cơ chế xin – cho” và tạo lập các “tôn giáo quốc doanh”. Trong các báo báo về tình hình nhân quyền trên thế giới, phần viết về Việt Nam, họ thường phê phán, xuyên tạc Chính phủ Việt Nam ngăn cản tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến, tự do hội họp; hay xuyên tạc cái gọi là “việc áp dụng một cách bất công Bộ luật hình sự”. Họ cho rằng, Việt Nam có chính sách hai mặt trong việc giam giữ tù nhân chính trị: công khai thì khép vào tội “vi phạm luật pháp” nhưng thực tế là “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị”; hay các luận điệu xuyên tạc về sử dụng cách tra tấn, bức cung, nhục hình đối với những người bị tạm giữ, tạm giam; bắt giữ và xét xử tùy tiện; duy trì án tử hình; cáo buộc tình trạng đàn áp, ngăn chặn, cản trở hoạt động của luật sư(13)

– Bên cạnh đó, các hoạt động xâm nhập, kích động, nhằm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” như đòi Nhà nước Việt Nam phải đáp ứng ngay tiêu chuẩn về các quyền dân sự, chính trị (tự do lập hội, tự do xuất bản báo chí tư nhân, hoạt động tôn giáo không cần sự quản lý của Nhà nước…) tương tự các quốc gia phát triển phương Tây. Họ gắn dân chủ, nhân quyền với các vấn đề hợp tác phát triển, dân chủ, tôn giáo, tiếp cận thông tin và các hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp… Đặc biệt, họ đòi dân sự hóa hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nhằm thúc đẩy phát triển xã hội dân sự. Họ móc nối và tìm cách mua chuộc bằng tiền, hiện vật có giá trị để làm thay đổi tư tưởng, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một số cán bộ, đảng viên, nhất là ở cấp chiến lược và cơ quan trọng yếu nhằm thay đổi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước theo hướng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, làm chệch hướng XHCN trong bảo đảm dân chủ, nhân quyền và quá trình đổi mới đất nước nói chung.

– Hoạt động chống phá của các thế lực thù địch thể hiện khá rõ nhằm kích động các cá nhân, tổ chức trong nước tổ chức bạo động, bạo loạn thông qua cái gọi là “biểu tình ôn hòa” hay nhờ các tổ chức, chính phủ nước ngoài khiếu kiện Việt Nam. Thí dụ, trong UPR chu kỳ I (năm 2009), II (năm 2014) và III (năm 2019), một số tổ chức phi chính phủ người Việt và quốc tế có quy chế quan sát viên tại ECOSOC (Ủy ban bảo vệ quyền con người cho người Việt Nam – VCHR, Tổ chức Đảng cấp tiến xuyên quốc gia – TRP…) lợi dụng diễn đàn của Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc vu cáo Việt Nam vi phạm quyền con người; hay tăng cường trao giải cho các đối tượng chống đối để tạo dựng “ngọn cờ” chống phá Nhà nước Việt Nam. Thông qua những “ngọn cờ” này, kích động, lôi kéo, tập hợp và phát triển lực lượng chính trị đối lập theo kiểu “đa nguyên, đa đảng” ở nước ta.

– Về phương thức, cách thức chống phá hiện nay, các thế lực phản động, thù địch triệt để sử dụng truyền thông đại chúng, đặc biệt là mạng internet, xuất bản báo chí ở nước ngoài, sản xuất băng, đĩa hình chuyển về trong nước; tài trợ cho một số cơ quan báo chí nước ngoài chuyên chống phá Việt Nam (như VOA tiếng Việt, RFA, RFI, BBC Việt ngữ, HRW…) để xuyên tạc, kích động về tư tưởng, chính trị. Họ lợi dụng các sai sót trong công tác quản lý nhà nước để xuyên tạc, kích động khiếu kiện, biểu tình trái phép. Họ tổ chức các hội thảo để xem xét lại các vấn đề liên quan đến lịch sử, tuy âm thầm nhưng tác hại lâu dài, rất thâm độc. Các thế lực thù địch dùng chiêu bài  “mớm lời”, “rắc thính”, kích động để không chỉ gây tâm lý hoang mang, hoài nghi, suy thoái về tư tưởng chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Trước thực tế đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị và toàn xã hội cần nâng cao bản lĩnh, trí tuệ để nhận diện và vạch trần bản chất của các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về nhân quyền ở Việt Nam hiện nay(14). Vì thực chất, đấu tranh trên mật trận tư tưởng lý luận về dân chủ, nhân quyền còn phản ánh cuộc đấu tranh về tư tưởng chính trị – pháp lý giữa hai loại hình giá trị tư tưởng XHCN và tư sản. Đây là đặc điểm có tính bản chất của cuộc đấu tranh không có giới tuyến địch – ta rõ ràng, mà nằm ngay trong nhận thức của mỗi người và mỗi tổ chức. Vì thế, nhân dân, trước tiên là mỗi cán bộ, đảng viên, đều là chủ thể đấu tranh với các thế lực thù địch trên lĩnh vực này. Trong phương thức đối thoại, đấu tranh trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền cần coi trọng cách thức, phương pháp, biện pháp tư tưởng chính trị, như truyền thông, vận động nhằm nâng cao nhận thức, tích cực phòng – chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và coi trọng cách thức kết hợp trong đối thoại có đấu tranh, trong đấu tranh có đối thoại./.                        

[1] Tính đến ngày 26/3/2022, Việt Nam có tổng cộng 8.919.557 ca nhiễm.

[2]https://www.worldbank.org/vi/news/press-release/2021/08/24/vietnam-s-economy-is-forecast-to-grow-by-about-4-8-percent-in-2021

[3]Việt Nam đã tham gia UPR chu kỳ I vào năm 2009 và UPR chu kỳ II vào năm 2014.

[4] Xem: Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội chủ yếu năm 2019 so với năm 2018, https://nhandan.com.vn/, ngày 11-7-2020

[5] Trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành tổng số 5.330 VBQPPL, tăng 1.515 văn bản (tăng 39,7% so với nhiệm kỳ trước); các địa phương đã ban hành tổng số 20.923 VBQPPL cấp tỉnh (tăng 51,7%), 13.990 VBQPPL cấp huyện (giảm 54,5%) và 72.253 VBQPPL cấp xã (giảm 63%).

[6] Báo cáo môi trường kinh doanh 2020 toàn cầu do WB công bố ngày 24/10/2019.

[7] Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 do WEF công bố ngày 8/10/2019.

[8] Năm 2019, Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đạt 61,5/100 điểm, xếp vị trí 67/141 quốc gia và nền kinh tế, tăng 3,5 điểm so với năm 2018.Năm 2020, Việt Nam lần thứ hai liên tiếp giữ vị trí thứ 42 trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), giữ vị trí số 01 trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập. Về Chỉ số Chính phủ điện tử (EDGI), năm 2020, Việt Nam xếp vị trí 86/193 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm 2018 và đã duy trì tăng hạng liên tục từ năm 2014 đến nay.

[9] Liên quan đến khuyến nghị số 36, 37.

[10] Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định 130/2020/NĐ-CP ngày 31/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, triển khai Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021”.

[11] Vì mục đích thống kê cho báo cáo này, các khuyến nghị dù đã được đưa vào chương trình công tác của các cơ quan liên quan, nhưng chưa có số liệu về kết quả hoặc đánh giá tác động đến trước ngày 30/11/2021 sẽ được tính là đang được triển khai. Các khuyến nghị đã có số liệu, đánh giá chính thức sẽ được tính đã được triển khai và sẽ được ghi chú cụ thể trong báo cáo này.

[12]Các khuyến nghị số 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48, 49, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58, 59, 60, 61, 69, 70.

[13] Các khuyến nghị số 63, 64, 65, 66, 66, 67.

[14]Các khuyến nghị 139, 245, 239, 244, 247.

[15] Các khuyến nghị số 71, 72, 73, 74, 75

[16] Các khuyến nghị số 59, 78

[17]Các khuyến nghị số 42, 189, 195, 184, 172, 176, 194, 213, 181, 168, 202, 214, 179.

[18] Các khuyến nghị số 202, 203, 207, 179, 197, 198, 200, 215.

[19] Trong đó 571 hội hoạt động trên phạm vi cả nước hoặc liên tỉnh, 92.854 hội hoạt động ở phạm vi địa phương.

[20] Các khuyến nghị số 169, 210, 178, 170, 173, 174, 182, 193, 199, 205, 206.

[21] 03 tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo là Hội thánh Tin lành Liên hiệp truyền giáo Việt Nam, Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam, Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê-su Kito Việt Nam; 01 tổ chức được công nhận pháp nhân tôn giáo là Giáo hội Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam.

[22] Hiện có 67 điểm nhóm tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp đã được đăng ký sinh hoạt.

[23] Thời gian hoạt động để được công nhận của tổ chức tôn giáo giảm từ 23 năm xuống còn 05 năm. Hiện nay 43 thủ tục hành chính liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo giải quyết ở cấp trung ương được thực hiện trực tuyến, năm 2021 đã có 93 hồ sơ được giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến và  được theo dõi trên Trang thông tin điện tử của Ban Tôn giáo Chính phủ.

[24] Cụ thể là tăng một số chế độ về ăn, mặc, chăm sóc y tế và chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ so với các quy định trước đây.

[25]Các khuyến nghị số 98, 99.

[26]Các khuyến nghị số 57, 286, 283, 287, 91, 92, 95, 224, 232, 260, 262, 264, 265, 114, 136, 97, 100, 103, 121, 201, 249, 240, 250, 101, 105, 258, 263, 266, 267, 259, 268, 269, 271, 275, 273, 274, 225, 227, 270, 276, 93, 94, 257, 284, 223, 218, 219, 220, 221, 222, 226, 228, 253, 279, 280, 281, 282, 277.

[27] Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020, Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em 2012-2020, Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020, Chương trình mục tiêu về biến đổi khí hậu và phát triển xanh và Chương trình mục tiêu về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, Chương trình hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Chương trình bảo vệ trẻ em trên không gian mạng và Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030, Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030…

[28] Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”; Chương trình hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030; Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”; Đề án “Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030.

[29] Các khuyến nghị số 1, 9, 8, 11, 12, 13, 27, 37, 17, 34, 21, 24, 41, 31, 35, 30, 138, 32, 6, 18, 147, 148, 165, 16, 26, 19, 33, 10, 44, 45, 47, 48, 49, 51, 52, 50, 20, 25, 165.

[30] Các khuyến nghị số 7, 28, 54, 58, 65, 70, 74, 77, 78, 84, 87, 63, 67, 86, 135, 234.

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Bình luận 2

  1. Duy Khoa nói:

    Bài viết rất dài, thể hiện sự nghiên cứu đầu tư kỹ lưỡng của người viết!

  2. SKTT nói:

    Bài viết rất chất lượng!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.