Giai đoạn 2021-2025, TCT đang tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và Đảng Ủy TCT đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/ĐUTCT để định hướng công tác chuyển đổi số tại TCT. Hợp tác giữa VNA và Tập đoàn Tư vấn & Kiểm toán Toàn cầu Ernst & Young là cơ sở để TCT tổ chức Hội thảo đào tạo với chủ đề “Tầm nhìn chuyển đổi số”.
Hội thảo có sự tham dự của Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hoà, TGĐ Lê Hồng Hà, cùng các thành viên HĐQT, các PTGĐ – Giám đốc Lĩnh vực khối – Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và Lãnh đạo các Ban chuyên môn.
Về phía Ernst & Young (EY) có sự tham dự của ông Nguyễn Minh Đức – PTGĐ EY Việt Nam; ông Shasi J – Lãnh đạo Tư vấn EY Vietnam; ông Boon Lim Yap – PTGĐ EY Singapore; ông Sungkyu Chang – PTGĐ EY Malaysia; Bà Nguyễn Mai Nguyệt – Giám đốc Tư vấn chuyển đổi Doanh nghiệp EY Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hoà cho biết, với VNA, chuyển đổi số là nhiệm vụ rất quan trọng vì mục tiêu của VNA là trở thành hãng hàng không số vào năm 2025 và Hãng đang nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu đó. Nhiều năm qua, VNA đã ứng dụng rất nhiều phần mềm công nghệ và công cuộc chuyển đổi số thực sự là một bước tiến lớn đối với VNA.
Năm 2021, VNA và EY đã có thời gian làm việc cùng nhau để nghiên cứu các hãng hàng không số khác và chỉ ra những điều VNA cần làm để trở thành hãng hàng không số. Buổi workshop sẽ giúp đào tạo công tác quản lý trong lĩnh vực chuyển đổi số cho các cấp lãnh đạo của TCT và các đơn vị trực thuộc VNA, và sau này sẽ tiếp tục được tổ chức cho tất cả CBNV VNA. Từ đó, toàn hệ thống sẽ có kiến thức nền tảng về chuyển đổi số và nắm được những điều VNA cần phải làm trong hiện tại cũng như những năm tới để trở thành hãng hàng không số.
Tại Hội thảo, lãnh đạo TCT và các đơn vị lắng nghe và thảo luận các nội dung gồm: “Nâng cao nhận thức chuyển đổi số (CĐS) và công tác CĐS tại TCT và kết quả thực hiện”; Tóm tắt các báo cáo đánh giá, mức độ sẵn sàng CĐS mà EY đã thực hiện tại VNA trong năm 2021; Cập nhật thông tin về các hoạt động nội bộ liên quan đến CĐS mới nhất tại VNA và cuối cùng là “Quan điểm của EY về mô hình quản trị phù hợp để áp dụng cho CĐS tại VNA, trong đó nhấn mạnh vào sơ đồ tổ chức, nguồn lực, vai trò và trách nhiệm”.
VNA đạt 67/100, trong nhóm Nâng cao về sẵn sàng CĐS
Theo báo cáo khảo sát do Ban TTCĐS phối hợp cùng EY thực hiện, VNA đạt 67/100, trong nhóm Nâng cao về sẵn sàng chuyển đổi số, cao hơn 12 điểm so với mặt bằng chung các hãng HK tham gia khảo sát.
Trong lĩnh vực Hàng không, trên cả 07 hạng mục được khảo sát VNA đều có mức đánh giá cao hơn hoặc bằng mặt bằng chung từ 0 đến 17 điểm. Bên cạnh đó, VNA cũng xếp hạng 152 trên tổng số 467 tổ chức thuộc 21 ngành trên 46 quốc gia tham gia khảo sát.
Với số điểm này, VNA là doanh nghiệp đã có những động thái sơ khai, sẵn sàng áp dụng và thực hiện CĐS để triển khai xuyên suốt toàn bộ tổ chức, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn gặp thách thức trong việc có hoạch định và lộ trình cụ thể để triển khai CĐS có hiệu quả và phục vụ mục tiêu SXKD.
Hiện nay các hoạt động chuyển đổi số của VNA tập trung vào các nội dung:
Xây dựng Dự thảo đầu tiên về Tầm nhìn và Sứ mệnh CĐS với Tầm nhìn và 7 mục tiêu lớn của CĐS ở cấp độ Tổng công ty. Các mục tiêu CĐS ở cấp đội khối được đề xuất bởi 7 phòng/ ban nghiệp vụ bao gồm Khối Thương mại (3), Khối Dịch vụ (3), Khối CNTT (3), Khối Kỹ thuật (2), Khối Khai thác bay (5), Khối An toàn (4), Khối Quản lý chung (2).
Liên tục xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên trách CĐS với Sơ đồ tổ chức của văn phòng chuyển đổi số đã được xây dựng và đề xuất
Hoạt động xây dựng văn hóa doanh nghiệp hỗ trợ CĐS liên tục với một số hoạt động đào tạo đã được triển khai để xây dựng nhận thức về chuyển đổi số ở các cấp khác nhau trong TCT.
Xác định các sáng kiến CĐS trọng tâm ở cấp độ TCT nhằm xác định 6 sáng kiến chuyển đổi số trọng tâm tập trung vào hoạt động Quản trị nhân sự, E-office, Quản lý Chi phí-Hợp đồng- Lập kế hoạch, E-learning, Data warehouse, Báo cáo.
Quan điểm của EY về các lĩnh vực cần mức độ ưu tiên cao nhất
Trong bối cảnh hiện tại mà các phát kiến Chuyển đổi Số có thể đóng góp giá trị lớn, quan điểm của EY đưa ra dựa trên định nghĩa của Neil Gibb,“The Participation Revolution”: “Số hóa không đồng nhất với chuyển đổi Số. Nếu một doanh nghiệp chỉ số hóa hoạt động mà không dịch chuyển căn bản định hướng (kinh doanh), văn hóa, cấu trúc và định vị giá trị của mình thì những gì họ đang nỗ lực có thể chỉ là tự rút ngắn vòng đời của mình”.
Trong phần trình bày của mình, ông Shasi J – Lãnh đạo Tư vấn EY Vietnam đưa ra một loạt các ví dụ về các hãng hàng không như Singapore Airlines, Air Asia, Emirate mà điển hình là Malaysia Airlines.
Trước đại dịch, trong bối cảnh dư thừa nguồn lực tàu bay hãng hàng không này ưu tiên về mặt chiến lược (Tái cấu trúc bảng cân đối kế toán. Năm 2014, doanh nghiệp công bố Kế hoạch Phục hồi MAB (MRP) 5 năm, tập trung vào việc sửa đổi bảng cân đối kế toán. Mục tiêu của chuyển đổi số của hãng là xây dựng bộ máy tinh gọn và linh hoạt với sự trợ giúp từ chuyển đổi số.
Sau khi đại dịch bắt đầu, theo kế hoạch 2021-2025, Malaysia airlines phấn đấu trở thành không chỉ là một hãng hàng không mà là công ty dịch vụ hàng không và du lịch hàng đầu Châu Á; và kỳ vọng bắt đầu có lãi từ năm 2022.
Và bài học rút ra từ quá trình chuyển đổi số của các công ty cùng ngành đó là:
Bảo vệ khách hàng và CBNV: Các thủ tục không tiếp xúc trước chuyến bay. Quy trình lên tàu bay, danh mục, thực đơn số trên máy bay. Xác thực danh tính theo thời gian thực và các tài liệu y tế.
Đa dạng hóa để tìm kiếm nguồn doanh thu mới: Tối đa hóa khả năng vận tải hàng hóa; Ra mắt nền tảng logistic & vận chuyển; Xây dựng nền tảng du lịch số, phong cách sống, thương mại điện tử; công nghệ tài chính.
Tận dụng hệ sinh thái số: Hợp tác với các hãng hàng không, nhà khai thác cảng để cùng thí điểm các sáng kiến số; Đầu tư vào các start-ups công nghệ; Hợp tác với các công ty công nghệ.
Chuẩn bị lực lượng lao động cho tương lai: Thúc đẩy văn hóa “Agile” và quản lý dự án; Thúc đẩy đổi mới tư duy hợp tác; Đào tạo, xây dựng cổng thông tin số, hỗ trợ CBNV trong quá trình chuyển đổi.
Chuyển đổi số trong bối cảnh của VNA
Dựa trên những phân tích từ các hãng hàng không và kết quả khảo sát mức độ sẵn sàng CĐS tại VNA, EY gợi mở mô hình Quản trị Chuyển đổi Số trong bối cảnh của VNA theo phương pháp tiếp cận Chuyển đổi số tổng thể, bao gồm Quản lý chương trình (dựa trên 05 lĩnh vực là Quản lý danh mục dự án về Chuyển đổi số; Điều phối/Thúc đẩy các sáng kiến; Quản lý chuyển đổi; Quản lý rủi ro và Quản lý truyền thông) và Quản lý theo dõi hiệu quả chuyển đổi số (thông qua Mô hình trưởng thành số-DMM và Mô hình Value for Money-OKRs).
Theo EY, CĐS đòi hỏi các năng lực về Agile nhằm thích ứng với các thay đổi trong môi trường nội bộ và bên ngoài một cách nhanh chóng.
CĐS là cách mạng hóa cách thức hoạt động kinh doanh và đảm bảo doanh nghiệp trong tương lai có thể ứng biến nhanh chóng và linh hoạt với sự thay đổi liên tục từ yếu tố nội bộ, đối thủ cạnh tranh, xu hướng ngành và công nghệ mới. Hiểu được điều đó, một cách tiếp cận linh hoạt để triển khai các sáng kiến mới trên toàn doanh nghiệp sẽ đảm bảo tất cả các nhóm liên quan có thể nhanh chóng thích ứng và cung cấp giá trị thường xuyên – chìa khóa để đổi mới và tồn tại trong một thế giới kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng.
Chiến lược chuyển đổi số bắt đầu với công việc đánh giá mức độ trưởng thành số và xây dựng Tầm nhìn số phù hợp với chiến lược kinh doanh… Sau đó biến Tầm nhìn số, các mục tiêu thành những chương trình then chốt…
Các bước đi tiếp theo, VNA cần rà soát các chiến lược kinh doanh của VNA trong bối cảnh hậu Covid; Rà soát, cập nhật và thống nhất Chiến lược CĐS; Tiến hành đào tạo về CĐS và Phương pháp Agile; Thiết lập Văn phòng Số và tuyển dụng các chuyên gia hoặc lựa chọn hang tư vấn để đồng hành xuyên suốt lộ trình CĐS.
Sau hơn 3 giờ làm việc, các vấn đề đã được lãnh đạo TCT trực tiếp đưa ra thảo luận tại Hội thảo và EY giải đáp, góp phần làm rõ những nội dung trong chiến lược CĐS của VNA.
03 điểm thách thức lớn nhất của VNA trong công tác chuyển đổi số
Phát biểu kết luận, Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hoà cho biết, từ kết quả khảo sát của EY thực thiện trong tháng 3/2021 đã chỉ ra 03 điểm thách thức lớn nhất của VNA trong công tác CĐS là: NHẬN THỨC NỘI BỘ; NĂNG LỰC NHÂN SỰ; DỮ LIỆU.
Và để đảm bảo thực hiện CĐS thành công VNA cần cân nhắc các yếu tố 06 then chốt: Cụ thể hóa mục tiêu CĐS; Có đội ngũ chuyên biệt quản lý CĐS; Nâng cao năng lực quản lý dự án; Tạo nền tảng tối ưu và tự động hóa quy trình; Xây dựng nền tảng dữ liệu chung; Đổi mới linh hoạt phương thức đầu tư để giảm thiểu các vấn đề cơ chế.
Một lần nữa, Chủ tịch Đặng Ngọc Hoà nhấn mạnh, CĐS không phải và cũng không thể là công việc, nhiệm vụ của riêng một cá nhân, một Ban hay một đơn vị nào mà sự thành công của CĐS cần những động lực, cách tiếp cận mới, tư duy trong mới trong công việc và đặc biệt là sự đồng lòng, quyết tâm của tập thể Lãnh đạo, CBNV toàn TCT.