[Thời báo Ngân hàng] VNA ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn do dịch COVID-19

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, sáng 7/7/2021, VNA đã ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại là Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) với tổng số tiền cho vay 4.000 tỷ đồng.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tham dự lễ ký kết có Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú; bà Nguyễn Thị Phú Hà – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đại diện lãnh đạo SeABank, MSB, SHB. Về phía VNA có sự tham dự của ông Đặng Ngọc Hoà – Chủ tịch HĐQT VNA; ông Lê Hồng Hà – Tổng Giám đốc VNA…

alt text
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cùng các đại biểu chứng kiến lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa VNA và 3 ngân hàng thương mại cổ phần (Ảnh: Thời báo Ngân hàng).

Kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết thông qua các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho VNA vào tháng 11/2020, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ban, ngành đã triển khai quyết liệt các văn bản, khung pháp lý và chính sách để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì triển khai và hoàn tất toàn bộ khung pháp lý, tạo cơ sở cho VNA và các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay tái cấp vốn thực hiện các bước tiếp theo là thỏa thuận đàm phán và đi đến ký kết. Bản thân VNA cũng đã chủ động làm việc với một số TCTD để tìm kiếm sự chấp thuận cho vay vốn mang tính nguyên tắc từ các ngân hàng trong bối cảnh tình hình tài chính của VNA bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19.

Việc các TCTD đồng ý cho VNA vay 4.000 tỷ đồng thể hiện sự chia sẻ và niềm tin rất lớn với quá trình ứng phó, vượt qua khủng hoảng và khả năng phục hồi, phát triển của VNA sau đại dịch.

Trên thực tế, VNA đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Khi ngay trong thị trường nội địa, lượng khách đi máy bay giảm mạnh, nhiều khách hoàn, huỷ vé trong mỗi đợt dịch gây thâm hụt dòng tiền cho VNA.

Thêm vào đó, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các hãng nội địa kéo theo cung vượt cầu, giá bình quân giảm mạnh khiến hiệu quả kinh doanh bị suy giảm. Trên thị trường quốc tế, theo đại diện VNA, toàn bộ đường bay quốc tế vẫn tạm dừng khai thác làm mất đi một nguồn thu quan trọng của VNA khi doanh thu vận tải hành khách quốc tế đóng góp đến 65% doanh thu vận tải hành khách của VNA.

Đó là chưa kể, trong bối cảnh nhu cầu và lưu lượng hành khách giảm, VNA vẫn phải duy trì hoạt động với chi phí cố định rất lớn như phí thuê tàu bay, phí bảo dưỡng, phí bãi đỗ… Điều này khiến VNA cũng như các hãng hàng không khác gặp khó khăn trong việc đảm bảo dòng tiền và khả năng thanh toán.

VNA cũng là hãng hàng không quốc gia có quy mô đội tàu bay lớn nhất trong các hãng nội địa nên mức độ thiệt hại cũng nặng hơn rất nhiều. VNA cũng phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh do tính chất của ngành hàng không là tiếp xúc, phục vụ nhiều đối tượng hành khách đến từ nhiều nơi khác nhau. Việc thực hiện cách ly phi công, tiếp viên, thợ kỹ thuật sau mỗi chuyến bay quốc tế cũng phát sinh chi phí lớn. VNA dự kiến lỗ khoảng 10.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, mức lỗ này nằm trong kịch bản mà VNA đã chủ động xây dựng để ứng phó, do đó đây chỉ là khó khăn có thời hạn. VNA cũng đã có kế hoạch phục hồi và phát triển trở lại ngay sau khi dịch được kiểm soát.

Giải pháp cho vay tái cấp vốn nằm trong gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua vào tháng 12/2020 để góp phần giúp VNA vượt qua khủng hoảng. Đây là một trong các giải pháp của Chính phủ trong vai trò cổ đông Nhà nước nắm giữ 86,19% cổ phần tại VNA để hỗ trợ doanh vượt qua khó khăn. Hiện tại, VNA đang tiếp tục triển khai các bước theo quy định liên quan đến phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng để có thể hoàn tất thủ tục phát hành vào cuối quý III/2021.

Phát biểu tại lễ ký kết, Chủ tịch HĐQT VNA ông Đặng Ngọc Hoà gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các ngân hàng SeABank, MSB, SHB đã đồng hành sát sao cùng VNA trong hơn 7 tháng qua để gói hỗ trợ này được triển khai.

“Sau khi giải ngân tổng số tiền 4.000 tỷ đồng dưới hình thức vay ưu đãi từ các ngân hàng thương mại, VNA sẽ sử dụng nguồn lực này để thanh toán các khoản nợ quá hạn và thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh phát sinh tại thời điểm giải ngân, tuyệt đối không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh”, ông Đặng Ngọc Hoà khẳng định.

Đại diện cho 3 ngân hàng thương mại cổ phần, ông Võ Đức Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT SHB cho hay: SHB, SeABank và MSB rất vinh dự được lựa chọn là TCTD đồng hành cùng VNA. Đồng thời cam kết giải ngân gói tín dụng với tổng số tiền 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN nhanh chóng, kịp thời, đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu về vốn của VNA, đồng hành cùng VNA vượt qua ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tiếp tục thực hiện sứ mệnh là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng không, tiếp tục góp phần vào sự phát triển giao thương trong nước và quốc tế, phát triển kinh tế xã hội. Cả SHB, MSB và SeABank đều mong muốn VNA sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, đảm bảo an toàn vốn cho hoạt động tái cấp vốn của NHNN.

alt text
VNA đã và đang triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp tự thân nhằm cắt giảm chi phí như tái cơ cấu doanh nghiệp; thu hẹp sản xuất kinh doanh theo quy mô thị trường; tối ưu hóa hoạt động bảo dưỡng tàu bay; đàm phán với các nhà cung ứng giãn, hoãn thanh toán và áp dụng chính sách tiền lương trong giai đoạn COVID-19… (Ảnh: Mai Hương).

Bên cạnh gói giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, để khắc phục khó khăn trước diễn biến dịch COVID-19 kéo dài, ông Hoà cho biết, VNA đã và đang triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp tự thân nhằm cắt giảm chi phí như tái cơ cấu doanh nghiệp; thu hẹp sản xuất kinh doanh theo quy mô thị trường; tối ưu hóa hoạt động bảo dưỡng tàu bay; đàm phán với các nhà cung ứng giãn, hoãn thanh toán và áp dụng chính sách tiền lương trong giai đoạn COVID-19… Những giải pháp này đã mang đến kết quả tích cực khi tiết kiệm được một phần rất lớn chi phí cho VNA.

Theo đánh giá của các tổ chức hàng không và VNA, thị trường khách quốc tế có thể sẽ cần 2-3 năm để hồi phục tương đương với mức của năm 2019, trong khi thị trường nội địa có thể phục hồi mạnh mẽ ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Với kịch bản lạc quan, dự báo đến năm 2023, thận trọng hơn là năm 2024, thị trường hàng không Việt Nam sẽ phục hồi quy mô tương đương năm 2019.

“Để làm được điều này, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp từ đầu năm 2021 đến nay, VNA rất mong Chính phủ và các bộ, ban, ngành xem xét các phương án hỗ trợ tiếp theo để tiếp sức cho ngành hàng không vượt qua khó khăn trong năm nay và tạo đà phục hồi trong các năm sau. Đồng thời, với sự chỉ đạo và định hướng đúng đắn của Chính phủ, cùng sự đồng hành sát sao, quan tâm và hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, đối tác, VNA chắc chắn sẽ vượt qua khó khăn tạm thời này và phục hồi mạnh mẽ, bởi ngành hàng không, đặc biệt là Hãng hàng không Quốc gia, có cơ hội rất lớn để bứt phá và đóng góp cho nền kinh tế sau khi đại dịch được kiểm soát”, Chủ tịch HĐQT VNA chia sẻ.

Đối với chính sách tháo gỡ khó khăn cho VNA, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho hay, gói hỗ trợ của các ngân hàng thương mại cho VNA vay với lãi suất ưu đãi, không phải lãi suất 0%, phần chênh lệch lãi suất này không “cho không” VNA mà sẽ tính vào phần vốn góp của nhà nước tại VNA. VNA vẫn phải trả lãi vay cho các TCTD nhưng ở mức ưu đãi, thấp hơn thị trường.

Theo: Khuê Nguyễn – Thời báo Ngân hàng

Nguyen Mai Huong-COMM

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.