Đoàn bay 919: Hành trình chinh phục bầu trời

Trong quá trình 65 năm hình thành và phát triển (1/5/1959-1/5-2024), những phi công của Đoàn bay 919 luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó, hiện thực hóa khát khao chinh phục bầu trời, vươn tầm thế giới, đồng thời là lực lượng dự bị tin cậy trong những tình huống quốc phòng, an ninh của Tổ quốc.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ vận tải quân sự kết hợp phục vụ dân dụng, Trung đoàn Không quân vận tải 919 còn trực tiếp tham gia chiến đấu. Những chiến công của Trung đoàn đã ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử của bộ đội không quân và của ngành hàng không Việt Nam.

Lịch sử chinh phục bầu trời 

Được thành lập vào ngày 1/5/1959 tại sân bay Gia Lâm, Trung đoàn Không quân vận tải 919 là đơn vị bay vận tải quân sự – hàng không dân dụng đầu tiên của Việt Nam. Đây cũng là đơn vị tiền thân của Đoàn bay 919. Thời điểm này, Đoàn bay chỉ sở hữu vốn liếng là 10 chiếc máy bay IL-14, Li-2; AN-2; Mi-4, Aero-45 cùng 30 phi công được đào tạo ngắn hạn nhầm đáp ứng nhu cầu cấp bách là phục vụ chiến đấu và vận tải hàng không dân dụng.

Trong năm đầu tiên, với những máy bay thế hệ cũ được trang bị thô sơ cùng những phi công tuổi đời còn non trẻ, Đoàn bay 919 đã thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ bay rất phức tạp, như bay phục vụ Ủy ban Quốc tế đi lại trên miền Bắc, chở hàng hoá trên các tuyến bay trong nước và đảm nhiệm bay chuyên cơ đưa Bác Hồ đi dự lễ thành lập Khu tự trị Tây Bắc…

Giai đoạn 1965-1968, không quân Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại đánh phá miền Bắc, Trung đoàn 919 dừng nhiệm vụ bay chở khách, chuyển sang thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị chiến đấu, bay chuyên cơ, chở vũ khí đạn dược, lương thực, thuốc men phục vụ cho các chiến trường và tiếp tế vùng khó khăn.

Đặc biệt, sự kiện ngày 15/2/1964 đã đánh dấu trận thắng lợi trên không đầu tiên của Đoàn bay 919. Phi công Nguyễn Văn Ba, một trong hai phi công điều khiển máy bay T-28 xuất kích từ sân bay Gia Lâm, đã tiếp cận và tiêu diệt gọn máy bay C-123 chở biệt kích Mỹ.

Suốt quá trình phục vụ chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, Đoàn bay 919 đã thực hiện 163 chuyến bay, cơ động 4.250 cán bộ, chiến sĩ, vận chuyển 120,7 tấn vũ khí, phương tiện kỹ thuật, trong đó có đạn pháo cho xe tăng, bản đồ thành phố Sài Gòn, cờ, biểu ngữ, truyền đơn… đáp ứng cho yêu cầu cấp bách của chiến dịch.

Lực lượng phi công của Trung đoàn thường xuyên được bổ sung cho lực lượng phi công tiêm kích để trực tiếp chiến đấu chống cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Hàng nghìn chuyến bay của lực lượng Không quân vận tải – hàng không dân dụng đã vận chuyển cán bộ, chiến sĩ, vũ khí, phương tiện kỹ thuật, thuốc men, chi viện cho nhu cầu cấp bách của chiến trường.

Các cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn đã mang hết sức lực và phương tiện của mình phục vụ nhân dân; chở lương thực, thuốc men, đắp đê, hàn khẩu; mang sự quan tâm của Đảng, Chính phủ tới nơi đồng bào bị nạn bão lụt, thiên tai. Nhiều gương mặt phi công, kỹ sư quả cảm của Trung đoàn 919 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là liệt sĩ Phan Như Cẩn-phi công chiến đấu AN-2, phi công Nguyễn Văn Ba, kỹ sư Nguyễn Tường Long-chuyên trách cải tiến, trang bị vũ khí cho máy bay.

Sau ngày toàn thắng, các chuyến bay của Trung đoàn 919 đã đưa lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào thành phố Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh) dự lễ mừng chiến thắng và thống nhất đất nước.

Trong 65 năm phát triển, những phi công của Đoàn bay 919 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giữ vững truyền thống hào hùng, hiện thực hóa khát khao chinh phục bầu trời, vươn tầm thế giới; đồng thời là lực lượng dự bị tin cậy trong những tình huống quốc phòng, an ninh của Tổ quốc.

Những người lính trở thành phi công dân dụng đầu tiên

Tại chương trình giao lưu với chủ đề: “Hành trình chinh phục bầu trời” do Báo Quân đội Nhân dân tổ chức, các khán giả được dịp giao lưu, trao đổi cùng với những chứng nhân lịch sử, những người lính không quân trở thành phi công dân dụng đầu tiên của Việt Nam. Cùng với đó là những câu chuyện về lịch sử, về những khó khăn và những cố gắng để vượt qua của những người lính trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thực nhiện các nhiệm vụ chính trị trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ông Trần Hữu Thọ, nguyên sĩ quan dẫn đường của một trong các tổ bay Ilyushin 14 (IL-14), là lớp phi công thế hệ thứ hai của Đoàn bay 919 (hiện đang nghỉ hưu tại TP Hồ Chí Minh) đã chia sẻ nhiều kỷ niệm xúc động về những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Năm 1968, ông Thọ xuất kích bay khi qua Khe Sanh (Quảng Trị)-vĩ tuyến 17, cảm thấy rất xót xa khi thấy khung cảnh đất nước bị tàn phá. Tiếng động cơ nổ vang rền, cánh quạt kêu, ông Thọ xúc động nhớ đến bố mẹ khi bay qua khu vực quê nhà, trong lòng thầm nói: “Mẹ ơi, trên đầu mẹ là máy bay của chúng con, không phải máy bay địch. Giờ con đã trưởng thành, về trả thù cho bố mẹ”.

Giai đoạn năm 1965-1967, những phi công quân sự như ông Thọ bay suốt ngày đêm để thả dù, chi viện biên giới cho Lào, có chuyến vào miền Nam. Có những chuyến bay thả hàng cứu trợ, yêu cầu phải bay cách khu vực thả hàng khoảng 20m nhưng ông cùng đồng đội thường cố gắng điều khiển máy bay với khoảng cách 7-10m so với mặt nước và căn chỉnh thả hàng không được xa quá để người dân không vất vả bơi ra lấy đồ.

“Điều vui mừng nhất trong cuộc đời phi công quân sự đó chính là thời khắc khi bay về đơn vị vào đúng dịp Giao thừa thì nhận được bức thư và lẵng hoa của Bác Hồ gửi tặng động viên,” ông Thọ kể lại.

Ông Phạm Huy Vận, nguyên Phó Đoàn trưởng Đoàn bay 919, lớp phi công thứ 3 của Trung đoàn Không quân vận tải 919 cũng chia sẻ những nỗi vất vả, khó khăn trong quá trình học, chiến đấu và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Theo lời ông Vận, lúc ấy, nước ta đang trải qua cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ. Lớp đào tạo phi công khóa đó phải học tại nhà dân hoặc đình chùa. Có những trận đánh, phía Mỹ nhiều lần rải bom trúng vào nhà dân, các học viên vừa học vừa phải sơ tán, tìm chỗ trú ẩn tránh bom là chuyện bình thường như cơm bữa.

“Đặc biệt, những mô hình học về bay không có, nên học viên phải vừa học vừa tưởng tượng lại những lời dạy của phi công đi trước mà thực hành. Tôi dám chắc các đồng chí ấy chưa qua lớp sư phạm nào, cũng không có giáo trình, chỉ truyền đạt lại bằng kinh nghiệm bay của chính bản thân” – ông Vận kể lại.

Với quyết tâm học, vượt qua mọi khó khăn, ông Vận cùng học viên khác đã hoàn thành khoá học vào năm 1968. Là hoa tiêu dẫn đường nên khi tốt nghiệp, ông có thể điều khiển tất cả các máy bay mà Trung đoàn 919 có. Một vài năm sau, khóa của ông cũng được cử đi đào tạo, huyến luyện thêm ở Séc.

Sau những chuyến bay đầu tiên, ông Vận thực hiện tiếp các chuyến bay vận tải, cứu trợ. Cựu phi công cùng đồng đội tại Trung đoàn 919 tham gia các chuyến bay vận chuyển phi công vào chiến trường, thả dù lương thực, nhu yếu phẩm cho vùng bão lụt ở Phú Thọ, Hải Dương, Quảng Bình những năm 1971 hay cứu trợ, thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

Bên cạnh đó, là một người lính được đào tạo chính quy, bài bản, ông Vận cũng được lựa chọn là người chuyên chở các chính khách, lãnh đạo Việt Nam, Lào, Campuchia. Tiếp xúc với các nguyên thủ, ông Vận ấn tượng sự giản dị của Tổng Bí thư Trường Chinh, sự quan tâm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay sự hào sảng của cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen… Theo ông Vận, đây là những kỷ niệm mà nếu không phải xuất thân từ một người lính không quân thì sẽ không thể có được.

Bước ngoặt lớn diễn ra vào năm 1993, khi Đoàn bay 919 trở thành đơn vị trực thuộc Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, chuyển sang giai đoạn phát triển mới với bước nhảy vọt về trình độ. Các sĩ quan không quân trong Đoàn bay đều chuyển sang ngành dân sự. Dù chuyển đổi nhưng ông Vận không cảm thấy bất ngờ bởi ông tâm niệm dù làm việc ở đâu, vẫn là phi công.

Thời điểm mới chuyển sang hàng không dân dụng, mọi thứ đều thiếu thốn. Máy bay từng phục vụ cho chiến đấu, vận chuyển nguyên thủ như TU-134, vận tốc 850 km/h, sức chứa 80 người được chuyển sang chở hành khách. Lực lượng tiếp viên hàng không là bài toán nan giải vì chưa từng được đào tạo chính quy. Thậm chí phải bổ sung cả những người làm việc không lưu lên phục vụ hành khách.

Những chuyến bay sơ khai ban đầu đó cũng là nền móng cho sự phát triển của hãng bay quốc gia. Đến năm 1995, nhu cầu bay dần tăng, cao điểm có những tháng, ông Vận điều khiển máy bay chở khách 25 ngày. Nhu cầu di chuyển lớn hơn cùng tầm nhìn muốn hiện đại hóa đội bay đặt Vietnam Airlines đứng trước một cột mốc mới, thay thế các dòng máy bay Liên Xô cũ sang máy bay phản lực thế hệ mới, hiện đại.

Năm 1996, lần đầu tiên tổ bay gồm các phi công Việt Nam điều khiển chiếc Boeing 767 mang số hiệu VN783 từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh một cách độc lập và tuyệt đối an toàn, thay vì phải có phi công nước ngoài bay kèm.

Đoàn bay 919 – 65 năm sải cánh vươn cao

Năm 1993, Đoàn bay 919 chính thức trở thành đơn vị trực thuộc Hãng hàng không quốc gia Việt Nam. Đoàn bay vừa là đôi cánh chủ lực kết nối con người Việt Nam với thế giới, vừa là lực lượng dự bị quan trọng phục vụ an ninh, quốc phòng của đất nước.

Sinh ra từ Quân đội, trưởng thành trong kháng chiến, trải qua 30 năm do Quân đội trực tiếp quản lý, Trung đoàn Không quân vận tải 919 đã được đào luyện, thử thách trong môi trường kỷ luật, nền nếp, tác phong Quân đội, hình thành những phẩm chất cần thiết đối với đội ngũ lái máy bay, lao động kỹ thuật đặc biệt, đòi hỏi tính kỷ luật cao, chu đáo, chặt chẽ trong từng chi tiết. Những phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ vẫn được các cán bộ, phi công, nhân viên Đoàn bay 919 ngày nay trân trọng, gìn giữ, để từ đó luôn phát huy tinh thần không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc giao.

“Chúng tôi cảm thấy rất vinh dự trong cuộc đời vì giai đoạn đầu tiên được mặc bộ quân phục của Không quân Nhân dân Việt Nam. Giai đoạn 2 khi chuyển sang hàng không dân dụng, phi công quân sự chuyển ngành lại mặc bộ sắc phục mang màu cờ sắc áo của hàng không Việt Nam. Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc khi được phục vụ cho hàng không non trẻ nhưng cũng là bộ mặt của đất nước.”- ông Vận tự hào nói.

Nguyên phi công Phó Đoàn trưởng Đoàn bay 919 cho rằng trong quá trình lịch sử phát triển và hình thành, Vietnam Airlines đã mạnh dạn chuyển đổi sang công nghệ mới khi tiếp cận những máy bay hiện đại, đây là quyết tâm cao, quyết sách đúng để đi đúng hướng hoạt động kinh tế và hội nhập.

Thiếu tướng Bùi Tố Việt, Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân, cho biết Trung đoàn Không quân 919 năm xưa nay là Đoàn bay 919, nòng cốt của hàng không dân dụng Việt Nam. Đoàn bay 919 là lực lượng dự bị hùng hậu, sẵn sàng nhận và hoàn thành các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, lực lượng dự bị được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao. Cùng với đó, Đoàn bay 919 là bộ phận không thể tách rời, không thể thiếu trong hội nhập, đối ngoại quốc tế, cầu nối quảng bá văn hóa, đất nước con người Việt Nam ra thế giới.

“Về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, Đoàn bay 919 là lực lượng dự bị hùng hậu, sẵn sàng nhận và hoàn thành các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, lực lượng dự bị được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao” – Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân khẳng định.

Ông Tô Ngọc Giang, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, Đoàn trưởng Đoàn bay 919 cho biết: “Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Đoàn bay 919 luôn là đôi cánh tiên phong thực hiện các nhiệm vụ bay quân sự, dân dụng một cách an toàn và hiệu quả. Sau khi trở thành đơn vị thuộc Vietnam Airlines, Đoàn bay 919 tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực, luôn đi đầu khai thác các dòng máy bay hiện đại nhất của Airbus, Boeing theo từng thời kỳ như Boeing 777, Airbus A330 và hiện tại là Boeing 787, Airbus A350.”

“Vietnam Airlines là hãng đầu tiên tại châu Á-Thái Bình Dương đồng thời khai thác 2 loại máy bay hiện đại Boeing 787-9, Airbus A350, cũng như là hãng đầu tiên ở Việt Nam khai thác máy bay Boeing 787-10. Đoàn bay 919 luôn chủ động trong việc tiết kiệm chi phí bằng các sáng kiến tiết kiệm nhiên liệu trên từng chặng bay, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ, an toàn bay tuyệt đối và phát triển bền vững của Vietnam Airlines.” – ông Tô Ngọc Giang cho biết.

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines đánh giá cao đóng góp to lớn của Đoàn bay 919 với Hãng hàng không quốc gia Việt Nam nói riêng và ngành hàng không nói chung: “Kể từ khi chính thức thành lập vào năm 1993, Hãng hàng không quốc gia đã thực hiện hơn 1,7 triệu chuyến bay, vận chuyển hơn 320 triệu lượt khách và 4,7 triệu tấn hàng hóa. Đoàn bay 919 chính là đơn vị nòng cốt của Vietnam Airlines trực tiếp thực hiện thành công những chuyến bay mang theo niềm tự hào của đất nước,con người Việt Nam sải cánh trên bầu trời thế giới.

“Trong bối cảnh ngành hàng không Việt Nam đang hồi phục sau đại dịch, Đoàn bay 919 đã phát huy truyền thống anh hùng, phẩm chất kiên cường của Quân đội Nhân dân Việt Nam, không ngừng nâng cao năng lực đội ngũ phi công, ứng dụng công nghệ hiện đại, khai thác an toàn, hiệu quả. Từ đó giúp hãng nhanh chóng nắm bắt các cơ hội phát triển và bứt phá, góp phần quan trọng để Vietnam Airlines nói riêng, ngành hàng không Việt Nam nói chung vươn tầm hoạt động, đạt được những thành tựu mới và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, xã hội của cả nước.” – ông Đặng Ngọc Hòa nhấn mạnh.

Hiện nay, bên cạnh hợp tác với các trường bay quốc tế ở Úc, New Zealand, Mỹ, châu Âu… Đoàn bay 919 đã chủ động trong chuỗi huấn luyện đào tạo phi công cơ bản với chi phí và thời gian hợp lý hơn. Thông qua chương trình hợp tác đầu tư buồng lái mô phỏng cho loại máy bay Airbus A321, Airbus A350 và Boeing 787, các phi công được đào tạo chuyên nghiệp và bài bản ngày ở trong nước. Đến nay, Vietnam Airlines đã tự chủ được tất cả các loại hình huấn luyện đào tạo cho lực lượng hơn 1.000 phi công từ lái phụ thành lái chính, cơ trưởng cho đến giáo viên cho các loại máy bay ATR72; Airbus A321, Airbus A350, Boeing 787.

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, Đoàn bay đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, an ninh, ngoại giao và bảo vệ công dân được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó. Các phi công của Đoàn bay tiên phong tham gia nhiều chiến dịch lớn của Chính phủ như vận chuyển hơn 15.000 y bác sĩ, chiến sĩ, cán bộ hậu cần đi làm nhiệm vụ trong đại dịch Covid-19 năm 2020-2021; lập cầu hàng không sơ tán người lao động ở Libya năm 2011 và 2014; hỗ trợ người Việt về nước trong thời điểm Nhật Bản bị động đất, sóng thần năm 2011; đưa hành khách thoát khỏi châu Âu do núi lửa phun trào năm 2010; vận chuyển công dân Việt Nam trở về từ Malaysia, Trung Đông các năm 2005-2007…

Với đóng góp lớn về kinh tế – xã hội, Đoàn bay 919 đã được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều huân chương, danh hiệu cao quý như danh hiệu Huân chương Độc lập hạng Nhì, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh,…

Theo Pháp luật và xã hội
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.