“Có những điều bạn học được tốt nhất trong bình yên, có những điều chỉ học được trong dông bão.”
Không có gia đình, chỗ dựa dẫm, Jolene gia nhập quân động, trở thành phi công và ở đó cô cũng có người bạn thân duy nhất của mình – Tami. Nhiều năm sau đó, Jolene kết hôn hơn Michael. Sau 12 năm chung sống, đôi vợ chồng đang cảm thấy bế tắc về cuộc sống gia đình.
Truyện mở đầu là ngày sinh nhật của Jolene, cô chuẩn bị mọi thứ thật đặc biệt đợi chồng mình về dùng bữa tối, nhưng Michael không đúng hẹn. Michael quá bận rộn với công việc khiến anh không còn quan tâm đến gia đình nữa, và anh cũng thú nhận với vợ rằng, anh không còn yêu chị nữa. Đến một ngày, biến cố lớn nhất xảy ra, Jolene được gọi đi làm nhiệm vụ ở Iraq. Không còn cách nào khác, Michael phải gánh vác trách nhiệm gia đình, chăm sóc hai đứa nhỏ. Nhưng cũng chính từ biến cố này, anh dần hiểu hơn về vợ mình và nhận ra anh không thể sống thiếu cô.
Có 5 điều mình nhận ra từ cuốn sách “Nữ phi công” của nhà văn Kristin Hannah.
1. Về những định kiến về giới, phân biệt giữa nam và nữ dù ở đâu cũng vậy
Mở đầu truyện là cảnh Jolene chăm sóc các con, ngóng đợi chồng mình đi làm về và anh luôn bận rộn. Khi Jolene nói với chồng cô sẽ ra chiến trường, chồng cô đã phản đối. Cho dù có rất nhiều người đàn ông ra chiến trường, và đó là điều bình thường nhưng chồng cô vẫn phản đối “Nhưng em là phụ nữ… là một người mẹ”. Hay việc Besty bị các bạn cùng lớp trêu chọc vì mẹ mình là một người lính và chuyện những người nam phi công khác xa lánh Jolene vì không muốn lái chung máy bay với một người phụ nữ cũng thể hiện điều đó. Nhưng dù thế nào, Jolene vẫn ra trận, lái chiếc máy bay lên bầu trời và đị làm nhiệm vụ.
2. Về những tổn thương, mất mát của chiến tranh
Truyện cũng kể về những tổn thương của những người lính sau khi ở chiến trường trở về. Dù thân thể họ vẫn lành lặn, nhưng tâm lý họ bị tổn thương ghê gớm khi hàng ngày chứng kiến đồng đội hi sinh hay phải tự tay nhặt những mảnh thân thể của bạn bè mình sau khi bị bom nổ tung. Họ trở về với gia đình nhưng luôn trong trạng thái phòng thủ, có thể chuyển sang trạng thái tấn công bất cứ khi nào vào bất cứ ai. Các tác phẩm về chiến tranh sẽ thường ca ngợi về sự dũng cảm của người lính. Kristin Hannah đã đưa ra một góc nhìn khác. Những người lính cũng cần được đồng cảm, sẻ chia. Họ cũng có những tổn thương cần được chữa lành.
“Một tính khí người lính. Chẳng có gì lạ khi trong thời đã qua, người ta gọi PTSD như thế. Nó thật chính xác. Chúng ta có thể về nhà, bị gãy vỡ, chị nghĩ. Dù chúng ta mạnh mẽ đến đâu cũng chẳng ăn nhằm gì… Lẽ ra, quân đội nên chuẩn bị điều đó cho chị. Có quá nhiều cuộc huấn luyện trước khi chị ra trận, nhưng lại quá ít cho người trở về.
Chị đã phải ra trận, mất mát gần như mọi thứ mới vỡ lẽ thứ gì là thực sự quan trọng.”
3. Về sự chữa lành, quan tâm và san sẻ
Công việc của Michael là luật sư. Anh đang bào chữa cho Keith, một binh lính với tội danh giết vợ. Keith cũng trở về su khi tham chiến ở Iraq. Anh đã giết chết vợ mình chỉ vì không kiềm chế được cảm xúc. Tâm lý của Keith bị ảnh hưởng nặng nề từ chiến tranh để đến một lúc anh không còn phân biết dược khi nào là bình yên, khi nào cần chiến đấu. Nếu nhìn bê ngoài, người ta sẽ nghĩ Keith nghiện rượu, tính cách thay đổi và kẻ giết người man rợ. Nhưng nếu đi sâu hơn, ta sẽ hiểu đó là hậu quả của chiến tranh, của những mất mát, tổn thương không được ai thấu hiểu. Cậu luôn tỏ ra là mình ổn, luôn tỏ ra hạnh phúc khi ở cạnh vợ mình nhưng làm sao có thể ổn khi bước ra từ một cuộc chiến đầy đau thương.
Hiểu được câu chuyện của Keith, giúp Michael hiểu hơn về những điều vợ mình phải trải qua, và cố gắng giúp cô chữa lành những tổn thương sau khi từ Iraq trở về và mất đi một phần cơ thể. Đây có lẽ là bài học sâu sắc mình học được từ câu truyện. Sâu thăm trong mỗi người đều có những điều cần sẻ chia. Hãy nói ra khi bạn thấy không ổn, đừng che giấu. Bởi vì đôi khi, sự im lặng hay sự giấu giếm cảm xúc sẽ tự xây nên một bức tường ngăn cách con người vớ con người.
Cuốn sách kể về hành trình đầy nghị lực của Jolene. (Ảnh: laiup26)
4. Về hạnh phúc gia đình và sự thấu hiểu
Mở đầu truyện, cuộc hôn nhân của Jolene và Michael đứng trước bờ vực tan vỡ. Jolene luôn cố gắng lạc quan trong tất cả mọi chuyện bởi tuổi thơ cô đã có quá nhiều mất mát, bởi cô khi cô đã vượt qua được những ngày tháng tăm tối đó thì những ngày phía trước chẳng thể làm cô gục ngã. Nhưng chính sự lạc quan ấy đôi khi khiến Michael cảm thấy nổi buồn và những cảm xúc chân thật của anh bị gạt đi, và cảm xúc của họ không còn đồng điệu. Hai người yêu nhau trở nên xa cách.
Những ngày tháng xa cách lại giúp tình cảm của họ gắn kết hơn. Sự gắn kết đó đến từ sự thấu hiểu. Khi Michael phải tự mình chăm sóc con cái, thấy bối rối, chật vật vì những việc Jolene phải làm hàng ngày anh mới hiểu được công việc của môt người phụ nữ bình thường. Khi Michael hiểu được câu chuyện của những người lính tham chiến tại Iraq, ngày ngày nghe đài, hay tận mắt thấy vợ mình đứng trong hàng ngũ chuẩn bị lên đường, anh mới hiểu được công việc thực sự của chị, những khó khăn mà chị phải trải qua. Rồi sau đó, từ một người đàn ông sớm tối chỉ biết đến công việc, anh trở thành người cha chăm sóc tốt cho hai cô con gái, và giúp Jolene mạnh mẽ hơn sau khi bị thương khi chiến đấu.
Khi hai người có thể thẳng thắn nói với nhau những điều mình không thích thay vì im lặng và chịu đựng, họ hiểu nhau hơn, và yêu thương nhiều hơn. Và đó là cách Jolene và Michael tìm lại mái ấm của mình.
5. Về sự can đảm, nghị lực của người phụ nữ
Như chính tiêu đề của truyện, nữ phi công là một người lính gan dạ trên chiến trường. Không chỉ vậy, cô vẫn là một người mẹ với 2 đứa nhỏ. Trong đó, cô con gái lớn Besty, nổi loạn, khó nhiều.
“Cô ấy là một người mẹ. Bản năng của cô ấy là che chở”.
“Nữ phi công” còn là câu chuyện cảm động về tình bạn giữa Jolene và Tami, hai người lính luôn sát cánh bên nhau dù ở chiến trường hay trong cuộc sống đời thường. Truyện kết lại bằng hạnh phúc giản đơn của Jolenen, vết thương của cô dần bình phục, cô là nguồn cảm hứng cho những người lính trở về từ chiến tranh khác và cô có một cuộc sống bình yên bên gia đình nhỏ của mình.
Nguyen Phuong Anh – CPD