Theo các chuyên gia hàng không, an toàn bay là ưu tiên cao nhất. Và đào tạo an toàn bay là ưu tiên hàng đầu của các hãng hàng không. Đây cũng là nền tảng cốt lõi trong mọi hoạt động của các hãng hàng không.
TGĐ Vietnam Airlines Lê Hồng Hà nhìn nhận: “Hàng chục triệu người đang đặt niềm tin và có thể nói là cả sinh mạng vào các chuyến bay của Vietnam Airlines”. Bởi vậy, các phi công, tiếp viên – những người liên quan trực diện an toàn bay sẽ đều phải trải qua quy trình đào tạo rất khắt khe.
Các phi công và ngay cả tiếp viên sẽ được đào tạo về kiến thức cơ bản về an toàn bay, quy trình khẩn cấp và quy định của ngành hàng không. Sau đào tạo lý thuyết, đội ngũ này sẽ tham gia vào các buổi thực hành trên các mô hình mô phỏng gồm thông báo khẩn cấp, sử dụng trang thiết bị khẩn nguy, phân loại và giải quyết các tình huống khẩn cấp.
Tiếp đến, phi công và tiếp viên thực hiện các chuyến bay dưới sự giám sát của giáo viên để đảm bảo rằng họ sẵn sàng thuần thục các thao tác an toàn đúng cách trong các trường hợp cần thiết.
Đối với phi công, thử thách lớn nhất của họ chính là sự thích ứng linh hoạt với môi trường khai thác bay thay đổi liên tục với nhiều tình huống khác nhau. Bởi vậy, các phi công phải được huấn luyện để tự tin xử lý kiểm soát được các tình huống. Trong khi đó, các tình huống trên không liên tục thay đổi.
Thông thường, mỗi một năm, phi công có 8 bài kiểm tra mà nếu trượt mục nào thì bằng lái phi công sẽ bị treo. Điều đó cũng đồng nghĩa an toàn bay không tự nhiên đến mà liên tục phải là huấn luyện, học tập rất nhiều để tạo ra sự khác biệt trong nhận thức, kỹ năng và phẩm chất ở mỗi cá nhân. Điều này cũng đảm bảo rằng họ luôn cập nhật với những thay đổi mới nhất trong ngành hàng không và có khả năng đối phó với những tình huống khẩn nguy một cách hiệu quả.
Cũng tại Vietnam Airlines, quy trình an toàn bay được xây dựng bởi tổ chức hàng không quốc tế và của Người khai thác (Vietnam Airlines) bao gồm việc thực hiện các kiểm tra an toàn trước khi cất cánh, tuân thủ quy tắc về thời gian làm việc và nghỉ ngơi, và quản lý tường tận các thông tin về các hoạt động bay. Sự chặt chẽ và khắt khe trong quy trình đòi hỏi việc đào tạo đội ngũ ảnh hưởng trực diện đến an toàn bay phải liên tục diễn ra.
Hàng năm, Vietnam Airlines thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo nội bộ về an toàn và văn hóa an toàn cho hàng ngàn thành viên để tiếp cận những quy định và hướng dẫn mới nhất của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), hệ thống quản trị an toàn của Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) và chính sách phát triển văn hóa an toàn của Vietnam Airlines. Điểm nổi bật trong văn hóa an toàn của Vietnam Airlines là đề cao tính trung thực, minh bạch, tạo môi trường làm việc mà mọi nhân viên luôn sẵn sàng báo cáo lỗi. Qua đó xây dựng được hệ thống dữ liệu an toàn để dự báo, kịp thời xác định các nguy cơ, kịp thời xử lý, phòng ngừa rủi ro với mục tiêu cao nhất đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay.
Thực tế, việc đào tạo cũng như xây văn hóa an toàn luôn là quá trình tích lũy mỗi ngày, kết hợp cùng một lúc nhiều biện pháp để có được sự thay đổi nhận thức, quan niệm và hành động của mỗi một cá nhân, qua đó góp phần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hàng trăm hành khách trên mỗi chuyến bay.
Chính nhờ sự chặt chẽ, sát sao trong đào tạo mà ngành hàng không Việt Nam trong nhiều năm qua, Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không đầu tiên được cấp chứng chỉ an toàn khai thác IOSA của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) và liên tục duy trì chứng chỉ này từ năm 2006. Hãng cũng đã xây dựng thành công hệ thống quản lý an toàn (SMS) từ năm 2007, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế và được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn làm điểm mẫu để cho các đơn vị hàng không nội địa khác xây dựng, hoàn thiện tài liệu an toàn của họ.