[Quanh chúng ta] Tổ quản lý đường bay Quốc tế và dấu hiệu đáng mừng của việc phục hồi

Trong những ngày chúng ta mở cửa bầu trời nội địa và chờ đón những chuyến bay quốc tế tiếp tục cất cánh, VNA Spirit đã có dịp trò chuyện với các thành viên của Tổ quản lý đường bay Quốc tế (thuộc Trung tâm kiểm soát chỗ – Ban TTBSP) về những công việc mà Tổ đang đảm trách và những thời khắc lịch sử khó quên, cho tới những dấu hiệu tích cực của phục hồi.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chính xác và linh hoạt trong mọi trường hợp

Xin chào Tổ quản lý đường bay Quốc tế, Tổ có thể bật mí một chút về những thành viên cũng như công việc hiện nay của Tổ để anh, chị em VNA biết được không?

Xin chào anh, chị em đồng nghiệp VNA. Từ năm 1993 khi thành lập Ban Tiếp thị hành khách (tiền thân của ban Tiếp thị bán sản phẩm hiện nay) đã có Tổ quản lý Đường bay Quốc tế, ban đầu chỉ với 3-4 thành viên. 

Sau nhiều năm phát triển và tách, nhập từ 1 thành 2, 3 tổ thì đến trước năm 2021 có 2 tổ là tổ quốc tế châu Âu,  Úc,Đông Dương (với 3 thành viên) và tổ Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Mỹ và Canada (4 thành viên). Mỗi thành viên chịu trách nhiệm quản lý đường bay theo phân công cùng với tổ trưởng mỗi tổ bao quát chung. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh cắt giảm đường bay quốc tế thường lệ, nên từ tháng 5/2021, Phòng đã hợp nhất một Tổ đường bay quốc tế với 4 thành viên. 

Hiện nay tổ đang phụ trách những công việc nào?

Hiện nay nhiệm vụ tổ đường bay quốc tế bao gồm: Cập nhật và đảm bảo lịch bay quốc tế lên hệ thống kịp thời, chính xác. Xây dựng các chính sách quản lý chuyến bay phù hợp từng đường bay, thị trường và giai đoạn cao/thấp điểm trong năm. Đồng thời, Tổ kiến nghị, phối hợp điều chỉnh tải, mở bán linh hoạt phù hợp tình hình thực tế (số lượng khách, ngày khai thác, các hãng cạnh tranh…) cũng như kiểm soát chất lượng bookings, đảm bảo giải phóng chỗ kịp thời tạo cơ hội cho khách có nhu cầu bay thực. 

Bên cạnh đó, một nhiệm vụ quan trọng khác của Tổ là xử lý các chuyến bay bất thường, thay đổi lịch bay: lên phương án giải tỏa khách và triển khai thực hiện. Ngoài ra còn thực hiện các Hợp đồng codeshare với các hãng khác thông qua cơ chế trao đổi chỗ blockspace hoặc free sale codeshare.

alt text
Các thành viên Tổ quản lý Đường bay Quốc tế. (Ảnh: Mai Hương).

Vậy với rất nhiều nhiệm vụ mang tính chất quan trọng và linh hoạt thì nhiệm vụ nào là quan trọng và ưu tiên nhiều nhất?

Hiện nay, nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên nhất của Tổ là thực hiện các phương án nhằm giảm tỉ lệ Noshow giải phóng chỗ sớm, tỉ lệ hủy/book, trên cơ sở áp dụng chính sách quản lý mở bán tập trung các hạng đặt chỗ với tỷ lệ overbook thích hợp (để chi phí bồi thường offload là thấp nhất đồng thời tận dụng chỗ trống do khách bỏ chỗ) được điều chỉnh trong hệ thống quản trị doanh thu PROS.

Là một Tổ trưởng, đại diện cho các thành viên trong Tổ. Chị đánh giá thế nào về công việc của tổ trong hệ thống của phòng?

Có thể nói, bên cạnh các tổ – nhóm khác, Tổ đường bay Quốc tế góp phần quan trọng trong việc đảm bảo lịch bay và hiển thị lịch bay cho hệ thống bán của VNA và các GDS cũng như các Hãng hàng không đối tác khác.

Chúng tôi hỗ trợ hệ thống trong việc quản lý chất lượng booking, kịp thời phát hiện hiện tượng đặt khống để clear kịp thời giải phóng chỗ mở bán và cũng là đầu mối lên phương án thay đổi lịch bay, giải tỏa khách và triển khai thực hiện. Tất cả nhằm mục tiêu đảm bảo hệ thống đường bay quốc tế vận hành một cách trơn tru nhất. 

alt text
Chị Hà Thuý Hằng – Tổ trưởng Tổ đường bay Quốc tế. (Ảnh: Mai Hương).

Với những công việc đòi hỏi sự chính xác nhưng cũng cần sự linh hoạt khi xử lý các tình huống bất thường. Vậy việc quản lý đường bay quốc tế dài đòi hỏi những kỹ năng gì từ các thành viên trong nhóm? 

Tất cả các thành viên trong Tổ đều cần có các kỹ năng: cập nhật lịch bay đòi hỏi tỉ mỉ, chi tiết. Mọi người cũng phải nắm vững đặc thù đường bay, thị trường, kỹ năng làm việc nhóm để phối hợp tốt với các đơn vị TCT và các chi nhánh trong và ngoài nước. 

Mỗi thành viên cũng phải tự tích lũy kinh nghiệm trong xử lý các tình huống vì các phát sinh bất thường không giống nhau, có khi cần theo quy định nhưng vẫn phải linh hoạt. Và một kỹ năng không thể thiếu đó chính là khả năng ngoại ngữ vì giao tiếp nhiều thị trường, đối tác nước ngoài.

Những khó khăn hay thách thức nào mà Tổ phải vượt qua? 

Khó khăn lớn nhất đó là mọi người phải làm việc trong điều kiện chênh lệch múi giờ ở các chi nhánh nước ngoài khiến việc phối hợp làm việc bị dàn trải ra cả ngoài giờ hành chính. Bên cạnh đó, đặc thù các thị trường khác nhau do tập quán khách, quy định mỗi chính phủ (thường thị trường nước ngoài khó tính, khách đòi hỏi cao, luật nghiêm ngặt đặc biệt bảo vệ quyền lợi khách hàng). Do đó, Tổ phải dung hòa được mọi vấn đề, đảm bảo hài hòa các thị trường với quy định chung của VNA với tiêu chí: tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đạt tiêu chuẩn dịch vụ… 

Ngoài ra lịch bay quốc tế liên kết với nhiều hệ thống đặt chỗ và các Hãng hàng không khác nên vấn đề trục trặc kết nối cũng là một trở ngại thường gặp trong công việc.

Những thời khắc lịch sử không thể nào quên

Từ năm 2020 đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lịch bay thương mại quốc tế hiện nay đã tạm dừng và chuyển sang các chuyến bay hồi hương, vận chuyển khách chuyên gia… Vậy Tổ đã có những phương án và nỗ lực thế nào để hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian rất khó khăn này để góp phần mang doanh thu về cho VNA?

Hiện nay đường bay quốc tế chỉ bay các chuyến Việt Nam đến các nước cho phép như: Úc, Pháp, Đức, Anh, Nhật, Hàn, Thái… với tỷ lệ hạn chế mỗi chuyến, và từ các nước về Việt Nam theo hình thức hồi hương (do Cục Lãnh sự chỉ định) hay thuê chuyến kết hợp cách ly.

Để đảm bảo hiệu quả và góp phần mang doanh thu cho TCT trong điều kiện khó khăn, Tổ đường bay quốc tế tập trung vào các phương án, gồm: Cập nhật nhanh nhất (24/7) các chuyến bay hồi hương, thuê chuyến để đảm bảo công tác bán kịp thời. Phối hợp các phòng Ban chuyên môn và chi nhánh tìm nguồn khách có nhu cầu bay về Việt Nam để cân đối doanh thu và khai thác với các chuyến chở hàng để triển khai xin phép bay và thực hiện mở bán.

Thời gian này, Tổ cũng tập trung cho dự án mở đường bay thẳng đến Hoa Kỳ, qua việc hoàn thành test kết nối hệ thống theo yêu cầu nhà chức trách Mỹ và đào tạo cho toàn hệ thống bán của VNA về Secure Flight theo yêu cầu. Đồng thời tiếp tục dự án test kết nối hệ thống cho đường bay dự kiến mới đến Canada. 

Vậy còn việc sẵn sàng khai thác trở lại các chuyến bay quốc tế khi các chính sách về IATA Travel Pass đang được áp dụng thì sao thưa chị?

Tổ vẫn luôn theo dõi cập nhật kịp thời quy định của từng chính phủ để đề xuất ý kiến phục vụ công tác bán phù hợp từng thị trường để đáp ứng nhanh nhất cho nhiệm vụ này. Bên cạnh đó là việc cập nhật kiến thức số hóa (bán B2B) cho toàn bộ các thành viên cũng như dành thời gian tự trau dồi nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, ngoại ngữ để kịp thời đáp ứng nhiệm vụ ngay khi đường bay khôi phục. 

alt text
Hiện nay, Tổ vẫn luôn theo dõi cập nhật kịp thời quy định của từng chính phủ để đề xuất ý kiến phục vụ công tác bán phù hợp từng thị trường. (Ảnh: VNA).

Với hàng loạt những nhiệm vụ quan trọng trên thì “trái ngọt” mà Tổ đã đạt được trong suốt thời gian qua là gì? 

Đóng góp vào thành công chung của Ban, của phòng thì thành quả của Tổ chính là đảm bảo lịch bay chính xác, kịp thời; Quản lý chặt chất lượng booking, đảm bảo giải phóng chỗ kịp thời, cùng với đó là xử lý số lượng lớn thay đổi lịch bay và đảm bảo phương án giải tỏa khách hợp lý.

Kỷ niệm đặc biệt nào mà các anh chị em không thể quên được trong suốt qúa trình Tổ hoạt động? Đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19?

“Đặc sản” của đường quốc tế là ảnh hưởng thiên tai như núi lửa châu Âu, mười mấy cơn bão vào Đông Bắc Á hàng năm và nặng nề nhất dư âm đến giờ là dịch bệnh Covid.

Núi lửa Iceland 2014, tro bụi mù trời làm tê liệt hoàn toàn đường bay châu Âu, hàng nghìn khách bị kẹt lại (cả nhóm làm đêm chuẩn bị số liệu phương án, phối hợp Đại sứ quán Pháp nhằm trực tiếp đến và đề ra phương án tối ưu để prot pax) là những kỷ niệm khó quên đối với mỗi người. 

Năm 2018 cơn bão Jebi tại Nhật ảnh hưởng hủy hàng chục chuyến bay đi/đến 5 điểm đến của Nhật về HAN/SGN. Hậu quả nặng nề tiếp theo là sập hệ thống điện nhà ga sân bay Kansai không thể ắc phục được ngay gây ảnh hưởng hủy tiếp hàng trăm chuyến HAN/SGN/DAD-KIX trong vòng 1 tháng. Tổ đã ngày đêm làm việc, phối hợp với các đơn vị liên quan để chuyển khách qua các đường NGO/NRT…

Tháng 1/2020, bắt đầu xuất hiện dịch bệnh Covid-19 tại Vũ Hán, các đường bay thường lệ và thuê chuyến đi/ đến Trung Quốc hủy hàng loạt, tiếp theo là đến Hồng Kông, Đài Loan và các đường Đông Nam Á. Lúc này tất cả vẫn chưa nhận thức được mức độ ảnh hưởng, không thể nghĩ đến các “đường bay vàng” như Hàn/Nhật tiếp sau đó cũng hủy. Sau đó hủy đến Úc, châu Âu và rồi toàn bộ đường bay quốc tế dừng hết từ 26/3/2020 đến nay… Mọi người đếu sốc chưa hiểu chuyện gì xảy ra!

Chúng tôi vẫn không quên được mọi việc hủy chuyến lại đúng thời điểm cả Ban TTBSP đều thành F1/F2 và mọi công việc đều phải xư lý từ xa, phải làm tại nơi cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà. Mốc không thể quên được là 14/3/2020 khi tất cả cách ly 14 ngày, sau đó tiếp tục dãn cách tại nhà 1 tháng theo chỉ đạo của thành phố. 

Cho đến nhiều tháng sau đó, nhìn lại ngày đặc biệt này mọi người vẫn thấy bàng hoàng vì một mạng bay quốc tế gồm khoảng 460 chuyến/ngày giờ không còn 1 chuyến nào…

Tuy nhiên, sau cơn mưa trời lại sáng, mọi người vẫn động viên nhau, khích lệ nhau vượt qua khó khăn. Đến hiện tại, chúng ta đã khôi phục được một số đường quốc tế tuy không hoàn toàn là thường lệ và phải phụ thuộc khai thác hàng hóa nhưng đây là dấu hiệu đáng mừng của việc phục hồi.

Trải qua những thời khắc có thể nói là lịch sử. Vậy đến hiện tại Tổ có kỳ vọng và mong muốn gì để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý đường bay, góp phần tăng doanh thu cho VNA?

Với tầm nhìn xa thì chúng tôi cũng như toàn TCT và ngành hàng không mong chính phủ các nước sớm hoàn tất các quy định chung liên quan chính sách đi lại giữa các nước. 

Với mong muốn gần hơn, sẽ là Chính phủ Việt Nam có hỗ trợ kịp thời, liên tục đến VNA Group trong các vấn đề chính sách, tài chính để giúp TCT nhanh hồi phục nhằm phục vụ phát triển kinh tế chung. Và gần hơn nữa thì mong VNA đạt hiệu quả cao trong việc tái cơ cấu Khối bán nói riêng và TCT nói chung để ổn định bộ máy nhân sự các đơn vị, chính sách lương, thưởng hợp lý để người lao động yên tâm công tác.

TTNB-Tổ quản lý đường bay Quốc tế

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.