Phút trải lòng của nữ nhân viên tại “văn phòng trên mây”

Jon Stewart từng nói: “Tôi muốn nhìn lại sự nghiệp của mình và tự hào về công việc, và tự hào rằng tôi đã cố gắng mọi thứ”. Và với tiếp viên Phạm Bích Hằng, hành trang sau 18 năm gắn bó với những cánh bay là niềm tự hào được đồng hành cùng hành khách trên mỗi chuyến bay mang sứ mệnh đoàn viên.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chị Bích Hằng cùng những người đồng nghiệp tại VNA. (Ảnh: NVCC)

Những dòng ký ức chẳng thể nào quên

Hoang mang xen lẫn lo lắng, những cảm xúc tưởng chừng sẽ đến với tiếp viên Bích Hằng khi được giao thực hiện nhiệm vụ trong thời điểm đại dịch Covid-19 đang hoành hành dữ dội thì đến cuối cùng đã được thay thế bằng niềm tự hào khi được góp phần thực hiện những hành trình kết nối những con người “máu đỏ da vàng” xa xứ trở về với quê hương.

Đến với công việc “trên mây” bởi những cơ hội được đi nhiều nơi, gặp nhiều người, hiểu thêm về văn hoá của nhiều đất nước thì sau đại dịch Covid, dấu ấn lớn nhất về nghề đọng lại trong chị là niềm tự hào, vinh dự.

“Không xúc động sao được khi bản thân đã cùng công ty góp một phần công sức nhỏ bé để tham gia đưa đồng bào mình từ các nước khác về Việt Nam một cách an toàn. Hạnh phúc như trào lên khi nhìn những ánh mắt rưng rưng nhưng đầy niềm vui cùng nụ cười cảm ơn tiếp viên qua lớp khẩu trang khi phục vụ họ trên chuyến bay về đoàn tụ với gia đình.”

Và những chuyến bay giải cứu đồng bào có lẽ sẽ là những kỉ niệm chẳng thể nào quên không chỉ với riêng chị mà còn của rất nhiều người trong giai đoạn đại dịch khó khăn đó. Khoác lên tà áo dài với biểu tượng sen vàng, trong “nguy có cơ”, đó dường như là bài học mà chị rút ra trên hành trình vượt khó cùng “người bạn lớn” VNA. 

Xuyên suốt hành trình chống chịu với đại dịch nhiều gập ghềnh ấy, đôi khi công việc cũng “chập chờn” bởi yêu cầu từ các quy định giãn cách. Vậy nhưng, niềm tự hào khi được tham gia vào tổ bay thực hiện nhiệm vụ đưa đồng bào về với đất mẹ chẳng biết từ khi nào đã trở thành động lực để chị Bích Hằng thêm gắn bó khăng khít với VNA.

Trọn vẹn chương tuyệt vời của tuổi thanh xuân

Được “bay trên bầu trời như những loài chim” luôn là ước mơ của cô bé Bích Hằng từ thủa còn chập chững. Ngày bé mỗi lần nghe thấy tiếng máy bay bay qua nhà là dù có đang làm bất kì công việc gì là cô cũng bỏ hết mà chạy thẳng lên sân thượng để được ngắm máy bay một cách rõ nhất với cảm giác rất thích thú. 

“Sau khi học xong cấp 3 với sở thích đi du lịch, thích máy bay từ bé, vài người bạn học cùng tôi đều đã trở thành tiếp viên. Điều đó đã thôi thúc tôi thi tuyển và vậy là tôi đã gắn bó với nghề tiếp viên đc gần 18 năm, có thể nói tôi đã dành hết cả thanh xuân với nghề.”

Với chị, chuyến bay nào cũng có nhiều cảm xúc và dư vị của nó. Có đôi khi vất vả và mệt mỏi vì gặp phải thời tiết xấu khi đang bay, nhưng được đồng hành, chia sẻ công việc với những anh chị đồng nghiệp, được gặp gỡ, phục vụ hành khách tới từ những vùng miền văn hoá khác nhau đã mang đến những màu sắc hạnh phúc cho cuộc sống của cô, cho cô thêm cơ hội học hỏi, trau dồi kỹ năng, kiến thức mới mẻ và hoàn thiện bản thân hơn.

Tiếp viên Phạm Bích Hằng luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân để hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao phó. (Ảnh: NVCC)

Hơn tất cả, sau mỗi chuyến bay căng thẳng, nhận được những lời cảm ơn, khen ngợi hay những cái bắt tay nồng ấm và sự hài lòng của hành khách là những phần thưởng quý giá, là nguồn động viên quý báu để những người tiếp viên hàng không như chị thêm yêu công việc bản thân đã lựa chọn.

“Trong suốt quãng thời gian gắn bó với nghề tính đến thời điểm hiện tại, các chuyến bay tôi tham gia đều rất “êm ái” không có vấn đề gì nghiêm trọng hay hành khách quá đặc biệt. Tôi vẫn làm những công việc như một lẽ đương nhiên. Chính vì vậy, khi được hành khách viết thư khen hay đạt được danh hiệu tiếp viên xuất sắc tháng từ sự đánh giá từ các anh chị em đồng nghiệp, tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào vì những gì mình đã và đang làm xuất phát từ tâm, từ lòng yêu nghề đều đã được hành khách và các đồng nghiệp mình ghi nhận.”

Tự nhận rằng bản thân vốn dĩ là một người “không thể ngồi yên”, thích học hỏi và trải nghiệm những điều mới mẻ, sự ghi nhận này chính là động lực để tiếp viên Bích Hằng tiếp tục không ngừng “nâng cấp” cho bản thân.

Với chị Hằng, hành trang sau 18 năm gắn bó với VNA là niềm tự hào được đồng hành cùng hành khách trên mỗi chuyến bay mang sứ mệnh đoàn viên. (Ảnh: NVCC)

“Điều này khiến tôi có thêm động lực để gắn bó với nghề hơn nữa, dù sau Covid, TCT vẫn còn nhiều khó khăn, về tài chính, về nhân lực, các chính sách cũng thay đổi nhiều, nhưng tôi vẫn tin trong tương lai gần thôi, cũng với sự cố gắng của hãng, các nhân viên và sự tin yêu của hành khách thì VNA sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Và tôi chắc chắn sẽ vẫn cùng đồng hành với VNA trong những giai đoạn phát triển đặc biệt đó.”

Le Thi Hang-COMM
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.