[Điểm đến] Về đất phương Nam tìm hương rừng

Được UNESCO chọn làm khu dự trữ sinh quyển quan trọng ở Đông Nam Á, rừng U Minh không những có giá trị độc đáo trong việc bảo tồn thiên nhiên, mà còn là nguồn cảm hứng để ra đời nhiều áng văn thơ, nghệ thuật đặc trưng của miền đất Nam Bộ từ thời khai hoang lập ấp. Nằm ở tận cùng Tổ quốc, rừng U Minh là một điểm đến để khám phá thiên nhiên và tìm lại ký ức về hương rừng mát ngọt.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

alt text

Ngôi nhà thiên nhiên xanh mát

Chúng tôi tìm về rừng U Minh vào thời điểm kết thúc mùa nắng nóng và bắt đầu bước vào mùa mưa. Lúc này cũng là dịp nước sông Mekong đổ vào đồng bằng Cửu Long, thiên nhiên như được tiếp thêm sức sống, cây cỏ xanh tươi, cá tôm đầy ắp trên đồng.

U Minh là tên gọi chung, nhưng về mặt quản lý hành chính thì khu dự trữ sinh quyển này chia làm 2 cánh rừng: U Minh Thượng thuộc Kiên Giang và U Minh Hạ thuộc Cà Mau. Hai khu rừng này được ngăn cách bởi con sông Trẹm.

alt text

Được tiếp đón nhiệt tình bởi Ban quản lý rừng U Minh Hạ (Cà Mau), chúng tôi đi xuyên rừng ngay sau đó bằng chiếc võ lãi (hay còn gọi là tắc ráng), một loại thuyền máy rất hữu dụng và phổ biến ở miền sông nước. Trời mát dịu, cơn mưa rào vừa dứt hạt, phía xa xa đường chân trời là chiếc cầu vồng sáng rực sau màn mây xám đang trôi dần.

Khắp bốn bề, cây cỏ xanh rì một màu mát mắt, nước trong veo nhưng kỳ lạ thay, nó lại có một màu đen tuyền rất khác với con nước ở những dòng sông lớn như sông Tiền hay sông Hậu. Nguyên nhân bởi có lớp than bùn lưu cữu ở phía dưới lòng kênh đã tồn tại hàng ngàn năm, mà nước lại quá trong nên lớp than bùn đó phản chiếu lên mặt nước thành một màu đen tuyền kỳ bí. Nước rất sạch, anh kiểm lâm hướng dẫn đoàn đã tự chứng minh điều đó bằng cách vốc một bụm nước vào tay mà uống tự nhiên giữa rừng.

alt text

Chúng tôi đi xuyên qua những trảng cỏ lớn, đó là tàn tích của những vụ cháy rừng lớn trong nhiều năm qua, các mảng rừng bị cháy trụi tạo thành các trảng cỏ rộng hàng trăm mét. Rất nhiều lau sậy và bồn bồn mọc ở đây, tạo thành một hệ sinh thái khác lạ, là chỗ trú ngụ cho một số loài chim chóc đặc hữu và cả rái cá.

alt text

Một trong những khám phá đáng nhớ nhất khi đến U Minh chính là đi xem người dân gác kèo ong, thu hoạch mật. Đây là một hoạt động khai thác kinh tế hiệu quả được phép ở U Minh, bởi nó hoàn toàn không xâm lấn vào hệ động thực vật ở rừng. Nghề gác kèo ong đã có lịch sử hàng trăm năm, khi các lưu dân từ xứ khác đổ về U Minh lập nghiệp.

Ngay trong tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau của “ông già Nam Bộ” – nhà văn Sơn Nam cũng đã phóng bút đưa nghề ăn ong này lên thành một thứ “đạo” trong văn hoá miền Nam trước đây. Chúng tôi cũng được học cách nhổ ngọn cây bồn bồn để lấy các đoạn ngó trắng phau, về làm món gỏi trộn khô cá sặc – cực phẩm trong ẩm thực miền Nam.

alt text

Chiếc tắc ráng chạy sâu vào những đoạn rừng hun hút, có lúc không thấy ánh sáng mặt trời rọi vào vì màn cây cối dày đặc. Tiếng chim kêu vang, tiếng cá quẫy chũm choẹ dưới kênh, chiếc thuyền tắt máy, chỉ còn tiếng chèo gõ nhịp nhẹ nhàng xuống làn nước phẳng lì.

Người hướng dẫn kể nhiều câu chuyện thú vị về cây cối, chim chóc, chuyện phải theo dõi sát sao những thợ ăn ong để tránh gây ra nguy cơ cháy rừng. Kiểm lâm và các hướng dẫn viên du lịch ở đây đều có tình cảm sâu đậm với rừng U Minh, đều trân quý thiên nhiên và hết lòng bảo vệ cụm “vàng xanh” của vùng đất này.

Tìm lại chút tình của đất rừng phương Nam

“Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh”… – như trong câu hát cũ, về Cà Mau – U Minh mà chưa thử nghe tiếng bầy muỗi kêu như sáo, thì xem như chưa trải nghiệm phương Nam. Nói vậy chứ đêm xuống, ngoài tiếng muỗi, còn có tiếng đờn ca tài tử và vọng cổ mỗi lần dứt câu “xuống xề” nghe thiệt là ngọt như uống một hớp mật ong rừng.

alt text

Bữa ăn tối ngoài các món đặc sản như cá lóc nướng trui, lẩu mắm bông súng, gỏi bồn bồn trộn khô sặc, chúng tôi còn được thử mấy ly rượu trái giác chua chua cay nồng, uống vô quên cả trời trăng. Rượu vào men thấm, tình cảm tràn đầy, nghe chú Ba Thành, một nông dân mà gia đình đã bốn đời bám rừng sinh nhai trải lòng về những khó khăn thầm lặng giữa chốn rừng thiêng nước độc cũng như tình cảm gắn bó với thiên nhiên. “Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”, câu nói truyền miệng đó, như là một lời răn qua nhiều thế hệ, đừng bạc bẽo với thiên nhiên!

Trong câu chuyện phiếm, chú Ba Thành còn kể về những huyền thoại như săn cá sấu ở rừng nguyên sinh, theo chân những đàn heo rừng sống tự nhiên trong rừng, hoặc là những đêm đi câu được con cá lóc khổng lồ nặng trên chục ký. Những câu chuyện kéo dài bất tận, làm chúng tôi nhớ đến các tác phẩm văn học chứa đầy giai thoại về rừng.

alt text

Nam Bộ không chỉ có “ông già” Sơn Nam viết về U Minh, mà còn có nhà văn Đoàn Giỏi nổi danh với tác phẩm “Đất rừng phương Nam” đã được chuyển thể thành phim truyền hình ăn khách. Ở Cà Mau, còn có lớp lớp những nhà văn trẻ tài năng như Nguyễn Ngọc Tư, với rất nhiều tác phẩm bám vào đời sống của rừng, của nhiều thế hệ được rừng nuôi nấng. Thế mới thấy, rừng U Minh không chỉ là biểu tượng của sức sống thiên nhiên mãnh liệt mà còn chứa đựng tình đất, tình người ấm áp của vùng đất  phương Nam hiền hoà.

Website http://heritagevietnamairlines.com/ và Fanpage https://www.facebook.com/TapchiHeritagevn/ là các kênh thông tin, tương tác dành cho những độc giả yêu mến Vietnam Airlines, yêu mến Heritage và đam mê du lịch, thời trang, khám phá các giá trị văn hóa, lịch sử của Việt Nam cũng như các vùng đất trên toàn thế giới.

Theo: Heritage

Nguyen Mai Huong-COMM

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.