Việt Nam-điểm đến an toàn, sẵn sàng hội nhập và chia sẻ kinh nghiệm về an toàn hàng không

Trong các ngày từ 19 đến 21/9 tới đây, theo kế hoạch, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) sẽ tổ chức Hội nghị An toàn và khai thác hàng không thế giới 2023 tại Hà Nội. Trước thềm hội nghị quan trọng này, Cục trưởng Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng đã chia sẻ với báo chí một số vấn đề liên quan việc bảo đảm an toàn hàng không tại Việt Nam.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Cục trưởng Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng.

Theo nhận định của Cục trưởng Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng, việc được lựa chọn là nơi tổ chức Hội nghị toàn cầu về An toàn và Khai thác đã thể hiện hình ảnh một Việt Nam luôn là điểm đến an toàn, sẵn sàng hội nhập, đồng hành và chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề an toàn hàng không trong phạm vi toàn cầu.

Phóng viên: Thưa ông Đinh Việt Thắng, về lĩnh vực hàng không trên thế giới, Việt Nam có được coi là quốc gia có chuẩn mực cao về an toàn hàng không?

Ông Đinh Việt Thắng: Từ năm 1997 đến nay, ngành hàng không dân dụng Việt Nam đã bảo đảm tuyệt đối về an toàn bay. Việc duy trì được an toàn hàng không trong thời gian dài như vậy là một thành quả rất đáng được ghi nhận không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi quốc tế. Có thể nói, nhiều nước trên thế giới, kể cả một số nước phát triển cũng chưa được thành tựu này.

Đầu năm 2019, Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA) đã trao chứng chỉ công nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) cho Cục Hàng không Việt Nam. Đây là mức cao nhất trong hệ thống đánh giá đối với các quốc gia có năng lực an toàn hàng không đáp ứng các Tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), điều kiện bắt buộc để các hãng hàng không của Việt Nam được phép mở đường bay đến Hoa Kỳ. Quan trọng hơn, đó còn là sự công nhận của quốc tế về an toàn hàng không, khẳng định Việt Nam đã hội nhập thành công, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quốc tế, khẳng định vị thế, uy tín không chỉ của ngành Hàng không Việt Nam, của Bộ Giao thông vận tải mà của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.

Như vậy, có thể đánh giá, Việt Nam đã hoàn toàn hội nhập và đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất của thế giới về an toàn hàng không. Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực để bảo đảm đáp ứng liên tục các tiêu chuẩn cao nhất về an toàn hàng không.

Phóng viên: Có phải vì lý do đó mà IATA lựa chọn Việt Nam là nước chủ nhà và Vietnam Airlines là hãng hàng không chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị An toàn và khai thác thế giới năm 2023?

Ông Đinh Việt Thắng: Việc Việt Nam được IATA lựa chọn là nơi tổ chức Hội nghị toàn cầu về An toàn và Khai thác đã thể hiện hình ảnh một Việt Nam luôn là điểm đến an toàn, sẵn sàng hội nhập, đồng hành và chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề an toàn hàng không trong phạm vi toàn cầu. Vietnam Airlines được chọn là hãng hàng không chủ nhà đăng cai sự kiện an toàn hàng không hàng đầu và uy tín của thế giới cho thấy sự phát triển mạnh mẽ, nổi bật cũng như hội nhập quốc tế hoàn toàn của ngành hàng không Việt Nam, khẳng định chính sách, thể chế, chiến lược, giải pháp xây dựng, phát triển ngành hàng không cũng như việc thiết lập và triển khai chương trình an toàn quốc gia, hệ thống quản lý an toàn đã được thực hiện liên tục, đồng bộ và có hiệu quả cao.

Vietnam Airlines gia nhập IATA từ năm 2007 và luôn là một trong những đơn vị có chỉ số an toàn hàng không hàng đầu của Việt Nam. Mang sứ mệnh của hãng hàng không quốc gia, Vietnam Airlines luôn tiên phong trong bảo đảm an toàn hàng không, thiết lập và triển khai hệ thống quản lý an toàn, áp dụng công nghệ mới. Năm 2015, Vietnam Airlines là hãng hàng không đầu tiên ở châu Á – Thái Bình Dương cùng lúc tiếp nhận và khai thác an toàn 2 loại tàu bay hiện đại nhất thế giới là Airbus A350 và Boeing 787-9 Dreamliner; duy trì chứng chỉ an toàn khai thác IOSA lần thứ 10 liên tục vào tháng 7/2022.

Cá nhân tôi luôn theo sát các hoạt động bảo đảm an toàn của Vietnam Airlines và biểu lộ đồng tình cao khi IATA lựa chọn Vietnam Airlines là hãng hàng không chủ nhà đăng cai hội nghị quan trọng này.

Phóng viên: Ông vừa nhận định, nhiều nước trên thế giới, kể cả một số nước phát triển cũng chưa đạt thành tựu về an toàn của ngành hàng không dân dụng Việt Nam. Làm thế nào để Việt Nam đạt được thành tựu đó, thưa ông?

Ông Đinh Việt Thắng: Thành quả này là kết quả của những chủ trương đồng bộ, đúng đắn và kịp thời của Đảng và Nhà nước cũng như quá trình nỗ lực không mệt mỏi của Bộ Giao thông vận tải và ngành hàng không trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách; xây dựng, triển khai hệ thống quản lý an toàn. Từ năm 1997, Đảng và Chính phủ đã đề ra chủ trương, định hướng thúc đẩy chuyển giao công nghệ, lựa chọn, sử dụng tàu bay, trang bị hiện đại, thế hệ mới có độ tin cậy bảo đảm an toàn cao.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về an toàn hàng không như Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, các văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định, Thông tư về an toàn hàng không. Việt Nam cũng từng bước thiết lập và triển khai hệ thống quản lý an toàn mới để nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát của nhà chức trách hàng không cũng như khả năng bảo đảm an toàn hàng không của các đơn vị trong ngành. Nhà chức trách hàng không Việt Nam sẽ tiếp cận nhiều giải pháp giám sát bảo đảm an toàn hàng không như giám sát an toàn liên tục, giám sát an toàn dựa trên rủi ro phù hợp với các phương pháp, mô hình tiên tiến trên thế giới.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về hệ thống quản lý an toàn của ngành hàng không cũng như các hãng?

Ông Đinh Việt Thắng: Triển khai hệ thống quản lý an toàn hiệu quả, hiệu lực, xây dựng văn hóa an toàn hàng không là mục tiêu quan trọng của ngành hàng không Việt Nam. Hệ thống an toàn của các hãng hàng không phải bao gồm các nội dung chính như chính sách và mục tiêu an toàn, quản lý rủi ro, chia sẻ và bảo vệ dữ liệu an toàn hàng không,… Cục cũng đã phê chuẩn chương trình hệ thống quản lý an toàn của nhà cung cấp dịch vụ hàng không như các hãng, cảng hàng không và nhà cung cấp dịch vụ điều hành bay từ năm 2011.

Các đơn vị trong ngành hàng không đã cơ bản thiết lập và triển khai hệ thống quản lý an toàn. Hệ thống này gồm 3 mức: quản lý rủi ro an toàn bị động (reactive – giảm thiểu hậu quả các sự cố an toàn và các mối nguy), chủ động (proactive – nhận diện các rủi ro an toàn trước khi sự cố an toàn có thể xảy ra) và dự báo (predictive – dự báo được các rủi ro tương lai dựa trên quá trình thu thập, phân tích dữ liệu trong quá khứ). Các đơn vị trong ngành đang tiếp cận đến mức chủ động về quản lý rủi ro và Cục sẽ tiếp tục thúc đẩy để đạt đến năng lực cao nhất của hệ thống là dự báo được rủi ro.

Phóng viên: Trong bối cảnh ngành hàng không tăng trưởng mạnh mẽ, điều kiện tiên quyết giúp ngành phát triển bền vững là tiếp tục nâng cao hơn nữa mức độ an toàn trong mỗi chuyến bay. Theo ông, đâu là giải pháp quan trọng nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ mang tính sống còn với ngành và với hãng này?

Ông Đinh Việt Thắng: An toàn hàng không được xác định là nhiệm vụ hàng đầu và cũng là nhiệm vụ sống còn. Bảo đảm an toàn hàng không đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể, đồng bộ, trong đó xây dựng, hoàn thiện thể chế, bảo đảm nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển là 3 nội dung quan trọng cần được chú trọng và ưu tiên thực hiện.

Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, bao gồm tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện Luật Hàng không dân dụng trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực hiện, thường xuyên sửa đổi, cập nhật bổ sung các quy định về đảm bảo an toàn hàng không để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn của Tổ chức hàng không dân dụng Quốc tế, thông lệ quốc tế và thực tiễn quản lý của Việt Nam nhằm nâng cao công tác đảm bảo an toàn cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi, thực hiện; xây dựng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ chương trình an toàn hàng không quốc gia (SSP), hệ thống quản lý an toàn (SMS) đối với các tổ chức hàng không, nâng cao năng lực giám sát an toàn đạt tiêu chuẩn của nhà chức trách hàng không.

Về bảo đảm nguồn nhân lực, bao gồm nguồn lực giám sát viên an toàn của nhà chức trách hàng không đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng Quốc tế; duy trì nguồn nhân lực nhân viên hàng không hoạt động trong các hãng hàng không, các tổ chức bảo dưỡng, tổ chức huấn luyện và các đơn vị trong ngành hàng không. Cơ quan quản lý cần xây dựng cơ chế khuyến khích nâng cao năng lực huấn luyện, đào tạo nguồn nhân lực hàng không của các tổ chức huấn luyện trong nước nhằm tự chủ, chủ động được các nguồn lực bảo đảm an toàn.

Về phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm quy hoạch, xây dựng sân bay để tránh tình trạng sân bay quá tải; quy hoạch và thực hiện các giải pháp, ứng dụng công nghệ mới để tối ưu quản lý vùng trời tránh tình trạng tắc nghẽn không lưu và tối ưu hoạt động bay,…

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo: Báo Nhân Dân

Nguyen The Son-COMM
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.