[20/11] Trần Mai Khanh: “Tiếp viên hàng không – Nghề chia sẻ”

Làm tiếp viên của VNA từ năm 1993, khi mới 18 tuổi, chị Trần Mai Khanh cho biết nơi đây trở thành mái ấm thứ hai gắn kết yêu thương.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thời gian trôi, chị nhận thấy mình có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho nghề, muốn chia sẻ kinh nghiệm đến thế hệ tiếp viên trẻ. Đến năm 2007, chị kiêm nhiệm thêm vai trò giáo viên. Hiện chị là tiếp viên trưởng kiêm trưởng bộ môn Huấn luyện thực hành.

alt text
Chị Trần Mai Khanh – tiếp viên trưởng kiêm trưởng bộ môn Huấn luyện thực hành của VNA (Ảnh: Mai Hương).

Môn huấn luyện thực hành có 5 nội dung. Đầu tiên là thông tin bay, nói về tất cả đường bay thuộc VNA, tính chất đặc điểm của từng nơi. Theo chị, các tiếp viên mới vào nghề đều phải học nội dung này.

Nội dung thứ hai là huấn luyện định kỳ dịch vụ. Hàng năm, tiếp viên phải quay lại bồi đắp kiến thức bị thiếu hụt, hoặc cập nhật kiến thức mới. Sau đó họ sẽ được đánh giá có đủ điều kiện bay hay không.

Nội dung thứ ba là huấn luyện phục hồi, dành cho tiếp viên nghỉ hậu sản hoặc người bị gián đoạn trên một năm. Lớp này học trong 4 ngày, chị Mai Khanh phải hướng dẫn, bồi đắp tất cả kiến thức học viên thiếu hụt trong thời gian họ ngừng đi bay.

alt text
Môn huấn luyện thực hành có 5 nội dung (Ảnh: Mai Hương).

Nội dung thứ tư là đào tạo tiếp viên trưởng giai đoạn 2 (tiếp viên giám sát). Môn này dành cho tiếp viên trưởng, sau khi có thâm niên ở vị trí này, họ sẽ được bổ sung kiến thức về cách đánh giá, kèm cặp, cách thúc đẩy đội ngũ tiếp viên hàng không phát triển tốt hơn.

Nội dung cuối cùng là đánh giá dịch vụ, dành cho người thực hiện nhiệm vụ bám sát và yêu cầu tiếp viên phải theo một tiêu chuẩn nhất định mà đoàn tiếp viên hay tổng công ty đề ra. Chị Khanh là tổng bộ môn huấn luyện thực hành, có trách nhiệm biên soạn tất cả các nội dung giảng dạy các Môn học này.

alt text
Vốn là tiếp viên dạn dày kinh nghiệm, khi chuyển sang làm giáo viên, chị không gặp quá nhiều khó khăn (Ảnh: NVCC).

Kỷ niệm với nghề giáo

12 năm đi dạy, chị Khanh có nhiều kỷ niệm với nghề, nhưng đáng nhớ và cảm xúc nhất là lớp tiếp viên người Nhật. Chị kể sau khóa học, các học viên tặng chị poster dạng lưu bút, trên đó dán nhiều khoảnh khắc của giáo viên, từ vui vẻ đến nghiêm túc. Phía dưới ghi những dòng chữ đáng yêu bày tỏ cảm xúc. “Món quà rất quý giá. Tôi đặt nó tại một góc trang trọng, dễ nhìn ở phòng riêng. Mỗi lần nhìn vào poster, tôi có thêm động lực dạy học”, chị thổ lộ.

Vốn là tiếp viên dạn dày kinh nghiệm, khi chuyển sang làm giáo viên, chị không gặp quá nhiều khó khăn. Được gặp gỡ và chia sẻ nghề với thế hệ trẻ, chị thấy mình được tôn trọng nhiều hơn. “Lúc chưa đi dạy, kiến thức chỉ giữ cho mình, chưa lan tỏa đến ai. Trở thành giáo viên, tôi truyền những kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm thực tế của mình đến mọi người và nhận được sự tin tưởng từ các bạn”.

Nhớ về những ngày đầu giảng dạy, chị cho biết: “Chúng tôi tiếp xúc với trăm hành khách hàng ngày, bản lĩnh trước đám đông rất vững vàng. Tuy nhiên đứng trước những đồng nghiệp của mình, nói về vấn đề chuyên môn thật sự không dễ. Mọi người am hiểu vì đều làm mỗi ngày, tôi cần phải chắt lọc những gì mình nói ra”.

alt text
Chị Khanh giờ đây đã là một tiếp viên trưởng đầy bản lĩnh, một cô giáo luôn được học viên kính mến (Ảnh: NVCC).

Khi được hỏi sự khác nhau giữa nghề giáo và tiếp viên, chị Khanh phân tích: “Nghề tiếp viên đòi hỏi đầu tư về sức khỏe, còn đi dạy phải chuẩn bị bài vở. Giáo viên bên ngoài chỉ cần giáo án, giáo trình nhất định, quy trình lên lớp không thay đổi. Còn nghề dạy tiếp viên, chỉ một môn thôi chúng tôi phải chịu trách nhiệm đến 5 nội dung. Đối tượng tiếp viên không đồng đều, trình độ cũng khác nhau, để có giáo án hài hòa với mọi đối tượng, giáo viên gặp nhiều khó khăn”.

Những tình huống đáng nhớ trên chuyến bay

Hồi tưởng lại những năm tháng làm tiếp viên, chị Khanh nhớ như in ngày đầu tiên đi làm. Trên chuyến bay Hong Kong, chị gặp rắc rối với một hành khách nữ. Cô ấy gây khó khăn suốt hành trình. Hành khách đó tiếp tục viết thư phê bình, đề nghị công ty đuổi việc chị. Non nớt, kinh nghiệm bằng không lại gặp vấn đề trong ngày đầu đi làm, chị kể lúc ấy chỉ biết khóc.

Sau đó, đoàn trưởng Bích Hà gọi chị lên trò chuyện, rồi liên lạc với phòng vé, lấy số điện thoại của khách nữ và bạn trai đi cùng, từ đây mới biết được nguyên nhân khách phản ứng. Câu chuyện bắt đầu khi chị Khanh hướng dẫn khách cách mặc áo phao, bạn trai của hành khách nữ vô tình khen “cô tiếp viên này xinh quá”. Khách nữ nghe xong không hài lòng, thậm chí giật áo dài của chị Khanh. Người bạn trai sau đó đã xin lỗi thay cho bạn gái. Biết lý do mình bị khách viết thư phàn nàn ngay trong ngày bay đầu tiên, chị Khanh nói rất sốc. Câu chuyện ngày hôm ấy khiến chị cứng cỏi, có kinh nghiệm hơn trong xử lý công việc.

alt text
Chị Khanh rạng rỡ bên những người đồng nghiệp của mình (Ảnh: NVCC).

Tình huống khác khiến chị nhớ mãi không quên là sau sinh con một năm rưỡi, phục hồi để đi bay lại. Trên chuyến chiều về Hà Nội – Sài Gòn, lúc phi cơ sắp hạ cánh, hệ thống sensor của máy bay bị hỏng, cơ trưởng buộc phải bay qua đài không lưu để xác định càng đã lock hay chưa. Sau hai lần xác nhận, cơ trưởng đã hạ cánh an toàn nhưng trước đó không quên yêu cầu tổ tiếp viên chuẩn bị phương án thoát hiểm khẩn cấp.

alt text
Nghề giáo đã để lại cho chị nhiều kỷ niệm đẹp (Ảnh: NVCC)

Chị Khanh bình tĩnh chỉ đạo mọi người làm theo quy trình, hướng dẫn khách tư thế ngồi. Chị và đồng nghiệp gắng giữ vững tinh thần và luôn trong tư thế sẵn sàng. May mắn máy bay đáp xuống bình thường, khi cửa mở, phi hành đoàn cùng các tiếp viên mặt đất đã ôm chầm nhau. “Tôi không bao giờ quên kỷ niệm ấy và hiểu hơn tình cảm thành viên VNA dành cho nhau”, chị xúc động khi kể lại chuyến bay ấy.

Cảm xúc về “mái nhà” VNA

Chị Khanh cho rằng mỗi cá nhân có ưu điểm riêng và mọi người đều cố gắng học tập lẫn nhau. “Chưa có nghề nào chia sẻ nhiều như tiếp viên hàng không. Chúng tôi chỉ nhau cách làm đẹp, làm sao để tiến hành công việc chuyên nghiệp hơn, đồng thời trao đổi các nguồn để tìm hiểu kiến thức nhanh gọn”. Theo chị, đặc thù nghề tiếp viên ít thời gian nghiên cứu sâu vấn đề, bằng cách chia sẻ đó, mọi người tiếp thu, rèn luyện nhanh hơn.

alt text
“Chưa có nghề nào chia sẻ nhiều như tiếp viên hàng không”, chị Mai Khanh chia sẻ (Ảnh: NVCC).

 “Gắn bó với VNA từ năm 18 tuổi, tình cảm của tôi dành cho công ty không thể đong đếm. Tôi luôn mong muốn VNA phát triển vững mạnh và là hãng hàng không hàng đầu tại khu vực châu Á”, chị nói thêm.

Về định hướng của công ty thời gian tới, chị Khanh khẳng định: “Trong mục tiêu xây dựng hãng hàng không 5 sao, đội ngũ giáo viên chúng tôi đã chuẩn bị hết, từ trang bị kỹ năng, kiến thức mới, khảo sát dịch vụ trên chuyến bay hay hãng hàng không khác cả năm trời, Mọi thứ đã sẵn sàng, chỉ đợi ‘chuông reo là bắn’. Khi chúng ta quyết tâm thực hiện thì sẽ đạt được, điều này nằm trong tầm tay”.

Thu Thảo – Mai Hương

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.