Tiếp nối truyền thống gia đình
Chị Thương Thương là con gái của anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung – người lái máy bay F-5E ném bom vào Dinh Độc Lập ngày 8/4/1975 và là phi công Việt Nam đầu tiên lái máy bay Boeing 767 và 777. Ông từng đảm nhận vị trí phó tổng giám đốc VNA, về hưu được 15 năm. Chồng chị Thương cũng là phi công kiêm giáo viên đào tạo, từng tham gia bay từ thời hãng còn dùng máy bay An-24 và Tu-134… cho đến thế hệ Boeing hiện tại.
Hai em của chị đều theo ngành hàng không, một người làm tiếp viên, người còn lại là cơ trưởng của Airbus 350. Con trai lớn của chị đang học tại trường đào tạo phi công AAPA ( Australia), sau khi về nước sẽ tiếp nối nghiệp ông cha làm phi công cho VNA.
Chị cho biết lợi thế khi sinh trưởng trong gia đình có một truyền thống hàng không, mọi người có sự thấu hiểu nhau hơn. “ Ông bà, ba mẹ hỗ trợ con cháu về tinh thần, chia sẻ khó khăn trong công việc. Về chuyên môn, những kiến thức hệ thống máy bay thì ông, cha, cậu hướng dẫn cho con trai. Còn tôi định hướng cho con có tinh thần trách nhiệm với bản thân và công việc, hoạch định mục tiêu rõ ràng để chạm tới thành công nghề nghiệp.”, chị nói.
Nuôi dưỡng nhiệt huyết sự nghiệp
Nền tảng gia đình vững vàng, chị Thương vẫn luôn trau dồi học hỏi để phát triển sự nghiệp. Vào nghề từ 1991, đến 1994 chị trở thành tiếp viên trưởng sau ba năm được đào tạo tại Australia. Năm 2007, chị thi vào đội ngũ giáo viên của Trung tâm huấn luyện tham gia công tác giảng dạy đến bây giờ. Bản thân luôn thích học hỏi nâng cao và tham gia tốt nghiệp MBA về HR năm 2013 tại Hoa Kỳ.
Ngoài việc đào tạo các tiếp viên hàng không về dịch vụ, các kỹ năng chăm sóc khách hàng, Kỹ năng lãnh đạo… từ năm 2015, chị được giao thêm nhiệm vụ phụ trách mãn đào tạo các cán bộ quản lý. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chị phải hiểu chuyên môn mới, tham vấn, thiết kế và điều chỉnh các chương trình về kỹ năng mềm cho các cán bộ trẻ TCT.
Bên cạnh đó, chị còn đào tạo chủ lực kỹ năng mềm cho phi công sau khi tốt nghiệp về nước. “Bộ môn này mới được chú trọng tại Việt Nam hơn 10 năm trở lại, thực tế kỹ năng mềm là yếu tố quyết định sự thành công của con người trong thời đại nền kinh tế hội nhập”. Hiện chị phụ trách viết giáo trình và trực tiếp đứng lớp giảng dạy các bô môn kỹ năng giao tiếp, tạo dựng bản sắc, kỹ năng giải quyết vấn đề tình huống ở buồng lái và làm việc nhóm…
“Thật ra, tôi không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy, mà điều quan trọng hơn cả là truyền nghề, truyền nhiệt huyết, kinh nghiệm cho các bạn là chính”, chị khiêm tốn nói. Chị luôn xác định: “Được đứng lớp, cho dù học viên hay tiếp viên, phi công hay bất kỳ ai, tôi cũng thấy hạnh phúc. Tôi vẫn sẽ truyền đạt những điều có giá trị nhất về nghề để các bạn có kimh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, thái độ đúng đắn trong nghề nghiệp để đạt được sự an toàn, hiệu quả và thành công trong sự nghiệp”.
Nhớ về những ngày đầu giảng dạy, cảm xúc hân hoan, bồi hồi vẫn còn nguyên trong chị. Thay đổi môi trường làm việc, tuy có chút mới lạ nhưng chị không gặp nhiều khó khăn. “Tôi luôn cố gắng chuẩn bị bài giảng, kiến thức, mục tiêu bài học trước khi lên lớp. Thời gian đầu, kể cả khi đi dự giờ, tôi cũng soạn giáo án, tham khảo giáo trình rất kỹ, học hỏi trao đổi kỹ năng nghề nghiệp với những người thâm niên, sau đó đi thi giảng thì đạt yêu cầu phê chuẩn ”, chị kể lại.
Học viên của chị Thương không chỉ là người trẻ mà còn là đồng nghiệp. Vì vậy chị luôn cố gắng đem những gì lĩnh hội thực tế, có giá trị nhất và kiến tạo muốn họ phát triển, hoàn thiện năng lực và hơn hết là sự chuyên nghiệp..
Cảm xúc trong ngày Nhà giáo Việt Nam
Qua 13 năm đi dạy, mỗi năm đến ngày 20/11, nhận bó hoa tri ân từ học trò, chị Thương đều trân trọng. “Tôi cảm ơn tấm lòng của học viên, họ trao cho mình những bó hoa cùng với lòng biết ơn sâu sắc. Trước tình cảm đó, tôi cũng đáp lại bằng các hành động cụ thể trong việc học hỏi nâng cao phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp, sinh động và thực học đối với học viên”.
Khi được hỏi về phương pháp dạy học hiệu quả, chị Thương cho biết trong các buổi học, chị luôn tạo một không khí vui vẻ tích cực, luôn khuyến khích học viên thử thách bản thân tư duy bằng những câu như “ tôi tin chắc bạn sẽ làm được điều đó”, là cách tôi muốn truyền động lực, cảm hứng với nghề, tạo niềm tin, sức mạnh vào bản thân người học để họ rèn luyện sự gian nan, thử thách cũng như luôn thích nghi với sự thay đổi, với những điều mới trong thời đại công nghệ 4.0.
Hình dung lại 30 năm trong nghề, chị Thương bồi hồi nói: “Nhìn lại mới thấy bao nhiêu năm đã trôi qua, tôi không nghĩ đã dài đến như vậy. Dù tuổi không còn trẻ nhưng tôi vẫn rất nhiệt huyết, yêu nghề”.
Bên cạnh dồn tâm huyết đứng lớp, chị vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của một tiếp viên trưởng. “Tôi hạnh phúc khi được tiếp xúc với khách hàng – những người có quốc tịch, tuổi tác, văn hóa khác nhau và tìm thấy mình trong khi giao tiếp. Tôi yêu thích việc chia sẻ trao đổi với khách hàng, mong muốn được phục vụ họ. Khi họ hài lòng với dịch vụ của VNA, tôi thấy vui”.
Một số hình ảnh khác của chị Thương cùng chồng và các con (Ảnh: NVCC).
Ngoài con trai đang theo học phi công, chị Thương còn một con gái 18 tuổi, đang tìm kiếm nghề nghiệp phù hợp. Chị cho biết không ép con theo nghề mẹ hay nghề bố, nhưng vợ chồng chị luôn định hướng con ngành nghề nào phù hợp với tố chất, thiên hướng và sự yêu thích của cô bé. “Có lẽ con tôi sẽ chọn hướng đi khác, ví dụ như lĩnh vực media truyền thông, PR …”, cũng là nghề được phục vụ khách hàng, chị nói.
Chị tâm sự dù hiện nay có nhiều ngành nghề thú vị cho thế hệ trẻ tuy nhiên, nếu thời gian trở lại chị vẫn theo đuổi nghề tiếp viên hàng không. “Công việc này cho tôi quá nhiều lợi ích, điều kiện để phát triển hoàn thiện bản thân” Tại đây, tôi được đào tạo phát triển kỹ năng giao tiếp, phục vụ, chăm sóc khách hàng, chăm sóc bản thân, ứng xử với khách hàng, xây dựng bản sắc. Ngoài ra còn có kỹ năng giải quyết tình huống, thuyết phục, kiềm chế cảm xúc… Tôi nghĩ không có trường nào dạy được nhiều kỹ năng như nghề tiếp viên hàng không”.
Trước khi về hưu, mục tiêu của chị là truyền đạt hết kinh nghiệm, sự nhiệt huyết về nghể cho các thế hệ kế tiếp, xây dựng đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp để họ đào tạo đội ngũ phi công, tiếp viên, nhân viên có năng lực tố nhất để phục vụ trong nghề nghiệp.
Thu Thảo