[20/11] Giáo viên bảo dưỡng máy bay – Nghề đòi hỏi kinh nghiệm thực tế

Là Phó Giám đốc của khối ngoại trường VAECO miền Nam, kiêm nhiệm Trưởng phòng Kỹ thuật, “thầy giáo” Phạm Trung Toàn với 23 năm kinh nghiệm bảo dưỡng cho dòng máy bay Boeing của VNA cho rằng, giáo viên bảo dưỡng máy bay là nghề đòi hỏi những kinh nghiệm thực tế. 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

alt text
 “Thầy giáo” Phạm Trung Toàn với 23 năm kinh nghiệm bảo dưỡng cho dòng máy bay Boeing của VNA. (Ảnh: NVCC).

Xin chào “thầy giáo” Phạm Trung Toàn! Spirit rất vui khi được trò chuyện cùng anh. Anh hãy chia sẻ một chút về mình? 

Xin chào các thành viên VNA, tôi là Phạm Trung Toàn, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa TP HCM năm 1994, tôi thi tuyển vào ngành Hàng không năm 1995 với công việc chuyên môn là bảo dưỡng máy bay ngành Cơ giới. Hiện nay tôi đang thực hiện công việc quản lý, bảo dưỡng loại máy bay B787. Tôi bắt đầu công việc giáo viên kiêm nhiệm từ năm 2004 đến nay.

Anh gắn bó với công việc này bao nhiêu năm rồi?

Tôi được công ty cho học chuyển loại máy bay B767 năm 1998, nối tiếp sau đó là học chuyển loại máy bay B777 (2002) và B787 (2014) tại Mỹ. Tổng cộng, tôi đã gắn bó với công việc bảo dưỡng máy bay từ 1996 đến nay là 23 năm và chuyên bảo dưỡng cho dòng máy bay Boeing của VNA.

alt text
Anh Phạm Trung Toàn (thứ hai từ phải sang) bắt đầu công việc giáo viên kiêm nhiệm từ năm 2004 đến nay. (Ảnh: NVCC).

Vậy công việc của một giáo viên dạy chuyển loại máy bay có điều gì đặc biệt thưa anh?

Giáo viên dạy chuyển loại máy bay đòi hỏi phải có kinh nghiệm thực tế, do đó việc làm giáo viên lý thuyết và  giáo viên thực hành gần như là không thể tách rời nhau.

Theo anh công việc của giáo viên trong ngành bảo dưỡng máy bay như thế nào?

Giáo viên trong ngành bảo dưỡng máy bay là một ngành vất vả, ví như vừa tự học, vừa  làm, vừa phải hướng dẫn học viên trong môi trường tiếng ồn cao, chịu nhiều áp lực về thời gian.

Điều gì để anh gắn bó với công việc của một giáo viên kiêm nhiệm 15 năm qua và có những thuận lợi gì? 

Điều mà tôi tâm huyết và gắn bó với công việc của một giáo viên kiêm nhiệm đó chính là muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình với mọi người. 

Theo tôi, điều thuận lợi trong công việc này đó là người phụ làm bảo dưỡng cùng với mình cũng là người mà mình phải đào tạo cho họ. Do đó, nếu đào tạo tốt thì công việc sẽ trôi chảy và an toàn, phối hợp làm việc cùng nhau rất thuận lợi.

Còn khó khăn thì sao thưa anh?

Vì là giáo viên kiêm nhiệm, nên thời gian nghỉ dùng để phục vụ công tác giảng dạy, do đó quỹ thời gian dành cho gia đình sẽ bị rút ngắn lại.

alt text
Chia sẻ kinh nghiệm của mình với mọi người là điều mà anh Toàn luôn tâm huyết. (Ảnh: NVCC).

Theo anh nghề bảo dưỡng máy bay điều quan trọng nhất là gì? Một giáo viên trong ngành bảo dưỡng máy bay có những điểm khác biệt nào với kỹ sư bảo dưỡng?

Bảo dưỡng máy bay cần nhất tính cẩn thận và chỉn chu. Theo tôi, giữa công việc của một kỹ sư bảo dưỡng và một giáo viên không khác biệt mấy. Bởi bản thân một người kỹ sư bảo dưỡng với cung cách làm việc của mình đã là một tấm gương, một giáo viên cho học viên noi theo. 

Vậy điều mà anh tâm huyết và mong muốn nhất khi làm công tác đào tạo là gì?
Tôi luôn mong muốn đào tạo ra được nhiều kỹ sư về bảo dưỡng máy bay giỏi hơn mình. Khi đó những người “làm thầy” như chúng tôi tạm gọi là thành công. 

Chắc hẳn trong suốt quá trình giảng dạy đào tạo, anh có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ, anh chia sẻ một chút  được không?

Tôi rất ấn tượng với phương pháp truyền đạt khi được tham gia lớp đào tạo giáo viên tại Lufthansa – Đức (2004). Nếu bạn đã từng chơi Tangram theo luật chơi 2 người quay lưng lại với nhau (không nhìn hình của nhau), một người chỉ nói cách hướng dẫn để xếp các khối theo hình nào đó, người kia chỉ nghe và làm theo, nếu kết quả người xếp đúng như cách truyền đạt từ người chỉ dẫn thì bạn là người thắng và là người chỉ dẫn giỏi.

Tương tự trong giảng dạy, nếu bạn giảng dạy có phương pháp và tâm huyết thì bạn sẽ truyền tải được đầy đủ, đúng nội dung cần truyền đạt.

alt text
Anh Toàn tham gia lớp giáo viên theo tiêu chuẩn FAA/EASA đầu tiên của VNA cho loại máy bay Boeing 787. Phía sau là chiếc Boeing 787 đầu tiên của VNA. (Ảnh: NVCC).

Vậy anh cảm thấy thế nào khi được gọi là “thầy”?

Trong đào tạo bảo dưỡng máy bay không có từ “Thầy” mà tiếng Anh gọi chính xác là Instructor (tạm dịch là người hướng dẫn). Tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy rất vinh dự nếu được gọi là “thầy”. 

Nhân dịp 20/11, anh có điều gì muốn chia sẻ cùng những người đồng nghiệp?

Tôi xin chúc mọi giáo viên có nhiều sức khỏe để cống hiến cho ngành.

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.