ASOC- Hành trình về thăm quê Bác

Trong cái nắng ấm áp của những ngày cuối xuân, cùng không khí tưng bừng chào đón kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (03/02/1930- 03/02/2024), Đảng bộ Trung tâm Dịch vụ và Khai thác Sân bay (ASOC) thực hiện kế hoạch sinh hoạt chuyên đề nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, nâng cao nhận thức chính trị cho đảng viên, kết hợp đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hai ngày 22 và 23 tháng 03 năm 2024 với chủ đề “ Hành trình về thăm quê Bác”.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tham gia hành trình về nguồn của Đảng bộ ASOC lần này có đồng chí Bùi Đức Thanh – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc làm Trưởng đoàn, cùng các đồng chí Trần Huy Thắng – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc; đồng chí Trần Thanh Nghĩa – Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Cơ sở và các cán bộ đảng viên tiêu biểu, BCH Công đoàn cơ sở, BCH Đoàn thanh niên ASOC.

Đoàn về nguồn của Đảng bộ Trung tâm Dịch vụ và Khai thác Sân bay . (Ảnh: ASOC)

Điểm dừng chân đầu tiên Đoàn đến thăm và dâng hương tại Khu Di tích lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc – nơi đất thiêng gắn với huyền thoại của 10 đóa hoa bất tử rực rỡ anh hùng.

Đoàn về nguồn chụp hình lưu niệm tại Khu Di tích lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc. (Ảnh: ASOC)

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Ngã ba Đồng Lộc từng là “tọa độ chết”, mỗi mét vuông nơi đây đều phải gánh tới 3 quả bom tấn – nơi đây đã chứng kiến 10 nữ thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập dân tộc. Trở lại Ngã ba Đồng Lộc hôm nay, mỗi chúng tôi như được “sống” trong thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc.

Theo lời kể của hướng dẫn viên trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, mọi con đường chi viện từ Bắc vào Nam đều phải đi qua nơi đây. Nằm ở vị trí hiểm yếu, ngã ba Đồng Lộc liên tục bị không quân Mỹ cho máy bay ném bom đánh phá nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân dân ta hướng về miền Nam. Tại đây, trưa ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 (do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng) thuộc Đại đội 552 được lệnh san lấp hố bom ở khu vực địch vừa ném bom để thông đường cho xe đi qua. Nhận nhiệm vụ, các chị đã đến hiện trường gấp rút san lấp, mở đường. Đến 16 giờ 30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc. Một quả bom đã rơi trúng 10 cô gái. Cả trận địa lặng đi, rồi vỡ òa bởi tiếng khóc. Các cô gái đã hy sinh ở lứa tuổi đẹp nhất cuộc đời… Và còn rất nhiều những tấm gương liệt sĩ anh hùng trong số hơn 4.000 người con đất Việt đã nằm lại nơi mảnh đất “máu và hoa” này.

Xúc động khi đứng trước khu mộ của các anh hùng liệt sỹ, anh Nguyễn Tuấn – thành viên trong đoàn  ASOC đã sáng tác bài thơ “Nhớ về Các Cô gái Đồng Lộc”, trong đó có đoạn:

“Màu Hoa đỏ Trường Sơn ơi!

Ngã Ba Ðồng Lộc một thời chiến tranh

Bao người lứa tuổi xuân xanh

Bỏ qua sự nghiệp, học hành gác bên

Rời xa cuộc sống bình yên

Dấn thân khói lửa bấp bênh cuộc đời

Hứng chịu đạn pháo bom rơi

Thông đường cầu nối ra nơi chiến trường.”

Anh Nguyễn Tuấn – Thành viên trong đoàn ASOC đọc bài thơ tự sáng tác. (Ảnh: ASOC) 

Điểm dừng chân tiếp theo  trong chuyến hành trình của Đoàn là Khu mộ của bà Hoàng Thị Loan (1868 – 1901) – thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mộ bà Hoàng Thị Loan nằm trên núi Động Tranh, thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Đoàn dâng hương, dâng hoa mộ cụ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Bác. (Ảnh: ASOC)

Ngày về thăm và dâng hương tưởng nhớ thân mẫu Bác Hồ, trời tỏa nắng nhẹ dù trước đó một ngày không khí vẫn còn se lạnh bởi tiết trời cuối Xuân. Tại nơi đây, chúng tôi đã được nghe những câu chuyện xúc động về người mẹ hiền hậu, tần tảo đã sinh ra và nuôi lớn người anh hùng vĩ đại của dân tộc.

Sau khi chồng bà là ông Nguyễn Sinh Sắc vào Huế đi thi, bà đã cùng chồng gồng gánh đi bộ với hai con trai vào kinh đô giúp ông học tập, nén lòng gửi con gái đầu lòng Nguyễn Thị Thanh ở lại Nghệ An để giúp chăm sóc ông bà ngoại Hoàng Xuân Đường. Ở Huế, bà đã lao động dệt vải vất vả, vắt kiệt sức nuôi sống cả nhà. Sau khi sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Nhuận, do sự vất vả khó nhọc trước đó, bà Hoàng Thị Loan sinh bệnh rồi qua đời vào năm 1901 trong khi chồng và người con Nguyễn Sinh Khiêm đang ở Thanh Hóa. Khi ấy, Nguyễn Tất Thành mới 11 tuổi đã đứng ra làm chủ tang, cùng bà con chôn cất mẹ.

Ngoài ra, phần mộ bà Hoàng Thị Loan được giữ nguyên theo hình mẫu ban đầu, được ốp bên ngoài bằng đá hoa cương, đá cẩm thạch liền khối. Phần trên mộ được xây dựng theo hình khung cửi cách điệu, gợi nhớ cuộc đời vất vả để nuôi chồng, nuôi con. Phía sau phần mộ là bức phù điêu bằng đá trắng khắc họa hình những cánh sen thanh cao, tinh khiết của quê nhà và cũng là biểu tượng về cuộc đời, nhân cách của bà.

Hành trình tiếp theo của đoàn là đến thăm quê Ngoại của Bác Hồ tại làng Hoàng Trù; thăm quê Nội của Bác tại Làng Sen; dâng hương, dâng hoa báo công lên Bác tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đoàn chụp hình lưu niệm tại quê ngoại của Bác Hồ. (Ảnh: ASOC

Đoàn vào dâng hoa tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: ASOC)

Đoàn thực hiện nghi thức dâng hương, dâng hoa báo công lên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Làng Sen. (Ảnh: ASOC)

Các thành viên trong đoàn đã bồi hồi, lắng đọng trước khung cảnh nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Bác Hồ, ngôi nhà do chính nhân dân làng Sen cùng nhau xây dựng, làm quà mừng nhân dịp cụ đỗ Phó Bảng khoa thi Hội năm 1901. Đặc biệt, trong căn nhà ba gian này còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử như hai bộ phản gỗ, chiếc giường, rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, mâm bằng gỗ sơn đen… Qua lời kể đầy xúc động của người hướng dẫn viên nơi đây, tận mắt chứng kiến những khung cảnh đơn sơ, giản dị, nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tên Bác Hồ lúc nhỏ) cất tiếng khóc chào đời, về thời thơ ấu của Bác, … nhiều thành viên trong đoàn đã xúc động không cầm được nước mắt.

Đồng chí Bùi Đức Thanh -Bí thư Đảng ủy, Giám Đốc ASOC cùng Đoàn dâng hương, dâng hoa vànghe giới thiệu tại Khu Di tích Truông Bồn (Ảnh: ASOC)

Tiếp tục chuyến hành trình tri ân những anh hùng, liệt sĩ, Đoàn tới thăm và dâng hương tại Khu Di tích Truông Bồn. Nơi đây được ví như “cõi thiêng lay động lòng người” với một thời kỳ oai hùng của lịch sử dân tộc cùng với những câu chuyện xúc động về sự hi sinh của những liệt sĩ, thanh niên xung phong

Nơi đây, ghi dấu những chiến công oanh liệt của các lực lượng quân và dân ta, trong đó có 1.500 cán bộ, chiến sĩ của 9 Đại đội Thanh niên xung phong (TNXP) thuộc Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An. Đặc biệt là những chiến công và sự hy sinh oanh liệt của 13 chiến sỹ “Tiểu đội thép”, “Tiểu đội cảm tử” thuộc Đại đội TNXP 317 vào ngày 31/10/1968 trong khi đang làm nhiệm vụ nối liền mạch máu giao thông. Các chị, các anh đã hiến trọn tuổi xuân của mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập – tự do, thống nhất Tổ quốc. Cuộc đời và sự nghiệp của các chị, các anh mãi mãi là tấm gương sáng để các thế hệ chúng tôi hôm nay học tập, noi theo.

Đoàn là dâng hương, dâng hoa và chụp hình lưu niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt – Lào.(Ảnh: ASOC)

Điểm dừng chân cuối cùng cho hành trình về nguồn của là đến dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Việt – Lào được xây dựng từ năm 1976 trên diện tích gần 7 ha tại thị trấn Anh Sơn (huyện Anh Sơn – Nghệ An) và là nghĩa trang lớn nhất quy tập gần 11.000 mộ liệt sĩ của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào.

Đứng trước những hàng bia mộ trang nghiêm tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc tế Việt – Lào, mỗi thành viên trong đoàn đều cảm thấy lòng như chùng xuống, thành kính tri ân những người con ưu tú đã ngã xuống vì Tổ quốc và nhiệm vụ quốc tế cao cả nơi đây. Đây cũng là nghĩa trang duy nhất của Việt Nam mang tên hai quốc gia, hai dân tộc và là biểu tượng tình đoàn kết thủy chung, son sắt của hai dân tộc Việt – Lào anh em.

Trên chuyến hành trình “ Về thăm quê Bác” lần này, mỗi mảnh đất lịch sử đi qua sẽ để lại trong mỗi người những cảm xúc đặc biệt. Đó là cảm xúc rưng rưng trước những câu chuyện lịch sử về sự hi sinh của thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc. Đó là những câu chuyện xúc động về người mẹ hiền hậu, tần tảo đã sinh ra và nuôi lớn người anh hùng vĩ đại của dân tộc. Đó là sự biết ơn và tình yêu vô bờ bến với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đó còn là lòng tự hào dân tộc được thổi lên trong mỗi cán bộ, nhân viên… Để rồi mỗi cán bộ, nhân viên ASOC nguyện hứa sẽ không ngừng rèn luyện, phấn đấu trong học tập, công tác và sống tích cực hơn, quyết tâm hơn; góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn những giá trị đặc biệt, trường tồn mà Người đã tâm huyết gửi gắm trong Di chúc.

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.