Trước Cách mạng Công nghiệp, lượng carbon dioxide (CO2) trong khí quyển duy trì ổn định khoảng 280 phần triệu suốt hàng ngàn năm. Tính đến năm 2022, lượng CO2 đã tăng lên 50% do việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, phá rừng và chuyển mục đích sử dụng đất.
Nếu hoạt động phát thải khí nhà kính tiếp tục diễn ra thì đồng nghĩa với việc lượng CO2 sẽ vẫn tồn tại trong khí quyển và là tác nhân làm tăng nhiệt độ toàn cầu (biến đổi khí hậu) và thậm chí sẽ duy trì đến nhiều thập kỷ tới. Từ năm 1970 đến năm 2021, các quốc gia ghi nhận hơn 2 triệu ca tử vong và thiệt hại kinh tế 4,3 nghìn tỷ USD do tác động của thời tiết, khí hậu và nước cực đoan.
Trong những năm qua, thiệt hại kinh tế có xu hướng tăng vọt nhưng nhờ cải thiện năng lực cảnh báo sớm và các giải pháp quản lý thảm họa phối hợp, số người thương vong do biến đổi khí hậu đã giảm. Nếu giai đoạn 1970 – 1979, đã có hơn 550.000 ca tử vong do các mối nguy hiểm liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước thì từ năm 2010 – 2019, con số này giảm xuống chỉ còn dưới 185.000.
Mặc dù vậy, tỷ lệ này vẫn ở mức cao không thể chấp nhận được – và hơn 90% số ca tử vong được báo cáo xảy ra ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ một nửa số quốc gia trên toàn thế giới báo cáo có hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai.
Trong đó, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề đặc biệt quan trọng. Nước ta đã trở thành 1 trong 3 quốc gia đạt được và vượt mục tiêu đã cam kết mỗi năm giảm 2,5% dấu chân carbon. Thực tế, tốc độ xóa dấu chân của Việt Nam đang nhanh hơn, đạt mức 6,5% mỗi năm, đây là tín hiệu tích cực trong thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, các biện pháp giảm nhẹ dấu chân carbon.
Bộ Tài nguyên – Môi trường kêu gọi vận động toàn thể cơ quan, tổ chức và người dân phổ biến tuyên truyền các nội dung về tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường, hưởng ứng chung tay giảm phát thải khí nhà kính về ngưỡng cân bằng, giảm thiểu các tác động tiêu cực của chúng ta trong quá trình sử dụng các dịch vụ sinh thái, đưa Việt Nam đạt được chương trình mục tiêu quốc gia đến năm 2030.
Đối với ngành hàng không, Vietnam Airlines cam kết tích cực tham gia và chủ động trong nhiều hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu, nhằm tăng cường khả năng phục hồi và ứng phó với các rủi ro từ thiên tai, đồng thời nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính để đóng góp vào giải quyết vấn đề khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
Nhằm giải quyết bài toán giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Vietnam Airlines đang áp dụng giải pháp Single Engine taxiing (lăn bánh một động cơ) để giảm tiếng ồn tại sân bay và giảm nhiên liệu tiêu thụ, từ đó giảm phát thải. Giải pháp này áp dụng từ năm 2018 và áp dụng cho cả 3 đội tàu bay của hãng. Kết quả sau nhiều năm áp dụng giải pháp đã tạo ra những tín hiệu tích cực khi Vietnam Airlines đã giảm được hơn 4.000 tấn CO2.
Đồng thời, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp “xanh hóa” nhằm xây dựng hình ảnh một “hãng hàng không xanh”. Từ năm 2022 đến nay, Vietnam Airlines đã liên tục tham gia “Thử thách chuyến bay bền vững” với việc triển khai tặng hành khách túi tái chế từ áo phao cũ, phục vụ suất ăn từ các thực phẩm bền vững và kêu gọi hành khách mang đồ dùng cá nhân thay vì sử dụng các vật phẩm dùng một lần trên chuyến bay như cốc giấy, bàn chải đánh răng, chăn, áo ấm. Gần đây nhất, hãng triển khai thu hồi, tái cấp các sản phẩm thực phẩm khô, dụng cụ dùng một lần đảm bảo chất lượng sau chuyến bay và quyên góp cho tổ chức giải cứu thực phẩm VietHarvest.
Thời gian tới, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục tăng cường năng lực, nhận thức của đội ngũ cán bộ các cấp, tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho cộng đồng ngành hàng không nhằm chủ động tìm kiếm nhiều giải pháp để giảm nhiên liệu tiêu thụ và giảm CO2 trong hoạt động hàng không, phòng ngừa, ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.