Tư tưởng nam giới độc hại trong xã hội Việt Nam
Thực tế, các chuẩn mực cứng nhắc về vai trò của nam giới trong gia đình và xã hội tại Việt Nam vẫn ăn sâu vào tư tưởng của nhiều người. Những quan niệm như “đàn ông là trụ cột gia đình” hay “đàn ông phải mạnh mẽ” không chỉ gây áp lực cho nam giới mà còn dẫn đến những hậu quả tiêu cực đối với phụ nữ và xã hội nói chung.
Một biểu hiện rõ ràng của nam tính độc hại ở Việt Nam là tình trạng bạo lực gia đình. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, tỷ lệ bạo lực gia đình ở Việt Nam vẫn ở mức cao, một trong những nguyên nhân chính là từ tư tưởng thống trị và kiểm soát của nam giới đối với phụ nữ trong gia đình.
Nhiều nam giới coi việc kiểm soát phụ nữ là quyền lợi tự nhiên của mình, dẫn đến các hành vi bạo lực khi phụ nữ không tuân theo. Bạo lực gia đình không chỉ là một vấn đề về thể chất mà còn liên quan đến sự kiểm soát tâm lý, khi nam giới sử dụng quyền lực của mình để thống trị trong các mối quan hệ gia đình.
Bên cạnh đó, phân biệt giới tính vẫn là một vấn đề lớn trong đời sống và công việc tại Việt Nam, và nó cũng là kết quả của nam tính độc hại. Nam giới thường được ưu tiên hơn trong nhiều lĩnh vực, từ việc làm quản lý, chính trị cho đến các quyền lợi xã hội. Những tư tưởng truyền thống vẫn đánh giá cao vai trò của nam giới trong các công việc lãnh đạo, trong khi phụ nữ thường ít được trao cơ hội thăng tiến.
Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các cơ hội phát triển cá nhân và nghề nghiệp của phụ nữ, khiến họ phải đối mặt với nhiều rào cản hơn để đạt được thành công trong xã hội. Người phụ nữ khi chấp nhận vươn lên cần sẵn sàng với những hy sinh về nhiều mặt như thời gian, sức khỏe và sự tự do, cần tự vượt lên những rào cản định kiến của xã hội mà vốn dĩ nhận định không đúng về vai trò và vị trí của nữ giới.
Những hiện tượng này cho thấy rằng, dù xã hội Việt Nam đang có những thay đổi tích cực, nhưng nam tính độc hại vẫn còn tồn tại sâu sắc và ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống. Việc giảm thiểu tác động của nó đòi hỏi sự nỗ lực từ mọi cấp độ xã hội, từ giáo dục gia đình đến cải cách chính sách và nâng cao nhận thức cộng đồng.
Sự lan rộng của phong trào giảm thiểu nam tính độc hại
Trong những năm gần đây, các phong trào giảm thiểu nam tính độc hại đã lan rộng trên toàn thế giới, khi xã hội bắt đầu nhận ra những tác hại của các chuẩn mực giới tính cứng nhắc đối với cả nam giới và phụ nữ. Một phần của nỗ lực này đến từ các tổ chức phi Chính phủ, các nhà hoạt động xã hội, những nhân vật nổi tiếng, những người đã sử dụng ảnh hưởng của mình để thách thức các định kiến truyền thống và thúc đẩy một khái niệm nam tính cởi mở và đa dạng hơn.
Năm 2019, thương hiệu dao cạo râu Gillette đã phát hành một đoạn quảng cáo gây chú ý toàn cầu với chủ đề “The Best Men Can Be”. Thay vì quảng bá sản phẩm truyền thống, quảng cáo này tập trung vào việc khuyến khích nam giới từ bỏ những hành vi mang tính nam tính độc hại như bạo lực, bắt nạt, và phân biệt giới tính.
Đoạn phim ngắn đã đặt câu hỏi về quan niệm truyền thống về “người đàn ông thực thụ”, đồng thời khuyến khích việc xây dựng những hình mẫu nam tính tích cực hơn – những người dám đứng lên bảo vệ công lý, tôn trọng phụ nữ và không tiếp tay cho các hành vi sai trái. Dù nhận được cả sự ủng hộ và chỉ trích, quảng cáo của Gillette đã mở ra cuộc thảo luận rộng rãi về việc nam giới có thể làm gì để giảm thiểu nam tính độc hại trong xã hội.
Một ví dụ nổi bật khác về việc thách thức nam tính độc hại trong văn hóa đại chúng là Harry Styles, một ngôi sao nhạc pop người Anh. Harry Styles đã trở thành biểu tượng của sự tự do trong việc thể hiện cá nhân, không bị ràng buộc bởi các khuôn mẫu truyền thống về giới tính. Trong nhiều buổi biểu diễn và các buổi chụp hình, Styles thường mặc các trang phục được coi là “nữ tính” như váy hoặc áo ren, và anh không ngại thách thức với định kiến rằng nam giới phải luôn mặc đồ “mạnh mẽ” hoặc “cứng rắn”.
Năm 2020, Styles đã gây chú ý toàn cầu khi trở thành người đàn ông đầu tiên xuất hiện trên trang bìa tạp chí Vogue trong trang phục váy. Hành động này đã mở ra cuộc thảo luận về nam tính hiện đại, khuyến khích mọi người, đặc biệt là nam giới, có thể thoải mái thể hiện bản thân mà không sợ bị xã hội đánh giá.
Harry Styles không chỉ là biểu tượng của sự đa dạng về phong cách, mà còn là hình mẫu thúc đẩy tư tưởng nam tính không cần phải gắn liền với bạo lực hay sự thống trị. Những hành động và phát ngôn của anh đã góp phần quan trọng trong việc truyền bá một thông điệp rằng: nam giới có thể thể hiện bất cứ khía cạnh nào của bản thân, bao gồm cả sự nhạy cảm, tình cảm, và thậm chí là sự yếu đuối, mà không mất đi “giá trị nam tính”.
Những nỗ lực từ các nhân vật nổi tiếng như việc mặc váy để thách thức định kiến về giới có thể tạo ra những tác động lớn trong việc thay đổi nhận thức xã hội. Tuy nhiên, việc giảm thiểu nam tính độc hại không nhất thiết phải gắn liền với các biểu hiện bề ngoài như trang phục. Mỗi cá nhân đều có thể góp phần thay đổi tư duy và hành vi mà không cần phải thể hiện bằng những hành động như vậy.
Thay vào đó, có nhiều hoạt động thiết thực và đơn giản hơn mà từng người có thể thực hiện để xây dựng một xã hội cởi mở và bình đẳng hơn, từ việc thay đổi nhận thức cá nhân, tạo môi trường giao tiếp lành mạnh cho đến việc ủng hộ các phong trào bình đẳng giới.
Đi tìm giải pháp gốc rễ?
Bước đầu tiên để giảm thiểu nam tính độc hại là thay đổi từ tư duy cá nhân. Nam giới cần nhận thức rằng việc thể hiện cảm xúc không phải là yếu đuối, mà là một phần của quá trình phát triển cảm xúc lành mạnh. Họ có quyền bày tỏ những nỗi sợ hãi, lo âu và yếu đuối của mình mà không cần lo sợ bị xã hội đánh giá. Điều này sẽ giúp giảm bớt căng thẳng tâm lý và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong các mối quan hệ gia đình và bạn bè, nam giới có thể đóng góp bằng cách đối xử bình đẳng với người khác giới và tạo không gian an toàn để thảo luận về các vấn đề cảm xúc. Thay vì áp đặt quyền lực hoặc kiểm soát, họ có thể xây dựng mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng và thấu hiểu. Điều này sẽ góp phần giảm bớt tình trạng bạo lực gia đình và phân biệt giới tính.
Mỗi cá nhân có thể đóng vai trò giáo dục con cái, học sinh, hoặc người thân trong gia đình về tầm quan trọng của việc tôn trọng giới tính và tránh các khuôn mẫu về nam tính độc hại. Bằng cách khuyến khích trẻ em, đặc biệt là các bé trai, bày tỏ cảm xúc và cảm thông với người khác, chúng ta có thể tạo ra một thế hệ mới với tư tưởng cởi mở và ít bị ràng buộc bởi các định kiến truyền thống.
Phái nam có thể bắt đầu thể hiện bản thân một cách tự do hơn, thoát khỏi những gò bó từ tiêu chuẩn truyền thống về phong cách, cảm xúc hoặc hành vi. Điều này bao gồm việc chấp nhận và tôn trọng những lựa chọn cá nhân, từ nghề nghiệp đến sở thích, mà không phân biệt theo giới tính.
Cuối cùng, việc tham gia các phong trào, tổ chức về bình đẳng giới và chống bạo lực giới cũng là một hành động tích cực để phản đối nam tính độc hại. Việc ủng hộ và đồng hành cùng các chiến dịch này sẽ góp phần nâng cao nhận thức xã hội về nam tính độc hại, đồng thời thúc đẩy sự thay đổi từ các chính sách và luật pháp.
Phong trào HeForShe do Liên Hợp Quốc phát động vào năm 2014 đã trở thành một trong những chiến dịch toàn cầu nhằm thúc đẩy nam giới tham gia vào cuộc chiến vì bình đẳng giới. Emma Watson, nữ diễn viên người Anh và Đại sứ thiện chí của Liên Hợp Quốc, là người khởi xướng phong trào này. HeForShe kêu gọi nam giới phá bỏ các định kiến giới và trở thành những người đồng hành cùng phụ nữ trong việc xây dựng một xã hội công bằng hơn.
Phong trào đã góp phần thay đổi nhận thức về vai trò của nam giới trong việc giải quyết các vấn đề như bạo lực gia đình, bất bình đẳng trong công việc và định kiến xã hội. Nhiều nam giới trên toàn cầu đã tham gia vào chiến dịch này để góp phần chống lại nam tính độc hại và thể hiện sự ủng hộ cho bình đẳng giới.
Nam tính độc hại là một vấn đề phức tạp và có tác động sâu rộng đến cả nam giới và phụ nữ, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Những chuẩn mực xã hội cứng nhắc về nam tính đã góp phần duy trì sự bất bình đẳng giới, tạo ra những áp lực tinh thần không cần thiết và dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực trong mối quan hệ gia đình, công việc và đời sống xã hội.
Tuy nhiên, thông qua việc nâng cao nhận thức, thúc đẩy giáo dục bình đẳng giới và khuyến khích sự tự do trong việc thể hiện bản thân, chúng ta có thể dần dần giảm thiểu tác động của nam tính độc hại. Mỗi cá nhân, dù là nam hay nữ, đều có vai trò quan trọng trong việc phá vỡ những định kiến này và góp phần xây dựng một xã hội bình đẳng, nơi mà tất cả mọi người đều có quyền bộc lộ cảm xúc và phát triển bản thân một cách tự do và lành mạnh.
Trong xã hội hiện nay, khi nữ giới dần dần tham gia nhiều hơn trên chính trường, tại các vị trí lãnh đạo, áp lực giới tính, áp lực xã hội vẫn luôn tồn tại bởi ngay từ trong sâu thẳm, bằng tác động trực quan và ngoại quan, bản thân nữ giới cũng vẫn giằng xé giữa việc chấp nhận hay không chấp nhận gọi mình là “phái yếu” và chịu áp lực từ sự ràng buộc của định kiến xã hội về vai trò của nữ giới trong gia đình.
Tại Vietnam Airlines, chủ đề Bình đẳng giới luôn được Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) quan tâm và phổ cập rộng rãi tới CBNV toàn TCT thông qua rất nhiều những sự kiện, diễn đàn để bàn về câu chuyện bình đẳng giới. Đó là một điều tuyệt với vì chỉ khi chúng ta thật sự quan tâm, chia sẻ, dám đối mặt với những suy nghĩ và cảm xúc thật của mình, chúng ta mới sẵn sàng vượt qua những rào cản vô hình…
Ngọc Yến – Phó ban VSTBPN – Ban TCKT
Hồng Nga – Chuyên viên – Ban TCKT