Nguồn gốc của nam tính độc hại
Nam tính độc hại (Toxic masculinity) là thuật ngữ chỉ những tiêu chuẩn cực đoan về nam giới, một số trong đó đã trở nên phổ biến và thậm chí được tôn vinh trong nhiều nền văn hóa. Đây là những chuẩn mực xã hội mà, dù gắn liền với nam giới, lại có thể gây hại cho cả nam và nữ. Các tiêu chuẩn này thường đề cao những phẩm chất như sự thống trị, bạo lực, kiềm chế cảm xúc, và coi trọng quyền lực hay địa vị xã hội hơn là mối quan hệ cá nhân.
Các hành vi như coi thường phụ nữ, từ chối sự yếu đuối, hoặc tôn vinh tính hiếu chiến là biểu hiện rõ rệt của nam tính độc hại. Ở Việt Nam, dù khái niệm này còn mới mẻ đối với nhiều người, nhưng thực tế nó đã tồn tại lâu đời trong các giá trị truyền thống và xã hội.
Những quan điểm như “đàn ông phải mạnh mẽ”, “đàn ông không được khóc”, hay “đàn ông là trụ cột gia đình” là ví dụ tiêu biểu về những yếu tố củng cố và duy trì nam tính độc hại trong xã hội ngày nay. Nam tính độc hại không chỉ là một vấn đề của một giới, mà còn là vấn đề của xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển cá nhân và mối quan hệ xã hội nói chung.
Đây không phải là một hiện tượng xã hội mới xuất hiện hay chỉ tồn tại trong một nền văn hóa cụ thể. Thực chất, nam tính độc hại là kết quả của hàng thế kỷ tư tưởng phong kiến và mô hình gia đình gia trưởng trên khắp thế giới, trong đó vai trò của người đàn ông luôn được đặt lên cao hơn phụ nữ, cả trong gia đình và ngoài xã hội.
Tại phương Tây, nam tính độc hại không chỉ là kết quả của những chuẩn mực xã hội hiện đại mà còn bắt nguồn từ hàng thế kỷ tư tưởng tôn giáo và triết học. Từ thời Hy Lạp cổ đại, triết gia Aristotle đã lý luận rằng nam giới có bản chất vượt trội hơn phụ nữ, và nên giữ vai trò thống trị cả trong gia đình và xã hội. Tư tưởng này tiếp tục được củng cố trong Thiên Chúa giáo, nơi Adam – người đàn ông đầu tiên – được xem là nguồn gốc của loài người, còn Eva chỉ được sinh ra từ xương sườn của Adam, nhấn mạnh vào vai trò phụ thuộc của phụ nữ.
Văn hóa đại chúng ở phương Tây, đặc biệt là từ thế kỷ 20, cũng góp phần củng cố những hình mẫu nam giới lý tưởng thông qua các phương tiện truyền thông như phim ảnh, sách báo và quảng cáo. Từ các nhân vật hoạt hình như Superman, Captain America, các nam chính phim bom tấn như James Bond, Die Hard, etc. tới các quảng cáo truyền thông đều liên tục đẩy mạnh hình ảnh nam giới cơ bắp, tự tin và thành công, càng tạo ra áp lực phải duy trì hình tượng mạnh mẽ để được công nhận là “đàn ông thực thụ”. Có thể nói, tư tưởng về sự vượt trội của nam giới đã trở thành nền tảng cho mô hình gia đình gia trưởng và các giá trị xã hội tôn vinh sức mạnh thể chất, sự thống trị và kiên cường của người đàn ông.
Tại châu Á, đặc biệt ở khu vực Đông và Đông Nam Á, ảnh hưởng từ văn hóa Nho giáo là một yếu tố quan trọng trong việc củng cố và duy trì tư tưởng này. Nho giáo, với những nguyên tắc đạo đức và lễ nghĩa, đề cao hình ảnh người đàn ông phải trở thành “quân tử” – một người mạnh mẽ, chính trực, có quyền lực và chịu trách nhiệm bảo vệ gia đình.
Vai trò của người đàn ông trong xã hội được gắn chặt với quyền lực và trách nhiệm, nhưng đồng thời họ cũng phải đối diện với áp lực lớn. Nho giáo khuyến khích việc nam giới phải kiềm chế cảm xúc cá nhân, tránh bộc lộ sự yếu đuối hay nhu nhược. Những chuẩn mực này khiến nam giới phải luôn giữ hình ảnh mạnh mẽ, kiên cường và không được phép tỏ ra yếu đuối hoặc nhạy cảm.
Hệ lụy của tư tưởng nam giới độc hại
Nam tính độc hại gây ra áp lực lớn lên nam giới, buộc nam giới phải tuân thủ những tiêu chuẩn cứng nhắc về sự mạnh mẽ và kiên cường. Ngay từ nhỏ, nam giới được xã hội giáo dục rằng không được bộc lộ cảm xúc, rằng sự yếu đuối là không thể chấp nhận. Các câu nói như “đàn ông không khóc” hay “phải kiên cường” đã ăn sâu vào tiềm thức, khiến nhiều nam giới không dám chia sẻ những khó khăn về mặt tâm lý.
Hậu quả là họ phải đối mặt với những áp lực nội tâm mà không có lối thoát. Theo báo cáo của Mental Health America, đàn ông ít tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý hơn phụ nữ, bởi lo ngại rằng việc thừa nhận khó khăn sẽ khiến họ bị đánh giá là yếu đuối. Tình trạng này tạo ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như trầm cảm và lo âu.
Áp lực phải giữ vững hình ảnh “mạnh mẽ” và “kiên cường” còn liên quan trực tiếp đến tỷ lệ tự tử cao ở nam giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nam giới chiếm khoảng 70% trong tổng số các ca tự tử toàn cầu. Nhiều trường hợp tự tử xuất phát từ những khó khăn cá nhân, tài chính, hay mối quan hệ, nhưng thay vì tìm kiếm sự giúp đỡ, họ chọn cách chịu đựng một mình do lo ngại sự đánh giá của xã hội.
Một nghiên cứu tại Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng khoảng 40% đàn ông không tìm đến hỗ trợ tâm lý vì sợ bị coi là “yếu đuối”. Điều này cho thấy áp lực nam tính độc hại đã cản trở nam giới trong việc thừa nhận và giải quyết các vấn đề cá nhân một cách lành mạnh.
Bên cạnh đó, nam tính độc hại còn gây tác động tiêu cực đến các mối quan hệ cá nhân của nam giới, đặc biệt là trong gia đình và các mối quan hệ tình cảm. Do được giáo dục phải kìm nén cảm xúc, nhiều đàn ông gặp khó khăn trong việc thể hiện tình cảm hay sự nhạy cảm. Điều này làm suy giảm khả năng duy trì các mối quan hệ sâu sắc, đặc biệt là trong hôn nhân.
Nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA) chỉ ra rằng nam giới có xu hướng ít chia sẻ về cảm xúc với bạn đời, dẫn đến các xung đột không được giải quyết và sự thiếu thỏa mãn trong mối quan hệ. Họ cũng gặp khó khăn trong việc xây dựng và duy trì tình bạn, dẫn đến cảm giác cô đơn và bị cô lập xã hội.
Nam tính độc hại còn góp phần tạo ra văn hóa bạo lực trong xã hội, khi nam giới được khuyến khích thể hiện quyền lực và sự thống trị thông qua hành vi bạo lực. Các chuẩn mực xã hội này thúc đẩy nam giới sử dụng bạo lực như một cách để khẳng định bản thân và giải quyết mâu thuẫn.
Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, hơn 90% các vụ bạo lực trên thế giới liên quan đến nam giới, trong đó nhiều người thừa nhận họ cảm thấy áp lực phải chứng minh “bản lĩnh đàn ông” thông qua bạo lực. Ví dụ điển hình là các vụ bạo lực học đường, nơi nam sinh bị thúc đẩy phải thể hiện sự “mạnh mẽ” bằng cách đánh nhau hoặc tấn công người khác. Những hành vi này không chỉ gây tổn thương cho nạn nhân mà còn làm tổn hại đến chính người thực hiện, tạo ra một vòng luẩn quẩn bạo lực trong xã hội.
Ngoài ra, nam tính độc hại còn hạn chế khả năng tiếp cận của nam giới đối với các vai trò phi truyền thống. Nhiều đàn ông, dù có khả năng và đam mê, thường tránh làm việc trong các lĩnh vực bị coi là “nữ tính” như giáo viên mầm non, y tá, hay chăm sóc gia đình vì sợ bị đánh giá thấp. Điều này làm giảm sự phát triển cá nhân và xã hội của nam giới, khiến họ phải từ bỏ ước mơ hoặc tiềm năng chỉ để tuân thủ các chuẩn mực về giới tính.
Theo một báo cáo từ The New York Times, những người đàn ông chọn các nghề nghiệp “nữ tính” thường phải đối mặt với sự phân biệt giới tính và áp lực từ xã hội, làm cho nhiều người không dám theo đuổi công việc mà họ yêu thích hoặc có năng lực vượt trội.
Nhìn chung, nam tính độc hại không chỉ gây áp lực lớn về mặt tâm lý mà còn ảnh hưởng đến các mối quan hệ và sức khỏe của nam giới. Những chuẩn mực này tạo ra một môi trường hạn chế, nơi nam giới phải sống trong sự kìm nén cảm xúc và chịu đựng những đau khổ tâm lý mà không thể bộc lộ. Đồng thời, nó cũng khuyến khích bạo lực và làm giảm khả năng phát triển của nam giới trong các lĩnh vực đa dạng.
Đối với phụ nữ, nam tính độc hại củng cố các quan điểm phân biệt đối xử, trong đó nam giới được coi là người có quyền lực hơn và phụ nữ phải tuân theo. Điều này dẫn đến bạo lực giới và bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực. Phụ nữ không chỉ đối mặt với bạo lực gia đình và tình dục, mà còn gặp khó khăn trong việc phát triển sự nghiệp, tiếp cận các cơ hội bình đẳng, và tham gia vào các vị trí lãnh đạo. Những tư tưởng về sự thống trị và kiểm soát của nam giới làm giảm vai trò và tiềm năng phát triển của phụ nữ trong xã hội.
Ngoài ra, tác hại của nam tính độc hại còn mở rộng ra toàn bộ xã hội. Khi những phẩm chất như sức mạnh, quyền lực, và sự thống trị được đề cao, xã hội trở nên thiếu công bằng và bất bình đẳng gia tăng. Các giá trị như sự hợp tác, đồng cảm và công bằng bị coi nhẹ, dẫn đến xung đột và bạo lực trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, từ gia đình đến cộng đồng. Nam tính độc hại góp phần làm gia tăng bạo lực, từ bạo lực gia đình đến các xung đột chính trị, làm cản trở sự phát triển bền vững và ổn định của xã hội.
Còn tiếp: Kỳ 2 – Quan điểm “đàn ông là trụ cột gia đình” tại Việt Nam
Ngọc Yến – Phó ban VSTBPN – Ban TCKT
Hồng Nga – Chuyên viên – Ban TCKT
Hay quá, một góc nhìn khác để thấu hiểu hơn cho những người luôn được coi là “trụ cột gia đình”
Nhắc đến bình đẳng giới thường là bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ, phái yếu. Nhưng thật ra, hiếm có ai nghĩ về phần còn lại của thế giới, những người đàn ông, cũng cần được thấu hiểu và sẻ chia
Đúng là “định kiến” không phải chỉ dành riêng cho phụ nữ, mà còn áp đặt cả lên những người đàn ông!
Bài viết rất kịp thời vào Men’s Day 19/11
Chúc những người đàn ông VNA luôn vui vẻ và được là chính mình 🙂
Tiêu đề ấn tượng quá :))
Đón chờ kỳ 2
Bài viết hay quá ! Mong đón nhận phần 2 của bài viết
Một góc nhìn rất mới về tâm lý giới tính, mong chờ phần tiếp theo của bài viết