Điểm nổi bật trong dự báo bao gồm:
Năm 2024, lợi nhuận ròng của ngành hàng không được dự báo sẽ đạt 25,7 tỷ USD (biên lợi nhuận ròng đạt 2,7%). Đó sẽ là một sự cải thiện nhỏ so với năm 2023 với dự báo lợi nhuận ròng 23,3 tỷ USD (biên lợi nhuận ròng là 2,6%).
Lợi nhuận khai thác của ngành hàng không dự báo sẽ tăng lên 49,3 tỷ USD trong năm 2024 so với dự báo 40,7 tỷ USD trong năm 2023. Dự báo tổng doanh thu trong năm 2024 sẽ tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức kỷ lục 964 tỷ USD. Trong khi dự báo chi phí sẽ là 914 tỷ USD, tăng thấp hơn một chút so với tổng doanh thu, ở mức 6,9%.
Dự báo sẽ có khoảng 4,7 tỷ lượt khách di chuyển bằng đường hàng không vào năm 2024, mức cao kỷ lục, vượt con số 4,5 tỷ lượt khách được ghi nhận vào năm 2019 (trước đại dịch).
Dự báo khối lượng hàng hóa vận chuyển sẽ lần lượt là 58 và 61 triệu tấn vào năm 2023 và 2024.
Tổng quan
Tổng doanh thu vào năm 2024 dự báo sẽ tăng nhanh hơn chi phí (7,6% so với 6,9%), là điều kiện để củng cố khả năng sinh lời. Trong khi lợi nhuận khai thác dự báo sẽ tăng 21,1% (từ 40,7 tỷ USD vào năm 2023 lên 49,3 tỷ USD vào năm 2024), lợi nhuận ròng tăng 10%.
Doanh thu
Doanh thu của ngành dự báo sẽ đạt mức cao lịch sử với 964 tỷ USD vào năm 2024. Sẽ có 40,1 triệu chuyến bay được khai thác vào năm 2024, vượt so với 38,9 triệu chuyến bay thực hiện trong năm 2019 và tăng nhiều so với dự báo 36,8 triệu chuyến trong năm 2023.
Vận chuyển hành khách
Doanh thu từ vận chuyển hành khách được dự báo sẽ đạt 717 tỷ USD trong năm 2024, tăng 12% so với 642 tỷ USD đạt được trong năm 2023. Khách luân chuyển có thu (RPK) dự báo tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù con số này cao hơn gấp đôi so với xu hướng tăng trưởng trước đại dịch, nhưng dự báo năm 2024 sẽ đánh dấu sự kết thúc của mức tăng trưởng ấn tượng hàng năm – vốn là đặc điểm của quá trình phục hồi trong giai đoạn 2021-2023.
Năm 2024, dự báo hệ số sử dụng tải cung ứng sẽ đạt 82,6%, cao hơn một chút so với năm 2023 (82%) và tương đương với năm 2019.
Chi phí
Dự báo chi phí sẽ là 914 tỷ USD vào năm 2024 (tăng 6,9% so với năm 2023 và tăng 5,1% so với năm 2019).
Giá nhiên liệu tàu bay năm 2024 dự báo sẽ đạt trung bình 113,8 USD/thùng, tương ứng với tổng chi phí nhiên liệu là 281 tỷ USD, chiếm 31% chi phí khai thác. Các hãng hàng không dự kiến sẽ tiêu thụ 99 tỷ gallon nhiên liệu vào năm 2024. Khi tiêu thụ hết số nhiên liệu này, khối lượng phát thải khí CO2 của ngành hàng không trong năm 2024 dự kiến sẽ là 939 triệu tấn.
Ngành hàng không sẽ tăng cường sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) để giảm lượng khí thải carbon. Sản lượng SAF có thể tăng lên, dự kiến chiếm 0,53% tổng mức tiêu thụ nhiên liệu của các hãng hàng không trong năm 2024, tăng thêm khoản chi phí nhiên liệu là 2,4 tỷ USD vào năm tới. Ngoài ra, dự báo chi phí liên quan đến Chương trình bù đắp và giảm thiểu carbon cho hàng không quốc tế (CORSIA) là khoảng 1 tỷ USD vào năm 2024.
Các chi phí ngoài nhiên liệu được các hãng hàng không kiểm soát tương đối tốt, bất chấp áp lực lạm phát. Năm 2024, dự báo chi phí đơn vị ngoài nhiên liệu sẽ là 39,2 cent/tấn – km cung ứng (ATK), cao hơn 1,6% so với năm 2023 và ngang bằng với mức của năm 2019. Tổng chi phí phi nhiên liệu dự kiến sẽ là 633 tỷ USD trong năm 2024.
Rủi ro
Lợi nhuận của ngành rất mong manh và có thể bị ảnh hưởng (tích cực hoặc tiêu cực) bởi nhiều yếu tố. Diễn biến kinh tế toàn cầu: Lạm phát giảm bớt, tỷ lệ thất nghiệp thấp và nhu cầu đi lại mạnh mẽ đều là những yếu tố tích cực. Tuy nhiên, căng thẳng kinh tế có thể phát sinh và có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh doanh toàn cầu.
Chiến tranh
Cuộc chiến tại Ukraine và Israel-Hamas ảnh hưởng chủ yếu đến mạng đường bay do đóng cửa không phận. Về mặt chi phí, xung đột đã đẩy giá dầu tăng cao, ảnh hưởng đến các hãng hàng không trên toàn cầu.
Chuỗi cung ứng: Các vấn đề về chuỗi cung ứng tiếp tục tác động đến thương mại và kinh doanh toàn cầu. Các hãng hàng không đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các vấn đề bảo dưỡng không lường trước được – đối với một số loại tàu bay hoặc động cơ, cũng như sự chậm trễ trong việc chuyển giao tàu bay và phụ tùng, làm hạn chế việc tăng tải cung ứng và đổi mới đội tàu bay.
Dự báo các khu vực
Các khu vực đã phục hồi sau đại dịch với tốc độ khác nhau. Bắc Mỹ, Châu Âu và Trung Đông dự báo sẽ đạt lợi nhuận ròng trong năm 2023. Châu Á Thái Bình Dương sẽ gia nhập nhóm đạt lợi nhuận ròng vào năm 2024.
Bắc Mỹ vẫn là khu vực nổi bật về hiệu quả tài chính. Đây là thị trường đầu tiên có lãi trở lại vào năm 2022 và sẽ tiếp tục duy trì vào năm 2023 nhờ đạt hiệu quả cao trong khai thác, đặc biệt là hệ số sử dụng tải cung ứng tăng cao. Chi tiêu của người tiêu dùng vẫn ổn định, bất chấp áp lực về chi phí sinh hoạt; đồng thời nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tại thị trường này vẫn tăng mạnh và dự kiến sẽ vượt tốc độ tăng trưởng về tải cung ứng vào năm 2024.
Châu Âu
Kết thúc năm 2023, Châu Âu sẽ đạt hiệu quả khai thác tốt hơn dự báo, bất chấp nhiều vấn đề về tải cung ứng và hạn chế từ phía nguồn cung. Với nhu cầu đi lại bằng đường không dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2024, lợi nhuận ròng dự kiến sẽ tăng nhẹ. Những rủi ro chính đối với hoạt động khai thác theo khu vực chủ yếu liên quan đến hạn chế nguồn cung lao động và cuộc chiến ở Ukraine, cũng như ở Trung Đông.
Châu Á Thái Bình Dương
Trong khi một số thị trường nội địa chính của khu vực (Trung Quốc, Úc và Ấn Độ) phục hồi nhanh sau đại dịch, lượng khách quốc tế đi/đến từ khu vực này vẫn đạt tỷ lệ thấp cho đến giữa năm 2023, Trung Quốc mới dỡ bỏ hoàn toàn những hạn chế đi lại quốc tế. Vận chuyển quốc tế tại Trung Quốc vẫn thấp hơn 40% so với mức trước đại dịch. Khu vực Châu Á Thái Bình Dương dự kiến sẽ lỗ nhẹ trong năm 2023 và sẽ chuyển sang có lãi vào năm 2024.
Mỹ La-tinh
Trong khi một số thị trường phát triển mạnh (ví dụ như Mexico) thì những thị trường khác đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn về kinh tế và xã hội, tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động khai thác của các hãng hàng không. Với tốc độ tăng trưởng tải cung ứng dự kiến sẽ vượt tốc độ tăng trưởng nhu cầu vận chuyển vào năm 2024 thì thị trường này sẽ còn nhiều thách thức. Nhìn chung, khu vực Mỹ Latinh dự kiến sẽ lỗ trong cả năm 2023 và 2024, mặc dù lỗ giảm.
Trung Đông
Trung Đông được dự báo sẽ mang lại hiệu quả tài chính tốt trong cả năm 2023 và 2024. Các hãng hàng không Trung Đông đã nhanh chóng xây dựng lại mạng đường bay quốc tế và khôi phục các trung tâm trung chuyển siêu kết nối của họ. Để đạt được mục tiêu đó, tải cung ứng được dự báo sẽ tăng nhanh hơn so với nhu cầu vận chuyển trong năm 2024; tuy nhiên, với đội tàu bay tiết kiệm nhiên liệu hơn, biên lợi nhuận ròng vẫn có khả năng tăng nhẹ.
Châu Phi
Các hãng hàng không Châu Phi được dự báo sẽ làm ăn thua lỗ trong cả năm 2023 và 2024. Châu lục này vẫn là một thị trường khó khăn để vận hành một hãng hàng không, với những thách thức về kinh tế, cơ sở hạ tầng và kết nối ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác của ngành. Mặc dù vậy, nhu cầu đi lại bằng đường không vẫn rất lớn, do đó ngành hàng không khu vực sẽ tiếp tục giảm lỗ.
Dự báo năm 2023
Theo dự báo lần này, lợi nhuận của ngành hàng không năm 2023 sẽ cao hơn dự báo hồi tháng 6 của IATA. Doanh thu năm 2023 hiện được dự báo sẽ đạt 896 tỷ USD (cao hơn 93 tỷ USD so với dự báo trước đó). Chi phí cũng tăng lên 855 tỷ USD (cao hơn 74 tỷ USD so với dự báo trước đó). Điều đó sẽ mang lại khoản lợi nhuận ròng là 23,3 tỷ USD cho toàn ngành hàng không. Mặc dù con số này cao hơn đáng kể so với dự báo 9,8 tỷ USD lợi nhuận hồi tháng 6, nhưng khoản lợi nhuận bổ sung 13,5 tỷ USD cũng chỉ bằng 1,4% doanh thu. Biên lợi nhuận ròng đạt 2,6% nghĩa là các hãng hàng không sẽ kiếm được trung bình 5,44 USD/hành khách vận chuyển trong năm 2023.
Sự cải thiện này hoàn toàn được thúc đẩy nhờ hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách với doanh thu tăng 96 tỷ USD so với dự báo trước đó, lên 642 tỷ USD. Trong khi doanh thu vận chuyển hàng hóa được dự báo là 134,7 tỷ USD, thấp hơn so với 142,3 tỷ USD (dự báo hồi tháng 6).
Giá vé máy bay có thể tiếp tục tăng do chi phí ngày càng tăng, đặc biệt là giá dầu. Tuy nhiên, dữ liệu của IATA cho thấy, sự cạnh tranh tiếp tục mang lại lợi ích về giá cho người tiêu dùng. Giá vé máy bay khứ hồi trung bình thực tế trong năm 2023 dự báo là 254 USD/vé, thấp hơn 20% so với giá vé trung bình là 315 USD vào năm 2019.
Hành khách tin tưởng vào một ngành hàng không an toàn, bền vững, hiệu quả và có lợi nhuận.
Ông Willie Walsh, Tổng Giám đốc IATA, cho biết: “Khi xem xét những khoản lỗ lớn trong những năm gần đây, khoản lãi ròng 25,7 tỷ USD dự báo sẽ đạt được vào năm 2024 là một minh chứng cho khả năng phục hồi của ngành hàng không. Mọi người thích đi du lịch và điều đó đã giúp các hãng hàng không phục hồi trở lại mức độ kết nối như trước đại dịch. Tốc độ phục hồi thật phi thường; tuy nhiên, có vẻ như đại dịch đã khiến ngành hàng không mất đi khoảng 4 năm tăng trưởng”.
Mặc dù mức độ phục hồi khá ấn tượng, nhưng với biên lợi nhuận ròng là 2,7% – vẫn thấp hơn nhiều so với mức mà các nhà đầu tư ở hầu hết các ngành khác có thể chấp nhận. Tuy nhiên, nhiều hãng hàng không đang hoạt động tốt hơn mức trung bình đó và nhiều hãng đang gặp khó khăn. Nhưng có một điều cần rút ra từ thực tế là, trung bình các hãng hàng không sẽ chỉ kiếm được 5,45 USD/hành khách. Chừng đó quá ít để xây dựng một tương lai với khả năng chống chịu trước những cú sốc cho một ngành công nghiệp mà 3,5% GDP phụ thuộc vào đó và cung cấp 3,05 triệu việc làm. Các hãng hàng không sẽ luôn cạnh tranh khốc liệt để giành lấy khách hàng của mình, nhưng vẫn còn quá nhiều các quy định phiền hà, chi phí cơ sở hạ tầng cao và chuỗi cung ứng có tính chất độc quyền”.