Ngành hàng không sẽ sớm phục hồi nhanh chóng khi chính sách mở cửa từng bước và phòng chống dịch COVID-19 đang dần được nới lỏng và nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tăng trong thời gian tới đây.
Nhiều “ông lớn” lỗ vì COVID-19
“Sức khỏe” tài chính của nhiều hãng hàng không trên thế giới tiếp tục xuất hiện khoản lỗ khổng lồ do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Theo đó, Hãng hàng không American Airlines (Mỹ) báo cáo khoản lỗ 2 tỷ USD trong năm 2021; riêng quý 4/2021, lỗ 931 triệu USD. Delta Air Lines (Mỹ) thông báo ngày 13/1 hãng bay này lỗ 408 triệu USD trong 3 tháng cuối năm 2021.
Tại khu vực châu Á, vào ngày 2/11/2021, Japan Airlines (Nhật Bản) dự báo khoản lỗ ròng 146 tỷ Yên (tương đương 1,3 tỷ USD) trong năm tài chính tính đến tháng 3/2022. Ba hãng hàng không lớn của Trung Quốc cũng chịu mức lỗ lớn trong năm 2021 như Air China thông báo mức lỗ quý 4/2021 lên tới 6,32 tỷ Nhân dân tệ, còn mức lỗ cả năm là 16,6 tỷ Nhân dân tệ; China Southern Airlines và China Eastern Airlines đều báo lỗ 1,9 tỷ USD.
Với Vietnam Airlines, hãng hàng không Quốc gia Việt Nam cũng không thể thoát khỏi “vòng xoáy” COVID-19 do chịu nhiều tổn thất trong sản xuất kinh doanh.
Thừa nhận doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, hãng vẫn phải chi ra hàng loạt khoản như trả tiền thuê tàu bay, bảo trì bảo dưỡng trong thời gian ngừng bay do giãn cách, đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người lao động, chi phí khấu hao tài sản,…
“Dù vậy, mức lỗ 13.337 tỷ đồng tính cả năm 2021 của tổng công ty đã giảm mạnh (1.300 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2021 đã báo cáo Đại hội đồng cổ đông, trong đó có phương án tái cơ cấu tổng thể doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 được kỳ vọng là giải pháp trọng tâm giúp Vietnam Airlines nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường năng lực tài chính, dần phục hồi và sẵn sàng nguồn lực phát triển sau khi dịch bệnh được kiểm soát,” lãnh đạo Vietnam Airlines nhấn mạnh.
Cụ thể, phương án tái cơ cấu được Vietnam Airlines xây dựng tổng thể trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm các nhóm giải pháp như tái cơ cấu đội bay; tái cơ cấu nguồn vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, huy động vốn từ bên ngoài, phát hành trái phiếu; xây dựng các kịch bản khác nhau để điều hành sản xuất kinh doanh đồng thời tiếp tục đẩy mạnh vận tải hàng hóa để tăng doanh thu… để nhanh chóng phục hồi và bứt phá giai đoạn hậu COVID-19, qua đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Mặt khác, với việc phát hành cổ phiếu chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ trong 2021 Vietnam Airlines đã không bị âm vốn chủ sở hữu, giúp hãng bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và bù đắp thâm hụt dòng tiền, hỗ trợ thanh khoản.
Sớm phục hồi và bứt tốc
Mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, ngành hàng không bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu phục hồi từ cuối năm 2021 nhờ vào chương trình tiêm chủng được triển khai rộng rãi trên toàn quốc cùng với các quy định phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện nghiêm ngặt để đảm bảo khai thác an toàn, bảo vệ sức khỏe cho hành khách và phi hành đoàn.
Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) vừa công bố đầu tháng 3/2022, thị trường hàng không sẽ phục hồi hoàn toàn với dự kiến tổng số hành khách sẽ đạt 4 tỷ vào năm 2024, vượt giai đoạn trước khi có dịch COVID-19.
Phía IATA cũng nhận định năm 2022 thị trường hàng không nội địa sẽ phục hồi khoảng 93%. Trong đó, kế hoạch phục hồi thị trường nội địa Việt Nam là 96%, cao hơn mức trung bình dự đoán.
Theo đánh giá của lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, Chính phủ đã quyết định mở lại các đường bay thương mại quốc tế từ 15/2 để phục hồi giao thương, du lịch và mở cửa du lịch từ 15/3/2022. Bên cạnh đó, việc phòng chống dịch COVID-19 đang dần được nới lỏng đã tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động vận tải hàng khách quốc tế được thông suốt và vận tải hàng khách nội địa được phục hồi, góp phần tăng sản lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa quốc tế trong quý 1/2022.
Nắm bắt cơ hội “vàng” này, Vietnam Airlines đã liên tục mở thêm đường bay nội địa và quốc tế và có các lộ trình kế hoạch bứt phá nhằm giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt và định hướng cho sự phát triển của ngành hàng không nước nhà để không bị chậm chân trong cuộc cạnh tranh với các hãng hàng không trong khu vực và thế giới.
Cụ thể, từ 27/3/2022, Vietnam Airlines khai thác 55 đường bay, nhiều hơn 16 đường bay so với năm 2019. Đối với các đường bay quốc tế, hãng đã khôi phục hoàn toàn hoạt động bay thường lệ tới 15 thị trường truyền thống (ngoại trừ Trung Quốc do chính sách mở cửa và Myanmar do bất ổn chính trị).
Vietnam Airlines dự kiến sẽ mở thêm 3 đường bay mới tới Singapore, 2 đường bay mới tới Ấn Độ từ tháng 4/2022 cũng như khôi phục 80% số đường bay thường lệ từ tháng 7/2022 và tiếp tục nghiên cứu mở thêm đường bay tới Philippines trong thời gian tới.
Ông Bùi Minh Đăng, Phó trưởng phòng Vận tải Hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) đánh giá với các động thái trên thì trong năm 2022, việc khôi phục lại hàng không, du lịch hoàn toàn không phải cơ hội nữa mà là hiện hữu.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Hàng không thừa nhận, ngành hàng không hiện gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng cao, điều này cũng tạo áp lực tăng chi phí cho các hãng hàng không khai thác vận chuyển hàng không.
Để chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lãnh đạo các hãng hàng không Việt cho rằng việc khôi phục, củng cố “sức khỏe tài chính” và năng lực cạnh tranh là hết sức cần thiết và tiếp tục cần có sự hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành.
Các hãng bay đề nghị Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp hàng không vay với mức lãi suất 0% hoặc lãi suất ưu đãi với thời gian trả nợ dài hạn 3-5 năm; miến thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm 2022, giảm thuế VAT xuống mức 5% để kích thích thị trường; điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không xuống 0% (hiện nay 7%); điều chỉnh giá trần vé máy; cho phép hãng hàng không được thu phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa; hỗ trợ giá dịch vụ hàng không…
Theo Vietnamplus