[Sách hay] Cuốn sách cần thiết cho các nhà quản trị ngành hàng không

Cuốn Airline Operations and Management: A Management Textbook (tạm dịch: Điều hành và quản lý trong hàng không: Cuốn sách giáo khoa về quản lý) là một cuốn sách cần thiết cho những nhà quản trị ngành hàng không.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Cuốn sách của hai tác giả Gerald N. Cook và Bruce G. Billig do NXB Routledge phát hành năm 2017 có độ dài vừa phải (bản ebook có 478 trang), nhưng sẽ cuốn hút người đọc do được viết mạch lạc như một cuốn sách giáo khoa dành cho sinh viên năm cuối và sinh viên đã tốt nghiệp các ngành hàng không, nên sẽ không khó khăn cho CBNV VNA có thể nắm bắt được nội dung.

Gerald N. Cook là giáo sư trợ giảng tại Đại học Kinh doanh thuộc Đại học Hàng không Embry-Riddle. Ông có bằng Cử nhân Khoa học chuyên ngành điều khiển tàu bay, Thạc sĩ Khoa học Quản lý tại Đại học Purdue và Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Nova  Southeastern. Ông có một sự nghiệp lâu dài với tư cách là một phi công và ở các vị trí quản lý hoạt động bay khác nhau tại một số hãng hàng không. Tiến sĩ Cook đã nghỉ hưu tại hãng hàng không Spirit Airlines.

Bruce G. Billig là trợ lý giáo sư trợ giảng tại Đại học Hàng không Embry-Riddle. Ông có bằng Cử nhân Khoa học về kỹ thuật điện của Học viện Không quân Hoa Kỳ và bằng Thạc sĩ Khoa học Hàng không từ Đại học Embry-Riddle. Ông đã nghỉ hưu tại Học viện Không quân Hoa Kỳ với tư cách là một phi công chỉ huy năm 1997 và hiện đang là cơ trưởng tại hãng hàng không Southwest Airlines.

Bìa của cuốn sách Airline Operations and Management: A Management Textbook. (Ảnh: St).

Một cuốn sách giáo khoa về hàng không

Đây là một cuốn sách giáo khoa đề cập một cách tổng quát về ngành hàng không, chủ yếu từ góc độ quản lý. Nó tích hợp và áp dụng các nguyên tắc cơ bản từ lĩnh vực quản lý, đặc biệt là quản lý kinh tế, vận hành, tiếp thị và tài chính, để phát triển cho ngành hàng không. Cuốn sách chú trọng vào những vấn đề được cụ thể hóa cho ngành hàng không dưới góc độ chiến thuật, hơn là chiến lược, và góc độ quản lý.

Đối tượng chính của cuốn sách giáo khoa này là các sinh viên năm cuối và các sinh viên tốt nghiệp đại học ngành quản lý hàng không. Tuy nhiên, cuốn sách cũng rất hữu ích cho người mới nhập ngành, các nhà quản lý hàng không cấp cơ sở và các chuyên gia đang muốn mở rộng kiến thức về ngành hàng không ngoài lĩnh vực chuyên môn của họ.

Cuốn sách gồm có 10 chương, với tiêu đề các chương cụ thể như sau:

Chương 1: Bối cảnh lịch sử

Chương 2: Cung và Cầu trong hoạt động vận tải hàng không

Chương 3: Cấu trúc đường bay

Chương 4: Cung cấp sản phẩm

Chương 5: Xây dựng và Kiểm soát lịch bay

Chương 6: Kinh tế và tài chính

Chương 7: Quản lý giá và doanh thu

Chương 8: Phân phối

Chương 9: Vận tải hàng không quốc tế và chính sách chung

Chương 10: Hướng tới tương lai

Cuốn sách bắt đầu bằng việc tóm tắt về lịch sử phát triển ngành hàng không dân dụng với sự xuất hiện sớm nhất của các hãng hàng không chở khách ngay sau khi kết thúc Thế chiến I cho đến hiện tại. 

Chương 1 nhấn mạnh vai trò các quy định kinh tế, quyền sở hữu và trợ cấp của chính phủ trong sự phát triển của ngành lúc sơ khai. Chương 2 chuyển sang đề cập đến các yếu tố thúc đẩy cung, cầu và sự tăng trưởng nhanh chóng hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa trong ngành hàng không, trong đó châu Á là nơi thể hiện rõ nhất. 

Chương 3, 4, 5 đề cập đến các sản phẩm dịch vụ của một hãng hàng không. Đầu tiên là việc lựa chọn cấu trúc đường bay của một hãng hàng không để kết nối các điểm đến mà họ đã chọn để phục vụ. Chương 5 kết thúc nửa đầu của cuốn sách bằng cách khám phá quá trình phát triển và quản lý lịch bay của một hãng hàng không.

Giúp bạn nắm được các biện pháp quản trị trong hàng không

Chương 6 đề cập các vấn đề liên quan đến khía cạnh kinh tế và tài chính hàng không, trong đó tập trung vào các hoạt động làm tăng doanh thu cũng như xác định các loại chi phí mà các hãng hàng không phải đối mặt, qua đó đưa ra các lựa chọn về mặt quản lý để kiểm soát doanh thu và chi phí trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng. 

Theo các tác giả, khi đối mặt với thua lỗ hoặc lợi nhuận thấp, hãng hàng không thường có lựa chọn đầu tiên là tăng giá vé, việc này sẽ đẩy một số hành khách tiềm năng sang các đối thủ cạnh tranh. Tiếp theo, người quản lý có thể xem xét tăng hệ số tải và phải tìm cách lấp đầy chỗ ngồi bằng cách giảm giá để thu hút những hành khách nhạy cảm nhất về giá.

Yếu tố cuối cùng có thể tăng doanh thu là tăng thời gian sử dụng tàu bay. Thật không may, giải pháp này chưa chắc đã thành công. Ngoài doanh thu vé hành khách, các hãng hàng không cũng tạo ra doanh thu đáng kể từ các nguồn phụ trợ, đó là các khoản doanh thu tách biệt với vé máy bay cơ sở.

Cuốn sách cũng phân tích cấu trúc chi phí của một hãng hàng không, gồm các chi phí lớn là lao động và nhiên liệu, sau đó là các chí phí liên quan đến vận tải. Việc tái cấu trúc và các vấn đề về đổi mới đội bay, mở rộng hoạt động và công tác tài chính được đề cập ở cuối chương này. 

Chương 7 trình bày các vấn đề liên quan đến việc xác định giá trong hàng không, một quá trình khá phức tạp và thường bị hiểu lầm. Trong khi đó, chương 8 đề cập đến hoạt động phân phối trong ngành hàng không. Gần đây, Internet đã cho phép hành khách dễ dàng so sánh các sản phẩm và giá vé của các hãng hàng không khác nhau dẫn đến việc cạnh tranh về giá trở nên khốc liệt hơn.

Cuốn sách kết luận bằng cách xem xét các quy định ban đầu và vấn đề tự do hóa thương mại hàng không quốc tế sau đó. Vấn đề tư nhân hóa đồng thời của nhiều hãng hàng không nhà nước và sự xuất hiện của ba liên minh hàng không lớn trên toàn cầu cũng được đề cập tại phần cuối cuốn sách.

Vì sao mỗi VNA nên đưa cuốn sách vào giảng dạy cho CBNV

Cá nhân tôi sau khi đọc cuốn sách này, xin được đưa ra khuyến nghị là TCT nên sử dụng cuốn sách này làm tài liệu giảng dạy cho các đối tượng nhập ngành. Bởi vì theo tôi, trong vấn đề quản lý điều hành khai thác nhằm tăng doanh thu và giảm chi phí của VNA, cuốn sách gợi ý một số vấn đề sau:

Trong việc tăng giá vé, tăng thời gian sử dụng tàu bay hay tăng hệ số sử dụng tải để tăng doanh thu đều có tính 2 mặt. Một giải pháp tối ưu có thể được cân nhắc là điều chỉnh cho từng phân khúc hành khách khác nhau dựa trên sự sẵn sàng và khả năng chi trả cho việc đi tàu bay của hành khách.

Cuốn sách cũng gợi mở chúng ta nghiên cứu các khả năng tăng doanh thu từ các nguồn phụ trợ mà vẫn không làm giảm chất lượng dịch vụ.

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.