Năm 1949, Ngọc Giao có hai tháng thâm nhập vào Xóm Rá, nơi hành nghề mua bán xác thịt được pháp luật Sài Gòn bảo hộ, với mong muốn được mắt thấy tai nghe cái không gian trụy lạc, suy đồi và phức tạp ấy, để ghi lại một phần sự kiện về cái chốn chỉ hoạt động về đêm này.
Cuối năm 1957, nhà văn hoàn thành tác phẩm với tất cả tâm huyết nhưng chưa thể ra mắt độc giả. Phải đến hơn 50 năm sau, “Xóm Rá” mới được xuất bản chính thức.
Xóm Rá – Ngọc Giao
Một cõi địa ngục trần gian.
Từ năm 1884 – 1945, Sài Gòn là trung tâm quan trọng, cả về hành chính lẫn kinh tế, văn hóa, giáo dục của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp. Với bề ngoài xa hoa mỹ lệ, Sài Gòn được thực dân Pháp đặt cho mỹ danh là “hòn ngọc Viễn Đông” hay “Paris nhỏ ở Viễn Đông”. Nhưng khi ánh mặt trời tắt nắng, khi “hòn ngọc Viễn Đông” lên đèn, có một khu trong thành phố Sài Gòn được chính quyền thực dân quy hoạch để mua bán “thịt người”.
Khu phố đó gọi là Xóm Rá.
“Đó là một cõi địa ngục, có mặt hầu hết tướng tá, bộ trưởng, ngoại giao, lẫn lộn với bầy đĩ bợm thượng trung lưu. Tôi đã qua hai tháng sống với lũ ma quỷ ấy.” – Ngọc Giao.
Tác phẩm “Xóm Rá” gồm 3 phần với 17 chương.
Ngọc Giao đặt cái nhìn từ bao quát khu nhà thổ mang tên Xóm Rá đến cận cảnh từng cô gái điếm mỗi đêm có bổn phận làm cho hàng chục kẻ mua thịt mình thỏa mãn. Đó là những Nhạn, những Tân, những Na, những Liên… Mỗi cô một số phận, một cá tính.
Đáng chú ý, nhân vật Vũ Linh – một nhà báo, một nhà thơ, một họa sĩ, một cây bút phóng sự vào bậc đàn anh của giới văn nghệ miền Nam, đã ở trọ sáu tháng tại Xóm Rá, với tham vọng viết được một phóng sự lột tả toàn diện và sâu sắc sự thật về cái “xã hội mãi dâm”. Sự xuất hiện của Vũ Linh có lẽ mang bóng dáng của chính nhà văn Ngọc Giao mà qua đó, ông thể hiện những quan điểm, những góc nhìn về tệ nạn mại dâm của xã hội. Lời của Vũ Linh cũng đã tác động lên một gã sinh viên, khiến gã khát khao muốn cứu vớt một cô gái điếm. Để rồi năm tháng sau, sự nhiệt tình lúc ban đầu biến thành nỗi chán chường, gã đánh đập rồi đuổi cô đi.
Cùng với Vũ Linh, Nhạn là nhân vật nữ mà nhà văn dành nhiều sự quan tâm nhất. Cuộc đời của Nhạn chính là một đóa hoa ngát hương bị vùi dập tả tơi nhưng đến phút cuối vẫn giữ được chút thiện lương để không trả thù đời đến cùng.
Cái kết của “Xóm Rá” là một sự khiêu khích, thách thức một cách sổ sàng nhất vào bộ mặt thối nát của xã hội phi nhân tính đương thời:
“Tao nhường quần cho con Nhạn. Tao cởi truồng đi đưa đám nó. Chứ sao! Tao cởi truồng đi giữa cái châu thành xa hoa lộng lẫy. Tao dí vào tận mặt, tận mắt cả bàn dân thiên hạ. Một con đĩ điếm cởi truồng đi tiễn một con đĩ điếm bị lột trần ra nghĩa địa tha ma! Mắc cỡ chính thiên hạ nó xấu mặt, chứ cái mặt tao không xấu!”
Ai đã quen với một Ngọc Giao hoài cổ luôn say đắm những nét đẹp xa xưa của Hà Nội hào hoa, sẽ tìm thấy một Ngọc Giao rất khác ở “Xóm Rá” – khốc liệt, nghiệt ngã và dữ dội!
Nam Kỳ – VIAGS