[Đọc sách phong cách VNA] Thư Gửi Đứa Trẻ Chưa Từng Sinh Ra

Cuốn sách được đề tặng tất cả phụ nữ, là thông điệp sâu sắc và niềm trăn trở đau thương về bình đẳng giới, tình yêu, hôn nhân, gia đình và sự sống… Những điều mà chúng ta vẫn mãi quẩn quanh không lối thoát từ bao đời nay.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Oriana Fallaci (1929 – 2006) là một nhà báo, nhà văn, tác giả và nhà phỏng vấn chính trị người Italia. Cuộc đời và sự nghiệp của bà đã trải rộng cùng với hầu hết các biến động quan trọng nhất giai đoạn thế kỷ thứ 20 và đầu thế kỷ thứ 21, xảy ra trên toàn thế giới, chính yếu như một chứng nhân trong vai trò một ký giả, nhưng đồng thời cũng tham dự như một con người của văn chương. Ngoài ra, bà còn là một nhà hoạt động xã hội cho phong trào nữ quyền.

Với Việt Nam, Oriana Fallaci là ai?

Bằng tư cách thành viên ban biên tập Europea, O.Fallaci đã trở thành đặc phái viên tại Việt Nam khoảng trước và sau Tết Mậu Thân 1968. Bà đã có mặt ở hầu hết các điểm nóng của cuộc chiến tranh Việt Nam. Những gì bà chứng kiến và cảm nhận tại đây đã được phản ánh lại một cách sống động trong tập bút ký “Cuộc sống, cuộc chiến tranh và rồi…” (Lê Minh Đức dịch từ bản tiếng Pháp, NXB TP.HCM, 1991).

Ngoài các tác phẩm mang nhiều sinh hoạt đời thường trong không khí chiến tranh cùng các phóng sự chiến trường nóng bỏng, O.Fallaci là nữ ký giả duy nhất đã phỏng vấn các tác nhân chính trong cuộc chiến tranh Việt Nam, từ Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu, Võ Nguyên Giáp, đến Henry Kissinger (cựu bộ trưởng ngoại giao Mỹ, nhà đàm phán hiệp định Paris tháng 1/1973).

Đặc biệt, nhờ lối phỏng vấn thông minh, sắc sảo, ra câu hỏi khiêu khích, đưa đối phương vào thế gọng kìm, người đàn bà ngoại hạng O.Fallaci đã thành công khi buộc Henry Kissinger thú nhận rằng chiến tranh Việt Nam đã là “cuộc chiến tranh vô dụng – unless war” (theo quan điểm của Mỹ), và tự so sánh ông ta với “kẻ chăn bò – cowboy” dẫn dắt chuyến xe hỏa chở hàng bằng việc một mình cưỡi ngựa đi trước. Kissinger sau đó đã đánh giá cuộc phỏng vấn với O.Fallaci là “cuộc nói chuyện kinh khủng nhất chưa từng có trước một phóng viên”

alt text
Thư Gửi Đứa Trẻ Chưa Từng Sinh Ra – Cho những ai đã, đang và sẽ làm mẹ

Trang nhật ký xé ra từ chính cuộc đời tác giả

“Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra” (tựa tiếng Anh – Letter to a Child Never Born) không chỉ đơn thuần là sản phẩm của trí tưởng tượng, nó như một phần ký ức của tác giả. Khi còn trẻ bà đã gặp rồi đem lòng yêu một người và sau đó bị sảy thai. Quá đau khổ vì mất con đã có lúc bà định tự tử.

“Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra” ấn hành năm 1975 và đã bán hết 4,5 triệu bản trên toàn thế giới. Theo dự kiến ban đầu là một bản điều tra về việc nạo phá thai, nhưng sau 7 tháng làm việc, nữ nhà báo người Ý đã mang bản thảo dưới dạng độc thoại của một người phụ nữ trong thời kỳ mang thai như một lựa chọn mang tính trách nhiệm với nhiều tranh đấu về nội tâm tới tổng biên tập của mình để in thành sách. Cuốn sách này được xuất bản với sự hợp tác của Đại sứ quán Italia.

“Một trong những trang viết đẹp đẽ nhất của người phụ nữ về mang thai, nạo phá thai và những dằn vặt nội tâm.”

Xuyên suốt tác phẩm là lời tâm tình của người phụ nữ độc thân trước ngưỡng cửa làm mẹ, từ khi nhận thức rằng có một sự sống thoát thai từ hư vô đang hiện diện trong cơ thể mình. Người phụ nữ ấy không có một danh xưng, chẳng có chi tiết nào đủ để hình dung về gương mặt hay tuổi tác, nhưng sự chân thành trong từng câu chữ của O.Fallaci đã chạm tới trái tim của rất nhiều độc giả, dù là nữ giới hay nam giới.

Linh cảm của người mẹ khiến bà biết rằng đứa bé ở đó, một giọt sống đang tồn tại, dù chưa qua bất cứ kiểm tra khoa học nào. Thảng thốt, thất thần và tự vấn những câu hỏi khủng khiếp, nhỡ một ngày nào đó đứa bé gào lên với bà rằng: “Tại sao mẹ đưa con đến thế giới này, tại sao?.

Thế giới ra rả nói về bình đẳng giới, về thời đại mới và những cái không còn cũ, thế nhưng đứng trước một người phụ nữ mang thai khi chưa lập gia đình thường vẫn sẽ luôn bị nhìn nhận là kẻ vô đạo đức, thiếu trách nhiệm, mà chẳng một ai nhớ đến người đàn ông đã gây ra chuyện rồi trốn tránh. Có lẽ bởi vì nỗi ám ảnh đó mà bà đã nghĩ đến việc từ bỏ con mình.

Giống như mẹ của bà – đã từng không muốn có bà, đứa con hình thành bởi lỗi lầm, từ giây phút bất cẩn với kẻ khác. Nhưng bản năng của người mẹ đã xua đi mọi sự sợ hãi để bà hiểu rằng mang thai là sự nhiệm màu và việc được sinh ra, được “lăn rạng rỡ dưới ánh mặt trời” dẫu hạnh phúc hay đau khổ, vẫn còn hơn chẳng – là – gì – cả.

Lẽ hiển nhiên sau khi cảm nhận được sự tồn tại của con, bà gọi điện thoại cho người yêu – cha của đứa bé: “Sẽ mất bao nhiêu?” Ta không hiểu ý ông ấy lắm nên vui vẻ đáp: “Chín tháng, em đoán thế. Mà giờ tính ra thì chưa đến tám tháng.” Thế rồi giọng nói khản đặc trở nên lạnh lùng: “Tôi đang nói đến tiền.”“Tiền nào?” ta hỏi. “Tiền để bỏ nó đi chứ còn gì nữa. “ Phải, ông ấy đã nói “bỏ nó đi”, như thể con là một gói bưu kiện.”

Vậy là người đàn ông đó đã yêu cầu bà nạo thai. Gã nhẹ nhàng chối bỏ trách nhiệm của mình như thế.

Sau lần thứ hai đi khám và xác định cái thai là hoàn toàn tồn tại, bà đã phải chịu sự thô lỗ của bác sĩ, cái lắc đầu không tán thành của cô y tá, cái nhướng mày và nhìn chằm chằm vẻ sững sờ của gã dược sĩ, cái hàm trễ xuống của anh chàng thợ may, cả cái sự không thốt nên lời của lão sếp. Tất cả chỉ vì, bà là một người phụ nữ mang thai khi chưa chồng. Điều tồi tệ là thế giới thay đổi mà vẫn giữ nguyên, “bình đẳng giới” khi đứng trước một trường hợp cụ thể dường như cũng chỉ là một cụm từ hoa mĩ mà thôi.

Quyết định giữ lại đứa bé mang đến cho bà nhiều khó khăn. Bà mang thai nhưng không được nghỉ ngơi, không có người chăm sóc, vẫn phải hoàn thành những chuyến công tác dài ngày theo lịch trình. Lão sếp không chấp nhận một “sự cố bất ngờ” đến với nhân viên nữ. Nếu không hoàn thành công việc bà có thể bị sa thải, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ mất đi nguồn thu nhập và không thể lo cho con khi ra đời.

Áp lực tâm lý cùng chuyến công tác dài ngày khiến bà sảy thai. Bà đã dằn vặt bản thân và có cảm tưởng cả thế giới đang lên án mình với tội danh giết người. Đau đớn hơn, người phụ nữ ấy còn gặp biến chứng và tử vong.

“Con chết rồi. Giờ mẹ cũng chết theo. Nhưng điều đó không quan trọng. Bởi vì cuộc sống không chết.”

Không có nội dung gay cấn kịch tính, cũng không có tuyến nhân vật phức tạp, “Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra” là tiếng kêu đầy kiêu hãnh của một người phụ nữ muốn phá bỏ lề thói, tiếng kêu man dại nhưng cũng đầy yêu thương. Đó là một người phụ nữ mạnh mẽ, đã nếm trải nhiều bất hạnh từ thuở ấu thơ, đời lạnh bạc khiến quan niệm tình cảm khác người, có lúc bà vào vai một người mẹ vô cùng nghiêm khắc, có lúc lại thể hiện như một đứa trẻ con to xác. Cảm xúc phong phú mà mâu thuẫn.

Cuốn sách mỏng manh giống như một lá thư dài lời, dù khoảng thời gian bên nhau ngắn ngủi nhưng đủ để người phụ nữ kể chuyện đời, chuyện cổ tích, tâm sự và dạy dỗ bé con bao điều, rằng sống dũng cảm đừng bao giờ hèn nhát, rằng con sẽ biết đến bất công và bạo lực, và rằng “Sự bình đẳng, cũng như sự tự do, chỉ có ở chỗ con bây giờ. Trong bọc trứng, tất cả chúng ta đều bình đẳng.”…

Cách xưng hô của người Italia cũng khá giống người Anh nói riêng và các nước phương Tây nói chung, nghĩa là đại từ nhân xưng không đa dạng và phong phú như tiếng Việt. Vậy nên bản tiếng Việt của dịch giả Lê Thúy Hiền thật sự có cái hay riêng của nó. Nhân xưng “ta – con” thể hiện sự bình thản chấp nhận bé con như sự tiếp nối sự sống từ đời này sang đời khác, nhưng chưa dám thừa nhận cùng đón nhận vai trò thiêng liêng của người mẹ, cho đến khi… Cho đến khi bé con không còn phát triển nữa… Tại phiên tòa phán xét đúng sai, bé con xuất hiện trong tâm tưởng người mẹ, lần đầu tiên một tiếng “mẹ” yêu thương được gửi đi, cũng là lần đầu tiên một tiếng “mẹ” hồi đáp trong muộn màng mà đầy đau khổ.

“Làm mẹ không phải là một công việc. Thậm chí đó cũng không phải là một nghĩa vụ. Nó chỉ là một quyền trong rất nhiều quyền”

Tác phẩm đề cao tình mẫu tử; trải lòng về những đắng cay khi sinh ra làm phải yếu, nhưng tác giả không hề ghét bỏ phận đàn bà, bởi đó là một cuộc phiêu lưu cần phải thật dũng cảm, một thách thức không bao giờ nhàm chán; đồng thời ánh lên niềm hy vọng về cuộc sống, về ngày mai. Ngày mai sẽ đến. Bởi vì cuộc sống không chết.

“Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra” – Một áng văn chương tuyệt vời của một người phụ nữ tinh tế.

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.