[Đọc sách phong cách VNA] Những đứa trẻ đuổi theo tinh tú hay câu chuyện về những con người tìm về một giấc mơ

Trong quá khứ, đã từng có một Shinkai Makoto dịu dàng, dung dị và tối giản vô cùng vô tận ở những bộ phim, câu chuyện ngắn như Kanojo to kanojo no neko – Nàng và con mèo của nàng. Nhưng hiện tại, lại có một Shinkai Makoto khiến người ta đắm say với các thước phim tráng lệ như một bữa tiệc của tình tiết hòa quyện với đồ họa, âm thanh. Tuy nhiên, dù giản dị hay tráng lệ, dù hiện thực hay hư ảo, điều cuối cùng điều Shinkai Makoto hướng đến vẫn là tái hiện những cảm thức rất riêng của con người, xã hội Nhật Bản thời hiện đại.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Và Những đứa trẻ đuổi theo tinh tú, bộ phim được công chiếu vào năm 2011, một trong các tác phẩm có thời lượng dài nhất của Shinkai cho tới hiện tại, cũng không nằm ngoài tư duy nghệ thuật ấy. Để từ đó, tiểu thuyết cùng tên được Akisaka Asahi chắp bút chuyển thể từ ngôn ngữ điện ảnh sang ngôn ngữ văn chương đã phần nào lưu giữ, tái hiện được trọn vẹn “chất Shinkai Makoto”.

Một áng văn đẹp tựa cổ tích

Những đứa trẻ đuổi theo tinh tú, cuốn sách nhỏ chưa đầy 200 trang có một tựa đề đầy thơ mộng, rất gợi, rất thơ, đủ mang tới cho độc giả nhiều suy tư cùng liên tưởng. Tại sao lại là “những đứa trẻ”? “Những đứa trẻ” ở đây là chỉ những đối tượng nào? “Tinh tú” là gì? Là một ngôi sao cụ thể hay là hình ảnh mang ý nghĩa biể tượng nào đó. Và những đứa trẻ kia, vì lý do gì lại phải đuổi theo tinh tú, hành trình ấy sẽ diễn ra như thế nào, có thật thuận lợi, kết quả chúng có thể hoàn thành được tâm nguyện của mình?

Quả thực, từ một tiêu đề đầy tính gợi hình, gợi tả, Shinkai Makoto đã mở ra cả một không gian truyện tựa như cổ tích. Ngay chính trong lòng đất nước Nhật Bản thời hiện đại, có một mảnh đất tựa rêu phong phủ kín: Mizonofuchi. Mảnh đất ấy, lại ở ngay phía trên một thế giới dưới lòng đất đang mỗi lúc một suy tàn: Agartha. Cho nên, Những đứa trẻ đuổi theo tinh tú, câu chuyện đấy cứ bảng lảng như thực như hư trong những lời kể, trong những dòng không gian xáo trộn, trong những dòng tâm trạng hay những kí ức, suy tưởng vụn vỡ của con người.

Không gian sáng tác tựa như cổ tích, dòng thời gian chảy trôi của các tình tiết cũng như một câu chuyện huyền thoại được viết bằng bút pháp hiện đại. Bởi thời gian ở Những đứa trẻ đuổi theo tinh tú là một dòng thời lưu có nhiều xáo trộn, đan xen giữa hiện thực – quá khứ; vừa là sự tỉnh lược trong những lời trần thuật, vừa là sự kéo dài mỗi khoảnh khắc, mỗi đêm khó khăn, vất vả của cuộc trình giữa hai thầy trò Asuna – Morisaki. Từ đó, mà cốt truyện dần thành hình và độc giả, không chỉ hiểu về nội dung mà còn hiểu sâu về tư tưởng, tình cảm người viết gửi gắm vào tác phẩm, ngay từ các con chữ đầu tiên, xuất hiện trên tựa đề.

Nhật Bản những năm đầu thế kỷ XXI, một thị trấn như bị lãng quên, dòng thời gian như ngưng đọng, nơi đấy, có một cô bé 11 tuổi tên Asuna, dịu dàng, tốt bụng nhưng luôn rụt rè, nhút nhát. Hàng ngày, sau khi tan học, Asuna đều đến mỏm đá cao nơi bìa rừng để bắt sóng cho chiếc radio tinh thể. Tại đây, ngày nọ, Asuna gặp gỡ một cậu bé tên Shun, cư dân của vùng đất dưới lòng đất Agartha. Tình bạn chớm nở giữa hai đứa trẻ và Shun đã cứu Asuna thoát khỏi nanh vuốt một con quái vật. Tuy nhiên, lần đầu gặp gỡ cũng là lần cuối chia tay, Shun chết ngay sau đêm ấy.

Và trong buổi học sau đó, Asuna lại được nghe thầy giáo Morisaki nhắc tới mảnh đất Agartha, nơi có thể hồi sinh được người chết. Rồi như định mệnh, Asuna gặp gỡ em trai Shun – Shin, người đến mặt đất lấy lại viên tinh thể Shun để lại. Cô bé, vì quá đỗi kinh ngạc trước sự giống nhau giữa Shin – Shun và nhất là với khao khát cứu sống lại người bạn quá cố, đã cố gắng theo chân cậu bé tới mảnh đất xa lạ kia. Giữa đường, họ gặp cuộc tập kích của những kẻ cũng ôm ấp mưu đồ tới Agartha, trong đó có thầy Morisaki, người đang mang tâm nguyện hồi sinh vợ.

Ba con người, mang ba nỗi niềm, tiến đến Agartha, miền đất trong truyền thuyết, nơi lưu dấu những tri thức cổ xưa, nơi cất giữ những bí ẩn cổ đại nhất của nhân loại, nơi ẩn chứa những sức mạnh nằm ngoài tầm với, sự hiểu biết của con người. Và cũng như rất nhiều câu chuyện cổ tích khác, Những đứa trẻ đuổi theo tinh tú, từ mảnh đất của truyền thuyết, với những huyền thoại được thêu dệt, mà con người gửi gắm vào đấy ước mơ, hi vọng. Ước mơ hồi sinh người đã mất, ước mơ được gặp người quá cố, ước mơ tìm về một phần ký ức đã xa, ước mơ được sống những giây phút chẳng còn cô đơn, phiền muộn. “Tinh tú”, vì thế, đâu chỉ tượng trưng cho bầu trời đêm lấp lánh ánh sao trong lần đầu Asuna và Shun gặp gỡ. Đó còn là biểu tượng cho những giấc mơ đẹp, có phần xa xôi nhưng người ta vẫn mãi kiếm tìm, mãi đuổi theo, mãi vươn đến. Bởi, còn đuổi theo tinh tú, con người còn mục đích để tiếp tục sống, tiếp tục hướng đến ngày mai.

alt text
Những đứa trẻ đuổi theo tinh tú hay câu chuyện về những con người tìm về một giấc mơ

Câu chuyện cổ tích, nhưng cũng là câu chuyện của thực tại

Những đứa trẻ đuổi theo tinh tú, câu chuyện đẹp tựa giấc mơ cổ tích ấy như gieo vào lòng người đọc những xúc cảm rất thơ, rất mộng của một thời thơ bé ta vẫn từng mơ: xứ sở dưới lòng đất, nơi biến khát vọng con người thành hiện thực, những loài sinh vật chỉ là tưởng tượng hay các cuộc phiêu lưu căng thẳng, kịch tính. Nhưng khi tỉnh dậy từ trong giấc mộng được Shinkai Makoto cùng Akisaka Asahi chắp cánh, hẳn mỗi độc giả, mỗi chúng ta, đều nhận ra rằng: Những đứa trẻ đuổi theo tinh tú, tưởng như cổ tích mà lại là câu chuyện hết sức đời thường, đời thường đến nỗi quá đỗi dung dị.

Như đã nói, những tác phẩm của Shinkai Makoto, dù trước kia hay bây giờ, dù hiện thực hay hư ảo, đều chuyên chở ở đó những tầm sâu văn hóa và tâm thức rất riêng của con người Nhật Bản thời hiện đại. Và Những đứa trẻ đuổi theo tinh tú cũng không nằm ngoài tư duy nghệ thuật ấy Shinkai.

Dẫu rằng phần lớn dung lượng cuốn sách nhắc đến Agartha, một địa danh không có thực; nhưng không vì thế mà bóng hình Nhật Bản với vẻ đẹp cổ kính, trang nghiêm trong cảnh sắc thiên nhiên, trong những dấu tích văn hóa, sinh hoạt đời thường của con người trở nên phai nhạt.

Quê hương cô bé Asuna sinh sống, thị trấn Mizonofuchi, nơi có trường tiểu học Mizonofuchi như ngưng đọng lại những trầm tích thời gian, lịch sử của một nước Nhật giàu truyền thống. “Ngôi trường bằng gỗ được dựng từ đầu thời Chiêu Hòa, cổ kính, đượm màu thời gian”. Và chính cái tên Mizonofuchi – nghĩa đen tức đáy sâu cũng như gói ở đó bao lắng đọng của cả vật chất lẫn tinh thần của mỗi bước chuyển thời gian ở xứ sở này.

Ngọn núi ở Obuchi, mũi đất cô bé Asuna vẫn thường đến để thu bắt tín hiệu cho chiếc radio tinh thể có ý nghĩa biểu tượng như chiếc cổng Tori trong văn hóa Nhật Bản: nối liền hai không gian, gắn kết những chiều thời gian để mở ra hai thế giới vẫn luôn song song tồn tại.

Và ngay chính vùng đất truyền thuyết Agartha, cũng mang dáng dấp một Nhật Bản cổ xưa, với những nét đẹp truyền thống, những tri thức cổ đang dần đến bờ vực mai một, thất truyền giữa dòng xoáy của thời gian, của lòng người.

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.