[Đọc sách phong cách VNA] “Kim chỉ nam” của ngành hàng không

Là người làm trong ngành hàng không, có lẽ ai cũng nên phải đọc và nghiên cứu cuốn Flying Off Course của chuyên gia Rigas Doganis. Ngành hàng không dường như là một ngành bay chệch hướng. Để tồn tại, các hãng đòi hỏi phải có sự quản trị tốt, cân bằng giữa các yếu tố cung, cầu, lợi nhuận, vị thế, hình ảnh, theo kịp các xu thế thời đại.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đôi điều chia sẻ về cuốn sách

Cuốn sách Flying Off Course của Giáo sư Rigas Doganis được xem là cẩm nang kinh doanh vận tải hàng không, hiện đã được tái bản 5 lần. Theo yêu cầu của lãnh đạo TCT, lớp học Tiếng Anh New Zealand 1 (NZ1) đã nghiên cứu và dịch cuốn sách ra Tiếng Việt.

CEO của Air Portugal đã từng bình luận về cuốn sách rằng: “Đọc cuốn Flying Off Course giống như tham gia một khóa học kinh doanh của doanh nghiệp, với các nội dung thảo luận sâu sắc về những thách thức mới nhất. Flying Off Course là cuốn sách phải đọc cho những ai có liên quan đến ngành kinh doanh vận tải hàng không”.

Cuốn sách được Ban lãnh đạo TCT đánh giá cao và đang được nhiều bộ phận của TCT sử dụng như Ban KHPT, TTBSP, các chi nhánh… Nội dung cuốn sách mang đến những thông tin và kinh nghiệm hữu ích cho chúng ta.

Cuốn sách Flying Off Course: Airline Economics and Marketing của chuyên gia đầu ngành Rigas Doganis đã trở thành những “kim chỉ nam” của ngành hàng không. (Ảnh: Amazon).

Nội dung chính của cuốn sách

Cuốn sách tổng kết những quan sát, kinh nghiệm của tác giả – Giáo sư Rigas Doganis – một chuyên gia đã có rất nhiều kinh nghiệm sâu sắc trong lĩnh vực hàng không, nói lên các vấn đề cốt lõi và các bài học kinh nghiệm đúc kết trong quá trình vận hành và quản trị của các Hãng hàng không trên thế giới.

Tác giả chỉ ra một nghịch lý cố hữu đối với kết quả kinh doanh của ngành hàng không (HK) – các Airlines, đó là tốc độ tăng trưởng rất lớn về nhu cầu (thông qua lượt hành khách đi lại), tuy nhiên lợi nhuận lại rất mỏng. Trong toàn bộ chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải hàng không, dịch vụ kinh doanh cốt lõi là vận tải hàng không (VTHK) có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thấp nhất so với các lĩnh vực khác. Qua nhiều năm quan sát, tác giả cũng chỉ ra VTHK có tính chu kỳ tương đối rõ, cứ 4-5 năm suy thoái và 5-6 năm tăng trưởng.

Mặc dù vậy, tác giả cũng nhấn mạnh rằng, kể cả trong giai đoạn tăng trưởng tốt, lợi nhuận của ngành vẫn khá mỏng, chỉ chiếm xấp xỉ 2% trên tổng doanh thu. Trong giai đoạn đầu thập niên 2000 khi nền kinh tế thế giới rơi vào thời kỳ suy thoái theo chu kỳ, cộng với các sự cố bên ngoài tác động như dịch SARS hoành hành và  chiến tranh Iraq, khủng bố 11/9, ngành hàng không bị lỗ kỷ lục trong lịch sử.

Trong bối cảnh kinh doanh đầy biến động như trên, tác giả chỉ ra rằng, vẫn có những hãng hàng không tồn tại và có lợi nhuận, bí quyết nằm ở khâu quản trị, với mục tiêu tối thượng là kết hợp hài hòa giữa sản lượng cung ứng (thứ mà hãng HK chủ động kiểm soát) và nhu cầu thị trường (thứ mà hãng HK chỉ có thể tác động chứ không thể kiểm soát) nhằm tạo ra lợi nhuận kinh doanh. Chỉ tiêu quan trọng nhất đó là margin (tức là doanh thu đơn vị – RASK lớn hơn chi phí đơn vị- CASK). Một hãng hàng không chi phí (CP) đầy đủ vẫn có thể có lợi nhuận, miễn là RASK cao hơn CASK. Ngược lại, một hãng HK CP thấp không đồng nghĩa với lợi nhuận đảm bảo. Tác giả nhấn mạnh rằng, đạt được trạng thái này là nhiệm vụ hết sức khó khăn, nguyên nhân chính gồm 02 lý do tất yếu: xu thế mở cửa bầu trời và thay đổi công nghệ trong lĩnh vực HK.

Tiến bộ trong ngành hàng không về khoa học công nghệ là một xu hướng quan trọng được nhiều Hãng hết sức quan tâm, với các mục tiêu chính là đem lại lợi ích về an toàn và tiện nghi cho hành khách, nâng cao hiệu suất sử dụng máy bay và giảm chi phí khai thác.

Tuy nhiên, việc này sẽ sinh ra một số bất cập: nếu máy bay trở nên to hơn mà chi phí rẻ hơn thì sẽ hãng sẽ phải chịu áp lực lớn hơn để lấp đầy chỗ trên máy bay và điều chỉnh giá vé thấp. Bên cạnh đó, chi phí khai thác thấp, cạnh tranh gia tăng do mở cửa bầu trời, dẫn đến một xu thế dường như tất yếu trong ngành: giá vé bình quân ngày càng giảm. Điều này cũng được chứng minh qua thực trạng thị trường nội địa Việt Nam trong những năm gần đây.

Trưởng Ban TTHH Hồ Quang Tuấn đã cùng lớp Tiếng Anh NZ1 đã nghiên cứu và dịch cuốn Flying Off Course ra Tiếng Việt. (Ảnh: VNA)

Tác giả của cuốn Flying Off Course nhấn mạnh rằng, những người hoạch định marketing của Hãng hàng không luôn phải coi dịch vụ hàng không là một phần của toàn bộ gói hàng hóa dịch vụ cung ứng cho người tiêu dùng, chứ không chỉ đơn thuần là sản phẩm vận chuyển hàng không, ví dụ: khách sạn, đại lý du lịch, thuê xe, bảo hiểm … kết hợp với sản phẩm vận chuyển hàng không để tạo thành một gói dịch vụ cho hành khách.

Tác giả cũng nhấn mạnh một sự thật rằng, ngày nay trong mắt của khách hàng, sản phẩm hàng không nhìn chung khá tương tự nhau, do đó, các Hãng HK  cần phải xây dựng một chiến lược để tạo ra sự khác biệt về sản phẩm. Đấy cũng là lợi thế cho các hãng hàng không mới khi gia nhập thị trường.  

Cuốn sách cũng nêu lên một số xu hướng trên thị trường hàng không quốc tế. Thị trường Bắc Á, Đông Nam Á đang trên đà tăng trưởng mạnh, đóng vai trò quan trọng trong thị trường VTHK thế giới, do đây là khu vực tập trung các nền kinh tế năng động, hấp dẫn kể cả mặt địa lý.

Đối với VNA, đây là thị trường liên tục tăng trưởng, đem lại doanh thu ổn định. Khu vực châu Âu: Các hãng hàng không nhỏ đang dần được sát nhập vào các hãng lớn. Khu vực Trung Đông: với lợi thế về mặt địa lý và tiềm lực tài chính mạnh mẽ vai trò của các hãng hàng không Trung Đông đang ngày càng trở nên quan trọng hơn, họ là đối thủ cạnh tranh chính của VNA và các Hãng HK khác tại Châu Á và Châu Âu.

Tác giả của Flying Off Course khẳng định, hàng không là ngành công nghiệp thường thất bại trong tìm kiếm lợi nhuận để bù đắp vốn đầu tư. Nguyên nhân các hãng hàng không luôn gặp khó khăn, mất cân đối trong kinh doanh được tác giả nêu ra cụ thể:

Các hãng hàng không quá dễ dàng trong việc thuê mua tàu bay, rất nhiều hãng  dù có tiềm lực tài chính không mạnh hoặc thậm chí rất yếu có vẫn có thể thuê,mua tàu bay được,

Áp lực, yêu cầu từ các nhà sản xuất máy bay, khi công nghệ luôn đổi mới phát triển thì các hãng luôn phải chịu sức ép nâng cấp hay thay đổi đội bay.

Các chính phủ thường gây sức ép yêu cầu các hãng HK phải mở rộng mạng bay để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội quốc gia và giao thương quốc tế.

Yếu tố suy thoái và tăng trưởng theo chu kỳ của ngành là khá rõ. Do vậy các Hãng HK thường lo ngại sẽ  không đủ nguồn lực để nắm bắt cơ hội thị trường , thời gian thuê mua tàu bay thường mất nhiều thời gian, do vậy họ luôn có xu hường đặt hàng máy bay nhiều hơn nhu cầu dẫn đến mất cân bằng cung cầu trên thị trường.

Không giống như các lĩnh vực kinh doanh khác, khi những công ty quản trị yếu kém, thua lỗ sẽ dần rời khỏi thị trường, thì trong ngành hàng không, thời gian để một Airlines thua lỗ rời khỏi ngành thường rất lâu, đôi khi là không khi nào. Nguyên nhân chính thường do sự bảo hộ, hỗ trợ của chính phủ do các chính phủ luôn xác định ngành HK là một ngành có tác động hỗ trợ rất lớn đối với các nền kinh tế .

Chính những yếu tố này dẫn đến sự mất cân bằng kinh doanh VTHK, và cũng toát lên ý chính của cuốn sách: ngành hàng không  dường như là một ngành bay chệch hướng ở bản chất (Flying Off Course). Để tồn tại, các Airlines thành công đòi hỏi phải có sự quản trị rất tốt, cân bằng giữa các yếu tố cung, cầu, lợi nhuận, vị thế, hình ảnh, theo kịp các xu thế thời đại. Đây là một nhiệm vụ khó khăn đối với bất kỳ nhà quản trị nào.

Những điều có thể học hỏi được từ Flying Off Course

Ngành hàng không nói chung, VNA nói riêng học hỏi được rất nhiều điều bổ ích từ cuốn Flying Off Course. Chu kỳ suy thoái và tăng trưởng của ngành hàng không đã được tác giả dày công nghiên cứu, tổng kết quy luật; trong hoạch định chính sách VNA căn cứ vào tình thực tế trong nước,quốc tế và quy luật mà giáo sư Rigas Doganis đã chỉ ra để bố trí nguồn lực hiệu quả phù hợp với từng giai đoạn.

Để có được môi trường làm việc ổn định, giàu tính sáng tạo, VNA cần xây dựng  và phát triển một đặc trưng văn hóa doanh nghiệp có bản sắc riêng, tạo nên một không khí và tinh thần làm việc trách nhiệm, năng động có hiệu suất làm việc cao, hướng dến sự phát triển bền vững.

Lớp trưởng lớp tiếng Anh – NZ1

Ho Quang Tuan – CPM Director

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.