[Đọc sách phong cách VNA] Đơn Tuyến – Tiểu thuyết chân dung Nguyễn Đình Ngọc

“Đơn tuyến” là tác phẩm viết về nhà tình báo, nhà khoa học, Giáo sư, Thiếu tướng Công an Nguyễn Đình Ngọc. Dùng lời văn dung dị kể lại cuộc đời một con người trầm lặng mà quá đỗi anh hùng.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tác phẩm “Đơn tuyến” của Đại tá, nhà văn, nhà báo Phạm Quang Đẩu – nguyên Trưởng ban Quân đội Nhân dân Cuối tuần (Báo Quân đội Nhân dân) đã giành giải A trong cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” nhân Kỷ niệm 70 năm ngành Công an Nhân dân (19/08/1945 – 19/08/2015) do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an tổ chức.

Tại sao gọi là “tiểu thuyết chân dung”?

Từ trước đến nay, nhắc đến thể loại thì thường có tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết viễn tưởng hay truyện ký, hồi ký, ký chân dung… mà hiếm thấy tác phẩm mang thể loại tiểu thuyết chân dung.

Khi viết về người thật, việc thật, nhiều tác giả hay chọn thể loại truyện ký, hồi ký, ký chân dung, tức là dựng lại chân thực nhân vật, tránh hư cấu. Còn khi đã dùng đến thể loại tiểu thuyết chân dung, ít nhiều đều có hư cấu, song vấn đề cốt yếu là không được xuyên tạc sự thật lịch sử.

Đại tá Phạm Quang Đẩu viết “Đơn tuyến” khi nhân vật lịch sử đã qua đời, trong phần đầu tác phẩm có ghi rõ:

“Sự kiện, nhân vật lịch sử được tôn trọng tối đa thông qua tư liệu, lời kể của người thân, bạn bè, bên cạnh đó hư cấu đóng vai trò kết nối và tô đậm tính cách.”

Nhờ có tư liệu quan trọng là bản sao hồ sơ lý lịch Đảng của Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc do em trai ruột của Người là bác sĩ Nguyễn Đình Kim cung cấp, thêm vào đó là hơn 300 tư liệu trong kho dữ liệu kỹ thuật số được tham khảo, đồng thời khai thác hồi ức của nhiều người liên quan… Tác giả đã chưng cất, nhào nặn một nguyên mẫu lịch sử thành một hình tượng nghệ thuật tỏa sáng với sự thông thái của một nhà khoa học, sự can trường của một nhà tình báo đơn tuyến, một bản lĩnh kiên cường, một tâm hồn sáng trong.

Nhà văn đã hóa thân vào người trong cuộc, dùng ngôi thứ nhất, xưng “tôi” – Nguyễn Đình Ngọc để kể lại gần 60 năm cuộc đời, bắt đầu từ một ngày cuối năm 1947, lúc nhân vật 15 tuổi.

alt text
Đơn Tuyến – Tiểu thuyết chân dung Nguyễn Đình Ngọc 

Cả cuộc đời làm theo lời dặn của cha: Học là gốc!

Cha của Nguyễn Đình Ngọc là bác sĩ Nguyễn Đình Diệp. Trong một trận càn, cha Diệp và hai con trai là Ngọc và Kim bị thực dân Pháp bắt. Đi được một đoạn, chúng đuổi Kim về vì quá bé, còn lại hai cha con bị áp giải đến Đáp Cầu, Bắc Ninh. Trong lúc máu lửa sinh tử, trước khi bị tách ra, cha Diệp thì thầm vào tai con trai:

“Con ở lại hãy cố học cho giỏi và giúp người khác học. Dân mình khổ trước hết vì giặc dốt đấy.”

Đó là một ngày cuối năm 1947, khi ánh mặt trời vừa khuất bóng, thoảng trong gió tràng Thompson nổ “roẹt” từ phía mạn cầu Đuống vọng lại, để lại thời khắc bất ngờ nhất, kinh hoàng nhất trong đầu óc của cậu thiếu niên 15 tuổi Nguyễn Đình Ngọc. Cha hy sinh khi còn đang mặc bộ đồ Vệ quốc đoàn, bên ngoài khoác áo blu của thầy thuốc. Đó là một ngày tràn đầy nỗi uất hận.

Cuộc đời của Nguyễn Đình Ngọc kể từ thời điểm ấy là từng khoảnh khắc sống trọn cho việc tiếp thu tri thức nhân loại, học thật giỏi để giúp đời, như lời cha dặn trước lúc chia ly; đồng thời hằn sâu vào tâm khảm Ngọc là ý chí quyết tâm trả thù cho cha cùng bao đồng bào vô tội khác. Bởi vậy mà khi cơ duyên với cách mạng đến, được ngỏ lời gia nhập Công an Liên khu 4 để làm tình báo, sau một đêm thao thức trăn trở Ngọc liền quyết định đồng ý, vì trả nợ nước thù nhà. Để xây dựng một “vỏ bọc” chân thật thích hợp hoạt động tình báo, cấp trên Nguyễn Hữu Khiếu dặn dò:

“Em phải cố học lên, càng nhiều bằng cấp càng tốt để tạo một vỏ bọc vững chắc trong giới trí thức miền Nam. Em vừa là nhà khoa học kiêm tình báo hoạt động lâu dài trong lòng địch, cung cấp những tin tức quan trọng có tầm chiến dịch, chiến lược.”

Thật trùng hợp, nhiệm vụ này hoàn toàn có thể thực hiện song song với nguyện vọng của cha Diệp.

Nguyễn Đình Ngọc là cậu học trò giỏi nhất trường Chu Văn An thuở ấy, có năng khiếu trời ban về toán học. Đỗ đầu lớp trung học đệ tứ năm học 1949 – 1950. Năm sau đỗ đầu tú tài toàn phần, sau đó theo chương trình MG, học tiếp ở trường Cao đẳng khoa học Hà Nội. Năm 1953, gia nhập Công an Liên khu 4. Tháng 04/1953 được huấn luyện thực hành điệp báo viên, mãn khóa vào tháng 06/1954. Được phân công làm điệp báo xã hội hóa, hoạt động đơn tuyến, trà trộn trong dòng người di cư vào Nam, Ngọc lấy bí danh “Diệp Sơn”, ghép tên cha và cậu em xấu số.

Đầu tháng 11/1955, Ngọc đặt chân đến Thủ đô Paris hoa lệ. Mười năm ở Pháp, Nguyễn Đình Ngọc đã cặm cụi học không ngừng nghỉ và đạt được nhiều bằng cấp hạng ưu.

Tháng 02/1966, Ngọc về nước làm giáo sư giảng dạy tại Viện Đại học Sài Gòn. Từ đó đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nguyễn Đình Ngọc đã lập nhiều chiến công, có nhiều tin tình báo chính xác và kịp thời.

Sau năm 1975, Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc được ra miền Bắc và được giao công tác tiếp cận các hệ thống máy tính của Mỹ để lại và tiếp nhận các hệ thống máy tính mới của Liên Xô.

Cho đến cuối đời, Nguyễn Đình Ngọc đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như Cục trưởng Cục Khoa học viễn thông tin học, Bộ Công an; Phó ban chỉ đạo Chương trình quốc gia về công nghệ thông tin; Phó chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam; Bí thư chi bộ Trường Đại học dân lập Thăng Long…

Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc đã dành trọn cuộc đời làm theo lời cha dặn, chưa từng ngừng nghỉ việc học và dạy học, lấy học làm gốc, diệt giặc dốt, đuổi luôn cả giặc ngoại xâm.

Bui Hong Duyen – VACS

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.