[Đọc sách phong cách VNA] Điểm đến của cuộc đời

“Sợ” không phải để rụt mình vào vỏ ốc tự xây, sợ để nhận thức rằng mình hay người thân yêu – ai rồi cũng sẽ trở về với cát bụi, sợ để thấy được sự quý giá từ những thứ nhỏ nhoi trong cuộc đời này. Giá trị của cái chết là nó giục giã chúng ta sống một cuộc sống có ý thức.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Kẻ nào dám nhìn thẳng vào cái chết, kẻ ấy sẽ biết sống

“Điểm đến của cuộc đời” là cuốn sách mà bạn có thể biết được khái quát nội dung ngay từ bìa trước, thậm chí không cần đọc lời bạt ở bìa sau, rất rõ ràng: Đồng hành với người cận tử và những bài học cho cuộc sống. Còn đồng hành như thế nào và bài học gì thì phải đọc hết cuốn sách mới biết được!

Tôi bắt đầu đọc quyển này từ ngày cuối cùng của năm ngoái, và kết thúc trong những ngày còn “mồng” của tháng giêng năm nay. Tết mà đọc về cái chết thì có nên không? Ồ, nên chứ! Bởi đó là dịp chúng ta nhận ra rằng thời gian sống lại ngắn thêm một chút nữa.

Câu chuyện của chị Hà và Nam, của chị Ánh, của Hùng, của Liên và của Vân mà tác giả Đặng Hoàng Giang ghi lại chỉ là cuộc đời của một vài trong số rất nhiều số phận ngoài kia – những con người đang sống, đang chết và đã chết, trong đó có tôi, có chúng ta… Xa lạ và quen thuộc như vậy. Điểm sáng là qua cuộc song hành cùng những người cận tử ấy, tác giả gợi lên những điều mà xưa nay con người ta vốn nhầm tưởng.

alt text
Điểm đến của cuộc đời – Đồng hành với người cận tử và những bài học cho cuộc sống

Một là, xã hội thường ca ngợi kiểu anh hùng “chữa chạy tới hơi thở cuối cùng”, nhưng chúng ta cũng cần ca ngợi một kiểu người hùng gọi là “buông bỏ”. “Nhiều gia đình không hình dung được có gì tệ hơn cái chết của người thân. Nhưng có điều tệ hơn, đó là cái chết tồi tệ, chết trong đau đớn, hành hạ, với đầy dây dợ, máy móc trên người.” Ira Byock – bác sĩ Mỹ và là tác giả cuốn “Chết thanh thản: Viễn cảnh phát triển lúc cuối đời”, viết.

Hãy đọc câu chuyện của chị Hà và bé Nam, người mẹ trẻ ấy bảo rằng “Với em khi bác sĩ bảo dừng thì em ok. Cái bệnh của cháu đến cả thế giới còn chưa có biện pháp. Lúc bác sĩ nói thì em hiểu luôn là số trời đã định rồi.” Để rồi bạn sẽ chẳng bao giờ giận chị vì khúc mắc tại sao không cầu xin bác sĩ cố gắng thêm với ước mong kỳ tích, rồi bạn sẽ phải rơi nước mắt về những điều sau đấy, về buông bỏ nhưng không buông xuôi. Để biết được rằng “chữa chạy tới hơi thở cuối cùng” không phải là cách duy nhất để bày tỏ lòng yêu thương, trách nhiệm, hay ý thức về đạo lý, bởi nhiều lúc nó chỉ xoa dịu được lòng người sống chứ không phải ý muốn thực sự của bệnh nhân. Người sống mấy ai hiểu được rằng, cái đau làm người ta không biết trốn đi đâu được, nhiều người sợ đau hơn sợ chết.

Hai là, quan niệm về hiến tạng đối với nhiều người còn khá là bảo thủ, với suy nghĩ rằng chết thì phải toàn thây, nguyên vẹn. Mà suy nghĩ ấy, lại đa phần là đến từ thân nhân của người muốn hiến tạng. Tôi nhớ như in cái câu “Đau xót lắm, chú ạ.” mà mẹ chị Vân nói với chú Giang. Vâng, vẫn là cán cân muôn thuở giữa cái đau trong lòng người sống và ước nguyện cuối cùng của một số phận sắp từ giã cõi đời.

Nói cho cùng thì cơ thể ta ư, nó là cái gì? Nó chỉ là một cái bao tải bằng da đựng một đống bùng nhùng mà thôi. Trong “Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm” (Satippatthana Sutta – Kinh Tứ Niệm Xứ) do thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch, có đoạn: “Lại ví như khi thấy một xác chết bị liệng vào bãi tha ma, đã được một ngày, hai ngày hoặc ba ngày, sình lên, xanh lại, thối nát ra, vị khất sĩ quán chiếu sự thật ấy vào chính mình: ‘Chính thân thể ta đây cũng vậy, cũng sẽ trở thành như thế, không có lối nào tránh thoát.”

Vậy thì tại sao không để một phần trong ta sống trong hình hài khác, cứu sống sinh linh khác, mang đến niềm vui và hạnh phúc cho gia đình khác, khi mà lỡ như ta có gì đó bất trắc? Đầu năm 2019, nền y học Việt Nam tôn vinh anh Dương Hồng Quý – người hiến 7 mô tạng, cứu sống 6 người. Mẹ của bệnh nhân nhi được anh Quý hiến phổi bày tỏ: “Hiến tạng là một nghĩa cử nhân văn cao đẹp. Chồng chị ấy giờ đang sống trong thân thể con tôi, đúng là sự kỳ diệu của y học.”

Tôi thực sự hi vọng, ngày mình cầm tờ giấy hiến tạng của bản thân, với vai trò là người làm chứng – người thân của tôi sẽ thoải mái ký tên.

Cái chết là một điều gì đó thật kỳ lạ, thật bí ẩn, thiêng liêng. Cái nôi lật ngược thì thành nấm mồ. Có lẽ sinh và tử cùng bản chất, đều là những hiện tượng vĩnh hằng của thiên nhiên? Đứng trước chúng, chúng ta thấy khiêm nhường. Ta không thể làm gì khác, chỉ có thể ngắm chúng và ngợi ca Tạo hóa.

Khép lại Điểm Đến Của Cuộc Đời, tôi cũng chỉ nguyện cầu như lời tác giả: “Mong tất cả chúng ta có một cuộc sống an lành và một cái chết thanh thản.”

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.