Cuốn sách đồng thời thể hiện trọn vẹn tình cảm của người dân đối với tuyến đầu chống dịch, bên cạnh đó nâng cao ý thức bảo vệ cá nhân và bảo vệ cộng đồng.
Với sức nặng về tính nhân văn truyền cảm hứng tích cực, theo dòng sự kiện nóng hổi bỏng tay cùng thời đại, “Con đã về nhà” đã được đưa vào đề thi thử vào lớp 10 của trường Amsterdam, và đề thi chính thức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tỉnh Khánh Hòa.
Tranh đẹp, giọng văn hóm hỉnh, có hiệu đính tiếng Anh.
Tăng Quang là du học sinh từ Anh trở về và đã có trải nghiệm 14 ngày cách ly tập trung tại trường Quân sự Quân khu 7. Anh chàng kiến trúc sư trẻ hài hước chia sẻ:
“Sau bao ngày ăn ngủ đến ngu ngục, u mê, mình lết dậy vẽ cái album ký họa này, ghi lại một khoảng thời gian rất đặc biệt trong cuộc đời. Mỗi ngày vẽ 4, 5 bức, mỗi bức tầm 1 giờ, vẽ trong tầm 5 ngày. Trong này mình không có nhiều họa cụ, nên vớ được cái gì vẽ bằng cái đó, vài ba cây bút chì màu, hộp màu nước và 2 cây bút kim. Dù không hoa mỹ gì, nhưng nó rất chân thật với những gì mình đã trải qua.”
Với ý tưởng lưu giữ những kỷ niệm đẹp về tình người trong đại dịch, đồng thời tự kiếm việc để bớt nhàn sau những ngày ngủ bất chấp ngày đêm, ngủ quên ngày quên tháng, ngủ đến u mê mộng mị, ngủ đến rớt xuống cả giường… Những bức tranh ký họa mộc mạc chất liệu mà lung linh tình người đã ra đời.
Có lẽ Quang đã không lường trước được sức lan tỏa của album ký họa ấy. Nhưng sự thật là năng lượng tích cực từ đây đã được chia sẻ khắp diễn đàn, trở thành hiện tượng trên mạng xã hội. Thấy được nguồn cảm hứng tích cực này, NXB Phụ nữ Việt Nam gửi lời mời đến tác giả để cho ra mắt cuốn sách “Con đã về nhà”, với hy vọng lưu giữ lại một sự kiện, một cột mốc thời gian rất khác biệt, có thể sẽ không xuất hiện lần thứ hai, và với mục đích đầy nhân văn là gây quỹ hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn sau Covid-19.
Tác giả khiêm tốn bày tỏ, “Con đã về nhà” không phải là thành quả của mình anh, mà là tâm huyết nỗ lực ngày đêm của rất nhiều cá nhân, từ khâu biên tập, khâu thiết kế layout, dịch song ngữ, hiệu đính Anh ngữ, họa sĩ hỗ trợ minh họa…
Tác phẩm là những trải nghiệm cùng suy nghĩ đong đầy yêu thương về nơi được gọi là “nhà” trong lòng Quang và các bạn du học sinh, những con người đã có duyên hạnh ngộ nhân 14 ngày cách ly tập trung, trong những ngày đầu thập kỷ cả khi thế giới chao đao vì đại dịch Covid-19 và đất nước ta thì đang “chống dịch như chống giặc”.
Ngoài ra, cuốn sách còn khắc họa những khoảnh khắc xúc động trong cuộc chiến chống Covid của Việt Nam. Là bức tranh về vợ một người bác sĩ chỉ có thể nhìn chồng từ xa. Là bức tranh về giây phút chợp mắt của đội ngũ y tế và hậu cần trên manh chiếu đơn sơ ở sân khu cách ly ký túc xá trường Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh. Là bức tranh về cuộc sống vẫn tiếp diễn ghi lại hình ảnh em bé ra đời trong khu cách ly với cái tên Vũ Nguyệt Hạ Vy, như mong muốn của mẹ em, một nữ điều dưỡng bệnh viện Bạch Mai, rằng Việt Nam sẽ chiến thắng virus nCoV… Và nhiều, rất nhiều hình ảnh truyền cảm hứng khác.
“Con đã về nhà” bởi vậy, không chỉ thể hiện sinh động, hài hước, chân thực về cuộc sống, sinh hoạt và khám chữa bệnh 14 ngày trong khu cách ly của người dân nói chung, của du học sinh nói riêng; mà còn thể hiện suy nghĩ của thế hệ trẻ về tình người Việt Nam, về mái nhà chung mang tên “Tổ quốc”…; trên hết là lời tri ân dành cho những chiến sĩ thời bình, những người đứng ở tuyến đầu chống dịch; là lời cảm ơn sự chỉ đạo quyết đoán của chính phủ và tinh thần đoàn kết quyết tâm, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh của nhân dân Việt Nam.
Mặt trái của tiêu cực.
Mặt trái của tiêu cực là những điều tích cực – hết sức đẹp đẽ, hết sức lạc quan, mà suy nghĩ và hành động của người trong cuộc như Tăng Quang và các bạn du học sinh xuất hiện sinh động trong cuốn sách “Con đã về nhà” đã thể hiện được trọn vẹn, chứng minh bản thân và kịp thời phủ định những điều không hay xuất phát từ một vài cá nhân.
Trong cái không khí ảm đạm bao trùm thế giới và áp lực gần như nghẹt thở ở Việt Nam những ngày giữa tháng 3 năm 2020, trong không khí căng như dây đàn thì xuất hiện vài phát ngôn cá biệt của một số “tiểu thư” và “công tử” mới về nước, đã khiến búa rìu dư luận bổ vào các bạn từ nước ngoài về. Truyền thông hay tập trung khai thác những chủ đề gây chú ý, bởi vậy cả nước bỗng dưng có cái nhìn tiêu cực về du học sinh.
Thực tế thì đó là một phần rất nhỏ thôi, ở đâu cũng có người nọ người kia, và trong thời điểm lịch sử khi đại dịch diễn ra quá phức tạp thì lực chú ý của người dân tập trung cao độ đối với mọi tình hình xung quanh dịch bệnh, bởi vậy một phần nhỏ có phát ngôn “thượng đẳng” ấy đã ảnh hưởng đến rất nhiều người khác – những bạn hết sức nghiêm túc thực hiện 14 ngày cách ly, đang sống có ý thức và tràn đầy trách nhiệm.
Cuốn sách mở ra một cái nhìn đa chiều hơn, để biết rằng giữa tâm đại dịch, những người con xa quê được Tổ quốc mở rộng vòng tay đón chào trở về nơi chôn nhau cắt rốn, vẫn luôn mang tấm lòng tri ân và tin yêu với nước nhà. Họ hiểu được rằng, ngoài được cách ly với môi trường bệnh ở nước ngoài, họ còn được cách ly với những hoang mang lo lắng ngoài kia. Về với nước mẹ, là về nhà, về trong vòng tay an toàn và yêu thương.
“Nhà, một tiếng gọi thân thương với rất nhiều tình yêu và sự quan tâm, chia sẻ. Hai tuần cách ly giúp chúng con thấu hiểu rằng chúng ta luôn có nhiều hơn một Mái Nhà, nơi luôn dang rộng vòng tay chào đón, chân thành yêu thương và cùng chung bước đi qua những thăng trầm cuộc sống.
Sau bao nhiêu khát vọng bay nhảy của tuổi trẻ, những biến cố cuộc sống giúp chúng con càng thêm yêu và trân quý sự thiêng liêng, ấm áp của hai tiếng “Gia đình”, “Tổ quốc” và sự biết ơn dành cho những người đã yêu thương chúng con vô điều kiện.”
Hạ Trâm – NCTS