Văn và thơ – tục và thanh.
Quả là một tổ hợp kỳ dị, từ một con người kỳ lạ lại không kém phần tài hoa. Khi mà văn của anh cứ thở ra là bậy cả thước. Ấy vậy mà vẫn thấy yêu, yêu cái con chữ trơ trẽn lẳng lơ ấy, bởi nó gia giảm hợp tình hợp lý giữa tục và thanh.
Cũng bởi vì sau những tiếng cười khó kìm nén, là khoảng lặng, là trầm lắng, là buộc người đọc phải nghĩ suy. Đó là lối sống thối nát của một bộ phận cán bộ tri thức nửa mùa mang căn bệnh sĩ diện hão bị bịt mồm bởi một mụ đàn bà vô học nhưng chửi hay đáo để (mục truyện ngắn: “Khu cũ”). Đó là thói mê tín dị đoan (mục lảm nhảm: “Dân ngu cu đen”). Đó là một lớp dân ta lại không biết sử ta (mục lảm nhảm: “Nỏ của Vương”)…
Nhà văn Lê Minh Hà gọi anh là truyền nhân “Số đỏ” lại có chút phảng phất của Nam Cao, cũng không phải ngoa, bởi tính tự trào và phồn thực như thế. Ấy là về truyện, về văn.
Còn thơ anh, là cơn mưa pha màu lạ lùng như cổ tích mờ xa, là màu hồng phai gợi hồi ức tình yêu ấm áp và bé bỏng như đốm lửa, là em như vầng đêm giữa nắng, là nốt lặng âm thầm trong câu vọng cổ mênh mang, là bài học cho con về những huyết cầu Tổ quốc, là những nắng lò cò, nắng ú tim, nắng nghịch, nắng ngoan, nắng bàng hoa, nắng sấu… Yêu thương, mượt mà, sâu lắng!
Cảm giác như văn và thơ của Nguyên là hai thái cực giữa trào phúng và lãng mạn, giữa thế tục và siêu thực. Lại giống như anh tự nhận rằng, thơ ấy và văn ấy – của Đinh Vũ Hoàng Nguyên hay Lão thầy bói già, đều “mang cùng một chứng minh thư”, lay động tâm hồn độc giả với những thăng trầm cảm xúc.
Nguyên không sáng tác phố, anh bê phố vào trang viết của mình.
“Hằng ngày, nhìn Hà Nội như một con thú, thấy thương ký ức của mình quá. Thế rồi khi viết một bài thơ về Hà Nội của riêng mình, thì gặp rất nhiều chia sẻ. Lại vui, vì hóa ra cái góc lòng ấy còn trong rất nhiều người, Hà Nội vừa đó, vừa qua, mà vẫn còn đó… Thật vui, như gặp lại một tình yêu chưa lỗi hẹn!” – Dòng tâm sự của Nguyên dưới bài thơ “Có một phố vừa đi qua phố”.
Nguyên không cho người đọc cái cảm giác là anh đang sáng tác, mà tạo ra bầu không khí quen thuộc thân thương như một buổi chiều se lạnh, tại một quán cóc tường bám rêu xanh, anh em chém gió vài mẩu chuyện nhân lúc trà dư tửu hậu, về Hà Nội, về phố, về con người quanh ta…
Phố của Nguyên rất cũ và rất Việt. Như thời gian bỗng dưng bị một sức mạnh vạn năng nào đó bấm nút tạm dừng rồi lại tua đi tua lại những góc Hà Nội trong ký ức, cái Hà Nội ngỡ như đã bị cuộc sống xô bồ đẩy lùi vào dĩ vãng.
Cũ kỹ vì bước từ cuộc sống vào văn chương, theo cái lối thuần nhất, bụi bặm nhất, không mài dũa câu từ. Như thể, đời có sao sống vậy, văn có sao viết vậy. Không ngại tục, chả ngại thô. Từ nội dung cho đến con chữ.
Có lẽ vậy mà cuốn sách này cũng khá kén người đọc, đối với những ai coi văn chương là phải đẹp đẽ, là phải chọn lọc tinh hoa của ngôn từ, thì có lẽ chỉ nên đọc thơ của Nguyên thôi.
Mà dẫu có tục hay thô đi nữa thì cũng không thể trách Nguyên được, khi “Có một phố vừa đi qua phố” là tổng hợp những bài viết được đăng dưới dạng ghi chú và dòng trạng thái của anh trên mạng xã hội – nơi mà bất kỳ cá nhân nào cũng có quyền được thể hiện cái tôi bành trướng của mình.
Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng.
Xin mượn lời của kẻ du ca về tình yêu, quê hương và thân phận – cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:
“Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào để nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”.
Nguyên dùng tình yêu để nuôi dưỡng con chữ của mình. Vượt qua tài năng, là một cái tình rất trong sáng, rất duyên, rất dễ cảm nhận lại quá khó để miêu tả qua từng bài viết của anh.
Đọc sách của Nguyên thấy rõ cái chất của một gã làm nghề bôi màu, cái cá tính của một họa sĩ, cái điệu nghệ của một nhà thơ, cái thực của một văn sĩ tả chân, cái cà chớn của một anh chàng hàng xóm cùng lũ bạn thân, cái tình của một người đàn ông yêu vợ, cái thiêng liêng của một người bố thương con… Và cả, cái thuần Việt của một người con đất thủ đô, yêu người, yêu đời, yêu Hà Nội và yêu nước.
Nguyên ra đi về cõi vĩnh hằng, để lại câu thơ cuối cùng viết trong bệnh viện:
“Anh đi cuối những ngày nghiêng ngả bão
Biết đời mình, mưa đã mát như em”.
Câu thơ hóa giải nỗi đau đớn bằng tất cả an yên và thanh thản nhất, để lại tình yêu và niềm nhớ thương vô vàn.