[60 năm Đoàn bay] Công việc thầm lặng phía sau những chuyến bay

Sức trẻ và lòng nhiệt huyết là hành trang quan trọng giúp phi công Đoàn bay 919 chỉ trong một thời gian ngắn đã xuất sắc hoàn thành các khóa huấn luyện chuyển loại đối với máy bay thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu mở rộng phát triển của Hãng hàng không quốc gia.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Sự tăng trưởng rất nhanh của ngành vận tải hàng không đang khiến cho bầu trời ngày càng trở nên tấp nập. Mỗi ngày có hàng triệu chuyến bay chuyên chở hàng tỷ hành khách đi lại giữa các châu lục và các điểm đến. Bất kể đã từng đi máy bay hay chưa, chắc hẳn rất nhiều người không khỏi tò mò, thắc mắc về “hậu trường” của các phi công trong quá trình điều khiển những “chú chim sắt” có giá trị hàng trăm triệu USD.

Quy trình chặt chẽ, tập trung cao độ

Một ngày đi bay của phi công bắt đầu bằng việc chuẩn bị kỹ lưỡng đồng phục cùng vật dụng cá nhân phù hợp với chặng bay theo lịch điều độ của hãng hàng không. Họ sẽ phải có mặt tại máy bay 1 tiếng trước giờ cất cánh dự kiến để thực hiện hàng loạt thủ tục lặp đi lặp lại mà không được phép rút gọn, bỏ qua bất cứ một công đoạn nào.

Đồng phục là vật dụng bắt buộc của các phi công mỗi khi lên đường làm nhiệm vụ.

Chịu trách nhiệm chính là cơ trưởng. Với trọng trách của người chỉ huy, cơ trưởng phải tới phòng chuẩn bị bay của hãng hàng không kiểm tra các tài liệu chuyến bay, bao gồm các thông tin về số lượng hành khách, hàng hoá, tình trạng trang thiết bị, kỹ thuật máy bay để quyết định lượng nhiên liệu cần nạp. Sau đó ra sân trực tiếp kiểm tra bên ngoài máy bay. Khi xác nhận tình trạng kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu, cơ trưởng sẽ vào buồng lái, nạp dữ liệu chuyến bay (số hiệu chuyến bay, hành trình bay, giờ khởi hành, giờ hạ cánh…) vào máy tính.

Sau đó, tất cả các thành viên phi hành đoàn tập trung tại khoang hành khách để họp, thống nhất các thông tin về hành trình bay rồi đón khách lên. Trong khi tiếp viên bận rộn ở khoang hành khách thì 2 phi công phải cùng nhau mở tài liệu kỹ thuật và vận hành các thao tác trong buồng lái, một người hô đầu việc, một người vừa hô đáp lại vừa thực hiện theo để đảm bảo có sự kiểm tra chéo lẫn nhau.

Các dữ liệu kỹ thuật được kiểm tra kỹ lưỡng bởi hai phi công trước khi máy bay cất cánh.

Khi tiếp viên kiểm tra và thông báo tất cả cửa máy bay đã đóng và khoá lại, phi công xin huấn lệnh bay, nổ máy, ra đường lăn và lên đường băng để cất cánh. Mỗi công đoạn đều phải xin huấn lệnh và thực hiện chuẩn xác theo sự cho phép và chỉ dẫn của đài không lưu. Lúc máy bay ổn định ở trạng thái "bay bằng", phi công mới có thể coi là qua một trong những giai đoạn căng thẳng nhất của chuyến bay.

Trước khi hạ cánh, tổ lái lại phải họp với nhau một lần nữa để chuẩn bị trước khi giảm độ cao vào tiếp cận hạ cánh. Tùy vào điều kiện thời tiết và quy định của mỗi hãng hàng không, việc hạ cánh có thể được chuyển sang chế độ tự động hoặc do phi công thực hiện. Quá trình hạ cánh là giai đoạn bận rộn nhất của phi công trong suốt chuyến bay. Trong thời gian khoảng 30 phút, phi công phải thực hiện rất nhiều thao tác kỹ thuật, nghe và thực hiện nhiều huấn lệnh của kiểm soát viên không lưu.

Sau khi đáp an toàn và tiếp viên trưởng thay mặt tổ bay gửi lời chào tốt đẹp đến hành khách, phi công vẫn còn rất nhiều việc phải làm: ghi chép lại thông tin máy bay vào sổ kỹ thuật và ghi chép lại các thông tin khai thác, bàn giao máy bay cho thợ máy và giải quyết tất cả những vấn đề phát sinh liên quan đến hành khách trên chuyến bay mình vừa chuyên chở. Do đó, phi công luôn là những người cuối cùng rời máy bay. Trong cả hành trình, nếu xảy ra bất cứ tình huống nào ảnh hưởng đến an ninh, an toàn bay, phi công là những người "đứng mũi chịu sào", đưa ra phương án giải quyết chính xác, hiệu quả trong thời gian chỉ được tính bằng giây.

Phi công là những người rời khỏi máy bay cuối cùng và cũng là người "đứng mũi chịu sào" cho bất kỳ sự cố nào.

Nghề phải học suốt đời

Bất kể sự khác biệt về quy mô và trình độ, hãng hàng không nào cũng xác định phi công là lực lượng lao động kỹ thuật cao, được tạo mọi điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc cũng như thu nhập. Một trong những yếu tố đặc thù của nghề phi công là phải học cả đời. Sáu tháng một lần, phi công phải đi đào tạo, huấn luyện lại trong các buồng lái giả định (SIM) và cũng sáu tháng một lần lại phải tái kiểm tra sức khỏe. Các phi công giao tiếp 100% bằng tiếng Anh và thâm niên công tác được tính theo giờ bay.

Sáu tháng một lần, các phi công phải tham gia huấn luyện trong buồng lái giả định (SIM).

Rất nhiều trong số những phi công của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (VNA) trưởng thành từ quân đội, bởi Đoàn Bay 919 của hãng tiền thân là Trung đoàn Không quân vận tải 919 (Cục Không quân, Bộ Quốc phòng), được thành lập ngày 1-5-1959 cùng với sự ra đời của tuyến đường Trường Sơn. Trong kháng chiến, nhiệm vụ của Đoàn bay 919 là vận chuyến vũ khí, đạn dược, đảm bảo an toàn tuyệt đối và kịp thời phục vụ chiến đấu cho các chiến trường.

Ngày nay, trong bối cảnh thị trường hàng không dân dụng phát triển nhanh, Đoàn bay 919 trở thành lực lượng nòng cốt của hãng hàng không quốc gia VNA, đảm trách nhiệm vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa phục vụ tăng trưởng kinh tế đất nước.

Lực lượng Đoàn bay 919 vận chuyển bộ đội chi viện cho các chiến trường.

Những người lính không quân ngày ấy bây giờ vẫn tiếp tục gắn bó với bầu trời, với những cánh bay. Lòng yêu nước, tinh thần quả cảm của người lính được chuyển tải thành những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tiết kiệm nhiên liệu, vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động kinh doanh và duy trì tăng trưởng vững chắc của VNA nói riêng, của ngành hàng không nói chung. Đồng thời, họ còn vừa bay vừa làm công tác đào tạo, huấn luyện phi công mới, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng về quy mô của hãng.

Tiếp bước thế hệ cha anh, lớp phi công trẻ của VNA hôm nay không ngừng học tập, rèn luyện và phấn đấu để vươn lên làm chủ các phương tiện mới, hiện đại như dòng máy bay Airbus A350-900 và Boeing 787-9. Sức trẻ và lòng nhiệt huyết là hành trang quan trọng giúp phi công Đoàn bay 919 chỉ trong một thời gian ngắn đã xuất sắc hoàn thành các khóa huấn luyện chuyển loại đối với máy bay thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu mở rộng phát triển của Hãng hàng không quốc gia.

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.