[19/5] Ký ức về chuyến bay đón Bác Hồ

Nhân kỷ niệm 129 năm Ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2019), TTNB xin gửi tới CBNV chùm bài viết với những ký ức, câu chuyện xúc động về Người và gắn liền với ngành Hàng không Việt Nam.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

9 giờ tối ngày 13/6/1957, tôi được gọi lên sở chỉ huy sân bay Gia Lâm, Tại đây, đồng chí Đặng Tính, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng hỏi khá cặn kẽ về tình trạng kỹ thuật những chiếc máy bay do tôi phụ trách. Đó là những chiếc máy bay dân dụng đầu tiên của nước ta, sơn phù hiệu cờ đỏ sao vàng trên đôi cánh bạc.

Sau khi nghe báo cáo, đồng chí Đặng Tính nói: "Chúng ta có nhiệm vụ đưa một cán bộ cao cấp vào Vinh và Đồng Hới. Cục quyết định chọn chiếc Li-2 số 203 làm việc này. Ngày mai các đồng chí cho kiểm tra lại thật kỹ, thay xăng dầu mới, bay thử hai vòng, rồi tổ chức canh gác cẩn thận để ngày kia cất cánh…".

Mỗi tuần chúng tôi đều thực hiện ba chuyến bay từ Gia Lâm vào Vinh và Đồng Hới, đã chở nhiều cán bộ cao cấp, nhưng chưa lần nào phải chuẩn bị kỹ như lần này… mà chiếc Li-2 số hiệu 203 là máy bay mới nhận, sao phải cẩn thận đến thế? Tuy Cục trưởng không nói ra, nhưng tôi có cảm giác mình sắp được thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng và trong tôi thầm nghĩ rằng sẽ là chuyến bay đưa Bác Hồ đi công tác. 

Cả ngày hôm sau, Ban Cơ vụ làm việc hết mình, kiểm tra tình trạng máy bay theo nội dung chuyên cơ đặc biệt. Buổi chiều, sau khi bay thử, tôi đến báo cáo và nhận được lệnh của Cục trưởng: "Từ giờ đến lúc cất cánh, nhân viên tổ lái không được rời khỏi máy bay…". Đến đây, ý nghĩ và mong ước của tôi lại bừng lên. Đúng rồi, chỉ có máy bay chở Bác Hồ mới được bảo đảm an toàn cao như thế, vậy là ước mong bao lâu nay sẽ thành hiện thực.

Bác Hồ chụp ảnh kỷ niệm với tổ bay Chuyên cơ Li-2 năm 1957.

Trong đêm trăng lộng gió mùa hạ, chúng tôi trải bạt nằm dưới cánh máy bay mà không sao ngủ được. Ngoài phi công, tổ cơ vụ trên máy bay gồm có Ngô Địch Thanh – thợ máy, Trần Tê – báo vụ viên và tôi được chỉ định làm tổ trưởng. Sáng ngày 15, máy bay cất cánh từ sân bay Gia Lâm. Khác với mong mỏi của chúng tôi, lúc này chỉ có Cục trưởng Đặng Tính đi cùng. Khi bay qua Phủ Lý, anh Tính mới cho biết: "Bác đã đi ô tô vào Vinh từ mấy hôm trước. Hôm nay mình vào, ngày mai sẽ đón Bác đi Đồng Hới". Đêm ấy, tôi không sao ngủ được. Một phần do háo hức, phần do các chuyên gia Liên Xô ở bên cạnh cũng không ngủ. Sau khi được gặp Bác, họ hứng khởi để đèn sáng choang, cười nói suốt đêm.

Sáng ngày 16, tổ lái ra sân bay thật sớm, kiểm tra kỹ, rồi bay thử một vòng. Còn hơn một tiếng đồng hồ nữa mới được làm nhiệm vụ đặc biệt, một tiếng thật dài. Ai cũng bồn chồn, mắt luôn nhìn ra phía cổng sân bay. Giờ chờ đợi đã đến. Một chiếc commancar mui trần từ từ tiến vào đường băng. Trên xe chỉ có hai người gồm lái xe và người bên cạnh mặc áo kaki màu vàng, đội mũ cát két. Mọi người lại ngóng ra cổng… Bỗng có ai đó reo lên: Bác Hồ! Bác đến, Bác đến!

Tôi nhìn lại, lúc đó Người từ trong chiếc commancar cũng vừa bước xuống và thật ngỡ ngàng, đó chính là Bác. Một lúc sau, đoàn xe du lịch nối đuôi chạy vào. Nhà khách sân bay nhộn nhịp hẳn lên. Ai cũng muốn được gần Bác. Đồng bào thành phố Vinh biết tin nên đã đứng chật hai bên đường, khi thấy đoàn xe đi qua vây kín, mong được nhìn thấy Bác. Không ai ngờ Bác lại ở chiếc xe đầu.

Giờ cất cánh đã đến. Cờ tín hiệu giơ cao. Tổ lái vào vị trí, chỉ còn tôi đứng chờ ở cửa… Bác đến gần, tươi cười hỏi: "Các chú chuẩn bị xong rồi chứ?" Tôi lễ phép: "Thưa Bác xong rồi, mời Bác lên ạ". Thang lên máy bay thời ấy rất mỏng manh, tôi vội vàng cầm tay đỡ Bác lên. Cầm tay Bác, tôi như có luồng điện truyền qua, cảm xúc ấy đến giờ tôi vẫn không quên.

Cùng đi với Bác có đồng chí Vũ Kỳ, bác sĩ Bảo, một đồng chí bảo vệ, một chiến sĩ cần vụ và hai nhà quay phim trẻ tuổi. Bác ngồi ở hàng ghế đầu, trước mặt là chiếc bàn nhỏ có mấy tờ họa báo. Đồng chí Đặng Tính ngồi ghế sau. Trời nóng, Bác phải cởi áo kaki bạc màu, để lộ hai cánh tay gầy, nhưng rắn chắc. Khi bay qua vùng biển Hà Tĩnh, dưới nắng hè chói chang, mặt biển lấp lánh, thấy rõ những con thuyền đánh cá. Đang chuyện trò vui vẻ, Bác dừng lại đọc một câu Kiều:

"Buồn trông cứa bể chiều hôm

Thuyền ai tháp thoáng cánh buồm xa xa".

Cục trưởng Đặng Tính nhìn theo tay Bác, dừng một lát rồi lẩy mấy câu:

"Bác về thăm lại quê nhà

Năm mươi năm ấy nay đà đổi thay".

Phải, từ làng Sen quê mẹ, hành trình đi tìm đường cứu nước gần nửa thế kỷ trôi qua Bác mới được về thăm quê. Thật chẳng gì hơn được có mặt cùng Người ở thời điểm ấy. Chuyến bay của chúng tôi cũng thật ý nghĩa và còn ý nghĩa hơn vì đó là chuyến bay đầu tiên có nhân viên Việt Nam đảm nhiệm để phục vụ Bác.

Sau 45 phút bay, chúng tôi đã đưa Bác đến Đồng Hới. Đồng chí Đặng Tính lệnh cho máy bay lượn vòng quanh thị xã để Bác nhìn quang cảnh phía dưới. Nhưng chỉ một lúc, rồi đôi mắt Người lại đăm chiêu, dõi ra xa, về phương Nam. Mấy phút bay nữa là đến sông Bến Hải. Ở bên kia giới tuyến tạm thời, đồng bào "đang chìm trong lửa bỏng, nước sôi". Tôi biết Người đang nghĩ về miền Nam.

Máy bay hạ cánh, Bác đến thẳng sân vận động để nói chuyện với đồng bào. Tối hôm đó, Người làm việc với Tỉnh ủy Quảng Bình và gặp các cán bộ lão thành.

Theo kế hoạch, 7 giờ sáng hôm sau, chúng tôi sẽ đưa Bác về Hà Nội, nhưng từ chập tối, tất cả đứng ngồi không yên. Bên khí tượng thông báo: khoảng 8 giờ sáng mai sẽ có dông xuất hiện trên dọc đường bay từ Đồng Hới ra Hà Nội. Suy nghĩ mãi, nửa đêm đồng chí Đặng Tính gọi điện vào Tỉnh ủy, xin phép xuất phát từ 5 giờ.

4 giờ 30 phút, khi chúng tôi vừa kiểm tra xong máy bay thì ô tô đưa Bác đến. Đồng chí Đặng Tính mời Bác vào phòng khách, nhưng Người vẫy chúng tôi ngồi lại trên vạt cỏ còn ướt đẫm sương đêm. Bác hỏi tuổi, quê quán từng người, rồi Bác dặn: "Bây giờ nước ta còn nghèo, chưa có nền khoa học hiện đại, các chú phải cố gắng học tập để làm chủ kỹ thuật, phục vụ cho một ngành hàng không tiên tiến…".

Ngót nửa thế kỷ nay, cán bộ, chiến sĩ trong ngành hàng không luôn coi lời của Bác là sự động viên, nhắc nhở, là mệnh lệnh, là mục tiêu để vươn lên hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chúng tôi cất cánh, đưa Bác về Hà Nội. Thật may, trên đường không gặp cơn dông nào. Sau 1 giờ 40 phút, máy bay đã đến vùng trời Thủ đô. Được Bác cho phép, đồng chí Đặng Tính lệnh cho tổ lái lượn vòng quanh thành phố. Lúc này thật vất vả với hai anh chàng quay phim. Họ được dịp may hiếm có. Cả hai nhoài người ra cửa sổ bấm máy, ghi lại những thước phim đầu tiên của điện ảnh Viết Nam quay cảnh Thủ đô Hà Nội từ trên máy bay. Thời đó, để giữ bí mật, Bộ Quốc phòng cấm quay phim từ trên cao. Chắc chúng tôi sẽ bị phê bình vì việc này? Nhưng khi ấy, tôi lo nhất là hai nhà quay phim quá hăng hái nhoài gần hết cả người ra, dễ bị hút ra khỏi máy bay lắm. Chỉ còn cách duy nhất là nắm chặt thắt lưng mà giữ lấy họ. Trong khi đó, đài chỉ huy Gia Lâm liên tục hỏi: Ai cho phép máy bay lượn vòng thành phố, ai cho phép? Đồng chí Đặng Tính trả lời: Có lệnh đặc biệt cho phép rồi, chúng tôi sẽ báo lại sau.

6 giờ 50 phút, máy bay hạ cánh, từ từ lăn vào sân đỗ. Trông thấy đoàn người đứng chờ trước cửa nhà khách, Bác tươi cười chỉ tay vào chị mặc áo dài màu vàng và nói "Lại bà Hoàn ra động viên". Bà Hoàn là vợ của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Quốc Hoàn. Khi thấy Bác xuất hiện, ai cũng hân hoan vì thấy sau chuyến đi công tác về, Người vẫn khoẻ mạnh.

Hai ngày sau, tổ bay được đón sang Phủ Chủ tịch. Tại đây, Bác dành hẳn một giờ để tiếp chúng tôi, như là phần thưởng vì đã hoàn thành nhiệm vụ. Quanh chiếc bàn kê trong vườn, Bác hỏi chuyện từng người, động viên mọi người cố gắng học tập, công tác tốt. Lúc chia tay, tôi bùi ngùi nhìn đôi mắt thâm quầng của Người, rồi chợt thốt lên câu chào "Bác nghỉ ạ". Nhìn tôi, Bác cười đôn hậu "Bác phải đi làm việc chứ". Thật cảm động, Người luôn lo nghĩ việc nước, việc dân, mà vẫn không quên chúng tôi.

Tuần sau, vào ngày 22/6/1957, tôi nhận được một phong bì dày cộp trong đó có 8 tấm ảnh lớn, chụp anh em chúng tôi đang quây quần quanh Bác và bức thư với nội dung như sau:

"Chánh văn phòng Phủ Chủ tịch

Gửi đồng chí Đặng Đình Ninh

Nhờ đồng chí chuyển đến anh em có mặt trong ảnh này mỗi người một tấm. Đây lả quà của Bác gửi tặng".

Ôi tình cảm của Người sao mà bao la và gần gũi đến thế. Hơn 50 năm, nét ảnh dẫu có phai mờ, nhưng trong tôi, ký ức về Bác không thể mờ phai.

Đặng Đình Ninh, nguyên Trưởng ban Cơ vụ đầu tiên của HKVN

Theo Kỷ yếu ĐB

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.