Dự Diễn đàn có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong; Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng; Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh; Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương…
Về phía quốc tế có Quốc vụ khanh, Bộ Du lịch Vương quốc Campuchia So Mara; Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Darany Phom-ma-vong-sa; Đại sứ mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Hồi giáo Pakistan tại Việt Nam và Lào Kohdayar Marri và các đoàn đại biểu quốc tế từ các thành phố: Phnom Penh, Viêng Chăn, Yangon, thành phố Montevideo, Uruguay, Saint Petersburg-Nga… Tham dự Diễn đàn còn có đông đảo đại biểu đến từ các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, công nghệ ở trong nước và quốc tế…
Phát triển du lịch xanh, bền vững là định hướng chiến lược của Việt Nam
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, ngành du lịch đã phát triển mạnh mẽ trong vài thập kỷ qua dưới tác động của sự tăng trưởng kinh tế, nhu cầu du lịch toàn cầu và tiến bộ khoa học công nghệ. Tuy nhiên, cũng như nền kinh tế nói chung, những năm gần đây, khi các vấn đề về suy thoái môi trường tự nhiên-văn hóa xã hội và biến đổi khí hậu được chú ý, đặc biệt là sau dịch Covid-19, xu hướng chuyển đổi xanh trong du lịch ngày càng được quan tâm và trở thành hướng phát triển quan trọng của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Việc phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững được đặt ra như một chiến lược quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch, đồng thời, trở thành tiền đề cho định hướng phát triển du lịch net zero tại Việt Nam.
Nhờ sự chung tay, đồng lòng của cả cơ quan quản lý, địa phương, doanh nghiệp du lịch, cộng đồng dân cư và cả du khách, hành trình xanh hóa du lịch thời gian qua đã đạt một số kết quả khả quan. Ở cấp địa phương, nhận thức và hành động về Du lịch xanh có sự chuyển biến tích cực. Nhiều điểm đến thể hiện cam kết và hành động mạnh mẽ về quản lý, bảo vệ môi trường du lịch như Hội An, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bến Tre, Côn Đảo, Cô Tô (Quảng Ninh), Sa Pa…
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, cũng như nhiều lĩnh vực khác, chuyển đổi xanh trong du lịch cũng gặp phải nhiều thách thức như: nhận thức chưa đầy đủ; thiếu cơ chế và hướng dẫn cụ thể về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh; vấn đề tài chính và đầu tư; việc tiêu thụ năng lượng, tài nguyên; tình trạng xả thải của phương tiện và điểm đến còn cao; và hiệu quả áp dụng cơ chế chính sách còn hạn chế.
Bộ trưởng mong muốn các đại biểu sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về 03 nội dung trọng tâm, gồm: (1) Vai trò, yêu cầu chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu net zero trong du lịch, (2) Chia sẻ, phân tích những kinh nghiệm thành công cũng như bài học trong quá trình chuyển đổi xanh du lịch của một số nước và (3) Đề xuất lộ trình và các nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên, trách nhiệm và sự vào cuộc của các bên liên quan trong việc đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam.
Đánh giá cao ý nghĩa Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho biết, là một trong những đô thị lớn của cả nước, TP. Hồ Chí Minh cũng đang đối mặt với thách thức phát triển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên tự nhiên, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống để có thể phát triển một cách bền vững. Trong lĩnh vực du lịch, TP. Hồ Chí Minh đang nỗ lực phát triển du lịch hài hòa với môi trường sinh thái, văn hóa bản địa, hướng đến sự phát triển bền vững cả về kinh tế – văn hóa và môi trường.
“TP. Hồ Chí Minh cam kết rằng sau Diễn đàn hôm nay, Thành phố sẽ nhanh chóng rà soát, hoàn thiện các giải pháp, có tiêu chí, cơ chế chính sách và kế hoạch hành động cụ thể để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi xanh, hướng đến net zero và luôn sáng tạo, đổi mới trong cách tiếp cận du lịch bền vững để bảo đảm rằng các giá trị văn hóa, lịch sử và tự nhiên được giữ gìn và phát triển”, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, tại Hội nghị lần thứ 26 về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) năm 2021 được tổ chức tại Glasgow, Scotland, Vương Quốc Anh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố cam kết dần loại bỏ nhiệt điện than đến năm 2040 và đạt phát thải cacbon ròng bằng 0 vào năm 2050 (hay còn gọi là net zero). Đây được coi là cam kết rất mạnh mẽ đối với một quốc gia đang phát triển dựa trên các nguồn nguyên liệu hóa thạch có lượng phát thải khí nhà kính tương đối lớn.
Việt Nam cũng đang nỗ lực xây dựng một nền kinh tế xanh, giảm phát thải, và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, tích cực triển khai ”Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Du lịch net zero cũng là một xu hướng du lịch khá mới mẻ nhưng đang được nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và một số tỉnh thành tại Việt Nam nói riêng áp dụng nhằm phát triển du lịch một cách bền vững, hiệu quả. Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững và Chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững cũng xác định phát triển hệ sinh thái du lịch bền vững, thúc đẩy mạnh mẽ chương trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Theo ông So Mara, Quốc vụ khanh, Bộ Du lịch Vương quốc Campuchia, để đối mặt với những khủng hoảng môi trường, các nước trên thế giới cần có những hành động kiên quyết và cụ thể. Du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng, việc phát triển du lịch xanh, bền vững là yêu cầu quan trọng hiện nay, qua đó góp phần bảo tồn văn hóa, gìn giữ môi trường.
Ông cho biết, hiện nay, Chính phủ Campuchia đã có những chính sách phát triển du lịch song song với việc bảo vệ môi trường, đẩy nhanh xây dựng các mô hình du lịch phát triển bền vững, phát động chiến dịch “Blue sky and net zero” – sáng kiến nâng cao kiến thức về biến đổi khí hậu. Với sáng kiến này, Chính phủ Campuchia đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, văn hóa tại các vùng núi và vùng sâu vùng xa. Đồng thời thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo trong phát triển du lịch, cơ sở hạ tầng du lịch bền vững, thân thiện với môi trường.
Đổi mới mô hình tăng trưởng du lịch theo hướng xanh hóa
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã lắng nghe các tham luận của các diễn giả về tổng quan chính sách net zero của Việt Nam; Du lịch net zero và ví dụ điển hình trên thế giới về triển khai thành công du lịch net zero; Vai trò của chuyển đổi xanh, thúc đẩy phát triển du lịch net zero trong công tác xúc tiến điểm đến; Thúc đẩy chuyển đổi xanh trong phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh bền vững; Du lịch xanh – con đường tất yếu của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam; Kinh nghiệm ứng dụng du lịch net zero thúc đẩy chuyển đổi xanh phát triển du lịch bền vững tại Quảng Bình…
Theo TS. Lương Quang Huy, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, giảm phát thải, hướng tới net zero cần sự chung tay của mọi tổ chức, cá nhân. Du lịch là ngành kinh tế quan trọng nên cần có đóng góp tương xứng vào lộ trình phát triển ít phát thải của Việt Nam thông qua giảm tối đa phát thải khí nhà kính tại tất cả các công đoạn. Xác định dấu chân các-bon trong ngành du lịch để có chính sách, biện pháp phù hợp giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời đẩy mạnh phát triển các khu du lịch sinh thái, bền vững.
Ông Wesley Chen, Phó Chủ tịch phát triển bền vững, Tập đoàn Intertek cho biết, để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 thì cần có những bước tính toán và lộ trình phù hợp, tiến hành tính toán lượng các-bon một cách chính xác và chi tiết nhất có thể. Xây dựng kế hoạch với bước chuyển tiếp sang các giải pháp xanh hơn với công nghệ mới hiện đại, đồng thời tạo ảnh hưởng tác động đến các quyết định xanh.
Về nội dung chuyển đổi xanh trong ngành du lịch, ông Pavnesh Kumar, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển bền vững, Hiệp hội Du lịch châu Á – Thái Bình Dương (PATA) cho biết, đây là quá trình thay đổi toàn diện theo hướng thực hành bền vững, tập trung vào việc giảm tác động đến môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và đẩy mạnh du lịch có trách nhiệm. Các khía cạnh chính để triển khai chuyển đổi xanh trong du lịch là năng lượng, kinh tế tuần hoàn và kinh tế địa phương.
Chia sẻ ý kiến tại diễn đàn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh Trương Minh Huy Vũ cho rằng, để thúc đẩy chuyển đổi xanh trong phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh bền vững cần đặt ra tầm nhìn là hướng đến thành phố năng động, xanh, sạch, đáng sống, là điểm đến lý tưởng, hấp dẫn các nhà đầu tư toàn cầu. Mục tiêu là chuyển đổi mô hình kinh tế TP. Hồ Chí Minh theo hướng cuộc sống tốt hơn, nâng cao tính cạnh tranh, kết nối với các địa phương trong nước và trên thế giới.
Chia sẻ về kinh nghiệm ứng dụng du lịch net zero thúc đẩy chuyển đổi xanh phát triển du lịch bền vững tại Quảng Bình, Tổng Giám đốc Công ty Oxalis Nguyễn Châu Á cho biết, hiện nay, công ty đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch xanh, bền vững, bảo tồn, các tour thám hiểm hang động. Xây dựng cơ sở lưu trú xanh, thích ứng với thời tiết, tạo những trải nghiệm độc đáo cho du khách, đồng thời đưa cộng đồng địa phương tham gia vào chuỗi dịch vụ của Oxalis.
Phát triển sản phẩm du lịch theo hướng xanh, bền vững, dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống
Đánh giá cao các ý kiến thảo luận tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, Diễn đàn hôm nay tiếp tục khẳng định vai trò của chuyển đổi xanh, du lịch net zero đối với ngành du lịch toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đây là vấn đề mang tính chiến lược. Việc phát triển du lịch xanh là điều tất yếu trong bối cảnh du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. Đối với Việt Nam, trong bức tranh kinh tế 7 tháng đầu năm, du lịch vẫn là một điểm sáng đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội.
Du lịch xanh là sự tổng hòa của các thành phần bao gồm: Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, Doanh nghiệp tạo ra dòng sản phẩm, Nhân dân là chủ thể tổ chức thực hiện. Vì vậy, theo Bộ trưởng, du lịch xanh phải được tổ chức, triển khai dựa trên nền tảng sản phẩm du lịch bắt nguồn từ văn hóa, mang dấu ấn văn hóa. Mỗi người dân tham gia quá trình du lịch xanh phải được hưởng lợi, là đại sứ thân thiện của du lịch.
Bộ trưởng cho biết. những ý kiến đóng góp hôm nay sẽ được tổng hợp, bổ sung để hoàn thiện các kiến nghị với Chính phủ theo hướng tăng cường phân cấp, xây dựng, bám sát các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch quốc gia và phát triển du lịch, từ đó tập trung xây dựng các dòng sản phẩm trên cơ sở tôn trọng sự phát triển bền vững dựa trên tài nguyên thiên nhiên sẵn có, những nét đẹp văn hóa truyền thống. Cùng với đó, cần đa dạng các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như du lịch sinh thái, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng, khám phá-trải nghiệm các giá trị di sản tự nhiên và văn hóa, nghỉ dưỡng-chăm sóc sức khỏe, đồng thời công nhận những nơi đạt chuẩn du lịch xanh để làm tiêu chí phấn đấu.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia, các thị trường phát triển trước để tiếp cận và triển khai du lịch xanh, đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp, địa phương và quốc tế để nhằm tranh thủ sự hỗ trợ chuyển giao công nghệ, sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải vào Việt Nam cũng như trong khu vực.
Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra Lễ công bố và trao Thỏa thuận hợp tác giữa Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác quảng bá, xúc tiến điểm đến du lịch Việt Nam thông qua đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá trên các kênh truyền thông của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và VNA và trên các phương tiện thông tin đại chúng; Hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao trải nghiệm của khách du lịch thông qua tích hợp các nền tảng số; Hợp tác xây dựng, giới thiệu các ấn phẩm, tài liệu quảng bá, trao đổi thông tin nghiên cứu thị trường; Hợp tác tham gia các hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài…