Rõ thêm mảnh ghép trong bức tranh tài chính của Vietnam Airlines

Phần lớn các chỉ số kinh doanh của Vietnam Airlines trong năm 2022 đều chuyển biến tích cực, trong đó có bước đột phá về doanh thu đã tạo đà thuận lợi cho quá trình phục hồi sớm của Hãng Hàng không quốc gia.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thị trường phục hồi không đều

Sau nhiều chờ đợi, vào cuối tuần trước, Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) đã công bố báo cáo tài chính năm 2022.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi chính thức trở thành công ty đại chúng, Vietnam Airlines không thể công bố báo cáo tài chính và tổ chức ĐHĐCĐ thường niên theo đúng quy định.

Theo đại diện Vietnam Airlines, trong 3 năm 2020 – 2022, Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến các mặt hoạt động của Vietnam Airlines, gây ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành báo cáo tài chính kiểm toán.

Tình trạng hoạt động và tài chính của Vietnam Airlines trong giai đoạn này có nhiều nội dung phát sinh cần được đơn vị kiểm toán độc lập tiến hành đánh giá chi tiết, đầy đủ trên các khía cạnh để đảm bảo đáp ứng chuẩn mực ghi nhận theo quy định kiểm toán như các nội dung nợ quá hạn, ghi nhận thời hạn công nợ, ghi nhận giảm chi phí với các hợp đồng có đàm phán giảm giá và cơ cấu nợ, yêu cầu đối chiếu xác nhận công nợ, đánh giá các sự kiện phát sinh sau kỳ kế toán, đánh giá khả năng hoạt động liên tục của Hãng…

“Các yếu tố trên đã ảnh hưởng đến tiến độ cơ quan kiểm toán hoàn thành phát hành báo cáo tài chính kiểm toán của Vietnam Airlines. Hãng cũng đã có công văn báo cáo các bộ, ngành liên quan và Ủy ban Chứng khoán nhà nước về nguyên nhân khách quan chậm phát hành báo cáo và đề nghị gia hạn thời gian công bố báo cáo tài chính kiểm toán và công bố thông tin doanh nghiệp”, đại diện Vietnam Airlines nói.

Mặc dù việc công bố báo cáo tài chính năm 2022 sát với thời điểm kết thúc năm 2023, nhưng sự kiện này vẫn cung cấp thêm những mảnh ghép quan trọng trong bức tranh tài chính đang xuất hiện nhiều hơn gam màu sáng của Vietnam Airlines.

Điểm sáng lớn nhất trong kết quả kinh doanh năm 2022 của Vietnam Airlines là sự bứt tốc mạnh mẽ về sản lượng vận chuyển hành khách và doanh thu so với năm 2021 – năm có doanh thu thấp nhất trong vòng 15 năm trở lại đây của Hãng.

Cụ thể, doanh thu hợp nhất năm 2022 của Vietnam Airlines đạt 71.701 tỷ đồng, cao hơn 20% so với kế hoạch mà ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 đề ra và gấp 2,5 lần kết quả năm 2021 nhờ lượng khách nội địa tiếp tục hồi phục. Trong đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty mẹ đạt 49.300 tỷ đồng, gấp 2,66 lần so với năm 2021.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng ấn tượng về sản lượng vận chuyển hàng khách và doanh thu là chưa đủ để Vietnam Airlines cân bằng được thu chi. Kết thúc năm tài chính 2022, Vietnam Airlines phải ghi nhận lỗ kế toán hợp nhất trước thuế là 10.945 tỷ đồng, trong đó Công ty mẹ lỗ 8.840 tỷ đồng.

Theo đại diện Vietnam Airlines, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc Tổng công ty chưa thể cân bằng tài chính là thị trường quốc tế hồi phục chậm, nhất là tại các thị trường quan trọng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã khiến các hãng bay Việt mất đi một lượng lớn doanh thu và lợi nhuận. Tình trạng này không chỉ xuất hiện trong năm 2022, mà đã kéo dài cho tới những tháng cuối cùng của năm 2023, trong khi đây lại là “mỏ vàng” về lợi nhuận của nhiều hãng hàng không Việt trong giai đoạn trước Covid-19.

Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, để bù đắp cho sự sụt giảm tại các thị trường truyền thống, một số hãng hàng không đã tích cực mở thêm đường bay quốc tế mới kết nối Hà Nội, TP.HCM tới các điểm tại Australia, Ấn Độ, bước đầu ghi nhận kết quả khả quan. Song, hiện slot dành cho các hãng bay Việt tới 2 thị trường này đã khai thác hết, nên khả năng gia tăng doanh thu thông qua việc tăng tần suất khai thác trong ít nhất 6 tháng tới là rất thấp.

Phần lớn các chỉ số kinh doanh của Vietnam Airlines trong năm 2022 đều chuyển biến tích cực, trong đó có bước đột phá về doanh thu đã tạo đà thuận lợi cho quá trình phục hồi sớm của Hãng Hàng không quốc gia.

Việc tốc độ phục hồi của thị trường quốc tế rất chậm, dẫn đến tình trạng các hãng tiếp tục đổ tải cung ứng vào thị trường nội địa trong bối cảnh thị trường nội địa cũng gặp khó khăn do sức mua giảm. Tình trạng dư thừa tải cung ứng thấy rõ trong cả năm 2022 và 11 tháng của năm 2023 khi tải cung ứng tổng thị trường tăng 15,2% so với năm 2019, nhưng khách tổng thị trường chỉ dự báo tăng 7,5%. Điều này tác động tiêu cực đến giá và doanh thu của các hãng hàng không.

Bên cạnh đó, giá nhiên liệu giai đoạn 2022 – 2023 tăng cao; mức giá vé trần nội địa chậm được điều chỉnh, các hãng không được phụ thu nhiên liệu trên các chặng bay nội địa như các đường bay quốc tế; lãi suất, tỷ giá diễn biến bất lợi cũng gây nhiều khó khăn cho các hãng hàng không Việt, trong đó có Vietnam Airlines.

Theo thống kê của Vietnam Airlines, giá nhiên liệu bay bình quân năm 2022 là 124,4 USD/thùng, cao hơn 14,1 USD/thùng so với kế hoạch và khiến chi phí nhiên liệu năm 2022 tăng do giá khoảng 2.482 tỷ đồng. So với năm 2019, chi phí nhiên liệu tăng do giá khoảng 7.625 tỷ đồng.

Riêng chênh lệch chi – thu tỷ giá đã đưa vào kết quả kinh doanh năm 2022 là 1.269 tỷ đồng, tăng 666 tỷ đồng so với kế hoạch. Trong đó, chi phí chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản công nợ ngoại tệ cuối kỳ trong năm 2022 lên tới 804 tỷ đồng.

“Vì những yếu tố trên, nên kết quả kinh doanh năm 2022 của Vietnam Airlines không thể cải thiện tương ứng với tốc độ tăng trưởng của sản lượng hành khách”, đại diện Vietnam Airlines cho biết.

Cân đối thu – chi vào năm 2024

Cần phải nói thêm rằng, năm 2022 đánh dấu sự phục hồi của thị trường hàng không, nhưng tình hình kinh doanh của các hãng hàng không lớn trên thế giới, trong đó có các hãng bay Việt Nam vẫn rất khó khăn, chủ yếu là do những vấn đề tài chính tích tụ sau 2 năm gần như tê liệt vì đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, ngay trong gam màu tối về chỉ tiêu lợi nhuận năm 2022 của Vietnam Airlines cũng cho thấy những tín hiệu tích cực khi lỗ kế toán hợp nhất trước thuế và lỗ kế toán trước thuế của Công ty mẹ giảm sâu so với kế hoạch mà ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 đề ra, đã cho thấy những giải pháp cải thiện kết quả sản xuất, kinh doanh vận tải hàng không mà Hãng kiên trì và quyết liệt theo đuổi là có kết quả.

Đặc biệt, trong bối cảnh hệ luỵ tài chính dồn nén trong 2 năm Covid-19 là rất nặng nề, Vietnam Airlines đã thành công trong việc duy trì tính thanh khoản và dòng tiền cho các hoạt động của doanh nghiệp.

Cụ thể, thực hiện chương trình hỗ trợ của Chính phủ, Vietnam Airlines hoàn thành việc phát hành 796.103.327 cổ phiếu trong năm 2021, với số tiền thu được từ vốn điều lệ tăng thêm là 7.961 tỷ đồng.

Tổng công ty cũng ký hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại trong nước và đã được giải ngân toàn bộ với tổng hạn mức tín dụng là 4.000 tỷ đồng, thời hạn trả nợ có thể kéo dài đến năm 2024.

Ngoài ra, Tổng công ty đã và đang đàm phán với các ngân hàng thương mại để có thêm hạn mức tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tại ngày 31/12/2022, tổng hạn mức tín dụng mà Tổng công ty đã ký với các ngân hàng thương mại khoảng 10.071 tỷ đồng, trong đó hạn mức tín dụng của các khoản vay ngắn hạn chưa sử dụng khoảng 6.341 tỷ đồng.

Vietnam Airlines cũng khai thác các nguồn thu khác bao gồm thanh lý tàu bay, động cơ tàu bay và các khoản đầu tư tài chính. Đến cuối tháng 12/2023, Vietnam Airlines thực hiện bán 1 tàu bay, bán quyền mua và thuê lại 3 động cơ tàu bay, thanh lý khoản đầu tư vào Hãng hàng không Cambodia Angkor Air và thu được một phần giá trị hợp đồng với số tiền khoảng 942 tỷ đồng.

Trong năm 2022 và năm 2023, các ngân hàng đồng ý tiếp tục cấp hạn mức tín dụng cho các khoản vay ngắn hạn mà Tổng công ty đã thanh toán đúng hạn. “Chúng tôi tin tưởng sẽ tiếp tục duy trì được các hạn mức tín dụng hiện tại trong năm tiếp theo, cũng như đảm bảo thanh toán các khoản gốc vay đến hạn”, đại diện Vietnam Airlines chia sẻ.

Đối với các khoản vay dài hạn và nợ thuê tài chính, Tổng công ty cũng đàm phán thành công với các chủ nợ để cơ cấu lại lịch thanh toán các khoản vay dài hạn và nợ thuê tài chính đến hạn trả.

Tổng công ty đã và đang đàm phán giảm giá, giãn hoãn tiến độ thanh toán với các đối tác, trong đó nhiều đối tác đồng ý giảm giá (đối với chi phí thuê tàu bay và bảo dưỡng…) hoặc giãn, hoãn lịch thanh toán (đối với chi phí thuê tàu bay, quản lý bay, các dịch vụ chuyến bay…).

Trong thời gian vừa qua, Vietnam Airlines hoàn tất thỏa thuận với đối tác để hủy (không nhận) 4 tàu bay dòng B787-10 và A320; ngoài ra, 5 tàu bay dòng B787-10 và A320 NEO còn lại đã và đang được đàm phán để nhận vào năm 2024, thay vì nhận trong năm 2020, 2021 theo thỏa thuận ban đầu.

Một điểm sáng nữa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vietnam Airlines trong giai đoạn 2022 – 2023 là Tổng công ty đã xây dựng và từng bước triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu và Đề án tổng thể hỗ trợ tháo gỡ khó khăn do Covid-19 với việc thực hiện đồng thời quá trình tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu tài sản, tái cơ cấu các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, tái cơ cấu nguồn vốn để dần khắc phục lỗ lũy kế và khôi phục trạng thái tài chính lành mạnh.

Trên thực tế, chính những bước chạy đà hình thành từ kết quả kinh doanh năm 2022, dù chưa đạt mong muốn của HĐQT, Ban Điều hành và các cổ đông, nhưng đã tạo ra động lực quan trọng cho Vietnam Airlines cải thiện kết quả kinh doanh trong năm 2023.

Tính đến quý III/2023, Vietnam Airlines ghi nhận chuỗi 3 quý liên tiếp đạt lợi nhuận gộp xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietnam Airlines trong quý III/2023 đạt 1.239,9 tỷ đồng, tăng 7,5 lần so với quý III/2022.

Theo Báo Đầu tư
Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.