Cụ thể, VNA đạt mức 207 phút cho 08 tàu Boeing 787-9 và 240 phút cho 14 tàu Airbus A350. Kết quả này tương đương với các hãng hàng không hàng đầu thế giới và khu vực như Quatar Airways, Singapore Airlines, Japan Airlines, Eva Air…Đặc biệt, EDTO Airbus A350 đạt 240 phút là tiêu chuẩn khắt khe mà chỉ có 01 số ít hãng bay ở châu Á đạt được.
Bên cạnh bài toán đảm bảo các sân bay dự bị dọc đường do chiến sự, thời tiết xấu trong vùng trời khai thác, duy trì chuyến bay đúng kế hoạch và khai thác hiệu quả, việc đạt được chứng chỉ đã thể hiện năng lực khai thác, kỹ thuật cũng như độ tin cậy của đội tàu bay.
Theo quy định của Cục HKVN hiện nay, tổ chức, cá nhân chỉ được phép khai thác tàu bay trang bị 02 động cơ trên đường bay khi thời gian bay chuyển hướng từ bất kỳ điểm nào trên đường bay này (được tính toán trong điều kiện khí áp tiêu chuẩn (ISA), trong điều kiện lặng gió tại tốc độ bay bằng với 01 động cơ không hoạt động) tới bất kỳ sân bay dự bị dọc đường nào không vượt quá ngưỡng thời gian cho phép theo quy định và phê chuẩn của Cục HKVN.
Ngưỡng thời gian cho phép khai thác với các đường bay chưa áp dụng loại hình “Khai thác tầm bay mở rộng” là 60 phút. Điều đó đồng nghĩa với việc các đường bay của các hãng bay phải có các sân bay dự bị dọc đường mà tàu bay phải đến được trong vòng 60 phút, trong trường hợp hỏng một động cơ.
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ hàng không, động cơ máy bay ngày nay có độ tin cậy rất cao dẫn đến việc hoàn toàn có thể tăng thời gian bay đến sân bay dự bị với chỉ 1 động cơ. Đó chính là tiền đề cho sự ra đời của loại hình khai thác tầm bay mở rộng EDTO.
Loại hình này sẽ giúp các Hãng hàng không tăng hiệu quả khai thác, tăng khả năng sử dụng vùng trời cũng như tăng thời gian bay liên tục. Hiện nay, trên thế giới, đã có những hãng hàng không được cấp phép bay mở rộng lên đến 300 phút.
Với phê chuẩn tầm bay mở rộng trên 180 phút và lên đến 240 phút, VNA nói riêng, hàng không Việt Nam nói chung đã khẳng định bước đột phá mới trong năng lực khai thác. Việc vận dụng tốt loại hình khai thác tầm bay mở rộng, đặc biệt đối với các chuyến bay bay qua sa mạc, đại dương, tránh các vùng chiến sự, giúp cho VNA tiết kiệm đáng kể nhiên liệu và thời gian bay.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc VNA cho biết trên cơ sở hướng dẫn, giám sát của Cục HKVN, VNA đã tập trung nghiên cứu, triển khai, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy định để đạt EDTO trên 180 phút với loại tàu bay 02 động cơ, ngay trong thời điểm rất khó khăn, hạn chế của đại dịch Covid-19. Chứng nhận này hết sức có ý nghĩa khi Vietnam Airines đang không ngừng tăng cường, phát triển năng lực vận hành, khai thác, mở rộng các đường bay dài, như mới đây là đường bay giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục HKVN đánh giá cao nỗ lực của VNA dưới sự hướng dẫn, giám sát của các cơ quan hàng không đã đạt được cấp phép EDTO trên 180 phút cho loại tàu bay trang bị 02 động cơ. Cục trưởng chỉ đạo VNA sau khi đạt được cấp phép trên, vẫn phải tiếp tục duy trì, đảm bảo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, giữ vững và nâng cao kết quả đã đạt được, khẳng định năng lực, vị trí dẫn đầu của hãng hàng không Quốc gia. Cục HKVN sẽ liên tục theo dõi, giám sát, kiểm tra năng lực đáp ứng của VNA.
Trước đó, từ khi đưa hai loại tàu bay hiện đại Airbus A350 (tháng 7/2015) và Boeing 787-9 (tháng 8/2015) vào khai thác, VNA đã được Cục HKVN phê chuẩn khai thác EDTO 120 phút cho A350 và EDTO 180 phút cho Boeing 787. Tháng 8/2021, VNA được Cục HKVN phê chuẩn cho máy bay A350 EDTO là 180 phút.
Để nâng chỉ số này lên vượt qua con số 180 phút, VNA phải đáp ứng một loạt quy định nghiêm ngặt, bao gồm: chuẩn bị trước chuyến bay, thiết bị tàu bay, quy trình mặt đất tại sân bay dự bị, huấn luyện tổ bay, nhân viên kỹ thuật…Đáng chú ý, VNA đã hoàn thiện các quy trình, tiêu chuẩn, thực hiện bay kiểm chứng dưới sự giám sát của Cục HKVN ngay trong giai đoạn Covid-19, thời điểm có rất nhiều khó khăn về nguồn lực.
Le Duc Anh-COMM