Toàn cảnh Đại hội được phát sóng trên kênh VTV1 Đài truyền hình Việt Nam:
Tại Đại hội, các cổ đông của VNA đã thảo luận và biểu quyết thông qua các nội dung quan trọng gồm: Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022; báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán; Báo cáo hoạt động của HĐQT năm 2021 và định hướng năm 2022; Báo cáo đánh giá của thành viên độc lập HĐQT 2021; báo cáo của Ban kiểm soát về kết quả kinh doanh của TCT, kết quả hoạt động của HĐQT, TGĐ; báo cáo tự đánh giá kết quả hoạt động của Ban kiểm soát (BKS) và thành viên BKS; báo cáo tiền lương, thù lao HĐQT, BKS năm 2021 và kế hoạch năm 2022; phương án kiện toàn nhân sự HĐQT; Đề án cơ cấu lại TCTHK giai đoạn 2021 – 2025; Sửa đổi Điều lệ của TCTHK.
Năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn ngành hàng không. Tại thị trường nội địa, đại dịch bùng phát vào cao điểm Tết và cao điểm Hè làm nhu cầu đi lại của hành khách sụt giảm mạnh. Khách tổng thị trường nội địa chỉ đạt 14,6 triệu khách, giảm 61% so 2019 và thấp hơn 47% so dự báo giữa năm. Không chỉ sản lượng khách sụt giảm mạnh, giá vé bình quân các nội địa cũng giảm 34% so cùng kỳ. Mạng bay quốc tế vẫn gần như “đóng băng” trong cả năm 2021, với khách tổng thị trường quốc tế chỉ đạt 489 nghìn khách, bằng 1,4% so với trước đại dịch (2019).
Trước hoàn cảnh có nhiều khó khăn, bất lợi, VNA đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp tự thân, cũng như tận dụng các hỗ trợ từ bên ngoài để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác đảm bảo an toàn tuyệt đối và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, xã hội.
Trong đó, phương án tái cơ cấu tổng thể doanh nghiệp được VNA xác định là giải pháp trọng tâm trong giai đoạn 2021- 2025 nhằm ứng phó với COVID-19, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, tăng cường năng lực tài chính để nhanh chóng phục hồi, phát triển sau khi dịch bệnh được kiểm soát. VNA đã triển khai tái cơ cấu trên tất cả các lĩnh vực, với những nhóm giải pháp lớn về tái cơ cấu tài sản, đội tàu bay, tái cơ cấu danh mục đầu tư, tái cơ cấu nguồn vốn, tái cơ cấu tổ chức và quản trị doanh nghiệp…
Nhằm gia tăng nguồn thu, VNA đã đẩy mạnh vận tải hàng hóa, vận chuyển khách chuyên gia và mở thêm các đường bay mới. Cuối tháng 11/2021, VNA chính thức khai thác đường bay thẳng thường lệ tới Mỹ với mục tiêu vừa mở rộng mạng đường bay quốc tế, vừa để tận dụng, khai thác tối ưu nguồn lực đội tàu bay thân rộng.
Đồng thời, VNA đã triển khai nhiều giải pháp cắt giảm, tiết kiệm chi phí trong ngắn hạn và tối ưu hóa cấu trúc chi phí với mục tiêu tiếp tục giảm chi trong giai đoạn sau đại dịch. Chi phí cắt giảm của VNA trong năm 2021 đạt trên 10.300 tỷ đồng, trong đó chi phí cắt giảm được nhờ nỗ lực tự thân là trên 5.500 tỷ đồng. Kết quả này chủ yếu đến từ việc linh hoạt tổ chức lại sản xuất phù hợp với diễn biến thị trường; tái cơ cấu lao động; đàm phán giảm giá, giãn, hoãn các khoản thanh toán; tái cơ cấu các khoản vay; bán tàu bay cũ…
Bằng những giải pháp linh hoạt, sáng tạo, VNA đã đạt được những kết quả khả quan hơn so với kế hoạch năm 2021 đã báo cáo Đại hội đồng cổ đông. Tổng doanh thu hợp nhất năm 2021 ở mức 29.752 tỷ đồng, lỗ hợp nhất trước thuế thấp hơn 1.339 tỷ đồng so với số lỗ kế hoạch đã báo cáo ĐHĐCĐ.
Vượt qua rất nhiều khó khăn từ đại dịch, VNA đã vận chuyển được 6,13 triệu hành khách, 219,6 nghìn tấn hàng hóa trong năm 2021. Trong đó, có hơn 15.000 y bác sĩ, quân nhân, gần 300 tấn trang thiết bị, vật tư y tế, vaccine được VNA vận chuyển thần tốc đi khắp các tỉnh thành cả nước, góp phần chung tay cùng các cơ quan chức năng và nhân dân cả nước chiến đấu đẩy lùi sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Đặc biệt, trong năm 2021, VNA đã triển khai thành công gói giải pháp tháo gỡ khó khăn về thanh khoản quy mô 12.000 tỷ đồng. Trong đó, hoàn thành việc phát hành thêm hơn 796 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tăng thêm 7.961 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn phục vụ hoạt động SXKD, cải thiện khả năng thanh toán trong ngắn hạn cũng như cải thiện các chỉ tiêu tài chính của VNA; hoàn thành ký kết hợp đồng tín dụng thuộc gói vay tái cấp vốn với ba ngân hàng thương mại với tổng số tiền cho vay là 4.000 tỷ đồng bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Năm 2022, sau khi Chính phủ triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng vắc xin, dịch bệnh trong nước từng bước được kiểm soát, hoạt động vận tải hàng không được khôi phục dần cùng với tốc độ mở cửa kinh tế và kết nối giữa các quốc gia.
Thị trường hàng không nội địa đang phục hồi mạnh mẽ sau khi dịch bệnh được kiểm soát. 05 tháng đầu năm 2022, Tổng thị trường khách nội địa 5 tháng đầu năm 2022 tăng 3,6% so sánh cùng kỳ năm 2019. Đối với VNA, khách nội địa vượt 7,7% so 2019.
Thị trường quốc tế cũng đang từng bước phục hồi. Theo dự báo gần nhất (tháng 6/2022), IATA dự báo thị trường quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương sẽ hồi phục vào 2024. Thị trường quốc tế của VNA dự kiến cũng không nằm ngoài khả năng này.
Sự phục hồi của thị trường quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với VNA, khi các đường bay thường lệ quốc tế giai đoạn trước đại dịch mang tới 65% doanh thu của hãng. Nối lại bay quốc tế còn giúp tận dụng tối ưu đội tàu bay của VNA, hiện có quy mô lớn nhất Việt Nam với hơn 100 chiếc đa chủng loại, từ tàu thân hẹp bay tầm trung, ngắn như Airbus A321neo đến tàu thân rộng, hiện đại, bay tầm xa như Boeing 787, Airbus A350.
Thực tế, 06 tháng đầu năm 2022, Vietnam Airlines đã khai thác trở lại đến 14 quốc gia, vùng lãnh thổ gồm: Anh, Pháp, Đức, Australia, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Lào, Campuchia. Hôm 15/6, hãng đã mở thêm đường bay mới đến Ấn Độ. Hãng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ngay lập tức khai thác trở lại các đường bay đến Trung Quốc, Myanmar, Nga khi điều kiện cho phép. Tổng số đường bay quốc tế đang khai thác đạt 35 đường bay, bằng 53% so 2019. Từ tháng 7/2022, VNA sẽ nâng số đường bay quốc tế lên 39 đường bay, bằng 60% so 2019.
Đến tháng 07/2022, VNA sẽ nối lại đường bay Indonesia. Tháng 11/2022, các đường bay quốc tế trọng điểm (Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…) đặt mục tiêu khôi phục lại tần suất tương đương năm 2019, đường bay Châu Âu tiếp tục hoàn thiện tần suất. VNA kỳ vọng cuối năm 2023, có thể phục hồi toàn bộ mạng bay quốc tế tương đương năm 2019.
Việc dần phục hồi khai thác các đường bay quốc tế là cơ hội để VNA nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tăng doanh thu, nâng cao kết quả sản xuất kinh doanh, giảm lỗ và tiến tới có lãi trở lại trong các năm tới.
Tuy nhiên, căng thẳng Nga – Ukraine bùng phát, dẫn tới giá dầu thế giới leo thang, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tốc độ phục hồi của các nền kinh tế sau hai năm chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. VNA dự kiến tình hình SXKD sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của giá nhiên liệu Jet A1 tăng mạnh dẫn đến chi phí doanh nghiệp tăng cao, tốc độ phục hồi thị trường quốc tế còn nhiều rủi ro, thua lỗ SXKD vẫn có thể ở mức cao.
Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT VNA cho biết: “Trên cơ sở dự báo môi trường kinh doanh, đánh giá khó khăn, thuận lợi, Vietnam Airlines đã xây dựng kế hoạch SXKD năm 2022, với nhiệm vụ trọng tâm là đảm bảo an toàn tuyệt đối khai thác, điều hành chủ động, linh hoạt theo diễn biến thị trường, cắt giảm chi phí, cân đối dòng tiền. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuẩn bị các kế hoạch dài hạn nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường và kinh doanh hiệu quả.”
Video những khoảnh khắc ấn tượng tại Đại Hội:
Trong năm 2022 và các năm tiếp theo, VNA sẽ tiếp tục tập trung thực hiện kế hoạch triển khai tái cơ cấu toàn diện sau khi Đề án Tái cơ cấu TCTHK được cấp có thẩm quyền và ĐHĐCĐ thông qua, trong đó, chủ yếu tập trung triển khai các giải pháp từ nội lực của doanh nghiệp như tái cơ cấu tài sản, đội tàu bay, tái cơ cấu danh mục đầu tư, tái cơ cấu nguồn vốn… Đặc biệt, công tác tái cơ cấu tổ chức sẽ tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, công tác đổi mới quản trị tập trung xây dựng, điều chỉnh lại quy chế, quy trình thực hiện công việc, đẩy mạnh ứng dụng đổi mới hệ thống CNTT và chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực SXKD.