Đại diện cho VNA, PTGĐ Lê Hồng Hà đã tham dự sự kiện với tư cách là diễn giả khách mời.
Nội dung chính của phiên thảo luận để nhận diện những nút thắt của hàng không, từ đó tìm cách nâng cao năng lực hàng không Việt Nam. Trong đó, bài toán hợp tác công – tư gắn với các dự án lớn như xây dựng sân bay Long Thành, cải thiện các sân bay cũ, hoặc phát triển hạ tầng mới đã được tập trung trao đổi.
Quang cảnh Hội nghị chuyên đề “Việt Nam làm gì để phát triển hàng không – chắp cánh cho du lịch”. (Ảnh: Xuân Nghĩa).
Chia sẻ quan điểm về các nút thắt trong ngành hàng không Việt Nam, PTGĐ Lê Hồng Hà cho biết, an toàn luôn là mối quan tâm của hàng không và du lịch. Những điểm thiết yếu tác động lên công tác an toàn bao gồm sự phát triển của đội tàu bay, nguồn nhân lực và hạ tầng.
PTGĐ Lê Hồng Hà chia sẻ, cho đến tuần này, đường bay giữa Hà Nội và TP.HCM đang đứng thứ 3 trên thế giới về số ghế cung ứng với xấp xỉ 210.000 ghế. Trong điều kiện sân bay tắc nghẽn quá tải, đặc biệt tại sân bay Tân Sơn Nhất dẫn đến ảnh hưởng về chất lượng dịch vụ, chỉ số đúng giờ của sân bay, từ đó ảnh hưởng đến hành khách. Trước đây, các hãng hàng không trong khu vực thường để thời gian bay giữa Hà Nội và TP.HCM là 2 tiếng, giờ chuyển sang 2 tiếng 15 phút để đề phòng sự tắc nghẽn các đầu sân bay. Nếu hạ tầng sân bay không có sự cải tiến trong thời gian tới, việc tiếp tục đẩy khai thác vào các đầu sân bay quá tải như Tân Sơn Nhất sẽ uy hiếp an toàn bay.
Một giải pháp PTGĐ Lê Hồng Hà đề ra liên quan đến việc phát triển các sân bay lân cận để tránh áp lực cho các đầu sân bay chính, trong đó các hãng hàng không sẽ phải tìm ra một mô hình khai thác mới, phối hợp với Tổng cục Du lịch trong việc quản lý, phát triển, mở rộng, đa dạng hóa các loại sản phẩm du lịch để thu hút khách hàng. PTGĐ Lê Hồng Hà khẳng định Hãng sẽ luôn sẵn sàng đồng hành với đất nước trong các chương trình phát động điểm đến mới và đa dạng sản phẩm.
PTGĐ Lê Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Xuân Nghĩa).
Yếu tố thứ hai ảnh hưởng đến an toàn bay là nguồn nhân lực. Trong đó, nguồn lực phi công và thợ kỹ thuật rất đặc thù khi dể có được một phi công máy bay thân hẹp như A320/A321 sẽ mất tầm 4-5 năm, và để đào tạo được một phi công lái A350 hay B787 thì sẽ mất đến 7-8 năm. Kỹ sư máy bay, thợ kỹ thuật từ khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành đến khi được trực tiếp làm việc với máy bay cũng phải mất 3-4 năm. Với tính chất đặc thù này, trong tình hình thị trường hàng không phát triển mạnh sẽ không có đủ lực lượng để phục vụ. Về mặt dài hạn, các giải pháp đào tạo đã được định hướng rõ khi các trường đào tạo hàng không ngày càng được thành lập nhiều hơn, tuy nhiên thế hệ này sẽ chưa thể phục vụ được luôn.
PTGĐ Lê Hồng Hà cho biết, nếu để thiếu hụt nguồn nhân lực đặc thù chắc chắn sẽ gây uy hiếp an toàn bay. Thời gian qua, VNA vẫn liên tục tìm kiếm nguồn phi công tàu thân rộng nhưng khan hiếm, trong tình cảnh trong nước chỉ có VNA đào tạo phi công B787, Hãng phải tìm tới thị trường quốc tế, nhưng cũng mất ít nhất là 6 tháng để giải quyết chuyển đổi nhà khai thác cho các phi công.
Trong thời gian tới, VNA sẽ tập trung mở rộng các trung đào tạo hàng không như FTC, Bay Việt, tiếp tục thu hút các học viên trong và ngoài nước và nâng cao công tác đào tạo, tiếp tục các chương trình nâng cấp đội phi công A321 khai thác dòng máy bay hiện đại A350 B787. Dự kiến hết Quý I 2020, VNA cơ bản sẽ đủ lực lượng phi công để khai thác tất cả các dòng máy bay hiện có, đáp ứng sự phát triển của ngành hàng không cũng như yêu cầu phát triển về du lịch.
Nguyen Xuan Nghia – COMM