VNA giới thiệu loạt sản phẩm, dịch vụ 4.0 đến báo chí

Chiều ngày 27/8, TCT đã tổ chức buổi gặp mặt các phóng viên báo chí nhằm giới thiệu về các sản phẩm dịch vụ mới của VNA, bao gồm: Phương thức thanh toán vé máy bay bằng dặm và tiền; Dịch vụ giải trí cho hành khách của VNA trên ứng dụng FPT Play và Dịch vụ Internet trên máy bay.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tham dự buổi gặp mặt phóng viên có Trưởng Ban TTTH Lê Trường Giang, Giám đốc TTBSV Nguyễn Hữu Tùng, Phó trưởng Ban DVHK Trịnh Anh Thắng và Phó trưởng Ban CNTT Nguyễn Nam Tiến cùng với hơn 20 phóng viên đến từ các cơ quan báo chí.

Trưởng Ban TTTH Lê Trường Giang chủ trì buổi gặp mặt các phóng viên báo chí. (Ảnh: Vũ Tuấn).

Tại buổi gặp mặt, Giám đốc TTBSV Nguyễn Hữu Tùng đã giới thiệu đến các phóng viên báo chí sản phẩm mới nhất của VNA, từ ngày 2/9, lần đầu tiên tại Việt Nam hành khách có thể thanh toán vé máy bay bằng dặm và tiền (Cash & Miles) thay vì chỉ được chọn một trong hai phương tiện như trước đây. Chương trình dành riêng cho hành khách là hội viên Bông Sen Vàng khi mua vé trên website, tại các phòng vé của VNA và đang được Hãng tiếp tục nghiên cứu để triển khai trên ứng dụng di động.

Giám đốc TTBSV Nguyễn Hữu Tùng giới thiệu sản phẩm thanh toán vé máy bay bằng dặm và tiền (Cash & Miles). (Ảnh: Vũ Tuấn).

Theo Giám đốc TTBSV Nguyễn Hữu Tùng, chỉ với tối thiểu 2.000 dặm/khách/chặng bay, hội viên Bông Sen Vàng có thể sử dụng dặm để thanh toán một phần hoặc toàn bộ giá trị vé máy bay trên các chuyến bay do VNA khai thác và có thể mua vé cho người đi cùng nếu có chung mã đặt chỗ.

Về sản phẩm thanh toán vé máy bay bằng dặm và tiền, phóng viên đã đặt câu hỏi “Việc chuyển dặm thành tiền nếu có có thể làm giảm bao nhiêu phần trăm lợi nhuận của VNA trong 6 tháng cuối năm? Việc sử dụng dặm để mua vé có ảnh hưởng để điểm/dặm tích lũy của hội viên”?

Phóng viên báo Đầu tư đặt câu hỏi tại buổi gặp mặt. (Ảnh: Vũ Tuấn).

Trả lời câu hỏi này, Giám đốc TTBSV Nguyễn Hữu Tùng cho biết, mặc dù chưa triển khai chương trình mua vé kết hợp dặm bay, toàn bộ số điểm và dặm bay mà VNA đang cộng vào cho khách BSV, VNA đã cộng chi phí rồi vì họ có thể trả theo các hình thức khác nhau như lấy thưởng từ các đối tác phi hàng không hoặc là các hãng HK khác mà chúng tôi thanh toán cho các hãng HK đấy hoặc khi hội viên lấy vé trên các chuyến bay của VNA thì chúng tôi cũng phải dành chỗ rằng chúng tôi cũng coi đó là chi phí. Hiện tại, hàng năm ở trong báo cáo thường niên của VNA, hãng đã tính đưa toàn bộ số dặm hoàn đổi đó trở thành một khoản chi phí và trừ cái khoản chi phí đó để tính lợi nhuận rồi. Do đó, khi chúng tôi áp dụng các chương trình sản phẩm mới thì không có gì khác biệt cả, không làm giảm lợi nhuận của VNA. Việc sử dụng dặm mua vé cũng không làm ảnh hưởng đến việc tích lũy điểm/dăm của hội viên trong quá trình xét hạng.

Giám đốc TTBSV Nguyễn Hữu Tùng trả lời câu hỏi của các phóng viên. (Ảnh: Vũ Tuấn).

Tiếp tục giới thiệu đến các phóng viên, Phó trưởng Ban DVHK Trịnh Anh Thắng chia sẻ về dịch vụ giải trí cho hành khách của VNA trên ứng dụng FPT Play. Với định hướng trở thành hãng hàng không 5 sao, VNA không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua việc cung cấp dịch vụ giải trí công nghệ cao cho hành khách mà ứng dụng FPT Play là một dịch vụ điển hình.

Phó trưởng Ban DVHK Trịnh Anh Thắng giới thiệu dịch vụ giải trí cho hành khách của VNA trên ứng dụng FPT Play. (Ảnh: Vũ Tuấn).

Phó trưởng Ban DVHK Trịnh Anh Thắng chia sẻ, FPT Play là ứng dụng truyền hình internet do công ty FPT Telecom, một thành viên thuộc tập đoàn công nghệ FPT phát triển. VNA và FPT Play thống nhất cung cấp dịch vụ giải trí cho các hành khách của VNA trên nền tảng ứng dụng FPT Play.

Với dịch vụ này, hành khách đã mua vé của VNA có thể xem trực tuyến (online) và tải chương trình ưa thích vào thiết bị cá nhân để xem ngoại tuyến (offline) khi không có kết nối internet. Số lượng chương trình tải về tùy thuộc dung lượng thiết bị của khách.

Dịch vụ áp dụng cho hành khách đã mua và xuất vé trên các chặng bay nội địa do VNA khai thác và sử dụng dịch vụ trong lãnh thổ Việt Nam. Thời gian sử dụng dịch vụ từ 24 tiếng trước giờ khởi hành của chuyến bay đến 06 tiếng sau giờ hạ cánh của chuyến bay.

Với dịch vụ này, các phóng viên đã đưa ra một số câu hỏi xung quanh các nội dung: “Nhiều chương trình giải trí trên mạng và internet, chương trình của VNA và FPT có gì hấp dẫn đặc biệt thu hút khách hàng hơn”.

Phóng viên Báo Tuổi trẻ đặt câu hỏi tại buổi gặp mặt. (Ảnh: Vũ Tuấn).

Giải đáp câu hỏi của phóng viên, Phó trưởng Ban Trịnh Anh Thắng và đại diện Ban DVHK cho biết, chương trình sẽ được cập nhật và biên tập hàng tháng với 1 đội ngũ riêng và có 1 số chương trình độc quyền dành riêng cho VNA, do đó, một số chương trình sẽ có sớm hơn so với 1 số kênh khác. Bên canh đó, dịch vụ này sẽ mạng lại trải nghiệm tốt hơn cho hàng khách khi đi trên các dòng tàu bay không có màn hình cá nhân hay hệ thống Wireless Streaming.

Một trong những thông tin quan trọng khác rất được khách hàng quan tâm đó là dịch vụ internet trên máy bay.

Theo Phó trưởng Ban CNTT Nguyễn Nam Tiến, dự kiến từ ngày 10/10 tới, VNA sẽ bắt đầu triển khai cung cấp dịch vụ internet trên máy bay phục vụ hành khách. VNA cũng là hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam cung cấp dịch vụ này. Trong thời gian đầu, dịch vụ sẽ được cung cấp trên 4 máy bay A350 đầu tiên của hãng có số đăng ký VN-A 886 đến VN-A 889. Hành khách có thể nhận diện chuyến bay có sử dụng wifi khi làm thủ tục check-in, lúc ra cửa lên máy bay qua những biểu tượng được dán ở quầy phục vụ, trên máy bay. Trong thời gian tới, VNA vẫn đang tiếp tục hoàn thiện dich vụ và triển khai lên hệ thống các nhận diện khác về chuyến bay có dịch vụ này.

Phó trưởng Ban CNTT Nguyễn Nam Tiến giới dịch vụ internet trên máy bay. (Ảnh: Vũ Tuấn).

Ngay sau khi trình bày về dịch internet, Phó trưởng Ban Nguyễn Nam Tiến đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ các phóng viên liên quan đến các vấn đề “Chi phí để sử dụng gói dịch vụ wifi trên máy bay? Dung lượng ra sao? Wifi được triển khai đồng loạt ở các khoang hay chỉ thương gia? Các tàu bay này sẽ được khai thác trên những đương bay nào…?”.

Phóng viên Báo Dân trí đặt câu hỏi tại buổi gặp mặt. (Ảnh: Vũ Tuấn).

Trả lời phóng viên, Phó trưởng Ban Nguyễn Nam Tiến cho biết: VNA chưa có giá cuối cùng cho dịch vụ này, tuy nhiên giá dự kiến sẽ tương ứng với các hãng hàng không khác. VNA sẽ cung cấp nhiều gói wifi đa dạng, có những gói dùng text không, có những gói dùng cho email, facebook, truy cập ứng dụng hoặc lướt web… mức giá dịch vụ internet trên máy bay có thể tương đương với giá dịch vụ chuyển vùng dữ liệu quốc tế (data roaming) ở nước ngoài. Trong thời gian đầu, dịch vụ này sẽ được triển khai trên đường bay HAN – SGN, và các đường bay quốc tế đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Đối với nội dung “Tại sao VNA chỉ mới triển khai trên 4 tàu bay A350?…” Trưởng Ban TTTH Lê Trường Giang cho biết: VNA đã cố gắng nỗ lực hết sức để xin phép các cấp để triển khai và trong tương lai gần sẽ triển khai trên toàn bộ đội bay thân rộng của hãng. 

alt textTrưởng Ban TTTH Lê Trường Giang trả lời câu hỏi của phóng viên. (Ảnh: Vũ Tuấn).

Buổi gặp mặt diễn ra với không khí cởi mở khi tất cả các câu hỏi của phóng viên về các sản phẩm, dịch vụ mới của VNA đã được giải đáp. Hy vọng rằng, với sự truyền tải thông tin một cách nhanh chóng, khách quan của các phóng viên báo chí đến độc giả, tất cả các sản phẩm, dịch vụ của VNA sẽ được đông đảo khách hàng biết tới và có những trải nghiệm trọn vẹn nhất trên những chuyến bay 4 sao.

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.