Không đơn giản chỉ là bay từ điểm A tới điểm B
Bạn có nghĩ rằng để đi từ TP.HCM tới San Francisco (Mỹ), chỉ cần máy bay lên độ cao 10.000m rồi cứ thế xuyên qua không trung, bay một đường thẳng tắp tới đích đến? Thực tế phức tạp hơn thế rất nhiều. Hãng hàng không sẽ phải lập kế hoạch tuyến đường bay thông qua việc xác định các yếu tố thời tiết, địa chính trị, mức phí đi qua không phận của quốc gia khác, các điểm dừng và thậm chí cả chiều dài đường băng. Quá trình này sẽ tạo nên bản đồ mạng bay cho hãng hàng không. Bản đồ này khi đưa lên nền tảng kỹ thuật số thì được gọi là bản đồ số hoá mạng bay (digital route map).
Trên bản đồ số hoá của Vietnam Airlines, mạng bay của Hãng được hiển thị trực quan bằng đồ họa máy tính, giúp hành khách có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin đa dạng hoá về đường bay mà Hãng khai thác. Đồng thời với các lựa chọn đường bay, lịch bay hiển thị ngay trên bản đồ, khách có thể lựa chọn để chuyển sang trang đặt chỗ mua vé của Vietnam Airlines và hoàn thành quá trình mua sắm của mình. Quay trở lại với ví dụ về đường bay TP.HCM – San Francisco, thông qua bản đồ số hoá mạng bay, hành khách sẽ biết được hành trình đó bay ra sao? Đi qua những điểm nào? Có bao nhiêu chuyến bay thẳng, bao nhiêu chuyến bay nối chuyến? Và nếu dừng thì hãng bay sẽ dừng ở đâu…? Các thông tin về địa chỉ văn phòng của Vietnam Airlines, vấn đề xuất/nhập cảnh… cũng sẽ được tích hợp lên bản đồ.
Để bản đồ số hoá mạng bay ra đời, Phòng Giải pháp Tiếp thị số – Ban Tiếp thị số của Vietnam Airlines đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu nhu cầu của hành khách trong chuỗi hành trình trải nghiệm với Hãng hàng không Quốc gia, đặc biệt tại giai đoạn tìm kiếm chuyến bay. Nhóm dự án Phòng Giải pháp Tiếp thị số cũng nghiên cứu sản phẩm của các hãng hàng không khác để nắm rõ các bước, các trải nghiệm người dùng. Kế đó, nhóm dự án tìm kiếm đối tác có khả năng sử dụng và tùy biến nền bản đồ Google làm cơ sở để xây dựng; phối hợp triển khai kết nối lấy dữ liệu để vẽ đường bay và hiển thị thông tin; triển khai tích hợp lên website và ứng dụng di động Vietnam Airlines.
Trong đó, điểm khó khăn nhất là phải tìm kiếm được nhà cung cấp bản đồ có đầy đủ địa danh địa giới chủ quyền của Việt Nam. Việc kết nối với hệ thống nhằm tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau để cung cấp cho khách hàng cũng là một thách thức khác.
Thực tế, Vietnam Airlines không phải là hãng hàng không đầu tiên thực hiện bản đồ mạng bay. Singapore Airlines, Emirates, Delta Air Lines, ANA, Korean Air, Japan Airlines… đều đã có sản phẩm này. Tuy nhiên, các hãng chỉ cung cấp dạng bản đồ tĩnh. Một số thì có bản đồ động nhưng chỉ cho phép người dùng tương tác qua các form mẫu có sẵn, chứ không trực quan như Vietnam Airlines.
Lịch sử của bản đồ mạng bay
Bản đồ mạng bay chính thức xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 1920, trong “buổi bình minh” của ngành hàng không thương mại. Thời điểm này, bản đồ ở dạng tĩnh, được sử dụng như một công cụ để tiếp thị cho hãng bay. Không hiển thị tỷ lệ hoặc chú thích, bản đồ mạng bay sẽ chỉ kết nối các sân bay, với các đường thẳng phóng đại được nối từ các sân bay thuộc điểm đầu của hành trình.
Mục đích của các bản đồ – được American Airlines đặt tên là Bản đồ đường đi trên không vào những năm 1930 – là làm cho đồ họa trở nên dễ hiểu, giúp hành khách theo dõi các điểm đến mới nhất, thu hút khách hàng và thậm chí là dùng làm quà lưu niệm.
Đến thời đại của máy bay phản lực, có nhiều thứ để kết nối hai điểm đến hơn là chỉ có tàu bay của hãng hàng không. Và chính trị là một trong số đó, yếu tố quan trọng khiến cho bản đồ mạng bay của các hãng hàng không phức tạp hơn xưa rất nhiều. Hàng không Đài Loan là một ví dụ điển hình.
Trước đây, để đi giữa Trung Quốc và Đài Loan, hành khách phải quá cảnh tại một sân bay khác, có thể là Hồng Kông hoặc Macao. Mặc dù khó có tài liệu chính thức, nhưng theo quy định, các hãng hàng không Đài Loan không thể sử dụng không phận Trung Quốc. Sau khi không còn là thành viên của Liên Hợp Quốc vào năm 1971, Đài Loan cũng không thể có bất kỳ khiếu nại gì đối với các hành động của hàng không Trung Hoa.
Sau này, hai bên đã thân thiện hơn thì có nhiều chuyến bay của Đài Loan trở về từ châu Âu được phép bay qua không phận phía Nam Trung Quốc. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khi mối quan hệ chính trị phức tạp này trở nên căng thẳng hơn thì vấn đề không phận đã khó khăn trở lại.
Như vậy, có thể thấy là hạn chế không phận tạm thời hay chiến tranh, địa chính trị, hoặc đại dịch, thậm chí là những chuyến thăm của các nhà lãnh đạo thế giới hay giải vô địch thể thao lớn cũng sẽ ảnh hưởng tới đường bay của một hãng bay. Và tất cả những điều này sẽ được cập nhật, hiển thị thay đổi trên bản đồ mạng bay của hãng hàng không.
Khi xây dựng nên bản đồ mạng bay số hoá, Vietnam Airlines mong muốn gia tăng trải nghiệm cho hành khách, đồng thời tới gần hơn với mục tiêu trở thành hãng hàng không số trong tương lai.